Thương nhân đầu tiên được phong thành Thương tổ trong lịch sử Trung Quốc để lại lời căn dặn cũng như dự báo của mình về “Ngũ tận ắt vong quốc”.
Bạch Khuê là người Lạc Dương thời Chiến Quốc. Sử sách có ghi ông là một người nổi tiếng giỏi về mưu lược kinh tế và tài chính, cũng là một tổ sư lý luận về kinh doanh thương mại, phát triển sản xuất. Ông được mệnh danh là Thương Tổ, dân gian còn tôn ông là Thương nhân đầu tiên của Trung Quốc, Ông tổ thương nhân.
Bạch Khuê không chỉ là người tinh thông kinh tế, thương mại, mà còn rất giỏi về trị quốc. Thời đầu làm tướng ở nước Ngụy, ông giúp giải quyết vấn đề lũ lụt cho triều đình. Sau này ông rời nước Ngụy, lần lượt tới Trung Sơn Quốc và nước Tề. Trước tình hình xã hội qua 5 thời kỳ của 2 nước này ông đã rút ra được kết luận dẫn tới diệt vong của quốc gia.
Theo Tiên thức – Lã Thị Xuân Thu ghi lại: Bạch Khuê khi tới Trung Sơn Quốc, được vua giữ lại, nhưng ông kiên quyết từ chối và lên xe rời đi. Sau đó ông đi tiếp tới nước Tề, vua nước Tề cũng muốn giữ ông lại làm quan nhưng ông cũng từ chối và rời đi. Mọi người không hiểu, hỏi ông lý do, ông trả lời:
“Trung Sơn Quốc và nước Tề đều sắp bị diệt vong. Cái được gọi là ‘Ngũ tận’ chính là nói về chính quyền: Không có ai tin tưởng, niềm tin sẽ bị mất; Không ai ca ngợi, danh tiếng sẽ bị mất; Không ai yêu thương, tình yêu sẽ bị mất; Người đi đường không có lương thực, người ở nhà cũng không có gì ăn, như thế của cải cũng không còn; Người nắm quyền không biết dùng người, bản thân lại bất tài, như vậy sự nghiệp cũng không còn. Đất nước lâm vào 5 tình cảnh này ắt sẽ diệt vong. Trung Sơn quốc và Tề quốc đều đang trong 5 tình trạng này”.
Bạch Khuê, trích Tiên thức- Lã Thị Xuân Thu.
Đơn giản mà nói, Ngũ tận mà Bạch Khuê nói tới ở đây chính là: Tín, danh, thân, tài, công. Đây là 5 yếu tố cốt lõi của các triều đại thống trị trong lịch sử.
Tín là yếu tố cơ bản nhất để một quốc gia tồn tại, thất tín là thiên hạ ắt diệt vong. Danh là danh tiếng của quốc gia và người thống trị, danh tiếng của kẻ ác ắt sẽ không dài lâu. Thân chính là lòng người, lòng người không còn thiên hạ ắt mất. Tài chính là cơ sở của cải vật chất tồn tại trong xã hội, khi lương thực đã cạn kiệt, một đất nước sẽ không thể duy trì lâu dài. Công là chỉ xây dựng cơ nghiệp, vua một nước không biết chọn người hiền tài, bản thân lại cũng không phải người hiền tài, thì ngoài những lời nói trống rỗng, nghiệp lớn không thể thành, dân không thể giàu, nước không thể mạnh.
Tiên thức – Lã Thị Xuân Thu còn ghi: “Nếu để vua hai nước Trung Sơn quốc và nước Tề biết được ‘Ngũ tận’, và kịp thời sửa chữa hành vi của mình, thì đất nước sẽ không bị diệt vong. Nhưng vấn đề của họ là đã không biết tới những đạo lý này, hoặc có biết thì cũng không tin. Như thế để thấy, việc một nhà cầm quyền cần thiết phải làm chính là phải quan tâm tới ý kiến của người dân”.
Trung Sơn quốc năm lần phải cắt đất cho nước Triệu, vua nước Tề kéo quân ra chống lại quân của năm nước do nước Yến cầm đầu, nhưng cuối cùng cũng không thoát được việc mất nước. Đây là do họ đã làm mất đi năm yếu tố cơ bản sinh tồn của quốc gia, tự mình gieo hạt diệt vong cho mình.
Theo Aboluowang
Quỳnh Chi biên dịch
Đăng theo dkn.tv