Dù đã lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng để thanh trừng phe phái đối thủ trong Đảng, ông Tập dường như vẫn chưa đạt được mục đích.

Thành phố Tây An, cố đô của ít nhất 11 triều đại Trung Quốc, nép mình giữa những ngọn núi – một khu vực địa hình chia cắt Trung Quốc thành hai miền nam bắc. Tần Lĩnh được coi là một địa điểm linh thiêng có mối liên hệ với những người cai trị đế chế Trung Hoa. Trong suốt lịch sử Trung Quốc, dãy núi Tần Lĩnh ở Trung Quốc được đề cập đến như “long mạch quốc gia”. 

Thời hiện đại, các quan chức địa phương đã xây dựng trái phép các biệt thự sang trọng gần núi và thu lợi từ chúng.

Kể từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng toàn diện nhằm loại bỏ các đối thủ. Kể từ năm 2014, ông Tập đã nhắm vào các quan chức tham nhũng liên quan đến các biệt thự ở núi Tần Lĩnh và tìm cách phá bỏ các công trình này.

Trong số đó có cựu bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây Triệu Chính Vĩnh, người đã nhận bản án tử hình treo 2 năm vì nhiều tội danh. Triệu được biết là có mối quan hệ mật thiết với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Trung thành với Giang là phản đối sự lãnh đạo của Tập.

Ông Triệu Chính Vĩnh, trở thành “Hổ lớn” đầu tiên bị xét xử trong năm 2020 (ảnh: DF).

Nhưng một tài liệu nội bộ của chính phủ về dự án “phá dỡ biệt thự” ở núi Tần Lĩnh cho thấy công việc phá dỡ đã liên tục bị đình trệ, và một số biệt thự vẫn đang hoạt động.

Hơn một ngàn biệt thự xây dựng trái phép tại Tần Lĩnh bị phá bỏ (ảnh: Caixin).

Các nhà bình luận Trung Quốc phân tích rằng điều này cho thấy ông Tập vẫn chưa thành công trong việc loại bỏ những quan chức không trung thành và khiến cấp dưới của ông ta phải hàng phục.

Tài liệu mật

Tờ Epoch Times gần đây đã thu thập được từ một nguồn đáng tin cậy một báo cáo nội bộ chính phủ được Ủy ban Đảng thành phố Tây An, văn phòng tỉnh Tần Lĩnh phát hành hồi đầu năm 2018.

Theo tài liệu, một nhóm trong cơ quan giám sát chống tham nhũng nội bộ của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), đã tiến hành một cuộc kiểm tra các biệt thự ở Tần Lĩnh từ ngày 9/8 đến ngày 13/10/2017.

Báo cáo đề cập rằng CCDI đã xác định được hai khu nghỉ dưỡng bất hợp pháp riêng biệt được cho là “đã chuyển đổi” nhưng thực tế vẫn tiếp tục hoạt động. Văn phòng Tần Lĩnh cũng lưu ý rằng 7.404 “vấn đề” đã được phát hiện.

Bản báo cáo dài hơn 20.000 từ chỉ dành khoảng 2.300 từ để mô tả các công trình trái phép, phần còn lại là về các yêu cầu định hướng tư tưởng tuân theo đường lối của Đảng.

Ví dụ, văn phòng Tần Lĩnh đã bố trí các đảng viên “đọc báo cáo của Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19”, đề cập đến mật nghị 5 năm một lần khi hàng ngũ lãnh đạo Đảng kế vị kế tiếp được xác định. Đại hội 19 được tổ chức vào năm 2017, quyền lực của ông Tập được củng cố khi đại hội quyết định xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước khỏi hiến pháp Trung Quốc.

Tài liệu cũng lưu ý rằng các quan chức được yêu cầu “kiên trì viết tay nguyên văn bản báo cáo của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 và Điều lệ mới sửa đổi của Đảng”.

Nhà bình luận Trung Quốc Li Linyi phân tích rằng điều này cho thấy công tác chống tham nhũng tại văn phòng Tần Lĩnh hầu hết còn hời hợt và không tạo ra những thay đổi cụ thể.

Ông cũng chỉ ra rằng truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin về việc phá dỡ 1.185 biệt thự ở Tần Lĩnh vào tháng 8/2018, khi CCDI một lần nữa được cử đến khu vực để điều tra chống tham nhũng. 

Vì báo cáo nội bộ được ban hành hồi đầu năm 2018, điều đó có nghĩa là các quan chức địa phương đã không thực hiện bất kỳ công việc phá dỡ nào vào thời điểm đó. Nhưng thay vào đó, văn phòng Tần Lĩnh cho biết trong tài liệu rằng họ “đã đạt được kết quả tốt” trong công tác chống tham nhũng của mình.

Theo một báo cáo vào tháng 1/2019 của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, ông Tập đã ra lệnh phá dỡ các biệt thự ở núi Tần Lĩnh vào năm 2014. Sau sáu chỉ thị trong suốt 5 năm, các nhà chức trách cuối cùng đã phá hủy 1.185 biệt thự và thu giữ thêm 9 biệt thự khác, theo báo cáo của CCTV.

Theo Gu Qing Er, The Epoch Times
Hương Thảo biên dịch

Đăng theo ĐKN