The Diplomat: ĐCSTQ đã tự tạo ra chính điều mà nó vẫn sợ hãi

The Diplomat: ĐCSTQ đã tự tạo ra chính điều mà nó vẫn sợ hãi

The Diplomat: ĐCSTQ đã tự tạo ra chính điều mà nó vẫn sợ hãi

The Diplomat: ĐCSTQ đã tự tạo ra chính điều mà nó vẫn sợ hãi

The Diplomat: ĐCSTQ đã tự tạo ra chính điều mà nó vẫn sợ hãi
The Diplomat: ĐCSTQ đã tự tạo ra chính điều mà nó vẫn sợ hãi
Thứ bảy, 25-01-2025 15:32, (GMT+07:00)
The Diplomat: ĐCSTQ đã tự tạo ra chính điều mà nó vẫn sợ hãi
27-07-2019 10:14

arah Cook là một chuyên gia nghiên cứu Đông Á, phụ trách thông cáo các vấn đề Trung Quốc trong tổ chức nhân quyền Freedom House. Cô là tác giả của nghiên cứu: “Cuộc chiến vì linh hồn Trung Hoa: Sự hồi sinh tín ngưỡng, đàn áp và phản kháng dưới thời Tập Cận Bình“. Ngày 20/7 vừa qua, The Diplomat đã đăng tải bài viết của Sarah Cook có tựa đề “In July 1999, the CCP created exactly what it had feared” (Tạm dịch: Tháng 7 năm 1999, ĐCSTQ tự tạo ra chính điều mà nó vẫn sợ hãi) nói về thời điểm cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu 20 năm trước. Dưới đây là bản dịch toàn văn bài viết. Bản tiếng Anh xem tại đây.

*

Trong những năm 1990, phong trào thực hành thiền định và tâm linh Pháp Luân Công nổi lên như một hoạt động khí công, thể dục và sức khỏe tại Trung Quốc, một phần nhờ sự trợ giúp của chính quyền. Nằm ngoài sự chú ý của truyền thông quốc tế, và thậm chí phát triển phần nào ngoài sự chú ý của Đảng Cộng sản, nhóm khí công này đã quy tụ hàng chục triệu người tập từ các ngành nghề, địa vị xã hội, và khu vực địa lý khác nhau trên khắp Trung Quốc. Cuối thập niên 1990, từ chỗ được chính quyền tán thành, Pháp Luân Công dần dần bị quấy nhiễu. Vào tháng 7/1999, môn này đột ngột trở thành mục tiêu của một cuộc thanh trừng quy mô lớn.

Nhân dịp ngày 20/7, kỷ niệm 20 năm bắt đầu một trong những cuộc đàn áp tín ngưỡng lớn nhất Trung Quốc, tôi liên lạc với một số người tôi đã từng gặp trong những năm qua, khi đang nghiên cứu cho báo cáo của Freedom House năm 2017 về tôn giáo tại Trung Quốc, nhằm thu thập các hồi ức về thời điểm bắt đầu cuộc đàn áp định mệnh từ những người tin theo Pháp Luân Công, những người sống sót trở về sau tra tấn, và từ những nhà hoạt động người Hoa nổi bật.

Dưới đây, 8 cá nhân mô tả cuộc sống của họ trước cuộc đàn áp, mô tả chiến dịch đàn áp trong những ngày đầu được triển khai ra sao, tác động của nó tới cuộc sống của những người Trung Quốc, và âm hưởng của nó trong suốt 20 năm sau đó. Một điểm chung đáng chú ý trong những mô tả này là việc họ biết rất nhiều những người bạn, người hàng xóm và người thân trong gia đình từng tập Pháp Luân Công đã qua đời vì bị cảnh sát lạm dụng. Điều này phần nào cho thấy mức độ thiệt hại nhân mạng mà ĐCSTQ gây ra vào 2 thập niên về trước.

Bu Dongwei, người tập Pháp Luân Công, sống sót ra khỏi trại lao động, được Amnesty International trợ giúp, hiện đang sống tại California

Trước 7/1999, tôi sống ở Bắc Kinh và bạn có thể thấy mọi người tập Pháp Luân Công vào buổi sáng tại hầu như tất cả công viên trong thành phố. Vào cuối tuần, tôi và vợ sẽ tới cạnh Sân vận động thủ đô (Capital Indoor Stadium) để tập các bài thiền định. Thông thường có hơn 2.000 người ở đó.

Tôi ở Bắc Kinh vào ngày 20/7/1999. Phản ứng đầu tiên của tôi khi nghe tin tức là: tôi nghĩ việc ĐCSTQ cấm môn tập tốt như vậy là sai. Tôi đang làm việc tại một công ty nhà nước lớn vào thời điểm đó, và sau 20/7, cuộc sống của tôi hoàn toàn thay đổi. Quản lý và bí thư tại công ty cố gắng ép tôi từ bỏ Pháp Luân Công. Tôi từ chối và cảm thấy áp lực tại công ty. Tôi và vợ quyết định viết thư tới các lãnh đạo Trung Quốc, cho rằng họ đã hiểu lầm Pháp Luân Công, và yêu cầu họ điều tra lại. Chúng tôi bị bắt vào tháng 7 năm 2000 và bị đưa tới các trại cải tạo.

Năm 2006, khi tôi đang làm việc tại văn phòng Bắc Kinh của một tổ chức của Mỹ về châu Á, tôi bị bắt một lần nữa chỉ vì có một vài cuốn sách Pháp Luân Công tại nhà tôi. Tôi bị đưa tới trại lao động trong hơn 2 năm. Amnesty International đưa tôi vào danh sách tù nhân lương tâm và kêu gọi được hàng ngàn bức thư viết cho tôi. Nhưng tôi không hề nhận được dù chỉ một bức. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ và cộng đồng quốc tế, tôi đã tới Mỹ cùng con gái vào tháng 11/2008 sau khi được thả khỏi trại lao động.

Ba người bạn mà tôi quen biết đã không may mắn như vậy. Họ đều chết vì bị bức hại, một người 47 tuổi bị chết do tra tấn tại Trung tâm giam giữ Fangshan, Bắc Kinh, vào năm 2004.

Yang Jianli, từng là tù nhân lương tâm Trung Quốc, nhà sáng lập “Initiatives for China”, hiện đang sống tại Washington, D.C.

Lần đầu tôi nghe nói về Pháp Luân Công vào những năm 1990 là từ một giáo sư, người từng nghiên cứu về xã hội Trung Quốc trước cuộc đàn áp Thiên An Môn. Chúng tôi cho rằng môn này chỉ là một trong một nhóm các môn khí công Trung Quốc truyền thống, từng phát triển mạnh mẽ sau sự kiện Thiên An Môn vì 2 lý do: lấp đầy khoảng trống tín ngưỡng do không còn tin vào lý thuyết Cộng sản; và tiếp cận với các hình thức tự rèn luyện sức khỏe bởi vì lúc đó không có hệ thống bảo hiểm xã hội hợp lý.

20/7/1999, tôi đang ở Đại học California, Berkeley để tổ chức một cuộc hội thảo thì được biết Pháp Luân Công đã bị cấm. Tôi không hoàn toàn bất ngờ, vì tôi từng cảm nhận rất rõ là sớm hay muộn thì những nhóm giống như Pháp Luân Công sẽ rơi vào vòng trấn áp của ĐCSTQ, bởi vì Đảng luôn nghi ngờ bất cứ nhóm nào bên ngoài Đảng, đặc biệt là với những nhóm có ý thức hệ khác biệt. Nhưng tôi bất ngờ ở chỗ Pháp Luân Công đã trở thành một phong trào lớn đến như vậy. Tôi không thực sự hiểu rõ quy mô của phong trào này cho tới khi thấy quy mô cuộc đàn áp của ĐCSTQ. Tôi là một trong số những người Hoa bất đồng chính kiến đầu tiên lên tiếng ủng hộ những người tập Pháp Luân Công, và phản đối cuộc đàn áp.

Khi tôi bị bắt giam tại Trung Quốc vì các hoạt động bất đồng chính kiến của mình từ 2002 tới 2007, một số người tập Pháp Luân Công đã bị giam cùng tôi. Họ bị đối xử đặc biệt tệ hại, bởi vì các lính gác rất khó – gần như không thể – khuất phục suy nghĩ độc lập của họ. Chính quyền đã sử dụng các chiến thuật khác nhau đối với những tù nhân Pháp Luân Công khác nhau nhằm khiến họ từ bỏ đức tin. Với một số người, họ cử các cảnh sát “tâm lý học” được đào tạo để nói chuyện. Với những người khác, họ đánh đập. Trong cả hai trường hợp, tôi đều có thể nghe thấy tiếng họ từ trong buồng giam, hoặc là âm thanh “Pháp Luân Đại Pháp là tốt”, hoặc là âm thanh rên rỉ vì bị tra tấn.

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã cho tôi thấy rằng nó sẽ không cho phép bất cứ nhóm nào có tự do, và chúng ta phải cùng nhau đứng lên đối mặt với chế độ, và giúp đỡ lẫn nhau.

Đồng thời, cuộc đàn áp Pháp Luân Công thực chất đã giúp cho môn tập này phổ biến trong và ngoài Trung Quốc. Nhóm này đã nổi lên thành một trong những nhóm đối lập với ĐCSTQ. Người tập Pháp Luân Công đặc biệt rất kiên trì, trở thành một thách thức đối với ĐCSTQ. Họ đã đóng ghóp rất lớn về mặt công nghệ, giúp người dân tại Trung Quốc có thể vượt Tường lửa Vạn lý trường thành. Tất cả điều đó đã khiến công chúng Trung Quốc hiểu về bản chất của ĐCSTQ. Nó đã cho phép người dân có thông tin và có được chiến lược để thực hiện các hoạt động bảo vệ nhân quyền.

Trong một chừng mực nào đó, vào 7/1999, ĐCSTQ đã tự tạo ra chính điều mà nó vẫn sợ hãi.

Yolanda Yao, người tập Pháp Luân Công, sống sót sau tra tấn, sống tại California, cha mẹ hiện đang bị giam giữ tại Trung Quốc

Cuối những năm 1990, tôi sống tại Nam Dương, Hà Nam, và công khai tập Pháp Luân Công. Rất nhiều người trong thành phố tập ở công viên sau giờ làm hàng ngày, bao gồm cả thầy cô và hàng xóm của tôi. Vào 20/7/1999, khi nghe tin Pháp Luân Công bị cấm, tôi đang là một học sinh trung học. Tôi đã cảm thấy sốc. Trường tôi tổ chức các buổi mít-tinh vu khống Pháp Luân Công và ép tất cả học sinh phải ký cam kết không luyện tập, nếu không sẽ không vượt qua được kỳ thi.

12 năm sau, tôi đang hoàn thành luận án tiến sĩ tại Bắc Kinh thì việc học đột ngột bị dừng lại vào ngày 23/10/2011, tôi bị bắt vì tập Pháp Luân Công và bị đưa tới Trại Lao động nữ Bắc Kinh trong 20 tháng. Tại đây, tôi phải đối mặt với các phiên tẩy não ngày đêm, tra tấn liên tục về cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi bị buộc phải ngồi xổm trên một cái ghế trẻ con trong hơn 10 tiếng mỗi ngày. Điều này đã khiến chân và bàn chân của tôi sưng tấy, lưng và hông thâm tím và loét. Việc sử dụng nhà vệ sinh bị hạn chế nghiêm ngặt, dẫn tới tôi bị mất kiểm soát vệ sinh và bị viêm nhiễm đường tiết niệu. Tôi bị ép buộc phải lao động nặng nhọc giữa nhiệt độ mùa hè hơn 37 độ C, và có lần thùng hàng nặng 31kg trên lưng rò rỉ, khiến cả người tôi bị ngập trong thuốc trừ sâu. Việc cấm ngủ thường xuyên xảy ra trong trại lao động và hầu hết các đêm tôi chỉ được ngủ 3 tiếng đồng hồ trước khi việc lao động chân tay nặng nhọc tiếp diễn.

Tôi trốn tới Mỹ, nhưng cha mẹ tôi còn ở lại Trung Quốc. Họ bị bắt giữ vào 5/12/2015, cảnh sát bố ráp trong khi họ cùng những người khác đang tập Pháp Luân Công. Mỗi người bị giam 4,5 năm trong tù vì giữ và chia sẻ tài liệu về Pháp Luân Công, và vì vượt Tường lửa. Họ vẫn đang ở trong tù, và tôi không thể gọi hay viết thư cho họ. Tôi lo lắng rằng mình sẽ không thể gặp lại họ nữa. Hàng nghìn người tập Pháp Luân Công đã qua đời vì bị bức hại – bao gồm một người hàng xóm của tôi, khi qua đời anh mới 38 tuổi.

Teng Biao, luật sư nhân quyền Trung Quốc nổi tiếng, hiện đang sống tại Princeton, New Jersey

20/7/1999, tôi đang làm luận án tiến sĩ tại Đại học Bắc Kinh khi biết tin Pháp Luân Công bị cấm. Phản ứng đầu tiên của tôi là: đây dường như là một cuộc vận động chính trị mới của ĐCSTQ, và có vẻ như nó không hề thượng tôn pháp luật. Tôi đã dự đoán trước là sẽ có lệnh cấm và đàn áp, nhưng nhiều năm sau tôi vẫn rất ngạc nhiên khi biết được mức độ tàn bạo của cuộc đàn áp.

Ngay sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, các sinh viên được yêu cầu phải viết ra quan điểm và nộp lên. Không giống hầu hết mọi người, vốn nhắc lại tuyên truyền của chính quyền, tôi phủ nhận cuộc đàn áp và kêu gọi thượng tôn pháp luật, kêu gọi tự do tín ngưỡng. Năm 2007, tôi tham gia vào nhóm luật sư Trung Quốc đầu tiên bào chữa công khai cho Pháp Luân Công, và phủ nhận cơ sở của cuộc đàn áp.

Sau đó tôi bị khai trừ, bị giữ hộ chiếu, cấm phát biểu trên truyền thông, cấm giảng dạy, bị tấn công, bị bắt cóc, bị buộc mất tích 3 lần, bị chính quyền lục soát nhà, và bị tra tấn nặng nề. Rất nhiều bạn luật sư của tôi, những người nhận đại diện cho người tập Pháp Luân Công, đã bị tra tấn tới chết hoặc bị chết trong khi giam giữ. Hai luật sư nhân quyền Trung Quốc nổi tiếng khác mà tôi biết, Cao Trí Thịnh và Vương Toàn Chương, từng dũng cảm bào chữa cho Pháp Luân Công, vẫn đang bị mất tích hoặc bị giam giữ.

Chiến dịch khủng khiếp nhằm vào Pháp Luân Công đã khiến nhiều người sống trong sợ hãi. Hầu hết mọi người, thậm chí chỉ nhắc đến Pháp Luân Công thôi, cũng sợ hãi. Nhưng rất nhiều người tập Pháp Luân Công đã kiên trì phản kháng lại cuộc đàn áp, mạo hiểm tự do, và thậm chí mạo hiểm mạng sống. Ngày càng có nhiều trí thức và luật sư bắt đầu lên tiếng cho những người tập Pháp Luân Công, dù đây là một vùng cấm.

Pháp Luân Công tại Trung Quốc
Người tập Pháp Luân Công tại Quảng Châu năm 1998. Ảnh: Minghui qua Freedom House.

Crystal Chen, người tập Pháp Luân Công, sống sót sau tra tấn, hiện đang sống tại Texas

Tôi học Pháp Luân Công tại thành phố Quảng Châu, Quảng Đông, vào năm 1997 cùng mẹ tôi. Trước đó bà từng bị đột quỵ nặng, bị liệt và bị ung thư vú, nhưng đã phục hồi sau vài tháng tập luyện. Pháp Luân Công lúc đó rất phổ biến trong thành phố. Bên cạnh các điểm tập luyện trong tất cả các công viên, một số người ở công sở của tôi cũng tập Pháp Luân Công.

Đầu năm 1999, tôi cảm thấy rằng một điều gì đó sắp xảy ra, sau khi truyền thông nhà nước đăng tải tuyên truyền tiêu cực về Pháp Luân Công và sau các tuyên bố về việc Đảng viên và Đoàn viên bị cấm tập luyện. Tuy nhiên sự khủng khiếp của cuộc đàn áp là ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Ngày 19/7/1999, cảnh sát quấy nhiễu và bắt giữ một số người phụ trách liên lạc của Pháp Luân Công tại Quảng Châu. Tôi tham gia cùng một nhóm người tập địa phương thỉnh nguyện lên chính quyền địa phương và chính quyền tỉnh yêu cầu thả người. Các quan chức cho biết, vấn đề Pháp Luân Công cần phải được xử lý bởi chính quyền trung ương, vì vậy chúng tôi quyết định tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện, và may mắn mua được vé tàu vào ngày hôm sau. Tàu tới Bắc Kinh vào ngày 22/7. Chúng tôi chưa biết tin tức nhưng cảm thấy có điều gì đó nghiêm trọng đang diễn ra.

Ngày hôm sau, chúng tôi đi thỉnh nguyện ôn hòa. Tôi bị bắt giữ và đưa vào Sân vận động Fengtai ở ngoại ô Bắc Kinh. Tại đó tôi mới biết Pháp Luân Công đã bị chính quyền cấm. Đó là một cảnh tượng buồn thảm. Hàng chục ngàn người tập Pháp Luân Công bị đưa tới sân vận động bằng xe buýt, bị cảnh sát vũ trang bắt xếp hàng. Không ai được phép gây tiếng động, và loa của sân vận động liên tục lặp lại tin tức về lệnh cấm. Tôi cảm thấy mình đang ở trong một bộ phim đáng sợ.

Sau đó, cuộc sống của tôi hoàn toàn đảo lộn. Tôi mất việc, nhà bị lục soát, tài sản bị tịch thu. Tôi bị bắt, bị đưa tới trại lao động, bị tra tấn. Tháng 7/2000, mẹ và tôi cùng nhau tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện chấm dứt lệnh cấm Pháp Luân Công. Chúng tôi bị bắt, bị đưa tới trung tâm giam giữ. Lính gác còng tay tôi vào một ống lò sưởi trong 3 ngày và buộc tôi phải nói tên. Tôi nhìn thấy những người tập từ khắp Trung Quốc bị tra tấn bởi gậy, bị treo lên, bị sốc điện bằng dùi cui; da của họ đầy những vết cháy đen.

Tôi bị đưa tới trại lao động trong 2 năm. Một trong những phương pháp tra tấn là trói chân tôi trong tư thế ngồi đả tọa trong 14 tiếng với hai tay bị còng ra sau. Sau này tôi có thể đứng lên lại, nhưng hai người phụ nữ khác đã bị tàn tật vĩnh viễn vì kiểu tra tấn đó.

Mẹ tôi, bà Li Naimei, bị kết án trong cùng trại lao động và bị tra tấn. Bà đã không bao giờ hồi phục. Tháng 8/2006, bà mất sau khi được thả, vì những bức hại mà bà trải qua trong trại. Bà mất khi mới 63 tuổi.

Liam O’Neill, giáo viên tiếng hoa tại trường trung học ở New Jersey, người liên lạc của Pháp Luân Công tại địa phương

Tôi tới Trung Quốc vào mùa xuân năm 1999 nhằm nghiên cứu cho luận án về đạo Phật đang hồi sinh tại quốc gia này. Tôi tới tu viện tại Bắc Kinh vào tháng 5, và rồi dành 2 tháng sống trong các tu viện khác tại Trung Quốc. Ngày 19/7, tôi lên một chuyến tàu đêm về Bắc Kinh để dành một vài ngày tại tu viện, nhưng họ không cho tôi ở lại. Cả thành phố đang rất khẩn trương, kể cả đối với các nhóm tín ngưỡng khác, vì đó là ngày 20/7, và Pháp Luân Công vừa bị cấm.

Trong suốt 3 ngày tù mù tiếp theo tại Bắc Kinh, tài xế, chủ tiệm ăn từ chối bất cứ cuộc nói chuyện nào về Pháp Luân Công. Rồi tôi gặp được một bạn học người Mỹ, đang theo học tại Trung Quốc và đang theo tập Pháp Luân Công. Anh nói rằng anh tới địa điểm luyện tập ở trường đại học Thanh Hoa, và thấy thông báo rằng Pháp Luân Công bị cấm, những người anh quen biết biến mất giữa đêm, và thậm chí anh còn nghe thấy tiếng lính có mang súng đang đập cửa cư dân và lôi mọi người ra khỏi giường.

Tôi quay lại Mỹ vào ngày 24/7, vẫn đang cố gắng hiểu điều gì đã xảy ra vào những ngày cuối tại Bắc Kinh. Sau này tôi gọi đó là trải nghiệm thay đổi cuộc đời, bởi vì, thật mỉa mai cho nỗ lực của ĐCSTQ khi bắt đầu cuộc đàn áp, tôi bắt đầu tập Pháp Luân Công một thời gian ngắn sau đó.

Hôm nay, 20 năm sau, tôi dạy tiếng Hoa tại một trường trung học ở New Jersey, và tôi làm người liên lạc tự nguyện cho một cộng đồng người tập Pháp Luân Công nhỏ tại phía Bắc thành phố New York. Tôi đã chứng kiến đoàn người liên tục tới Mỹ, trốn chạy khỏi những địa phương khác nhau ở Trung Quốc, rất nhiều người mang theo những câu chuyện ghê rợn về việc bị bắt giam tùy ý và bị tra tấn. Hầu hết những người tập mới tới đều biết về sự tàn bạo của cuộc đàn áp, thông qua người thân hoặc bạn bè. Đó là một góc nhỏ của những gì đang xảy ra tại Trung Quốc, nhưng nó cho bạn biết về quy mô khủng khiếp của thảm kịch này.

Chen Pokong, nhà bình luận chính trị dân chủ người Hoa nổi tiếng, hiện đang sống tại New York

Lần đầu tôi biết về Pháp Luân Công là khoảng năm 1993. Tôi coi đó là một môn tập trong phong trào khí công phổ biến thời bấy giờ. Một số người tôi biết đã tập và nói với tôi rằng môn này cải thiện sức khỏe của họ rất tốt.

Năm 1999, khi nghe nói Pháp Luân Công bị cấm, tôi đã đang phải sống lưu vong tại Mỹ rồi. Phản ứng đầu tiên của tôi: tôi nghĩ ĐCSTQ đã quá nhạy cảm đối với một nhóm tập khí công phổ biến. Tôi đã rất phấn khởi khi thấy những người tập Pháp Luân Công tổ chức một cuộc biểu dương yên lặng và ôn hòa nhằm có được quyền tập luyện đáng có xung quanh Trung Nam Hải vào ngày 25/4/1999. Khi Pháp Luân Công bị cấm vào tháng 7, tôi đã rất bất ngờ và tức giận. Một mặt, tôi không quá ngạc nhiên khi chính quyền ĐCSTQ cấm một nhóm người được tổ chức tốt, và có đức tin riêng. Một mặt, tôi bất ngờ nhận ra ĐCSTQ không hề có một chút nhìn nhận nào đối với một cuộc biểu dương ôn hòa đến như vậy. Tôi cảm thấy ngày càng nhiều người Trung Quốc đang bị đối xử như kẻ thù của ĐCSTQ, chứ không phải chỉ có những người hoạt động dân chủ chúng tôi.

Chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã chia rẽ xã hội Trung Quốc một lần nữa. Một phần người dân cảm thấy nghi ngờ và thù địch đối với những người có tín ngưỡng. Một phần khác thì chán ghét ĐCSTQ hơn bao giờ hết.

Nhưng câu chuyện Pháp Luân Công cũng truyền cảm hứng cho tôi, khi tôi quan sát những người tập tự nỗ lực và tổ chức rất tốt. Họ tự xây dựng kênh truyền thông riêng, bao gồm cả TV, báo chí, radio, cũng như trang web. Điều ấy đã giúp đẩy lùi sự kiểm duyệt của ĐCSTQ, đẩy lùi cuộc đàn áp, và khuyến khích người Trung Quốc trên toàn thế giới.

Larry Liu, người Mỹ gốc Hoa, Phó chủ tịch ban Chính phủ và Ủng hộ, Trung tâm Pháp Luân Đại Pháp, Washington, D.C.

Cuối những năm 1990, khi đang làm luận án tiến sĩ tại Đại học Washington, St. Louis, tôi bắt đầu tập Pháp Luân Công. Ngày 20/7/1999, khi tôi đang nghỉ hè tại Missouri thì nghe tin Pháp Luân Công bị cấm tại Trung Quốc. Tôi không thể tin được. Tôi nghĩ chính quyền Trung Quốc đã hiểu lầm chúng tôi, vì chúng tôi không có tham vọng chính trị hay mưu đồ gì. Tôi không hề nghĩ rằng sẽ có lệnh cấm. Tháng 5 và 6/1999, chính quyền Trung Quốc đã nói rằng họ sẽ không can thiệp vào việc tập khí công của người dân. Và cuộc thỉnh nguyện ngày 25/4 tại Trung Nam Hải đã được giải quyết một cách ôn hòa bởi Thủ tướng Trung Quốc bấy giờ là Chu Dung Cơ.

Thời điểm đó, tôi lo lắng nhất là cho mẹ tôi, bởi vì bà tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Cuối năm 2000, bà tới quảng trường Thiên An Môn để thỉnh nguyện ôn hòa hai lần. Bà bị bắt, giam giữ và tra tấn. Cuối cùng bà được thả. Cảnh sát địa phương đe dọa, bắt bà gây sức ép để tôi ngừng tập Pháp Luân Công và không lên tiếng tại Mỹ. Nếu không bà sẽ không xin được hộ chiếu để tới thăm tôi. Nhưng năm 2004, bố tôi, người không tập Pháp Luân Công, đã xin được hộ chiếu cho cả hai. Họ rời Trung Quốc và tới Mỹ với tôi vào mùa hè năm ấy.

Nhưng một cặp vợ chồng trẻ rất thân thiết với mẹ tôi đã không thể thoát khỏi cuộc đàn áp và đã qua đời. Trước lệnh cấm, họ thường ngồi thiền cùng mẹ tôi hàng sáng ở công viên. Người vợ mất vào 9/1999 khi bị cảnh sát giam giữ, khi cô 27 tuổi và con cô mới chưa đầy 2 tuổi. Năm 2003, chồng cô bị tra tấn tới chết trong trại lao động ở tuổi 31, để lại cháu gái 5 tuổi mồ côi, được ông bà nhận nuôi. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công là một trong những tội ác chống lại loài người lớn nhất thế kỷ 21. Lịch sử sẽ ghi nhớ những người đã nhìn thấu và có dũng khí lên tiếng phản đối cuộc đàn áp trong thời điểm khắc nghiệt này.

Sarah Cook

Minh Nhật biên dịch - Theo trithucvn.net

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP