Mưa lớn ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc trong những ngày gần đây đã gây ra lở đất và các thảm họa khác ở nhiều khu vực. Trong đó lò nung 50 lỗ ở huyện Bồ, thành phố Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây đồng loạt bị sập, hình ảnh sống động như thể một thảm họa lớn, rất nhiều mảnh vỡ đổ ập xuống chôn vùi những chiếc xe xung quanh. Theo truyền thông Trung Quốc, một vụ lở đất khác gần làng Kinh Pha ở huyện Bồ đã khiến 4 người chết và 1 người bị thương. Tất cả nạn nhân đều là cảnh sát giao thông.

Văn phòng Chỉ huy Khẩn cấp Thảm họa Địa chất lớn tỉnh Sơn Tây đã đưa ra thông báo vào ngày 6/10, cho biết do ảnh hưởng của đợt mưa lớn này, Tấn Trung, Lữ Lương và Lâm Phần đều đã liên tiếp trải qua nhiều vụ sạt lở đất và các thảm họa địa chất khác vào ngày mùng 5, gây thương vong. Tỉnh quyết định khởi động ứng phó khẩn cấp cấp độ 3 đối với thảm họa địa chất .

Báo cáo chỉ ra rằng tình trạng ngập úng đã xảy ra ở một số khu vực Thái Nguyên, Dương Tuyền, Sơn Tây, người và phương tiện bị mắc kẹt, hiện công tác cứu hộ khẩn cấp vẫn đang được tiếp tục.

Kể từ ngày thứ Hai mùng 5/10, hầu hết các khu vực ở Sơn Tây đã trải qua những trận mưa lớn. 

6h sáng, ở huyện Bồ, Lâm Phần, khu lò nung 50 lỗ đã xảy ra sạt lở đất. Sau khi video quay lại thảm họa được phát tán lên mạng, nó đã nhanh chóng lan tỏa. Trong video, vụ sạt lở đất bất ngờ xảy ra trên ngọn núi ngay lập tức vùi lấp phương tiện cơ giới dưới núi, có cái bị đẩy thẳng xuống sông bên cạnh.

Trận lở đất đã gây tắc đường trên đoạn Hoàng Lăng của đường cao tốc địa phương G65. Nhiều tài xế đã trú ẩn trong đường hầm tới 12 giờ. Tuy nhiên, quan chức không tiết lộ liệu có tài xế nào bị thương hoặc thiệt mạng hay không. Thông tin chi tiết về các thảm họa vẫn chưa được công bố.

Một số cư dân mạng cho rằng: “Nếu không có video thì quả thật không biết trận lở đất có sức mạnh khủng khiếp như vậy”, “Hiện trường là thảm họa rồi”, “ Sao lại trốn vào đường hầm? Còn không nhớ thảm hỏa gần đây trong đường hầm sao? ”, “Sau trận lụt Trịnh Châu, tôi cảm thấy thật không thoải mái khi nhắc đến đường hầm.”

Ngoài sạt lở đất, Sông Mã 5 tỉnh Sơn Tây bị vỡ đê nhiều lần vào ngày 5 và nhiều ngôi làng ở huyện Thanh Từ và huyện Kỳ bị ngập lụt. Khoảng 15.000 người ở 8 ngôi làng đã được sơ tán đến nơi an toàn trong đêm.

Ngoài trận mưa lớn ở Sơn Tây, dông lốc nghiêm trọng xảy ra ở tỉnh Liêu Ninh từ tối ngày 30/9 đến ngày 4/10. Trung tâm theo dõi và cảnh báo thiên tai địa phương đã ban hành nhiều cảnh báo đỏ về mưa lớn, sấm sét và mưa đá, có nơi lượng mưa vượt quá 200 mm trong 24 giờ, đây là lượng mưa lớn nhất cùng kỳ lịch sử.

Vào sáng sớm ngày 1/10, tại Đại Liên có mưa lớn và mưa đá, nhiều người dân bị đánh thức bởi tiếng mưa đá rất to trong đêm. Người dân thức dậy và phát hiện xe của họ bị mưa đá đập vỡ, kính xe bị đập vỡ, thùng xe chìm trong nước.

Theo những hình ảnh và video được cư dân mạng đăng tải, trận mưa đá to bằng quả trứng, đường kính tối đa từ 7 đến 8 cm, to bằng quả nắm tay. Báo cáo dẫn lời những công dân sống ở Đại Liên hàng chục năm cho biết họ chưa từng thấy trận mưa đá nào lớn như vậy.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bảo hiểm Đại Liên, thời tiết khắc nghiệt đã gây ra thiệt hại cho hơn 20.000 phương tiện tại Đại Liên.

Sân bay quốc tế Đại Liên bị ảnh hưởng bởi mưa đá bất ngờ và thời tiết khắc nghiệt, một số máy bay bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau, một số chuyến bay bị hoãn, thậm chí bị hủy.

Trong đợt mưa này, 16 hồ chứa ở tỉnh Liêu Ninh đã được mở để xả lũ, cán bộ cho biết tỉnh Liêu Ninh đã chuyển tổng cộng 4.513 người ra khỏi vùng nguy hiểm, dân số bị ảnh hưởng của tỉnh là gần 16.600 người, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng là hơn 2.500 ha, thiệt hại hơn 168 triệu NDT.

Theo ĐKN

v