Trải nghiệm cận tử là gì? Tại sao nó luôn có sức hấp dẫn chúng ta?

Trải nghiệm cận tử là gì? Tại sao nó luôn có sức hấp dẫn chúng ta?

Trải nghiệm cận tử là gì? Tại sao nó luôn có sức hấp dẫn chúng ta?

Trải nghiệm cận tử là gì? Tại sao nó luôn có sức hấp dẫn chúng ta?

Trải nghiệm cận tử là gì? Tại sao nó luôn có sức hấp dẫn chúng ta?
Trải nghiệm cận tử là gì? Tại sao nó luôn có sức hấp dẫn chúng ta?
Thứ hai, 30-12-2024 01:34, (GMT+07:00)
Trải nghiệm cận tử là gì? Tại sao nó luôn có sức hấp dẫn chúng ta?
16-03-2021 13:44

Nhà tâm lý học Bruce Greyson đã dành hàng thập kỷ trò chuyện với những người đã từng có trải nghiệm cận tử. Công trình nghiên cứu của ông nhằm trả lời cho câu hỏi: Điều gì xảy ra khi chúng ta chết, và chúng ta nên sống thế nào cho đừng lãng phí từng phút giây?

Trải nghiệm cận tử (NDEs)

Năm Gregg Nome 24 tuổi, anh vô ý trượt chân ngã vào một xoáy nước và bị đuối. Cơ thể anh lún dần vào nền cát dưới thác nước. Những gì anh nhìn thấy vào khoảnh khắc sinh tử ấy làm anh vô cùng ngạc nhiên. Bất chợt, anh cảm thấy tâm trí ngập tràn những hình ảnh và hương sắc tuổi thơ vô cùng chân thực và sinh động. Những sự kiện tưởng chừng đã quên lãng đột nhiên sống dậy trở lại rõ nét. Hóa ra, những ký ức ấy chưa hề mất đi, mà chỉ lẩn quất góc nào đó trong tiềm thức. Chúng ùa về rất nhanh, chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, như cơn sóng cuộn trào. Nhưng anh kịp thấy rất rõ từng sự kiện đó, mặc dù vẫn ý thức được toàn bộ những gì đang diễn ra đối với bản thân ở thực tại như áp lực của nước hay nền cát.

Sau này nhớ lại, anh phải thừa nhận khả năng nghe nhìn của mình lúc ấy đặc biệt hơn bao giờ hết. Mặc dù bị mắc kẹt dưới làn nước, anh lại cảm thấy vô cùng an tịnh và bình yên. Vào lúc ấy, anh chợt thấy mình có thể hoàn toàn hiểu được thế giới, hiểu được ý nghĩa chân thực của vũ trụ. Rồi những hình ảnh trở nên nhạt nhòa. Tiếp theo chỉ còn bóng tối, một cảm giác giống như khoảng bình yên trước cơn bão.

4 năm sau, Nome kể lại trải nghiệm này khi tham gia một nhóm trợ giúp ở Connecticut vào năm 1985. Anh đã sống sót, nhưng giờ anh mong muốn hiểu vì sao trong khoảnh khắc đầy hoảng hốt đó, trí óc anh lại hành xử như vậy. Buổi gặp mặt do Bruce Greyson, giáo sư tâm lý trường đại học Virginia tổ chức (một số người tham gia buổi gặp mặt nhờ đọc được quảng cáo Bruce đăng trên một trang báo địa phương). Khi Nome phát biểu, ông Greyson ngồi đó giữa khoảng hơn 30 người tham gia, chăm chú lắng nghe, và liên tục gật đầu chia sẻ.

Nhà tâm lý học Greyson đã nghe kể về những trải nghiệm cận tử thế này trong vòng nhiều năm. Thời trẻ, khi đang học tâm lý, trong khóa thực tập kéo dài một tháng của mình, ông đã gặp một bệnh nhân kì lạ. Người bệnh nhân này tuyên bố linh hồn ông đã rời khỏi thân thể khi đang hôn mê bất tỉnh trên giường bệnh. Người này sau đó có thể mô tả một cách chính xác những sự kiện đã diễn ra ‘’trong một căn phòng khác” cùng bệnh viện. Lúc ấy, điều này đối với ông vô cùng vô lý và ngớ ngẩn.

Greyson được nuôi dạy trong một môi trường khoa học. Cha ông là một nhà hóa học. Trong quá trình trưởng thành, đối với ông, toàn bộ ngoài kia là thế giới vật chất vô cùng thực tại. Nên đối với trường hợp của người bệnh nhân này, ông cho rằng ai đó vào lúc người này hôn mê, đã kể cho anh ta nghe những thông tin ấy. Ông còn nghĩ “Cái quái gì nhỉ, rời khỏi thân thể ư?”.

Trong nhiều năm, ông đã cố gắng bỏ qua vấn đề này, nhưng vì một nhân duyên nào đó, ông cứ liên tục được nghe thấy các câu chuyện của những người đã trải nghiệm tới thế giới bên kia, khi về mặt lâm sàng họ được cho là những người đã qua đời, hoặc hấp hối, trước khi tự nhiên hồi sinh trở lại.

Trong cuốn sách bán chạy xuất bản năm 1975, có tên là Life After Life (Sự sống kế tiếp Sự sống), nhà tâm lý học Raymond Moody, từng là đồng nghiệp của Greyson, đã đặt tên cho những câu chuyện thế này là “trải nghiệm cận tử”, hay gọi tắt là NDEs.

Nhà tâm lý học Greyson nói lần đầu tiên ông nhận ra đây không phải là câu chuyện đặc thù của riêng một bệnh nhân, mà nó là một hiện tượng khá phổ biến. Ông dần bị thu hút bởi tính chất của những câu chuyện, và những vấn đề nó đặt ra, bao gồm câu hỏi khiến cả nhân loại day dứt: Điều gì thực sự xảy ra khi chúng ta lìa đời? Ông chia sẻ: “Tôi lao vào nghiên cứu vấn đề này, và giờ đây sau 50 năm, vẫn đang cố gắng tìm hiểu nó”.

Khảo sát Grey Scale về các trải nghiệm cận tử

Năm nay Greyson đã 74 tuổi. Cuộc nói chuyện này diễn ra ở nhà riêng của ông ở Charlottesville, Virginia. Ông ngồi đó mặc chiếc áo sơ mi thẳng thớm, cà vạt ép thẳng, tốt bụng và niềm nở, trong đại dịch. Qua nhiều năm, ông đã thu thập hàng trăm câu chuyện về trải nghiệm cận tử. Những người tình nguyện kể cho ông trải nghiệm của mình là những người biết về nghiên cứu của ông, hoặc là những bệnh nhân đã có những trải nghiệm này trong bệnh viện.

Quy trình chia sẻ của Greyson đối với những trường hợp này diễn ra khá tương tự. Đầu tiên, ông sẽ đến ngồi xuống bên cạnh giường họ, nhẹ nhàng lắng nghe họ tâm sự. Tiếp theo, ông sẽ hỏi họ 3 câu:

1- Điều cuối cùng bạn nhớ được trước khi bất tỉnh là gì?
2- Điều tiếp theo bạn nhớ được là gì?
3- Bạn nhớ được gì vào khoảng giữa đó?

Không phải tất cả đều có thể trả lời rõ ràng. Đa phần mọi người sẽ nhìn ông với ánh mắt vô hồn. Nhưng cứ năm người thì có một người sẽ trả lời, kiểu như: ‘’Ông biết đấy, tôi nghĩ tôi đã nhìn thấy bố mình, người đã qua đời cách đây 20 năm’’. Và nối tiếp, Greyson sẽ nói: ‘’Nào, xin hãy kể cho tôi nghe điều đó - rồi chúng ta sẽ vượt qua thôi’’.

Greyson đã xuất bản một cuốn sách mới, cuốn After (Sau đó), về công trình nghiên cứu của mình, bao gồm một loạt những trường hợp NDEs ông đã chữa trị. Và chúng có một đề tài chung với nhau. Kiểu như, sau một đợt phản ứng tồi tệ với thuốc mê, một bệnh nhân nhớ lại và kể rằng đã thấy mình ở trên một đồng cỏ, đầu óc hoàn toàn trống trơn. Cánh đồng mà cô ấy ở đó ngập tràn một loại ánh sáng rực rỡ, huy hoàng, một loại ánh sáng chưa từng được thấy ở bất kỳ đâu, nhẹ nhàng, lấp lánh chiếu sáng từng gốc cây, ngọn cỏ.

Đa phần chủ nhân của các câu chuyện đều cảm thấy kì diệu, tâm trí minh bạch, và nhẹ nhõm. Một vài người hồi tưởng lại cảm giác lúc linh hồn xuất khỏi thân thể.
Đa phần chủ nhân của các câu chuyện đều cảm thấy kì diệu, tâm trí minh bạch, và nhẹ nhõm. Một vài người hồi tưởng lại cảm giác lúc linh hồn xuất khỏi thân thể. (Ảnh: Epochtimes)

Đa phần chủ nhân của các câu chuyện đều cảm thấy kì diệu, tâm trí minh bạch, và nhẹ nhõm. Một vài người hồi tưởng lại cảm giác lúc linh hồn xuất khỏi thân thể. Một vài người kể rằng họ phải đi qua một con đường hầm dài; người khác thì lại nói đã gặp được Chúa hoặc thánh Ala, hoặc thành viên nào đó trong gia đình qua đời đã lâu; một vài người lại cảm thấy dòng thời gian bị bẻ cong, uốn lại giống như một miếng nhựa.

Một lần, một vị cảnh sát, gần như đã qua đời trong một ca phẫu thuật, hỏi Greyson: “Ông mô tả trạng thái bất tận thế nào, trạng thái ở đó chẳng có gì tiến triển từ điểm này tới điểm kia, nơi tất cả mọi thứ cứ ở đó thôi, và bản thân ta thì hoàn toàn chìm đắm trong đó?”. Một người khác lại hồi tưởng: ”Linh hồn tôi dường như cứ trôi mãi giống như một chú cá voi lớn lướt qua một vùng biển an tịnh”.

Với vai trò là một nhà tâm lý, Greyson đã tạo ra một không gian để những người có trải nghiệm cận tử có thể kể lại câu chuyện của mình một cách thoải mái, những câu chuyện người bình thường rất khó hiểu. Nhưng ngay cả khi người bệnh có đủ dũng khí kể lại những gì mình đã trải qua, thì họ lại gặp khó khăn trong việc tìm ngôn từ để mô tả.

Khi kể lại những trải nghiệm cận tử, một trong những điều đầu tiên họ nói là: “Tôi không thể mô tả được. Không có cách nào diễn tả điều ấy”. Một người trải nghiệm cận tử đã bực bội nói với Greyson rằng khi ông ấy cố gắng hồi tưởng lại những sự việc, thì ông thường rơi vào trạng thái bế tắc. Người khác lại nói rất khó để diễn tả lại trải nghiệm của cô ấy bởi vì chúng ta sống trong không gian 3 chiều, còn những gì cô ấy chứng kiến ở ranh giới sinh tử dường như lớn hơn 3 chiều rất nhiều.

Greyson phát hiện đôi lúc những người này mượn âm nhạc và hội họa để hồi tưởng lại các sự kiện, bởi vì ý nghĩa chân thực không tài nào có thể diễn đạt bằng lời. Nhưng ngay cả như thế cũng không đủ. Một đối tượng từng kể với Greyson rằng việc hồi tưởng lại trải nghiệm cận tử của cô ấy cũng giống như việc “cố gắng vẽ lại một mùi hương bằng bút màu”, đó hẳn là một điều không thể. Bởi vì trải nghiệm cận tử thường xảy ra một cách đột ngột, nên dường như không thể kiểm định. Greyson nói chúng ta phải đối phó với những khoảnh khắc ngắn ngủi. Một người bơi bị kẹt trong làn nước, thợ sửa mái nhà ngã khỏi thang, ai đó đang xem điện thoại thì bị xe tông...

Trong cuốn sách của mình, Greyson cho biết sự nghiệp của ông trùng hợp với những tiến bộ trong công nghệ hình ảnh não, bao gồm sự xuất hiện của máy chụp cộng hưởng từ (MRI), hỗ trợ các nhà thần kinh học quan sát tư duy trong hành động. Nhưng thiết bị như thế này cần có sự đồng bộ: lên lịch hẹn, và bệnh nhân đồng ý ngồi yên lặng trong thời gian dài. Điều gì xảy ra khi trải nghiệm xảy ra một cách ngẫu nhiên, ở những nơi không gần bệnh viện. Làm thế nào để ghi lại một khoảnh khắc thoáng qua và không được báo trước là điểm cận kề cái chết?

Khi phóng viên hỏi Greyson tại sao ông lại quyết định xuất bản cuốn After (Sau đó), sau chừng ấy năm, ông giải thích rằng: chúng ta phải chờ đợi cho tới khi chúng ta có đủ thông tin và kiến thức về những trải nghiệm cận tử, để có thể hiểu chính xác điều gì đang diễn ra”. Ý của ông là không phải chúng ta đã thực sự biết NEDs là gì, mà chẳng qua những tiến bộ trong khoa học cho phép chúng ta loại trừ những hiện tượng na ná giống NDEs nhưng thực ra không phải.

Ông nói có những giả thuyết sinh lý có vẻ hợp lý về mặt lý thuyết, nhưng chưa có giả thuyết nào đủ thuyết phục. Có phải các hóa chất tạo cảm giác thoải mái như endorphin được giải phóng vào cơ thể tại điểm nguy hiểm, tạo ra sự hưng phấn không? Liệu não có bị thiếu oxy, dẫn đến những tưởng tượng có vẻ thực tế không? Các khu vực khác nhau của não có đột nhiên bắt đầu hoạt động đồng thời để tạo ra các trạng thái thay đổi, kỳ lạ không? Không ai biết chắc.

Greyson nói: “Chúng tôi tiếp tục nghĩ: Ồ, nó phải như thế này’’. “Không, dữ liệu không cho thấy điều đó’’. "Ồ, cái này thì sao?’ - Chà, không, dữ liệu cũng không cho thấy điều đó".

Tại trường đại học Kentucky, nhà thần kinh học Kevin Nelson, giống Greyson, đã dành nhiều năm để nghiên cứu về trải nghiệm cận tử (NDEs), cho rằng trải nghiệm này là “sự kết hợp của hai trạng thái ý thức - tỉnh táo và giấc ngủ REM - trong thời điểm có nhiều nguy hiểm về thể chất hoặc cảm xúc. Ông lập luận rằng nhiều NDEs “giống như trong mơ”, tồn tại ở một“ vùng biên giới” thần kinh (ông nói thêm, ngất xỉu có thể mang lại những trải nghiệm tương tự.) Các nhà nghiên cứu khác, bao gồm cả nhà thần kinh học quá cố Oliver Sacks, đã coi NDEs là ảo giác "cực kỳ phức tạp".

Khi Greyson trình bày nghiên cứu của mình với đồng nghiệp, ông nhận được nhiều phản ứng khác nhau, từ “ông điên à?” đến “Ồ, hãy để tôi kể về trải nghiệm cận tử của mình”. Để chính thức hóa nghiên cứu NDEs vào những năm 80, ông đã xây dựng một khảo sát có tên là Greyson Scale, đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, và ngày nay vẫn đang được sử dụng.

Câu hỏi trọng tâm trong Gray Scale đó là :

1- Bạn có đột nhiên trở nên hiểu hết mọi thứ hay không?
2- Bạn có cảm giác hòa hợp hay đồng nhất với vũ trụ hay không?

Ông đã đăng tải rộng rãi Khảo sát này trên nhiều tạp chí y khoa uy tín.

Nhưng ông cũng có thể có những ý tưởng kỳ quặc. Trong After, Greyson viết: “Tôi rất coi trọng khả năng NDEs xảy ra do những thay đổi vật lý trong não bộ”. Mặc dù ông chấp nhận rằng tâm trí có thể hoạt động “độc lập” với đại não. Ông cho biết đã có báo cáo về những người trải qua những giai đoạn cận kề cái chết trong khi não của họ không hoạt động, và “đó là khi họ nói rằng họ có trải nghiệm sống động nhất trong đời”. Đối với ông điều này rất vô lý. Giữa cuộc trò chuyện của chúng tôi, ông ấy đặt ra những câu hỏi: “Đây có phải là những khoảnh khắc cuối cùng của ý thức không? Hay đó là những khoảnh khắc bắt đầu của thế giới bên kia? ”.

Trải nghiệm cận tử và văn hóa đại chúng

Những lý thuyết kiểu này đặt Greyson vào tình trạng đối kháng với các nhà thần kinh học, những người hầu hết đồng ý rằng tâm trí là sản phẩm của não bộ. Về thế giới bên kia, Nelson nói i: "Tuyên bố này là phi thường nhất trong khoa học, và không có bằng chứng khoa học bình thường, chứ chưa nói đến phi thường để hỗ trợ nó". (Ông nói thêm: “Đây là những vấn đề của đức tin”). Sacks gọi những tuyên bố như thế này là “phản khoa học”. Daniel Kondziella, một nhà thần kinh học thuộc khoa thần kinh Bệnh viện Đại học Copenhagen, nói: “Nếu mọi người có thể mô tả và báo cáo trải nghiệm của họ, thậm chí nhiều năm sau đó, thì chắc chắn chúng đã được não bộ xử lý và lưu trữ trong các trung tâm bộ nhớ của nó". (Giống như Nelson, Kondziella tin rằng NDEs bằng cách nào đó có liên quan đến giấc ngủ REM).

Greyson biết những trải nghiệm cận tử không thể chứng thực. Tuy nhiên, ngay cả khi không có bằng chứng thì cũng rất khó bác bỏ sự tồn tại của NDEs. Khi tôi hỏi ông rốt cuộc tư duy logic hiện tại của ông về vấn đề này là thế nào, ông ấy nhìn có vẻ bất lực. Ông nói, đối với ông tâm trí bằng một cách nào đó tách biệt với não bộ. Và nếu điều đó đúng, thì nó vẫn có thể hoạt động khi não chết. Sau đó, ông bổ sung “Nhưng nếu tâm trí không nằm trong bộ não, thì nó nằm ở đâu? Và nó là cái gì?”.

Trải nghiệm cận tử không phải là một hiện tượng mới mẻ. Theo Plato, Socrates đã từng trải nghiệm điều này. Lịch sử không thiếu câu chuyện về những người leo núi rơi xuống khỏi vách đá, nhưng lại trải qua cảm giác hạnh phúc hơn là kinh hoàng trong khoảnh khắc đó. Ngày nay chúng ta dường như bị cuốn hút vào ý nghĩa của những trải nghiệm cận tử hơn bao giờ hết. Đó là lý do chúng ngày càng được phổ biến rộng rãi trong nền văn hóa đại chúng.

Ví dụ, năm ngoái, hãng Disney đã làm một bộ phim hoạt hình tên là Soul (Linh hồn). Nội dung phim đã đưa trải nghiệm cận tử tiếp cận một bộ phận khán giả rất trẻ. Bộ phim mô tả tiềm thức, thế giới bên kia, và những thứ vật chất vô hình đã cấu thành nên con người chúng ta. Sau khi xem phim, nhiều trẻ em có niềm tin chắc chắn rằng khi chúng ta chết chúng ta sẽ đi trên một cầu thang trượt đầy ánh sáng trông rất ngầu lên thiên đàng

Thường những bộ phim loại này khuyến khích và tán dương cách sống đúng đắn. Ý nghĩa bộ phim truyền đạt là nhắc nhở chúng ta phải coi trọng và chấp nhận mọi khoảnh khắc đang có, cũng như trân trọng các mối quan hệ hơn là theo đuổi quyền lực, danh vọng hoặc của cải vật chất. Hiện nay, đa phần người ta không sống được như vậy, nên thường tiếc nuối khi thời gian của mình đã hết.

Đó là lý do tại sao những câu chuyện cận tử luôn khiến chúng ta bị mê hoặc, và đó là lý do tại sao chúng là đề tài được quan tâm trong mọi nền văn hóa, với câu hỏi đặt ra phổ biến: Bạn sẽ làm gì với cuộc đời mình nếu bạn có một cơ hội thứ hai?

Tác động của trải nghiệm cận tử lên cuộc sống của những người trải nghiệm nó

Đối với Greyson, tác động của trải nghiệm cận tử lên đời sống con người là một trong những phát hiện đáng kinh ngạc của ông. Ông nói: “Tôi kiếm sống nhờ vào việc giúp người khác thay đổi cuộc sống của họ. Nó không dễ tí nào. Nhưng với công việc này, tôi phát hiện đôi khi chỉ một khoảnh khắc có thể làm thay đổi sâu sắc nhận thức, niềm tin, hành vi và thái độ của con người”. Thông thường những thứ này rất khó thay đổi, hoặc cần rất nhiều thời gian để thay đổi.

Trong đa phần các trường hợp, những người trải nghiệm cận tử nhận ra họ không còn sợ hãi cái chết, điều này tác động sâu sắc đến việc họ sống tiếp thế nào. Bởi một khi bạn không còn sợ mất đi sinh mệnh, thì bạn không còn sợ hãi gì khi nắm bắt các cơ hội. Đôi lúc, Greyson hỏi những người thân của họ cảm thấy người đó thế nào sau trải nghiệm cận tử, thì thường nhận được câu trả lời kiểu như: “Vâng, đó không phải là người tôi đã kết hôn”; “Anh ấy/cô ấy đã trở nên hoàn toàn khác”. Ông nói: “Những người đã trải qua NDEs thường tìm thấy mục đích cuộc sống mà trước đó họ không thấy. Tôi chưa từng thấy cái gì có quyền năng mạnh mẽ đến thế như NDEs”.

Ông kể từng nói chuyện với những người từng là cảnh sát, sĩ quan đã từng có trải nghiệm cận tử. Sau đó họ không thể nào quay về công việc cũ, vì họ không thể chịu nổi bạo lực. Khi ông hỏi họ lý do, họ giải thích việc làm ai đó bị thương trở nên quá ghê tởm và tàn nhẫn đối với họ. Những người này thường sau đó làm những việc mang tính chất giúp đỡ người khác, ví dụ trở thành giáo viên, nhân viên chăm sóc sức khỏe hoặc nhân viên xã hội.

Phóng viên hỏi Greyson nghiên cứu của ông liệu có làm ông thay đổi cách suy nghĩ. Ông trả lời rằng nghiên cứu của ông không thay đổi ông trong mối quan hệ với những người xung quanh. Tuy nhiên, nó giúp ông trở nên cởi mở, dễ dàng chấp nhận những ý tưởng khác lạ hơn. Với tư cách là một nhà tâm lý, ông vẫn có ý thức rõ ràng về bệnh loạn thần. Nhưng ông dễ chấp nhận những suy nghĩ khác lạ hơn mà không vội coi nó là điên rồ, đồng thời nó giúp ông ý thức hơn về những điều nhân loại còn chưa biết tới.

Greyson nói ông lớn lên trong môi trường hoàn toàn phi tâm linh. Và cho đến giờ ông vẫn không chắc mình hiểu được ý nghĩa đích thực của tâm linh. Tuy nhiên, sau 40, 50 năm làm nghiên cứu, ông tin chắc rằng sự sống của chúng ta có nhiều thứ hơn là chỉ một cơ thể vật chất này. Ông nhận ra có những phần phi vật chất trong con người chúng ta. Đó có phải là linh hồn không? Ông không dám chắc.

“Tâm linh thường liên quan đến việc tìm kiếm điều gì đó vĩ đại hơn bản thân bạn, tìm kiếm ý nghĩa và mục đích của vũ trụ. Chà, tôi chắc chắn có điều đó”, ông nói.

Còn bạn, bạn có không?

Lê Na

Theo The Guardian

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP