Vụ việc thuốc thịt người của Trung Quốc đang gây hoang mang dư luận. Ít nhất 2 quốc gia là Hàn Quốc và Nigeria đã phát hiện loại thuốc này đang được lưu hành. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong 3 ngành công nghiệp ‘ghê rợn’ liên quan đến thi thể người tại Trung Quốc.

2 quốc gia phát hiện thuốc làm từ thịt người của Trung Quốc

Năm 2013, báo chí Hàn Quốc từng đưa tin về việc bắt giữ một người đàn ông quốc tịch Trung Quốc buôn lậu một loại thuốc làm từ thịt người vào nước này.

Theo tờ Joongang Ilbo của Hàn Quốc, các viên nang thịt người được bán ở các thị trấn của Trung Quốc với giá khoảng 5,1 triệu đồng mỗi kg hoặc từ 1,2-1,9 triệu đồng cho 30-50 viên. Sau khi buôn lậu trót lọt vào Hàn Quốc và tuồn vào thị trường chợ đen, chúng có thể sẽ xuất hiện trên các quầy thuốc đông dược và được bán với giá từ 800.000-1.000.000 đồng mỗi viên. Loại thuốc này được nhiều người ưa chuộng vì niềm tin mù quáng rằng thuốc điều chế từ các bộ phận của trẻ nhỏ sẽ giúp tăng cường sức khỏe và chữa nhiều loại bệnh.

Vào thời điểm Hàn Quốc tiết lộ thông tin chấn động này, Daily Mail đã có cuộc điều tra và vạch trần những tình tiết rùng rợn xung quanh việc điều chế loại thuốc nói trên.

“Thi thể những đứa trẻ được mua lại sau đó trữ trong tủ lạnh trước khi được lấy ra, cắt ra thành các mảnh nhỏ và đưa tới các phòng khám. Chúng được đưa vào trong lò sấy y tế. Khi đã khô, chúng được nghiền thành bột và chế thành các viên nang cùng một số loại thảo mộc để che giấu các thành phần thực sự nhằm che giấu các nhà điều tra và các nhân viên hải quan”, tờ báo Anh cho hay.

Các viên thuốc dạng con nhộng chứa bột thịt người được cơ quan hải quan Hàn Quốc tịch thu ở TP Daejeon. (Ảnh: SBS)Các viên thuốc dạng con nhộng chứa bột thịt người được cơ quan hải quan Hàn Quốc tịch thu ở TP Daejeon. (Ảnh: SBS)

Hôm 12/10 vừa qua, trong một bản ghi nhớ gửi tới Bộ Y tế, Cơ quan Quản lý và Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia Nigeria (NAFDAC), Cơ quan Thực thi Luật Dược Quốc gia Nigeria (NDLEA), Cơ quan Tình báo Quốc gia Nigeria (NIA) cũng cảnh báo về một loại thuốc có thành phần từ thịt người xuất xứ từ Trung Quốc.

Hải quan Nigeria (NCS), Tổ chức tiêu chuẩn của Nigeria (SON) cũng xác nhận đã nhận được bản ghi nhớ này. Theo bản ghi nhớ trên, NIA cho biết hải quan Hàn Quốc đã tịch thu tổng cộng 2.715 viên nang hình con nhộng chứa thi thể người từ các bào thai, trẻ sơ sinh được tuồn vào quốc gia này bởi một số người mang quốc tịch Trung Quốc từ năm 2015 đến tháng 8/2018.

Theo NIA, Bộ An toàn thực phẩm và thuốc Hàn Quốc đã phát hiện khoảng 18,7 tỷ virus có hại cho sức khỏe, bao gồm virus viêm gan B, được tìm thấy trong các viên nang thịt người này.

Không lâu sau khi NIA gửi đi bản ghi nhớ này, Tổ chức Tiêu chuẩn chất lượng Nigeria (SON) xác nhận các viên làm từ thịt người của Trung Quốc đã xuất hiện ở một số thị trường chợ đen của quốc gia châu Phi này.

Như vậy, ít nhất 2 quốc gia đã và có thể vẫn lưu hành loại thuốc này là Hàn Quốc và Nigeria. Đặc biệt là Hàn Quốc, nước này từng tuyên bố tịch thu nhiều đợt nhập lậu các viên thuốc làm từ thịt người có xuất xứ từ Trung Quốc vào các năm 2011 và 2012.

Tuy nhiên, Trung Quốc khi đó đã một mực phủ nhận những cáo buộc này. Một phát ngôn viên Bộ Y tế Trung Quốc từng khẳng định các cuộc điều tra vào tháng 8/2011 cho thấy không có bằng chứng chứng minh loại thuốc có thành phần ăn thịt người này được sản xuất tại Trung Quốc.

Hai ngành công nghiệp ghê rợn khác tại Trung Quốc

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc bị phát hiện liên quan đến việc thương mại hóa cơ thể người. Thời gian gần đây, báo chí cũng liên tục đưa tin về 2 ngành công nghiệp ghê rợn của Trung Quốc là mổ cướp nội tạng và nhựa hóa thi thể người.

Tội ác thu hoạch nội tạng do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn tại Trung Quốc đã được biết đến trong 13 năm qua, và ngày càng nhiều báo cáo từ các nhà điều tra độc lập cho thấy các bằng chứng không thể chối cãi về tội ác này. Theo đó, ĐCSTQ đã mổ lấy nội tạng từ người sống để bán lấy tiền, thi thể còn lại của họ được nhựa hóa để đem đi triển lãm,… Nạn nhân của tội ác này chủ yếu là nhóm người tập khí công bị đàn áp Pháp Luân Công, nhóm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Phật giáo Tây Tạng, và các tín đồ Kitô giáo tại gia.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 17/9/2018 vừa qua, bà Louisa Greve, giám đốc đối ngoại của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, cho biết: “Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, và có thể nhiều hơn nữa, đã bị bắt đi khỏi tổng số 11 triệu cư dân ở đây. Không có người Duy Ngô Nhĩ nào có thể tránh khỏi bị bắt vào các trại tập trung, từ sinh viên, nông dân, người bán hàng, người lãnh đạo tôn giáo, nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá, giáo sư, và cả những người làm việc trong chính quyền địa phương. Phụ nữ, đàn ông, trẻ con, thanh niên, và cả người già đều đã bị bắt khỏi nhà, hay bị bắt cóc trên đường”.

Trong buổi tường trình trước các thượng nghị sĩ nước cộng hòa Czech vào tháng 7/2018, nhà báo điều tra Ethan Gutmann cũng tiết lộ: “ĐCSTQ có thể đang muốn quay [từ người tập Pháp Luân Công] sang sử dụng người Duy Ngô Nhĩ làm nguồn tạng chính. Trong năm trước, 17 triệu người Duy Ngô Nhĩ – bất kể đàn ông, phụ nữ, trẻ em, đều đã được kiểm tra máu và DNA”.

Song song với ngành công nghiệp ghép tạng là công nghiệp nhựa hóa thi thể người. Những năm gần đây, ở nhiều thành phố trên thế giới, gồm cả TP. HCM đã xuất hiện loại hình triển lãm thân thể người gây nhiều tai tiếng. Trong đó có hai triển lãm lớn nhất và cạnh tranh với nhau, đó là “Thế giới cơ thể người” (Body Worlds) thuộc về Gunther Von Hagens, và “Triển lãm cơ thể người” (Bodies…The Exhibition) thuộc công ty của Tùy Hồng Cẩm, Đại học Y Đại Liên, Trung Quốc. Tùy Hồng Cẩm vốn là học trò của Von Hagens.

Nhà máy nhựa hóa cơ thể người đầu tiên được Von Hagens xây dựng tại Đại Liên, Trung Quốc vào tháng 8/1999 nhằm cung cấp các cơ tiêu bản cơ thể người nhựa hóa cho các triển lãm, các cơ sở giáo dục, y tế trên khắp thế giới. Sau đó, nhiều nhà máy nhựa hóa cơ thể đã được mở ra tại khắp nơi ở Trung Quốc, khiến nước này trở thành nơi xuất khẩu xác chết số một thế giới.

Thi thể một phụ nữ mang thai được xử lý và làm vật trưng bày. (Ảnh: Pinterest)

Thi thể một phụ nữ mang thai được xử lý và làm vật trưng bày. (Ảnh: Pinterest)

Cả Tùy Hồng Cẩm lẫn Von Hagens và các công ty khác đều không thể cung cấp tài liệu chứng minh các thi thể này là của những người tình nguyện hiến tặng. Theo một báo cáo của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), thay vì là “những người hiến tự nguyện” hay “những thi thể vô danh”, phần lớn thi thể trong triển lãm cơ thể người nhựa hóa là của những người tập Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ giết sau khi lấy đi nội tạng. Như vậy toàn bộ thân xác và nội tạng đều bị buôn bán để thu lại một nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Các triển lãm cơ thể người này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, chủ yếu vì nó đi ngược lại các quy tắc đạo đức của con người. Tại một số thành phố của Mỹ như Hawaii, Seattle, các triển lãm này đã bị cấm. Các triển lãm này cũng bị cấm tại Czech và bị tẩy chay tại Úc. Ở Việt Nam, triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” đã bị từ chối cấp phép tại Hà Nội và bị tạm ngừng hoạt động tại TP. HCM.

Cho đến nay, nạn mổ cướp nội tạng và nhựa hóa cơ thể người tại Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt thì lại rộ lên thông tin về những viên thuốc làm từ thịt người của nước này, khiến nhiều người không khỏi chấn động. Người Á Đông từ xưa vốn có tập tục và quan niệm giống nhau về tang lễ, cũng như về người đã khuất. Mọi việc liên quan đến người đã mất phải được thực hiện cẩn trọng và tôn nghiêm, đặc biệt việc “chết không toàn thây” là điều rất tối kỵ. Nhưng vì sao Trung Quốc ngày nay lại xuất hiện những tội ác và hành động xúc phạm người đã khuất đầy tính quái dị trên diện rộng như vậy? Phải chăng, đó chính là hậu quả của thuyết vô thần khiến con người không còn tin vào Thần Phật, thiện ác hữu báo, chỉ chạy theo lợi ích trước mắt mà bất chấp mọi luân lý làm người!

Xem thêm:

VIDEO - TRUNG QUỐC ĐÃ TRỞ THÀNH NƠI XUẤT KHẨU XÁC CHẾT SỐ MỘT THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO

Theo Tinh Hoa