Trong văn hoá truyền thống phương Đông, luân hồi chuyển kiếp là một khái niệm phổ biến. Đạo Phật có ghi chép và lưu truyền rất nhiều câu chuyện về luân hồi, cảnh tỉnh con người về nguyên lý Thiện ác hữu báo. Vậy còn ở phương Tây thì sao?

Từ thời xa xưa ở Âu Châu, triết học và tôn giáo đều có khái niệm về linh hồn bất diệt và thế giới luân hồi.

Luân hồi trong triết học phương Tây

Pi-ta-go (Pythagoras) là một triết gia, nhà toán học nổi tiếng của Hy Lạp với Định lý Pi-ta-go. Ông từng nói: “Linh hồn là một thứ bất tử, nó có thể biến thành các sinh vật khác; ngoài ra, bất kỳ sự vật nào cũng tái sinh tuần hoàn ở một dạng nào đó, không có một thứ gì là mới tuyệt đối cả”.

Tương truyền, nguyên nhân khiến Pi-ta-go kiên định với thuyết luân hồi là vì ông có ký ức về 4 kiếp. Kiếp đầu tiên, ông là con trai của Thần Hermes, tên là Aethalides. Hermes cho phép ông chọn bất kỳ khả năng nào ông thích ngoại trừ sự bất tử, vì vậy ông đã xin được giữ lại ký ức về trải nghiệm của mình cả trước và sau khi chết.

Kiếp thứ hai, ông đầu thai thành một người anh hùng, tên là Euphorbus. Ông bị thương bởi Menelaus khi tham gia cuộc chiến thành Troia. Trong kiếp này, ông vẫn có được một số khả năng của các vị Thần. Linh hồn ông có thể tự do ra vào thiên đàng và địa ngục, và còn có thể nhập vào cây cối, động vật.

Kiếp thứ ba, ông đầu thai thành một người bình thường với tên gọi là Hermotimus. Ông cũng có nhớ một chút về bản thân ở kiếp trước, nhưng ông không dám chắc. Vì thế, ông đã đến Đền thờ Apollo, nơi ông nhận ra chiếc khiên mà Menelaus đã hy sinh cho Apollo trên đường trở về từ thành Troia. Với chiếc khiên này, ông đã khôi phục hoàn toàn trí nhớ của mình.

Ở kiếp thứ tư, ông là một người đánh cá thấp hèn có tên là Pyrros, người chỉ có thể kiếm sống bằng chính sức lao động của mình. Sau khi chết, ông được tái sinh thành Pi-ta-go.

Tranh minh hoạ cảnh triết gia Pi-ta-go đang giảng bài (ảnh: Wikimedia Commons).

Plato, một triết gia khác của Hy Lạp cổ đại, cũng có quan điểm luân hồi chuyển kiếp. Ông chỉ rõ rằng mọi người sẽ đầu thai vào một cơ thể khác tùy theo những hành vi mà họ đã làm. Ví như “những người không tự đấu tranh với bản thân mà để hình thành tính tham ăn, ích kỷ và nghiện rượu, thì khi đầu thai sẽ có thể thành lừa hoặc những con vật thấp hèn khác”; “những người tự cho phép mình được sống một cuộc sống vô trách nhiệm, coi trời bằng vung, thường xuyên dùng bạo lực, sau sẽ trở thành sói, đại bàng, diều hâu”; “còn những con người tốt, công dân tốt… thì sẽ được tái sinh ở một cuộc sống có xã hội, trong một môi trường sống có kỷ luật và thậm chí có thể được tái sinh làm người”.

Theo Plato, “nếu một linh hồn trong sáng không thể theo Chúa, không được nhìn thấy chân lý, mà chỉ gặp phải bất hạnh, bị kéo xuống bởi sự lãng quên và tội lỗi, và rơi xuống đất do gánh nặng làm hỏng đôi cánh của nó, thì người đó sẽ bị quay vòng nhiều lần trong kiếp trầm luân này”. Plato nói rằng, nếu mọi người dành quá nhiều thời gian cho giải trí thì họ sẽ mất đi sự minh mẫn và họ sẽ bị ở vòng luân hồi giữa sự sống và cái chết để thỏa mãn ham muốn của mình.

Luân hồi trong tôn giáo phương Tây

Cơ Đốc giáo là tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đến nền văn minh phương Tây, cũng có những ghi chép về sự tái sinh. Trong các ghi chép của nhà sử học Do Thái Flavius Josephus vào thế kỷ thứ nhất, ở thời điểm đó, trong ba giáo phái chính của đạo Do Thái, ngoại trừ Sadducee, còn hai nhóm Ursian và Pharisees đều tin vào tái sinh.

Origen, người cha của Cơ Đốc giáo trong thế kỷ thứ hai cũng tin rằng, linh hồn sẽ tái sinh thành gì tùy thuộc vào việc kiếp trước bạn sống thiện hay sống ác, và việc này sẽ tiếp tục luân chuyển sang các kiếp sau. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều tới các đạo giáo chính thống sau này.

Trong Tân Ước Matthew, khi Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ về mối quan hệ giữa John the Baptist và tiên tri Elijah, ông đã chỉ ra rằng, John the Baptist là tái sinh của Elijah. Các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: “Tại sao các kinh sư nói rằng Ê-li phải đến trước?”. Chúa Giêsu trả lời: “Quả nhiên Ê-li là người đến trước và đã khôi phục lại mọi thứ”. “Chỉ là ta muốn nói với tất cả các ngươi, Ê-li đã đến rồi, nhưng con người không biết đến anh ta, mà đối xử với anh ta một cách tùy tiện. Con người rồi cũng sẽ bị đối xử theo cách như vậy”.

Trước khi chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Phúc Âm, John the Baptist đã kêu gọi người Do Thái ở nơi hoang dã đi rửa tội ở sông Jordan. Là người đi đầu của đạo Cơ Đốc, ông dự báo rằng, Chúa sẽ cử người quan trọng xuống trần gian, người này còn quan trọng gấp ông hàng trăm nghìn lần, ông đã đặt nền móng cho Giêsu xuống hành đạo. John the Baptist đã bị bức hại vì chỉ ra tội lỗi của nhà vua Do Thái thời đó.

Hầu hết các ghi chép về luân hồi trong Kinh Thánh đã bị Hoàng đế Đông La Mã Justinian I xóa bỏ vào thế kỷ thứ sáu. Dù vậy, mọi người vẫn có thể tìm thấy một số dấu vết liên quan tới luân hồi.

Quỳnh Chi
Theo Secret China

Đăng theo dkn.tv