Truyền kỳ Đinh Bộ Lĩnh: Rồng vàng hộ vệ mệnh đế vương, thuận Thiên hành sự cõi nhân gian

Truyền kỳ Đinh Bộ Lĩnh: Rồng vàng hộ vệ mệnh đế vương, thuận Thiên hành sự cõi nhân gian

Truyền kỳ Đinh Bộ Lĩnh: Rồng vàng hộ vệ mệnh đế vương, thuận Thiên hành sự cõi nhân gian

Truyền kỳ Đinh Bộ Lĩnh: Rồng vàng hộ vệ mệnh đế vương, thuận Thiên hành sự cõi nhân gian

Truyền kỳ Đinh Bộ Lĩnh: Rồng vàng hộ vệ mệnh đế vương, thuận Thiên hành sự cõi nhân gian
Truyền kỳ Đinh Bộ Lĩnh: Rồng vàng hộ vệ mệnh đế vương, thuận Thiên hành sự cõi nhân gian
Thứ bảy, 28-12-2024 14:36, (GMT+07:00)
Truyền kỳ Đinh Bộ Lĩnh: Rồng vàng hộ vệ mệnh đế vương, thuận Thiên hành sự cõi nhân gian
11-03-2022 15:11

Cõi nhân sinh như mộng thoảng, quá khứ đẹp đẽ tráng lệ thuở nào. Người xưa quay trở về, nhìn lại đã nghìn năm trôi qua…

Kinh thành đất Việt ngày xưa ấy, núi rừng trùng điệp, non nước đẹp như thơ, hai vị hoàng đế nhà Đinh-Lê trong những chiếc áo bào uy nghi lộng lẫy ra trận, hoàng hậu ghim cài gương soi, những vị quan văn quan võ chính trực thành tín, công chúa thanh tao hiền thục, những thiên tình sử triều đình bi thương mà khí phách, những trung thần oai hùng tuẫn tiết theo vua, họ trở về như bức tranh đối lập với con người hiện đại vội vã mệt mỏi trong guồng quay bận rộn của cuộc sống và những lo toan cá nhân dường như bất tận…

Lòng bỗng chùng xuống, dịu lại, êm ả bước vào bức tranh cổ tích…

Là con người hiện đại của thời nay, trong cuộc sống hối hả này, khi dừng lại trong một khoảng tĩnh lặng, chợt thấy rằng những vẻ đẹp Trung – Hiếu – Nghĩa ấy là vẻ đẹp lẫm liệt và vĩnh cửu.

Mời quý độc giả lên xe bước vào hành trình ngược về quá khứ, tìm lại năm tháng huy hoàng thuở nào…

Kinh thành đất Việt ngày xưa ấy, núi rừng trùng điệp, non nước đẹp như thơ

Đinh Bộ Lĩnh: Chân mệnh đế vương, thống nhất giang sơn, xưng đế dựng lập kinh đô Hoa Lư nước Đại Cồ Việt – vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “sơn thanh thủy tú”

Triều Đinh Lê thế kỷ 10 gắn với giai đoạn lịch sử đặc biệt của Việt Nam, giai đoạn của kỷ nguyên độc lập, tự chủ và phục hưng dân tộc sau 1000 năm Bắc thuộc.

Thành tựu của thế kỷ này là sự thành lập và củng cố chính quyền độc lập từ nền móng ban đầu của chính quyền họ Khúc, họ Dương đến vương triều Ngô, Đinh, tiền Lê; trong đó nhân vật lịch sử Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn đã ghi dấu những mốc son chói lọi. Đinh Bộ Lĩnh, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, trở thành vị Hoàng đế khai sáng đầu tiên của nước Đại Cồ Việt độc lập sau một ngàn năm phương Bắc đô hộ. 

1. Chân mệnh đế vương từ thuở lọt lòng

Đinh Bộ Lĩnh là con của ông Đinh Công Trứ, quê ở làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng tức thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ngày nay; và bà Đàm Thị. Ông Đinh Công Trứ vào Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay) tham gia cuộc khởi nghĩa của Dương Đình Nghệ, được phong làm thứ sử Châu Hoan (nay là Nghệ An). Đến thời Ngô Quyền (con rể của Dương Đình Nghệ), ông Đinh Công Trứ vẫn được làm thứ sử Châu Hoan.

Sách sử chép lại rằng, Đinh Bộ Lĩnh sinh ra trong khoảnh khắc: “Hôm ấy trời đang nắng chang chang, bỗng sấm chớp nổi lên ầm ầm, mây đen vần vũ”. Khi bà Đàm Thị khai hoa nở nhụy, những nguời vào động lễ sơn thần thấy trên các cây sen núi, lá nào cũng có vệt sên bò thành chữ “Thiên tử” (con của Trời).

Sau khi ông Đinh Công Trứ mất, bà Đàm Thị đưa Đinh Bộ Lĩnh về quê ở động Hoa Lư, sống nương nhờ vào người chú của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Thúc Dự.

Từ nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh đã có biệt tài về bơi lội. Dòng sông chảy qua làng rất lớn, rất sâu và xiết, chỉ có Đinh Bộ Lĩnh mới bơi ra được giữa dòng, lặn sâu xuống bắt được cá. Ai muốn ba ba to chừng nào chỉ cần lấy tay vẽ lên cát, đứng chờ một lát Lĩnh sẽ bắt lên đúng như hình vẽ này. Chính tài lạ này khiến cho dân làng càng tin Lĩnh là con của Thần, bởi vì người thường thì làm sao có thể bơi lặn giỏi như thế.

Không chỉ có tài về bơi lặn, Đinh Bộ Lĩnh còn là một tài năng quân sự ngay từ thuở chăn trâu cắt cỏ. Dưới bóng cờ lau, ông và các bạn thân cùng trang lứa ở Sách Bông như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ đã thao tập, luyện rèn, tập đánh trận giả.

Thấy Đinh Bộ Lĩnh có nhiều tài lạ, các “huynh đệ” chăn trâu tôn làm “vua”, khoanh tay giả làm ngai vàng để rước theo lễ, lấy hoa lau làm cờ cho quân mang phía trước và có các “quan” đi rước ở hai bên, giống như nghi thức rước thiên tử của triều đình. Đội quân trẻ trâu của Đinh Bộ Lĩnh thường “chiến đấu” với đám trẻ trâu ở những làng khác, tiến thoái có quy củ và đánh đâu… thắng đó làm cho “quân địch” vừa sợ vừa phục, khiến Đinh Bộ Lĩnh được tôn vinh “Vạn Thắng Vương”.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:

Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự hiểu kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn ông làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi, thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho bọn chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: “Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, Chúng ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn”.

Cờ lau tập trận ở Thung Lau
Mưu lược tài cao thưở ban đầu
Lũ trẻ công kênh làm minh chúa
Ai biết làm vua kẻ chăn trâu

Hoa Lư địa lợi với nhân hòa
Hai đường thủy bộ dễ vào ra
Núi non trùng điệp thành chiến lũy
Sứ quân yên loạn cõi sơn hà

Lên ngôi đế hiệu Đinh Tiên Hoàng
Đất nước an hòa cả giang san
Sánh ngang Hoàng đế vua đất Bắc
Chủ quyền dân tộc được an bang.

(Vua Đinh Tiên Hoàng)

2. Được Rồng-Thần bảo hộ từ tấm bé

Khi nhắc đến cuộc đời của Đinh Bộ Lĩnh, người ta thường không thể không nhắc đến hình ảnh rồng vàng.

Những gì người dân chứng kiến được ghi chép lại và truyền sang các đời sau. Lâu dần người đời gọi đó là truyền thuyết.

Sự tích có ghi lại, thuở còn chơi trò cờ lau tập trận, sau khi được khiêng kiệu, Đinh Bộ Lĩnh đã dám giết trâu của chú để khao quân. Bị chú cầm gươm lăm lăm đuổi, những tưởng là ông không thoát khỏi cái chết. Thế nhưng ngay sau lời gọi: “Rồng ơi rồng, chở ta qua sông, cứu ta với” thì một con rồng vàng lớn hiện ra, hụp đầu ba lạy như vái, như chào mời rồi ghé sát lưng đón Bộ Lĩnh qua sông. Người chú đang vung gươm thấy vậy sợ hãi, biết cháu mình có chân mệnh đế vương, nên vội quỳ lạy và cắm gươm xuống. Hiện nay còn lưu lại dấu tích núi Cắm Gươm (còn gọi là núi Vân Sơn).

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép lại sự kiện này như sau: “Người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng (hoàng long) hộ vệ vua”:

Vân Sơn bao bọc đền Đinh Lê
Phù điêu thủy mạc đón người về
Trông xa núi báu gươm còn đó
Hoàng Long uốn lượn giữa Sào Khê
(Vân Sơn)

Rồng vàng không chỉ giúp Bộ Lĩnh thoát khỏi lửa hận của ông chú mà còn chỉ ra những bước đầu tiên để tạo dựng được cơ đồ đế vương: “Trời còn thử thách đại vương dăm ba năm nữa. Cuộc đời, sự nghiệp của đại vương phải trải qua một vòng tròn khép kín: từ rừng ra bể rồi lại về rừng” (Đinh Bộ Lĩnh cưỡi rồng về Cửa Bố).

Ở nơi Hoa Lư, con sông mà Đinh Bộ Lĩnh được rồng vàng hộ mệnh chở bay qua có tên Hoàng Long, còn núi Bái Đính như một con long mã tung bờm lao về phía Bắc ở thế thượng phong: 

Hoa Lư kinh thành của đế vương
Mây bay phủ núi lũy biên cương
Hoàng Long dậy sóng ngàn năm ngủ
Long mã truy phong thượng đạo cường 

Thiên tôn sư tử phục hướng đông
Văng vẳng trời nam sáo mục đồng
Cờ lau thuở ấy còn soi bóng
Rồng vàng lượn sóng giữa thinh không

(Thành cổ)

3. Dẹp loạn 12 sứ quân và những lần báo mộng về thiên mệnh với thế gian

Loạn 12 sứ quân (sứ quân có nghĩa là “Vua cai trị”) là một giai đoạn loạn lạc của lịch sử Việt Nam, xen giữa nhà Ngô và nhà Đinh. Giai đoạn này phát triển mạnh từ khi Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, các nơi không chịu thuần phục, các thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng và đem quân đánh chiếm lẫn nhau. Loạn 12 sứ quân kéo dài hơn 20 năm (944-968) và kết thúc khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt – nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi về sự kiện này: “Nam Tấn Vương mất, các hùng trưởng đua nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ.”

Nhà sử học Ngô Sĩ Liên nhận xét:

Vận trời đất, bĩ rồi ắt thái, Bắc Nam đều cùng một lẽ ấy. Thời Ngũ đại bên Bắc triều Trung Quốc suy loạn rồi Tống Thái Tổ nổi lên. Ở Nam triều nước ta, 12 sứ quân phân chia quấy nhiễu, rồi Đinh Tiên Hoàng nổi lên. Không phải là ngẫu nhiên mà do vận trời vậy.

Sách Việt Giám Thông Khảo tổng luận ca ngợi: “Vua bình được 12 sứ quân, trời cho người theo, thống nhất bờ cõi,… sáng chế triều nghi, định lập quân đội, vua chính thống của nước Việt ta, thực bắt đầu từ đấy, kể về mặt dẹp giặc phá địch thì công to lắm.”

Từ “căn cứ địa Hoa Lư” này, với “tài năng, thông minh hơn người, dũng lược nhất đời” (theo mô tả của Đại Việt sử ký toàn thư), Đinh Bộ Lĩnh lần lượt khéo léo dùng mưu lược, kế sách để thu phục, hàng phục hoặc xuất quân tấn công tiêu diệt, dẹp xong “loạn sứ quân” vào năm 967.

Các giấc mộng báo về thiên mệnh thống nhất giang sơn của ông xuất hiện không chỉ một lần, như mộng báo cho sứ quân Trần Minh Công biết sự xuất hiện của nhân vật tài năng là Đinh Bộ Lĩnh, báo cho sứ quân Phạm Bạch Hổ biết nên quy thuận vua Đinh vì Đinh Bộ Lĩnh chính là tướng tài đã được trao thiên mệnh. Hoặc có khi đó lại là những giấc mộng báo các vị tướng tài sẽ trợ giúp cho Đinh Bộ Lĩnh lập nên nghiệp lớn như: Ba vị tướng tài ở Thạch Khê, ba vị tướng quân ở Lộng Đình – Kinh Bắc…

Dũng lược tài ba khắp thiên hạ
Sứ quân lần lượt quy phục hàng
Đế nghiệp từ đây soi bóng cả
Bộ Lĩnh cờ lau Đinh Tiên Hoàng

(Quân thành)

4. Xưng đế, lập kinh đô Hoa Lư, thuận theo Thiên Ý

Trước khi đi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh vào động Thiên lập Kính Thiên Đài cầu thắng giặc:

Thiên Tôn nằm chân núi Dũng Đương
Trấn vũ Hoa Lư đại điện đường
Vua Đinh ứng nghiệm lời cầu nguyện
Tiền tế Kính Thiên đài dâng hương 

Oai nghiêm thần đứng tại Long Đình
Rồng chầu một cặp tỏa khí linh
Ngàn năm trấn giữ đất anh kiệt
Trời Nam một dải đất thanh bình.

(Chùa Thiên Tôn)

Cố đô Hoa Lư – ngàn năm trấn giữ đất anh kiệt – Trời Nam một dải đất thanh bình.

Năm 968, sau khi bình định 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, xưng là “Đại Thắng Minh hoàng đế” chọn Hoa Lư làm kinh đô, cho xây cung điện, sắp đặt trăm quan, chế triều nghi, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Hoa Lư trở thành kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền của Việt Nam. Nơi đây gắn liền với ba triều đại: Đinh, Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý – tính từ vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) đến thời vua Lý Thái Tông.

Hai năm sau khi tôn xưng “Hoàng Đế”, Đinh Tiên Hoàng bỏ niên hiệu của các hoàng đế phong kiến phương Bắc, tự đặt niên hiệu riêng là “Thái Bình” và cho đúc đồng tiền đầu tiên có tên “Thái Bình hưng bảo”. Như vậy, tuy chỉ là vị “đế” thứ ba (sau Lý Nam Đế và Mai Hắc Đế) song Đinh Tiên Hoàng lại là người đầu tiên xưng “Hoàng Đế” xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của nước ta được triều đình phương Bắc công nhận.

Trong bộ quốc sử uy tín “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhà sử học Lê Văn Hưu cũng viết về “thiên ý” này:

Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý Trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống.

5. Sấm truyền về số mệnh 12 năm tại vị của Đinh Tiên Hoàng và sự chuyển tiếp triều Lê

Đinh Tiên Hoàng ở ngôi 12 năm (từ đầu năm 968 đến cuối năm 979), đến tháng 10 năm Kỷ Mão (979) bị kẻ bề tôi phản nghịch là Đỗ Thích thích sát, thọ 55 tuổi, con trai ông là Đinh Liễn cũng bị hại cùng vua cha.

Theo sách sử chép lại, Đỗ Thích giết vua là để cướp ngôi. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết như sau: “Trước đó Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết.”

Theo ghi chép sử sách thì số mệnh Hoàng đế đã được dự báo trước nhiều lần: Viên ngọc khuyết góc sáng dưới đáy sông và lời tiên tri của nhà sư trụ trì chùa Giao Thủy.

Trong Đại Việt sử ký tiền biên chép: “Khi vua còn hàn vi, thường đánh cá ở sông Giao Thủy, kéo lưới được viên ngọc khuê to nhưng va vào mũi thuyền, sứt mất một góc. Đêm ấy vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thuỷ, giấu ngọc ở dưới đáy giỏ cá, đợi sáng ra chợ bán cá. Bấy giờ vua đang ngủ say, trong giỏ có ánh sáng lạ, nhà sư chùa ấy gọi dậy hỏi duyên cớ, vua nói thực và lấy ngọc khuê cho xem. Sư than rằng: “Anh ngày sau phú quý không thể nói hết, chỉ tiếc phúc không được dài.”

Duyên gặp gỡ giữa Đinh Bộ Lĩnh với sư trụ trì chùa Giao Thuỷ (chùa Cổ Lễ, Nam Định nay) được Thiên Nam ngữ lục khái lược rõ hơn. Theo đó, khi Đinh Bộ Lĩnh ngược xuôi theo sông đánh cá mưu sinh, bởi có duyên tiền định nên được biết tới ánh hào quang phát dưới sông đã mười hai năm. Sau này, như có mệnh báo trước, nghiệp đế của ông cũng kéo dài 12 năm thì dứt chốn hồng trần.

Mệnh trời đã định nẻo xưa,
Ngọc khuê dành để đợi chờ đế vương. 
Thường thường có khí hào quang,
Đêm đêm sáng dậy bên giang trùng trùng. 
Bộ Lĩnh hỏi chúng ngư ông, 
“Ấy gì mà sáng dưới sông đấy rầy?”

Chúng ngư bèn bảo rằng bây:
Sáng ở sông này đã mười hai năm.

12 năm ngọc nằm dưới đáy sông không ai biết mà lấy được. Vậy mà đến Đinh Bộ Lĩnh, ông tìm được viên ngọc quý ấy.

Như Việt sử diễn âm đời Mạc viết:

Được một báu vàng đem lên,
Đánh phải đầu thuyền khuyết một góc đi.

Chính vì ngọc quý “khuyết một góc” đã trở thành điềm trời định dành cho hậu vận của vị vua tương lai. Sư trụ trì của chùa vốn trước kia làm đạo sĩ tinh thông tướng số, biết nhìn người. Đêm ấy, viên ngọc quý nằm trong giỏ cá “Bỗng sao sáng khắp hòa chiền”. Câu chuyện về viên ngọc mỗi lúc lại một tỏ:

Sáng ngày thầy hỏi trước sau,
Ngọc khuê nghĩ mới đem hầu thầy coi.
Nhìn đi nhìn lại một thôi,
Giờ lâu thầy mới mở lời nói ra.
“Con ta phúc đức thay là,
Ngày sau làm chúa quốc gia trị đời.
Nghĩ hiềm phúc hậu chẳng dài,
Vắn dài có số tượng trời đã chia.

6. Câu sấm động nhân gian: Mưu sự tại nhân, hành sự tại Thiên  

Lên ngôi cao trong thiên hạ, đến năm Giáp Tuất (974) đời vua Đinh Tiên Hoàng, tức là 5 năm trước khi xảy ra vụ mưu sát của kẻ phản nghịch, trong dân gian đã có xuất hiện bài sấm, báo trước việc có một người tên Đỗ Thích sau này sẽ sát hại vua và sự nối ngôi của triều Lê:

Đỗ Thích thí Đinh Đinh,
Lê gia xuất thánh minh,
Cạnh đầu đa hoành nhi,
Đạo lộ tuyệt nhân hành,
Thập nhị xưng đại vương,
Thập ác vô nhất liệt,
Thập bát tử đăng tiên,
Kế đô nhập nhị thiên.

Dù câu sấm được cho là xuất hiện ngay trong thời trị vì của Đinh Tiên Hoàng, lại chỉ rõ cả tên kẻ phản nghịch là Đỗ Thích, dù hậu vận đã được dự báo từ thuở hàn vi, nhưng vua Đinh vẫn không có biện pháp gì để phòng ngừa. Điều đó có lẽ để cho hậu thế hiểu rằng, số trời đã định ắt khó tránh.

Tháng 11 năm Kỷ Mão (979), đêm ấy vua Đinh Tiên Hoàng ngự tiệc ở điện với quần thần, uống rượu say, nằm ngủ luôn tại bậc thềm của sân điện. Phúc Hầu Hoằng là Đỗ Thích đã có dã tâm từ trước, ra tay giết vua và giết luôn cả Nam Việt Vương Đinh Liễn.

***

Các bài thơ được sử dụng trong bài viết được trích dẫn từ tập thơ Hoa Lư Thi Tập, tác giả Hoàng Quang Thuận.

“Tìm lại huy hoàng” là loạt bài nhiều kỳ do chuyên mục Văn Hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên biên soạn, nhằm khôi phục dấu ấn nền văn hóa truyền thống đất Việt qua những câu chuyện lịch sử mang màu sắc“huyền sử”, hy vọng đem tới cho độc giả một cái nhìn mới về những nhân vật lịch sử và văn hóa truyền thống nước nhà. 

Hà Phương Linh

Đăng theo ĐKN

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP