Thanh niên Trung Quốc khóc nức nở kể lại hành trình đào thoát khỏi chế độ độc tài

Thanh niên Trung Quốc khóc nức nở kể lại hành trình đào thoát khỏi chế độ độc tài

Thanh niên Trung Quốc khóc nức nở kể lại hành trình đào thoát khỏi chế độ độc tài

Thanh niên Trung Quốc khóc nức nở kể lại hành trình đào thoát khỏi chế độ độc tài

Thanh niên Trung Quốc khóc nức nở kể lại hành trình đào thoát khỏi chế độ độc tài
Thanh niên Trung Quốc khóc nức nở kể lại hành trình đào thoát khỏi chế độ độc tài
Thứ bảy, 04-01-2025 14:06, (GMT+07:00)
Thanh niên Trung Quốc khóc nức nở kể lại hành trình đào thoát khỏi chế độ độc tài
17-07-2021 16:09

Thanh niên Trung Quốc 23 tuổi Từ Tranh (ảnh: Youtube/美国之音中文网).

VOA Chinese – Mới đây, câu chuyện về hành trình phiêu lưu đào thoát khỏi Trung Quốc của một thanh niên Trung Quốc 23 tuổi đang thu hút sự chú ý của người Hoa và người dân khắp nơi trên thế giới.

Một ngày tháng 6, Từ Tranh và bố mẹ đến studio để chụp một bức ảnh gia đình. Anh nói với họ rằng anh muốn ra ngoài đi làm và không biết bao giờ sẽ trở về. Nhưng điều anh thực sự nghĩ ở trong lòng là, không biết bao giờ họ mới có thể gặp lại nhau trong đời này.

Ở cửa khẩu Xà khẩu, Thâm Quyến, anh bình tĩnh trả lời từng câu hỏi của lực lượng an ninh biên phòng. Anh có visa công tác của Ukraine, nói rằng mình sẽ đi thị sát thị trường để mở một nhà hàng Trung Quốc ở địa phương đó, và sẽ  quay trở lại sau một tháng. Hải quan liên tục kiểm tra giấy tờ của anh và sau đó đưa anh vào một căn phòng nhỏ để tiếp tục thẩm vấn. Từ Tranh trong lòng nóng như lửa đốt, một khi có sơ sót thì không chỉ lịch trình bị phá hỏng, mà điều lo lắng nhất là nếu bị an ninh biên phòng cắt hộ chiếu, anh sẽ không bao giờ “thoát khỏi Trung Quốc” được nữa.

May mắn thay, anh đã được thả sau hơn một giờ. Vào ngày 25/6, ngồi trên chiếc thuyền từ Xà Khẩu đến Hồng Kông, trong lòng anh thầm cảm thấy vui lên. Vừa đến sân bay Hồng Kông, nước mắt anh đã trào ra, anh nghĩ đến hàng trăm nghìn người biểu tình đã từng ngồi ở sân bay này vào tháng 8/2019 để phản đối sự tàn bạo của cảnh sát và yêu cầu chính phủ đáp ứng yêu cầu của họ.

Cuối cùng khi máy bay rời Hồng Kông trong bóng tối, anh không thể kìm được nước mắt.

“Nước mắt tôi không ngừng rơi và tôi không biết mình có thể đi đâu trong tương lai, nhưng tôi biết mình là ai, và tôi sẽ không bao giờ bị cảnh sát Trung Quốc bắt đi uống trà nữa”, Từ Tranh nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ.

Gần đây, Từ Tranh đã ghi lại chi tiết trải nghiệm “trốn thoát khỏi bức tường thành” trên Twitter bằng tài khoản có tên “Hill@antichinaccp”, trong đó anh kể lại cả cách đối phó với sự thẩm vấn nghiêm khắc của hải quan Trung Quốc, thu hút rất nhiều sự chú ý.

Anh đã nhận một cuộc phỏng vấn qua video của Đài tiếng nói Hoa Kỳ từ Kiev, thủ đô của Ukraine, vào ngày 1/7 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức lễ kỷ niệm tròn một trăm năm thành lập.

Anh nói: “Tôi sẽ không ẩn danh nữa, đường đường chính chính lên video kể lại trải nghiệm thực tế của tôi”.

Bị thôi học vì tranh luận về sự kiện Lục Tứ

Từ Tranh, 23 tuổi, đến từ Nhã An, Tứ Xuyên, lớn lên ở Đông Bắc Trung Quốc và đã tốt nghiệp trung học. Anh ta nói rằng vì mình đi học muộn nên học xong năm thứ ba trung học ở tuổi 20. Tuy nhiên, vài ngày trước kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2019, anh đã bị nhà trường đuổi học vì anh và Bí thư chi bộ nhà trường đã cãi nhau về Sự kiện Thiên An Môn 1989.

“Lúc đó giáo viên tẩy não chúng tôi, nói rằng giai cấp tư sản xúi giục học sinh bạo loạn và muốn lật đổ nền Cộng hòa. Tôi nói điều đó không đúng. Học sinh xuống đường vì phản đối tham nhũng và muốn tự do ngôn luận. Sau đó, giáo viên đã báo cáo tôi lên nhà trường và thông báo cho Bí thư chi bộ nhà trường”.

Trước đó vào năm 2014, một cách tình cờ, cậu bé Từ Tranh 16 tuổi đã bắt đầu “vượt Trường thành” – bức tường lửa mà chính quyền Trung Quốc dựng lên để ngăn chặn người dân tiếp xúc với thông tin đa chiều bên ngoài thế giới. Vào thời điểm đó, “Phong trào ô dù” của người dân Hồng Kông vì dân chủ và quyền bỏ phiếu phổ thông đang diễn ra sôi nổi. Sau khi học cách vượt tường lửa, Từ Tranh nói rằng anh đã chứng kiến ​​vô số trường hợp bi thảm về việc chính phủ Trung Quốc đàn áp nhân quyền, từ vụ bắt giữ luật sư nhân quyền trong Cuộc đàn áp 709 đến việc giam giữ hàng triệu người Hồi giáo Tân Cương, và vụ việc Ngưu Đằng Vũ bị buộc tội chỉ vì làm rò rỉ thông tin riêng tư của Lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc mà bị kết án 14 năm tù…

Từ Tranh nói: “Trong tâm tôi vô cùng đau khổ, nhưng tôi không thể ủng hộ họ ở giữa thanh thiên bạch nhật ở Trung Quốc, bởi vì trong trường hợp đó, tôi cũng sẽ gặp tai họa, vì vậy tôi đã bị dày vò rất nhiều”.

Trong thời gian này, anh cũng có trải nghiệm bị mời “uống trà” ở đồn cảnh sát hai lần: một là vào năm 2018 vì ký thư ngỏ phản đối chính sách Tân Cương của Bắc Kinh trên trang web của Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ. Và lần thứ hai là vào năm 2019, sau khi Vương Di, mục sư của Giáo hội ở Thành Đô, bị kết án tội “kích động lật đổ chính quyền”, Từ Tranh đã bị đồn cảnh sát địa phương triệu tập sau khi viết “Mục sư Vương Di không có tội” trên WeChat .

Cả đời sẽ luôn ghi nhớ mùa hè năm 2019 ở Hồng Kông

Hai ngày sau khi bị thôi học, Từ Tranh kiếm được việc làm trong một cửa hàng tiện lợi ở quận La Hồ, Thâm Quyến. Anh kể lại rằng thời đó ở Thâm Quyến có những “Tam hòa đại thần”, ý chỉ những người lao động nhập cư quanh chợ lao động Tam hòa, quận Long Hoa, Thâm Quyến sống với mức lương tối thiếu mỗi ngày.

Anh nói: “Tôi đã làm rất nhiều công việc trước đây, chúng được gọi là những công việc cấp thấp, chẳng hạn như giao hàng, chuyển phát nhanh, bồi bàn nhà hàng, thu ngân. Vì tôi không thể học đại học nên không có cách nào tìm được một công việc tử tế”.

Từ Tranh nói rằng một lý do khác để chọn làm việc ở Thâm Quyến là do có một cuộc biểu tình “Phản tống Trung” (Phản đối Luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc) ở Hồng Kông vào thời điểm đó, anh cũng muốn tham gia cùng người dân Hồng Kông và muốn một lần được trở thành một “kẻ phản tặc” như cách chính quyền Trung Quốc gọi họ.

Vào thời điểm đó, không khó để người dân Trung Quốc xin giấy thông hành sang Hồng Kông và Ma-cao. Khi làm việc trong một cửa hàng tiện lợi, Từ Tranh đã bí mật đến Hồng Kông hai lần. Anh đã tham gia vào một cuộc diễu hành lớn với 2 triệu người và nghe thấy cả đường phố hô vang “Đả đảo ĐCSTQ”; anh thấy cảnh sát đánh đập và bắn hơi cay vào đầu một đứa bé, máu chảy lênh láng, và người mẹ đang gào khóc trong tuyệt vọng. Anh cũng đã cùng người dân Hồng Kông truyền nhau đọc “Apple Daily” mà ngày nay đã bị buộc phải ngừng xuất bản.

Từ Tranh nói: “Tôi sẽ nhớ nó suốt đời, mùa hè năm 2019 ấy”.

Lên kế hoạch bí mật cho một lối thoát hiểm

Vào thời điểm đó, anh chưa có ý tưởng “thoát khỏi bức tường thành Trung Quốc”. Anh cũng hy vọng rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể buộc Trung Quốc phải mở cửa. Tuy nhiên, với sự bùng phát của dịch bệnh, chính phủ Trung Quốc bắt đầu áp đặt các hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Từ đầu năm ngoái, tin tức về việc Trung Quốc ngừng xử lý hộ chiếu cho các mục đích cá nhân đã lan rộng. Mọi người tiếp tục công bố tin tức trên Internet về việc hộ chiếu của họ bị từ chối xuất cảnh.

Vào tháng 11 năm đó, Doãn Thành Cơ thuộc Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Quốc gia Trung Quốc tuyên bố trong một cuộc họp báo về phòng chống dịch bệnh rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục “kiểm soát chặt chẽ các hoạt động qua biên giới của những người không cần thiết” và “ngăn chặn nghiêm ngặt các công dân Trung Quốc đi du lịch vì những lý do không cần thiết. Việc kiểm soát xin cấp chứng nhận xuất cảnh, để ngăn cản và hạn chế các hoạt động xuất nhập cảnh không thiết yếu và không khẩn cấp như du lịch, thăm người thân, bạn bè của người dân Trung Quốc”.

Từ Tranh đứng ngồi không yên.

“Tôi thấy rất nhiều thông tin trên Twitter, cho thấy ông Tập Cận Bình sắp đóng cửa đất nước và rất khó để có được hộ chiếu. Tôi đã trở nên lo lắng. Tôi bắt đầu có ý tưởng ra đi vào tháng Hai và tháng Ba năm nay”, anh nói.

“Đối với một người bình thường như tôi, việc xin visa của một nước phát triển rất khó nên đành bó tay, nhưng không có visa thì tuyệt đối không thể qua được cửa khẩu của Trung Quốc”, anh nói.

Anh bắt đầu nghiên cứu chính sách nhập cảnh và cách ly của nhiều quốc gia, kết hợp với sự chia sẻ của những người đi trước và khả năng tài chính của bản thân để vạch ra một lối thoát. Sau nhiều tháng lên kế hoạch bí mật, anh quyết định rời Xà Khẩu, đi thuyền đến Hồng Kông, rồi từ đó bay đến Kiev, thủ đô của Ukraine.

Từ Tranh nói.: “Tôi đã không tiêu nhiều tiền. Tôi luôn tiết kiệm tiền. Tôi đã chi gần 20.000 Nhân dân tệ cho vé máy bay và các thủ tục khác nhau bằng số tiền tiết kiệm được trong một năm”.

Anh không nói với gia đình và bạn bè về kế hoạch của mình. Anh cảm thấy rằng Trung Quốc hiện đang ở trong bầu không khí của Cách mạng Văn hóa, và anh  lo lắng về việc bị tiết lộ thông tin. Anh cho biết, ít nhất 80% bạn bè đồng trang lứa xung quanh đều là các “tiểu phấn hồng”, không cùng quan điểm với anh, thực ra anh không có người bạn nào để chia sẻ được tâm tư của mình.

Cảnh sát đang đến

Vào ngày 1/7, Bắc Kinh đang tổ chức một sự kiện lớn để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ. Từ Tranh đã đến biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Kiev và đăng ảnh của chính mình lên Twitter lần đầu tiên.

Anh viết: “Trong hơn một thế kỷ qua, ĐCSTQ đã mang đến vô số áp bức và tra tấn đối với người dân Trung Quốc. Như một kẻ tép riu không có vũ khí, tôi chỉ có thể khiêm tốn đứng trước Đại sứ quán Trung Quốc và giơ cao biểu ngữ để lên tiếng”.

Vài giờ sau, cảnh sát Trung Quốc tìm thấy cha mẹ của Từ Tranh ở Tứ Xuyên. Từ Tranh cho biết trong vài ngày qua, cảnh sát đã quấy rối họ – theo dõi điện thoại, kiểm soát quyền tự do đi lại của họ và lấy đi điện thoại di động, máy tính và các vật dụng khác của anh ở Trung Quốc.

Khi mẹ anh nói chuyện với anh qua WeChat, bố anh đã mắng anh: “Đồ cẩu hán gian, mày làm chuyện gì với đất nước? Mày mau về đi, không thì chết ở nước ngoài, làm sao lại sinh ra thứ như mày”.

Từ Tranh nói rằng cha mẹ anh là những người trung thực và bình thường. Cha anh là một công nhân bị sa thải khỏi một doanh nghiệp nhà nước và mẹ anh là một công nhân tự do. Họ không phải là đảng viên hay thuộc tầng lớp có nhiều quyền lợi từ đảng, họ ủng hộ ĐCSTQ chỉ vì tuyên truyền của nhà nước.

Anh nói: “Nhưng ngay cả khi trái tim của họ hướng về cờ máu, ĐCSTQ sẽ không ngừng quấy rối họ.

Ukraine không phải là nơi có thể ở lâu dài

Sau khi xuất hiện trước công chúng tại cổng đại sứ quán, Từ Tranh đã nhận được rất nhiều tin nhắn xúc phạm, và một số người đe dọa rằng ảnh của anh đã được gửi cho “đám đông Trung Quốc yêu nước” tại địa phương. Nếu anh lộ diện thì sẽ bị “mỗi người qua đường đánh cho một trận”.

Anh nói: “Tôi cũng rất sợ khi ở đây, bởi vì chính phủ Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc có một nhóm WeChat đặc biệt ở đây, và hợp tác với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, họ thu thập thông tin của những người Trung Quốc này ở Kiev mỗi ngày. Nơi ở của tôi có thể bị báo cáo”.

Cùng ngày Từ Tranh rời Trung Quốc, hãng tin AP cho biết Bắc Kinh đe dọa thu giữ hơn 500.000 liều vắc-xin Trung Quốc đã hứa xuất khẩu sang Ukraine, buộc nước này phải rút lại tuyên bố ủng hộ một cuộc điều tra kỹ lưỡng về tình hình nhân quyền ở Tân Cương. Tuyên bố do Canada khởi xướng này đã được hơn 40 quốc gia đồng ký.

Tin tức này giống như sét đánh ngang tai với Từ Tranh. Anh cảm thấy Ukraine không phải là nơi để ở lâu. Anh lo ngại rằng Trung Quốc sẽ gây áp lực hơn nữa để trục xuất mình.

Một đường đi không biết ngày về

Vào ngày 11/7, sau hơn chục ngày lo lắng ở Kiev, Từ Tranh đáp chuyến bay từ Ukraine qua Hà Lan, và chọn ở lại Amsterdam. Anh nói rằng Hà Lan phản đối “Luật An ninh Quốc gia” của Hồng Kông và lên án các trại tập trung Tân Cương. Một quốc gia như vậy có thể bảo vệ nhân quyền. Anh hy vọng sẽ xin được tị nạn chính trị ở đó.

“Tôi thực sự không dám quay lại Trung Quốc. Bất cứ ai chỉ trích Tập Cận Bình ở Trung Quốc sẽ bị tra tấn nặng nề”, anh nói trong video cuối cùng gửi cho Đài tiếng nói Hoa Kỳ trước khi gặp cảnh sát Hà Lan tại sân bay.

Từ Tranh không biết mình sẽ đi đâu tiếp theo và số phận của mình sẽ ra sao, chỉ biết rằng hiện giờ anh không có đường quay đầu lại. Anh sợ hãi và cảm thấy bị cô lập và bất lực, nhưng anh chưa bao giờ hối hận về điều đó.

Đôi khi anh lặng lẽ khóc trước tấm ảnh chụp chung với bố mẹ trong phòng chụp ảnh, tuy quan điểm chính trị khác nhau nhưng sau cùng, họ đã sống với nhau hơn 20 năm, tình cảm đó sẽ không bao giờ có thể từ bỏ được.

Anh cũng muốn nói với tất cả mọi người ở “trong bức tường thành” Trung Quốc đại lục, những người khao khát tự do như anh, rằng cơ hội thoát ra quý giá như con thuyền đến Đài Loan năm 1949, và mong rằng mọi người được sống ở một nơi không có nhà tù tư tưởng như Trung Quốc.

Theo ĐKN

 
 
Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP