Thiện và ác là hai nhân tố đồng tồn tại trong một con người. Tuy nhiên, lựa chọn hướng về phía nào nhiều hơn thì sẽ hình thành nhân cách cơ bản của người đó như thế. Trong giáo dục thời nay, chúng ta đang dùng mặt ác hay thiện để giáo dục thế hệ trẻ?
Ác + Ác = Trái đắng
Giáo viên bị học sinh tập thể xô ngã xuống sông
Tại một trường THPT nọ có một giáo viên nam hàng ngày trong trường hay “ức hiếp” học sinh. Nhiều năm tháng trôi qua, nhiều lớp học sinh “phẫn khí” lắm mà không biết làm sao.
Một hôm nhân việc thầy giáo đó về muộn khi đó cả trường chỉ còn lại thầy và đám học trò nghịch ngợm này, nhóm học trò đó đứng ở 2 bên cầu hẹp và chờ thầy đi qua (cây cầu này ngắn và có 1 con sông nhỏ ở đó khi thầy đi ra vào trường cần đi qua cây cầu này). Thầy cũng không biết được “mưu đồ” của chúng cứ thản nhiên đi qua, chúng đứng 2 bên chào thầy và đợi đến lúc thầy đi đến giữa chúng xúm lại giữ xe xô cả thầy và xe xuống nước.
Sau sự kiện này nhóm học sinh đó mặc dù bị kỉ luật nhưng rất nhiều học sinh thì cười thầm trong bụng thậm chí là hỉ hả vì đã rửa được “mối hận” trong lòng. Thậm chí nhóm học sinh cá biệt đó còn đưa ra tuyên bố theo kiểu luật rừng: sau này xem còn ai (thầy cô) nào dám đối xử với học sinh như thầy giáo đó nữa không?
Học sinh mở nhạc tiếng ve sầu để không phải nghe thầy giáo giảng bài
Câu chuyện có thật qua lời kể từ một học sinh:
Chúng cháu đi học sau nghỉ dịch toàn buồn ngủ, vậy nên trong giờ tranh thủ ngủ được chút nào hay chút đó. Ngán nhất là giờ văn không muốn nghe cũng không được ngủ gât, không được nói chuyện.
Tôi bảo: học sinh không mất trật tự trong giờ là đúng, ngủ gật lại càng không nên. Cháu nói bằng ngôn ngữ rất xách mé: cái ông giáo này kinh khủng khiếp lắm trong giờ muốn nói gì phải giơ tay, giơ tay rồi cũng không được nói ngay khi nào thầy cho nói mới được nói, đứa nào lỡ mồm nói leo (mà nói leo thì giờ đây thành thói quen của học sinh rồi) là ông ấy chửi.
Ông cứ chửi kiểu nói móc đứa nào không chịu được mà bật lại là ông được thể chửi cả giờ, không ai chịu được mà vẫn phải ngồi im. Ông ấy già rồi không dạy được hẳn hoi thì thôi lại còn… Cháu chỉ mong sao cho hết năm nay ông ấy nghỉ hưu để không phải chịu nỗi ám ảnh này nữa.
Đang nói gương mặt cháu bỗng chuyển sắc thái, tủm tỉm cười: hôm qua giờ văn lớp cháu có chuyện hay lắm. Mùa hè này có nhiều tiếng ve sầu kêu, lợi dụng điểm này chúng cháu đem loa ra buộc ngoài cửa sổ sau đó bắn bluetooth từ điện thoại sang loa cho loa phát cả giờ học. Mọi người ai nghe cũng ngỡ là tiếng ve kêu trên cây ngoài sân trường (hi hi… cháu cười). Thế là cả giờ học lớp cháu không phải nghe giọng thầy nói nữa.
***
Chúng ta làm giáo dục mà lấy mặt ác trong nhân tính chúng ta để trị học trò thì mặt ác trong nhân tính của học trò cũng sẽ tương thông với mặt ác trong nhân tính của chúng ta, và kết quả là chúng ta sẽ nhận được “trái đắng”. Thậm chí người làm giáo dục nào rất “ác” thì có thể đạt được mục đích giáo dục trước mắt nhưng đã phá hủy bản tính của con người từ căn bản mất rồi!
Các nhà tù phải đóng cửa vì thiếu tù nhân
Thiện + Thiện = Trái ngọt
Tôi từng đọc một bài báo mà làm tôi ấn tượng mãi và cũng bổ sung được nhiều kinh nghiệm quý trong kho kinh nghiệm giáo dục của mình, tại đây xin trích lại một phần trong bài viết đó. Bài viết này có tiêu đề “Hà Lan: nhà tù bỏ không vì thiếu tù nhân, thủ tướng đi làm bằng xe đạp” của tác giả Hoàn Nguyên:
“Xu hướng đóng cửa các nhà tù ở đất nước cối xay gió bắt đầu từ năm 2004 sau khi tỉ lệ tội phạm ở Hà Lan đột ngột giảm mạnh. Năm 2013, Hà Lan đã phải cho đóng cửa 19 nhà tù vì lý do… không đủ tội phạm để nhốt. Thậm chí hồi tháng 9/2012, với tình trạng các nhà tù trống trơn, Hà Lan đã phải “nhập khẩu” 240 tù nhân từ Na Uy để có lý do duy trì các nhà tù.
Nhiều nhà tù ở Hà Lan đã được chuyển đổi chức năng thành văn phòng, nhà hàng, trường đại học và nhà ở. Nhà tù mái vòm Boschpoort xây dựng vào năm 1886 rộng hơn 33.000 mét vuông, gồm bốn tầng ở thành phố Breda (Hà Lan) đã đóng cửa từ năm 2016 giờ đây là nơi đặt văn phòng của 90 doanh nghiệp.
“Chúng tôi yêu thích văn phòng làm việc đặc biệt tại nhà tù này vì nó có trần cao ráo, các cửa sổ lớn và ánh sáng ngập tràn… khi nhìn ra ngoài, chúng tôi thấy phong cảnh tuyệt đẹp của Breda, chứ không phải các song sắt. Lần đầu tiên, chúng tôi có mặt ở đây, chúng tôi đã đi lang thang vào ban đêm trong bóng tối và đó là một trải nghiệm cực kỳ thú vị”, Miguel de Waard, một doanh nhân cho biết.
Tỷ lệ tội phạm ở Hà Lan giảm mạnh một phần là một phần là nhờ các chương trình ngăn ngừa tội phạm và chương trình cải tạo phạm nhân chú trọng đến tái hòa nhập cộng đồng. Các thẩm phán ở Hà Lan kết án tội phạm theo nhiều cách giúp họ tránh ngồi tù chẳng hạn như lao động công ích, đeo vòng điện tử để giám sát từ xa hoặc đưa vào các trung tâm phục hồi tâm thần. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm sống hướng đến con người và sự nhân văn của người Hà Lan.”
***
Chúng ta làm giáo dục mà lấy mặt thiện trong nhân tính chúng ta để giáo dục học sinh, bao dung, vị tha thấu hiểu học sinh… thì mặt bao dung, vị tha trong nhân tính của học sinh cũng sẽ được tương thông với phần thiện, phần vị tha trong nhân tính chúng ta và kết quả đem về có thể là “trái ngọt”. Ví như trong câu chuyện trên một đất nước không coi tù nhân là tù nhân mà lại coi họ là những con người để đỗi đãi và kết quả là nhà tù phải đóng cửa vì… thiếu phạm nhân. Thật đáng để con người thế giới phải học hỏi!
Trải nghiệm nhỏ – lựa chọn phía thiện để đối đãi, học sinh thay đổi
Trong mười mấy năm giảng dạy hầu như kiểu học sinh nào tôi cũng được tiếp xúc. Những lớp học sinh khá giỏi thì không cần bận tâm nhiều về việc học làm bài tập trước khi đến lớp. Nhưng những lớp học sinh kém hơn thì quả là cần dành nhiều thời gian hơn với chúng.
Ví dụ gần đây tôi dạy lớp gần cuối của một khối lớp, mỗi khi kiểm tra bài cũ là… cả lớp đều không học bài. Không học bài thì về lí cho điểm 0 là đúng nhưng chúng ta làm giáo dục không thể chỉ dạy kiến thức, mà còn phải “dỗ” các em về đạo đức.
Với lứa học trò này thì cần nhẫn nại hơn phân tích lý lẽ, sau đó tôi hỏi: các em muốn lấy điểm cao hay điểm thấp? Chúng đồng thanh bảo: điểm cao. Tôi bảo vậy cô cho thời gian 5 phút cả lớp mở lại bài cũ học sau 5 phút cô kiểm tra bạn nào giơ tay được thêm điểm tuyên dương.
Bất ngờ là sau 5 phút có rất nhiều cánh tay giơ lên, tôi mời 2 học sinh lên bảng và các em đều đạt điểm trên trung bình. Sau giờ kiểm tra miệng tôi hỏi học bài cũ có khó không? Chúng học trò bảo: thưa cô không. Tôi hỏi vậy sao các em không học? Chúng rúc rích cười: chúng em lười…
Sau trải nghiệm này không phải là chúng hết lười ngay nhưng có đỡ hơn trước: khi tôi hỏi các em học bài cũ chưa thì không phải là tất cả các cánh tay trong lớp đều giơ lên là chưa học bài. Vì vậy, tôi thấy có niềm tin hơn vào phương cách giáo dục tích cực này.
Lời kết: Trẻ em giống như tờ giấy trắng, người lớn vẽ gì thì sẽ thành ra cái đó, quan trọng là người vẽ sẽ lựa chọn cái nào (thiện hay ác tốt hay xấu) để vẽ. Vậy muốn lựa chọn được điều tốt thì chắc chắn chúng ta cần không ngừng tu dưỡng chính mình theo chuẩn tắc của cái thiện, liên tục bỏ đi những tư tưởng xấu và hành vi xấu mỗi ngày.
Theo ĐKN