Vợ chồng xưa dù không bắt đầu bằng tình yêu nhưng vẫn có thể cùng nhau sống đến đầu bạc răng long. Vậy ông cha ta đã dùng cách gì để duy trì tốt mối quan hệ này?

Tiêu Ý Tân là người nước Liêu và là vợ của Gia Luật Nô. Cha cô là phò mã Đào Tô Oát, mẹ là công chúa Hô Đồ. Cô không chỉ có tướng mạo xinh đẹp mà còn là người rất hiểu biết lễ nghĩa. Cô được gả cho Gia Luật Nô lúc 20 tuổi và sống rất hòa thuận với người trong gia tộc. Cô rất coi trọng lễ nghĩa và có đức tính tốt đẹp của phụ nữ truyền thống thời xưa.

Một lần, lúc ngồi tán chuyện với các chị em dâu trong gia tộc, mọi người đang tranh luận về việc dùng cách thức gì mới được các đức ông chồng sủng ái. Tiêu Ý Tân nói: “Dùng mánh khóe không bằng dùng lễ phép”. Mọi người nghe thấy liền hỏi cô tại sao.

Ông cha ta đã dùng cách gì để duy trì tốt mối quan hệ vợ chồng? (Ảnh: shutterstock.com)

Tiêu Ý Tân nói: “Không ngừng tu dưỡng chính mình khiến bản thân ngày càng hoàn thiện hơn, ứng xử cẩn thận và đúng phép tắc. Đối với cha mẹ ông bà thì cung kính phụng dưỡng và hiếu thuận, đối với chồng thì ứng xử ôn nhu hòa thuận. Đối với con cháu thì khoan hồng độ lượng… Đây chính là lễ phép. Làm được điều này thì đương nhiên sẽ được chồng yêu mến và kính trọng. Nếu như dùng mánh khóe để hòng chiếm lấy sự sủng ái của chồng, làm vậy sao có thể không thấy hổ thẹn?” Sau khi nghe xong, mọi người đều cảm thấy rất xấu hổ.

Sau này, chồng cô bị vu oan và bị phạt đi đày nơi đất khách quê người. Bởi vì, Tiêu Ý Tân là con gái của công chúa nên Hoàng đế muốn cho cô được phép đoạn đứt hôn sự với Gia Luật Nô.

Biết được điều này, Tiêu Ý Tân nói với Hoàng đế: “Bệ hạ vì nghĩ đến tình thân thích mà muốn tránh nỗi khổ cho dân nữ, ân tình này thật là quá to lớn. Thế nhưng vợ chồng còn có nghĩa nặng tình thâm, có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu. Lúc còn trẻ dân nữ được gả cho Gia Luật Nô, hiện tại chồng gặp nguy nan liền lập tức ruồng bỏ. Làm vậy là vi phạm cương thường lễ giáo, có khác gì loài cầm thú. Hy vọng Bệ hạ thương tình để dân nữ được đi cùng Gia Luật Nô, có vậy, khi chết đi dân nữ không có gì phải ân hận.” Hoàng đế nghe xong thì vô cùng cảm động, liền đáp ứng yêu cầu của cô.

Đến nơi đi đày, Tiêu Ý Tân phải làm việc vất vả cả ngày nhưng cô không hề oán thán, hơn nữa còn đối đãi với chồng cung kính hơn nữa.

Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng. (Ảnh: Shutterstock)

Có câu: “Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”. Trong mối quan hệ chồng vợ không chỉ tồn tại ân nghĩa mà còn được ràng buộc bởi sợi dây duyên nợ. Có lẽ, do người xưa rất coi trọng nghĩa vợ chồng, coi trọng hôn nhân nên hai người không chỉ yêu thương mà còn kính trọng nhau như khách.

Bởi coi trọng nghĩa vợ chồng mà họ biết vì nửa kia mà suy nghĩ, hy sinh. Cũng bởi coi trọng hôn nhân mà họ không dễ dàng phạm lỗi trăng hoa đi tìm lạc thú bên ngoài. Họ ý thức được trách nhiệm của bản thân với hôn ước đã lập.

Vì luôn tương kính như tân mà vợ chồng chỉ nhìn thấy điểm tốt của đối phương và làm mờ đi những khuyết thiếu. Bởi đã coi là khách quý, họ sẽ đem tất cả những gì tốt đẹp nhất trong nhà ra đối đãi. Một khi đối đãi với nhau như khách quý, họ sẽ luôn giữ được sự tôn trọng lẫn nhau, tế nhị với nhau trong lời ăn tiếng nói, lắng nghe để đáp ứng nhu cầu của nhau. Có như vậy, mối quan hệ vợ chồng sẽ không chỉ dừng lại ở “cơm áo gạo tiền” mà còn là sự kết nối về tinh thần. Hơn nữa, từ thời khắc được công nhận là vợ chồng, hai người đã nguyện lòng ở bên nhau đồng cam cộng khổ, tôn trọng nhau cho đến bạc đầu.

Cổ nhân dạy rằng, vợ chồng gắn bó suốt đời, tương kính như tân, đồng cam cộng khổ. (Ảnh: Shutterstock)

Cổ nhân dạy rằng, vợ chồng gắn bó suốt đời, tương kính như tân, đồng cam cộng khổ… Những lời này đã trở thành những chuẩn tắc ứng xử giữa vợ chồng duy trì qua hàng ngàn năm, tuy nhiên ngày nay nó lại biến thành những từ ngữ lời hay ý đẹp.

Cung kính, trọng đạo nghĩa, biết cảm ơn, là cách mà các cặp vợ chồng thời xưa sống hòa hợp với nhau. Đây cũng là điều mà các vợ chồng thời hiện đại nên xem trọng và học hỏi.

Theo dkn.tv