Phí Tín, tác giả Tinh Tra Thắng Lãm [星槎勝覽], đảm nhiệm chức Thông sự [Phiên dịch] cho phái đoàn Trịnh Hoà, 4 lần xuống Tây dương. Từng đi qua các quốc gia tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương; trong đó có 5 vùng thuộc lãnh thổ Việt Nam hiện nay, như: Chiêm Thành, Linh Sơn [Phú Yên], Tân Đồng Long [Phan Rang, Bình Thuận], Thuỷ Chân Lạp [Nam phần], và Côn Lôn. Thời bấy giờ hầu như mọi chuyến hàng hải từ Trung Quốc xuống Đông Nam Á đều lấy núi Côn Lôn làm chuẩn; vì Côn Lôn tức Côn Sơn hiện nay với đỉnh cao 577 mét, giúp tàu thuyền có thể thấy được từ xa. Phí Tín mô tả Côn Lôn trong Tinh Tra Thắng Lãm như sau:
Đại Nam Nhất Thống toàn đồ thời Minh Mạng. (Ảnh qua kienthuc.net.vn)
Núi Côn Lôn
Núi này đứng giữa biển rộng, làm tiêu chuẩn cho Chiêm Thành, Đông Tây Trúc [Pulau Aur] cùng nhìn vào. Núi cao mà vuông, gốc rễ sơn mạch rộng và xa, biển này gọi là biển Côn Lôn. Phàm thuyền bè đến Tây Dương phải chờ lúc thuận gió, đi [từ Trung Quốc] 7 ngày đêm có thể qua nơi này. Tục ngữ rằng “Phía trên thì sợ Thất Châu 1, phía dưới thì sợ Côn Lôn, cầm lái sai hướng, người và thuyền không còn.” Núi này không có vật lạ, không có nhà ở; nhưng có thể dùng cá, tôm, trái cây để ăn, sống trên cây hoặc trong hang.
Trần Luân Quýnh [1687-1751] người huyện Đồng An, tỉnh Phúc Kiến; năm Ung Chính thứ 4 [1726] phụng chỉ đảm nhiệm Tổng binh trấn Đài Loan, sau làm quan đến chức Thuỷ sư đề đốc tỉnh Chiết Giang. Ông soạn sách Hải Quốc Văn Kiến Lục [海国闻见录], chép những điều tai nghe mắt thấy về các nước giáp biển tại phía nam Trung Quốc. Cũng như Phí Tín trong Tinh Tra Thắng Lãm, Trần Luân Quýnh rất lưu ý đến Côn Lôn; ngoài việc giới thiệu đảo này, tác giả còn cung cấp thêm các sử liệu về việc người Tây Phương từng tranh giành đảo và đã bị thất bại:
Côn Lôn
Côn Lôn đề cập đây không phải là núi Côn Lôn quanh co trên sông Hoàng Hà [Trung Quốc]. Vị trí nó tại phía nam Thất Châu Dương, có hai núi nhô lên trên biển, gọi là Đại Côn Lôn, Tiểu Côn Lôn. Núi lắm sự tích lạ, trên có nhiều cây có, trái ngọt; không có bóng người, do thần Rồng chiếm cứ.
Trước kia Hà Lan mất Đài Loan 2, việc Trung Quốc cấm biển chưa khôi phục. Rồi nhân 2 đảo Kim Môn [tỉnh Phúc Kiến], Hạ Môn [tỉnh Phúc Kiến] được lấy lại 3; Hà Lan mang quân đến cướp tại núi Phổ Đà [huyện Định Hải, tỉnh Chiết Giang], vào chùa phá tượng, chuông đồng. Có tượng Phật đời Vạn Lịch [triều Minh], đao kiếm không phá được; chúng bèn dùng đạn pháo phá huỷ, lấy những đồ vàng bạc vật quí; thấy tượng chúng liền mổ ra, lấy những đồ quí chứa bên trong, rồi mang đi. Đến Côn Lôn, bị thần Rồng quấy phá, bèn dùng súng pháo đánh nhau với Thần. Hai bên cầm cự mấy ngày, rồi người Hà Lan trở nên điên cuồng lấy cùi tay đấm vào ngực, có thêm người chết; bèn giong buồm đến Cát Thứ Ba [Jakarta, Indonesia], thuyền bị đụng chìm, còn sống sót được 10 người…
Hãy đặt sang một bên câu chuyện thần thoại thần Rồng đánh nhau với quân Hà Lan, nhưng việc Hà Lan từ bỏ Côn Lôn là một sự kiện, và Côn Lôn lúc bấy giờ là phần đất thuộc nước Quảng Nam do chúa Nguyễn cai quản, nên lực lượng gây khó khăn cho Hà Lan chính là nước Quảng Nam. Cũng theo tác giả Hải Quốc Kiến Văn Lục xác định lãnh thổ nước Quảng Nam từ tỉnh Quảng Bình đến Nông Nại [Đồng Nai], Đông Bộ Trại [Chân Lạp]; thực lực mạnh hơn Giao Chỉ [chúa Trịnh] miền bắc.
Thủy quân nhà Nguyễn. (Tranh qua historicvietnam.com)
Việc chúa Nguyễn đánh Hà Lan không chỉ xảy ra một lần. Vào năm Giáp Thân [1644] Thế tử Dũng Lễ hầu [tức chúa Nguyễn Phúc Tần tương lai] đánh phá giặc Hà Lan tại cửa Eo [cửa Thuận], một thuyền lớn giặc bị thiêu huỷ, Đại Nam Thực Lục 4 chép như sau:
Thế tử Dũng Lễ hầu đánh phá giặc Ô Lan (nguyên chú: tức Hà Lan) ở cửa Eo. Bấy giờ giặc Ô Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin, Chúa đang tìm kế đánh dẹp. Thế tử tức thì mật báo với Chưởng cơ Tôn Thất Trung, ước đưa thuỷ quân ra đánh. Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết. Thế tử đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra. Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền cùng đi, đến cửa biển thì thuyền Thế tử đã ra ngoài khơi. Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng Thế tử không quay lại, Trung bèn giục binh thuyền tiến theo, thuyền trước sau lướt nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhắm thẳng phía đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắn. Tướng giặc thế cùng phóng lửa tự đốt chết. Thế tử bèn thu quân về.
Lại một lần khác vào đầu thế kỷ thứ 18, quân Anh đến chiếm Côn Sơn. Trấn thủ dinh Trấn Biên [Biên Hoà] Trương Phúc Phan dùng dân Chà Và [Java] làm nội tuyến tiêu diệt bọn chúng; sự việc ghi trong Đại Nam Thực Lục 5 như sau:
Tháng 8 năm Nhâm Ngọ [1702]… Giặc biển là người Man, An Liệt [English] có 8 chiếc thuyền đậu ở đảo Côn Lôn. Trưởng là bọn Tô Thích Già Thi 5 người, tự xưng là Nhất ban, Nhị ban, Tam ban, Tứ ban [mấy ban chỉ cấp bực, như quan Một, quan Hai, quan Ba, quan Tư], cùng đồ đảng hơn 200 người, kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác. Trấn thủ dinh Trấn Biên [Biên Hoà] là Trương Phúc Phan (con Chưởng dinh Trương Phúc Cương, lấy Công chúa Ngọc Nhiễm) đem việc báo lên. Chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy.
…Mùa đông tháng 10 năm Quí Mùi [1703] dẹp yên đảng An Liệt [English]. Trước đó Trấn thủ Trương Phúc Phan mộ 15 người Chà Và [Java, Indonesia] sai làm kế trá hàng đảng An Liệt, để thừa chúng sơ hở thì giết. Bọn An Liệt không biết; ở Côn Lôn hơn 1 năm không thấy Trấn Biên xét hỏi tự lấy làm đắc chí. Người Chà Và nhân đêm phóng lửa đốt trại; đâm chết Nhất ban, Nhị Ban, bắt được Ngũ ban trói lại; còn Tam ban, Tứ ban thì theo con đường biển trốn đi. Phúc Phan nghe tin báo, tức thì mang binh thuyền ra Côn Lôn, thu hết của cải bắt được dâng nộp. Chúa trọng thưởng người Chà Và và tướng sĩ theo thứ bực. Tên Ngũ ban thì đóng gông giải đi, chết ở dọc đường.
Ngoài sử liệu về Hà Lan, Hải Quốc Văn Kiến Lục còn đề cập đến việc người Anh trở lại Côn Sơn, bị quân chúa Nguyễn xua đuổi như sau:
Vào thời Khang Hy thứ 45, 46 [1706-1707] Hồng Mao [Anh] lại mưu lấy Côn Lôn, nhưng không dám trú gần núi, bèn làm phố gần bờ biển; cho rằng Côn Lôn là chỗ 4 biển lưu thông, nên tham vọng không dừng. Có thuyền buôn Trung Quốc chở gạch ngói đến bán cho Hồng Mao; thứ hàng này vốn ít, mà lời nhiều. Tối họ trú tại bãi cát, thấy người thiếu đi, sau biết rằng đã bị cá sấu ăn; bèn chặt cây làm rào vây quanh mới được yên; tối nghe trong núi có tiếng [chim?] kêu như dục về. Hồng Mao không hợp thuỷ thổ nên chết nhiều; lại bị phiên Quảng Nam [chúa Nguyễn] cướp giết gần hết, nên bèn bỏ nơi này.
Vào tiền bán thế kỷ thứ 19, Hà Lan và Anh là hai đế quốc sừng sỏ liên tục vùng vẫy tại Á Châu, ngay nước lớn như Trung Quốc cũng phải lo lắng, mất ăn, mất ngủ trước các thế lực này. Côn Đảo nước ta, vị trí xa đất liền, lại nằm giữa con đường lưu thông quốc tế; nhìn xung quanh thì Phi Luật Tân bị Tây Ban Nha chiếm; Mã Lai, Tân Gia Ba bị Anh chiếm; riêng Côn Đảo vẫn giữ được thế tự chủ; công của chúa Nguyễn trong việc giữ nước thật không nhỏ. Bởi vậy con cháu đời sau; như vua Tự Đức, sau khi đánh mất 6 tỉnh Nam Kỳ, cảm thấy nhục với tổ tiên; đã tự xỉ vả mình một cách nặng nề trong Tự Biếm Dụ [đạo dụ Tự Trách Mình] như sau:
Trên 200 năm khai sáng gìn giữ gian nan, bỏ trong một sớm; chính là tội của tên tiểu tử này, kể sao cho xiết! Túng sử có lập được nên công đức cũng không đủ chuộc được tội lỗi. Huống hồ Trẫm lại không công không đức, chỉ trơ mặt trơ thân ngồi nhìn, lần lữa cho đến già yếu; tuy thiên hạ không nỡ trách ta, nhưng lòng ta há lại không suy nghĩ?
Hồ Bạch Thảo
Đăng lại từ bài viết “Quân chúa Nguyễn xua đuổi người Âu Châu xâm chiếm Côn Đảo”
Đăng trên Forum Diễn Đàn (diendan.org)
Chú thích:
1. Thất Châu: đảo cách phía đông tỉnh Hải Nam khoảng trên 100 km, cũng như đảo Côn Lôn, cả hai đều nằm trên đường hàng hải từ Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á.
2. Nước Hà Lan chiếm Đài Loan vào năm 1624, sau đó bị lực lượng phản Thanh phục Minh của Trịnh Thành Công đánh bại, Hà Lan bỏ Đài Loan năm 1662.
3. Sau khi mất Đài Loan, Hà Lan giúp cho nhà Thanh lấy lại Kim Môn, Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến, từ lực lượng phản Thanh phục Minh.
4. Đại Nam Thực Lục, NXB Giáo dục: Hà Nội, 2006, tập 1, trang 57.
5. Đại Nam Thực Lục, NXB Giáo dục: Hà Nội, 2006, Tập 1, trang 115, 117.
Theo Tri Thức VN