Sống Chân – Nghĩ Thiện – Tập Nhẫn

Sống Chân – Nghĩ Thiện – Tập Nhẫn

Sống Chân – Nghĩ Thiện – Tập Nhẫn

Sống Chân – Nghĩ Thiện – Tập Nhẫn

Sống Chân – Nghĩ Thiện – Tập Nhẫn
Sống Chân – Nghĩ Thiện – Tập Nhẫn
Chủ nhật, 29-12-2024 23:17, (GMT+07:00)
Sống Chân – Nghĩ Thiện – Tập Nhẫn
05-08-2020 09:34

Có người hỏi bí quyết hạnh phúc là ở chỗ nào? Sống thế nào để luôn được hạnh phúc? Mỗi một danh nhân đều đúc kết được từ cuộc đời một bài học về hai chữ “hạnh phúc”: sống đơn giản, sống chân thành, biết buông bỏ, hãy kiên nhẫn,…

"Chân - Thiện - Nhẫn" là giá trị phổ quát mà thế giới đang cần

Bản thân tôi không dám nói là một người hạnh phúc, nhưng ít ra với đau khổ tôi biết cách vượt qua và xây dựng cho mình một lối sống đẹp. Tôi thiết nghĩ, bản chất của mọi chân lí nằm ở ba chữ “Chân – Thiện -Nhẫn”. Sống chân sẽ giúp bạn giảm bớt áp lực và tâm hồn thư thái đến kì lạ. 

Bạn biết không? Bản chất của con người vốn dĩ rất trong sáng, chân thật nhưng cái xã hội nhốn nháo, cuộc sống kim tiền sẽ dần biến bạn thành những diễn viên giỏi, và đời trở thành sàn diễn khổng lồ! Bạn không muốn dối trá nhưng buộc phải dối trá, và những lời dối trá khiến lương tâm bạn bất ổn không yên. Một lời dối trá xuất hiện sẽ kéo theo nó là vô vàn lời dối trá khác, và chính vì nó không phải sự thật nên bạn luôn sống trong tâm trạng lo âu phập phồng, sợ bị phát hiện, sợ chiếc mặt nạ của mình rơi xuống. Ví dụ: bạn mắc lỗi trong công việc, sợ bị phát hiện, bạn giả vờ không biết và dùng lí do cá nhân để che giấu, rồi khi về nhà bạn sợ hãi “nếu bị phát hiện thì làm sao?” bạn ăn ngủ không yên, rồi khi sếp của bạn gọi điện để an ủi và hứa sẽ cho bạn một khoản tiền kha khá để giải quyết vấn đề, tưởng rằng bạn sẽ thở phào nhẹ nhỏm nhưng không, từ lo sợ bạn chuyển sang dằn vặt và xấu hổ. Và cứ thế tiếp diễn, từ đó về sau, để che giấu cho một sai phạm này bạn biến nó thành một sai phạm lớn hơn. Tôi hỏi bạn: liệu bạn có an nhiên được không? Liệu bạn có thoải mái được không?

Nhiều lúc chúng ta chọn một lời nói dối thay cho sự thật vì bởi thứ điều khiển chúng ta là nỗi sợ. Sợ rằng kết quả xảy đến cho chúng ta sẽ khiến chúng ta mất đi cái gì đó! Nhưng nếu bạn chọn sự chân thật, tin tôi đi, không gì tệ hại xảy ra với bạn đâu! Mọi thứ sẽ diễn ra như nó vốn vậy, chẳng có gì phải sợ hãi cả. Mất tức là được mà!

Hãy sống với nhau bằng sự chân thành (ảnh quatructuyen)

Từ khi nhận ra điều đó, tôi chọn cho mình cách sống chân thật, tôi nghĩ gì, tôi muốn gì tôi sẽ thoải mái thể hiện nó ra bên ngoài. Tôi sai thì tôi dũng cảm thừa nhận, một bữa tiệc nhàm chán tôi không muốn tham gia, tôi sẽ từ chối không phải là “xin lỗi, tôi bận” mà là “ xin lỗi, tôi không thích đến bữa tiệc đó…” Sống thật, bạn luôn cởi mở về tinh thần, vì tôi không hề viết kịch bản cho bất cứ điều gì nên tôi sẽ không cần phải nhớ lời thoại.

Đời vốn đã nhiều dối trá nên chúng ta không cần phải dối trá để sống mà cần phải chân thật. Vì nếu ta xuôi theo dòng người đó, ta sẽ dần đánh mất chính mình, và bạn biết không? Không nỗi đau nào bằng tự đánh mất chính mình! Dối trá nhiều sẽ thành thói quen, và khi đó chẳng ai dám đặt niềm tin vào bạn nữa. Tôi xấu – ừ thì tôi xấu, tôi dở – ừ tôi rất dở, tôi sai – vâng chính tôi đã sai, thật đơn giản phải không? Nhưng nếu đó là một lời dối trá, bạn sẽ thấy phức tạp hơn nhiều … Sống chân để nhận lại điều chân, sống thật sẽ tạo ra con người thật! Luôn tự nhắc nhở mình để có một tâm hồn trong suốt!

***

Thiện là đặc tính của vũ trụ và vì là đặc tính của vũ trụ nên Thiện cũng chính là đặc tính của con người. Thánh nhân xưa có dạy “ nhân chi sơ, tính bản thiện”, từ khi mở mắt chào đời, tâm con người là một tờ giấy trắng, ghen ghét đố kỵ, tài lộc danh lợi, nhan sắc hơn thua chẳng là gì! Nhưng cái thiện cũng tựa như một khối thủy tinh trong suốt, nó luôn bị thử thách bởi lửa nóng trước khi trở thành một sản phẩm toàn vẹn. Thiện sẽ phải cọ xát chính nó với đời, không ngừng bị thách thức, không ngừng bị bào mòn. Bạn là một người lương thiện cho tới khi bạn nhận thấy sự ưu ái của cuộc đời dành cho 1 người mà bạn cho rằng kém tài “tại sao nó vẫn luôn gặp may mắn, tại sao mọi người chỉ xoay quanh nó?” Ghen ghét, đố kỵ khiến bạn sinh tâm tà ác với người khác, từ đó sẽ là sự tranh giành, đánh đổi để có được thứ mà bạn cho rằng đáng ra phải thuộc về bạn. Vậy tôi hỏi, thiện trong bạn còn được bao nhiêu? Nó đã sớm méo mó rồi.

Ảnh (vandieuhay)

Con người ở đời rất kỳ lạ, luôn thích đánh đổi thứ mình có với những thứ vô nghĩa. Bạn đỗ đại học là một tin vui nhưng nó sẽ chẳng bao giờ vui bằng việc bạn biết rằng: bạn đỗ cao hơn người cùng xóm! Bạn bị đánh rớt trong một kỳ thi – rất buồn, nhưng nó sẽ dễ nguôi ngoai hơn khi bạn biết người cùng công ty với mình cũng rớt giống như mình! Là vậy đấy, tâm hơn thua, tranh đấu dần khiến thiện lương trong bạn bị thử thách và nếu như bạn thiếu đi tiếng giật mình “thôi chết! sao mình lại tham lam thế!”, thì cái thiện trong bạn cũng đã mất đi không còn lại chút gì! Sống trên đời, thật khó để có thể mãi mãi chân chính trong suy nghĩ, vì chúng ta là con người, hỷ nộ ái ố là tất nhiên, nhưng khi nào bạn còn có thể để cái thiện đánh thức mình, khi nào bạn còn giật mình thảng thốt cảm thấy hối hận về những suy nghĩ hay việc làm sai lầm thì khi đó bạn vẫn còn có thể giữ thiện.

Đời này nhiều người vẫn có suy nghĩ lệch lạc về chữ thiện. Họ buôn gian bán lận, làm đủ mọi điều gây tổn hại người khác, sau đó họ góp tiền vào các nhà từ thiện, họ xây đường đắp cầu và cho rằng hành động đó là tích thiện, giải nghiệp. Thiện không thể đổi bằng tiền, nếu tiền có thể mua thiện, bán nghiệp thì có lẽ trên đời sẽ chẳng còn điều đau khổ nữa. Cái bạn có là tiền nhưng cái bạn mất là thiện, là đức. Thiện chỉ có thể được đổi lại bằng tâm chân chính.

Tôi cho người ăn xin tiền mà trong đầu luôn nghĩ “hôm nay mình đã làm việc tốt, mình đang tích thiện!” – vậy đó chẳng phải là thiện gì nữa rồi! Việc tốt phải xuất từ tâm và không cầu hồi báo! Bạn tự nguyện chia sẻ một điều gì đó của mình, bạn tự nguyện chịu thiệt thòi về mình để người khác tốt hơn, ấy mới là thiện! Ví như hai chai nước, một đầy, một rỗng; bạn muốn chai rỗng có nước ắt hẳn bạn cần phải đổ nước của chính chai đầy vào đó, chai đầy hơn mất 1 lượng nước thì bên kia mới có được lượng nước tương ứng. Người ngoài nhìn vào thấy rằng chai đầy đã mất lượng nước đáng kể nhưng họ đâu có biết được nhờ cái mất đó mà cái chai vơi đi nhiều sức ép về không gian, và nó đang có một khoảng trống lớn hơn để có thể đổ thêm nước mới vào!

Thiện sẽ khiến tâm trong sáng, an nhàn. Mỗi con người đều tồn tại hai mặt thiện ác, chúng đấu tranh nhau để con người tự rèn luyện mình. Hãy giữ tâm thiện trong mọi hoàn cảnh. Nếu cái thiện chiến thắng trong cuộc chiến của chính mình bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và dường như cái “tâm” của mình được nâng lên. Trước cám dỗ bạn để cho thiện lương điều khiển, trước mọi sự lựa chọn bạn để cho thiện lương quyết định, đó chính là sự tu dưỡng tuyệt vời.


“Làm điều tốt thì cho dù nhiều mấy cũng nên làm
Nghĩ điều xấu thì cho dù nhỏ nhất cũng đừng nghĩ”
Thiện tại tâm ta, tâm ta sáng thì ắt sinh thiện!

***

Trong tiếng Hán, chữ “Nhẫn” được cấu tạo từ hai chữ: dao và tim, chữ dao nằm trên chữ tim, nghĩa là dao cắt vào tim là nhẫn. Hiểu theo nghĩa chiết tự đó, muốn tập nhẫn nghĩa là bạn phải chịu đau đớn như bị dao khứa vào tim vậy, chảy máu nhưng vẫn không kêu la.

Nhẫn là một trạng thái chỉ sự nhịn nhục. Trước mọi cay đắng, sỉ vả nhưng bản thân ta vẫn chịu đựng và không hề chấp. Bạn đang trễ giờ làm và phía trước là cây đèn giao thông đang chuyển giữa vàng và đỏ. Nhẫn chính là khi bạn chấp nhận giảm nhẹ tay ga để dừng hay tăng mạnh nó để vượt qua! Nói tới đây, ta chợt nhận ra nhẫn ở một khía cạnh nào đó gần với trạng thái tĩnh của con người. Chờ đợi nhưng không gấp gáp mà vẫn an nhiên tự tại, cứ để mọi thứ trôi qua và không cần phải lấn lướt tranh giành.

Có người cho rằng, sống là phải giành giật, phải biết tranh đoạt những điều lợi về mình. Một cửa hàng bày bán đồ giới hạn, ai có đủ sức mạnh tranh lên phía trước, xô ngã càng nhiều người, đạp lên càng nhiều người thì món đồ tốt sẽ về tay mình. Đấy là lối sống mà chúng ta vẫn nhìn thấy hàng ngày.

Nhẫn để chấp nhận ở phía sau, nhẫn để đủ độ lượng nhường nhịn cho những người yếu thế cũng đồng nghĩa với việc bạn luôn là người đến sau, bạn luôn chịu sự thiệt thòi và bạn chẳng có gì cả!!! Thế nên, để đáp ứng nhu cầu của thời đại, để có thể đứng trên đỉnh cao, cái bạn cần không phải là nhẫn mà là sự tinh ranh, nhanh nhạy nắm bắt tình thế, thời cơ! Tôi đã từng một thời chạy theo lối sống ấy. Tôi ganh tỵ với những ai có thứ mình không có, tôi không đủ kiên nhẫn để chờ đợi 30 giây bên cây đèn giao thông, tôi thích lấn về phía trước khi mua đồ, tôi thích tranh những thứ đẹp nhất, nhiều nhất, lợi nhất.

Rồi từ khi tôi hiểu thế nào là Nhẫn, tôi chợt nhận ra những điều mình làm là sai! Tôi có thể chấp nhận trễ 30 giây cho công việc của mình để dừng đúng lúc đèn vàng vừa sáng. Vì tôi biết rằng, cây đèn vàng ấy đang nhắc nhở tôi “Này! Bạn đang quá vội, và bạn biết không điều đó cực kỳ nguy hiểm” Tôi cảm thấy thoải mái khi dừng lại lúc bản thân đang gấp gáp, 30 giây đó khiến tôi thấy nhẹ nhàng “trễ thì đã sao? Trễ là cách khiến tôi nhận ra bản thân mình đã phạm sai lầm, và vì thế hãy cố gắng sửa chữa nó vào ngày mai!”

Tôi chấp nhận nhẫn để nhường những người muốn mua một món đồ nào đó, vì sau khi nhường, họ mỉm cười với tôi và nói “cám ơn” tôi biết họ thật sự vui khi có được món đồ mình thích. Còn tôi! Tôi có thể chọn một món đồ khác, và biết đâu vì thế tôi nhận ra món khác lại hợp với tôi hơn!

Nhẫn phải từ trong tâm, chứ không phải nhẫn chỉ ở ngoài hành động. Ví dụ, khi bạn bất bình trước sự sắp xếp của cấp trên, bạn đỏ mặt tía tai, tay nắm tròn như quả đấm, gân xanh cũng nổi cả lên mặt, nhưng bạn tuyệt không nói lời nào, không nổi đóa, cũng không phản ứng. Bạn chỉ nuốt cục tức đó vào trong rồi về nhà gặm nhấm nó, ghi nó vào tim xem đó như một bất mãn với cấp trên. Bạn cho rằng mình đã nhẫn rất tốt nhưng thực tế không phải vậy. Tâm bạn vẫn mang nó, bạn không hề thấy thoải mái trong sự nhẫn nhịn của mình. Vậy đó chẳng phải là nhẫn!

(Ảnh vandieuhay)

Nhẫn cũng không là sự hèn yếu. Nhẫn chứng tỏ nhận thức của bạn cao hơn người thường, những việc người khác tỏ ra tức giận còn bạn thì không, người khác sốt ruột lóng ngóng, bạn vẫn điềm nhiên đọc báo. Nhẫn khiến bạn bình lặng như mặt hồ, biến động chỉ là những gợn sóng nhỏ li ti, chẳng thể tạo nên sóng. Và bạn biết không? Người biết nhẫn là người sống rất đẹp. Họ không thích tranh giành, họ đứng bên ngoài vòng của lợi danh, họ thấu suốt mọi lý lẽ của đời và chỉ nhẹ nhàng mỉm cười chấp nhận những khó khăn vì họ biết tất cả rồi sẽ qua, mọi thứ xảy đến đều có một lý do của nó và chẳng có gì có thể ở lại mãi mãi.

Tập nhẫn để sống vững chảy giữa cuộc đời này! Vạn điều đua chen trên đời cũng không sánh bằng một điều nhẫn!

VIDEO - 

Câu Chuyện Đẹp Về Sống Thiện : Hoàn Trả 300.000USD Cho Khổ Chủ | Minh Huệ Việt Ngữ

Theo Vancokythu.net

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP