Nếu có thể là hoa, xin hãy là Hoa Mộc Lan, một bông hoa không lộng lẫy, sắc sảo nhưng lại khiến người ta phải cảm phục, phải nhung nhớ cả một đời.
Hoa Mộc Lan là người phụ nữ xuất hiện từ thời Bắc Ngụy. Không ai biết chắc về Hoa Mộc Lan, chỉ biết rằng cuộc đời nàng được kể lại thông qua một bài thơ từ cổ trong lịch sử văn học Trung Hoa. Nhắc đến Hoa Mộc Lan, người ta sẽ nghĩ đến một cô gái hiếu thảo, trung nghĩa và kiên cường. Nàng vì thương cha bệnh nặng nên đã quyết vén tóc giả trai thay cha tòng quân đánh giặc.
“Than thở lại thở than,
Mộc Lan dệt bên cửa.
Không nghe tiếng thoi đưa
Chỉ nghe cô than thở.
Phải chăng buồn vì lo,
Phải chăng buồn vì nhớ?
Không phải buồn vì lo,
Không phải buồn vì nhớ”…
(Mộc Lan thi – bản dịch của Nam Trân)
Nàng chẳng nhớ, chẳng buồn chi, chỉ thương cha già tóc bạc, bệnh nặng, em trai tuổi lại còn quá nhỏ, nên năm đó nghe tiếng chiêu quân gióng trận, cô gái mới 18 tuổi đã biết thấp thỏm lo âu, ngóng trông đến giờ thay cha khoác áo bào ra trận.
Suốt 12 năm chinh chiến ngoài chiến trường, nàng đã rủ bỏ mọi chuyện nữ nhi thường tình để hoàn thành tốt việc là một người lính.
Mộc Lan đẹp, nàng đẹp một vẻ đẹp kiên cường và mạnh mẽ. Thật tình cờ khi tên của nàng lại trùng với tên của một loài hoa. Không biết có phải rằng, hoa mộc lan là tên lấy cảm hứng từ người phụ nữ nổi tiếng từ thời Bắc Ngụy này không, nhưng sự tình cờ này như nhắc nhở người ta về vẻ đẹp như hương như hoa của người phụ nữ.
Trên chiến trường, Mộc Lan mạnh mẽ, cương nghị. Nhưng khi trở về quê hương, nàng cũng như bao người phụ nữ bình thường, mái tóc dài đen óng, bộ quần áo của cô thôn nữ nơi vùng quê nghèo, sự dịu dàng và e lệ của nàng khiến người ta không thể nhận ra nàng chính là nữ tướng quân Hoa Mộc Lan đã chinh chiến bao năm mưa gió ngoài chiến trận.
Trong tất cả các bản phim điện ảnh và truyền hình lấy hình tượng của Hoa Mộc Lan, ngoài bộ phim hoạt họa kinh điển của Disney năm 1998, có lẽ nhiều người sẽ không thể quên hình ảnh nàng Hoa Mộc Lan, mạnh mẽ và mộc mạc được thể hiện qua diễn xuất của một trong tứ đại Hoa Đán – Triệu Vy.
Trong bản phim Hoa Mộc Lan (2009), nàng Mộc Lan và chàng Thái tử nước Ngụy là Văn Thái đem lòng thương nhớ nhau, họ cùng nhau chinh chiến xông pha ra trận nhiều năm trên chiến trường, cùng chung lý tưởng khát vọng hòa bình. Nhưng chuyện tình của họ lại không được tác thành. Vì quốc gia đại sự, Thái tử Văn Thái được gả hôn cho công chúa của Nhu Nhiên để dẹp yên chiến tranh hai nước, Mộc Lan quay về quê cũ sống cuộc đời thanh nhàn cùng cha già trong túp lều tranh đạm bạc.
Mặc dù tình tiết này không được nhắc đến trong bài quân ca hùng tráng “Mộc Lan từ”, nhưng kết thúc buồn của bộ phim phần nào có ý nghĩa nhắc nhở đối với nhiều người phụ nữ thời nay.
Bộ phim có một đoạn kết buồn, dấu chấm hết một mối tình không đầu, không cuối, không những cảnh lâm ly bi đát, không những buồn vui tan hợp, nhưng lại có nước mắt của khán giả và cả nhân vật trong phim. Cuộc tình họ dù chưa bắt đầu nhưng lại khiến người ta tiếc nuối, cuộc tình họ dù không nói thành lời nhưng lại khiến người ta thấu rõ sâu sắc và mặn lòng.
Không lâm ly bi đát, không những cảm xúc tình tứ biểu lộ bên ngoài, rất đơn giản và nhẹ nhàng ngay cả khi tình yêu đang cuộn dâng sóng trào, tình cảm và nước mắt của họ đã thấm đẫm sa trường bao nhiêu năm cùng sát cánh, để lại giờ đây một câu biệt ly nhẹ nhàng mà sâu thẳm tâm can: “Xin hãy quên ta đi”.
Vì sao chỉ một câu ly biệt không trào dâng nước mắt, không ủy mị nhạt nhòa nhưng lại khiến cả những kẻ hiểu được lẽ hợp tan trên đời cũng phải rơi lệ? Bởi khung cảnh đó không chỉ là chuyện tình yêu đôi lứa, là thương cảm mà còn là kiên cường, là nghĩa khí, là hy sinh cho những điều ý nghĩa lớn lao hơn hai chữ “tình yêu” vị kỉ.
Có khi nào họ lại không yêu nhau, có khi nào tình cảm của họ lại quá nhạt nhòa? Từng đó năm chinh chiến, xông pha trên chiến trường cùng nhau, lẽ nào lại không phải tri kỷ, cùng nhau trải bao cay đắng, đối mặt với giờ phút sinh tử của cuộc đời lẽ nào lại không nhung nhớ? Chia tay ấy lẽ nào không đau? Lìa xa ấy lẽ nào không nuối tiếc? Nhưng họ chấp nhận chia xa, bởi họ hiểu có những điều ý nghĩa, vĩ đại và đáng hy sinh hơn tình cảm đôi lứa.
Chính cái khí khái trước đau đớn và chia ly vẫn có thể mạnh mẽ, khẳng khái và bình thản đã khiến người ta phải cảm phục, phải nín thở và rơi lệ.
Một số phụ nữ thời nay, trước những vấp ngã của tình cảm thường đớn đau ủy mỵ không ngừng, chính điều đó lại càng khiến người bạn thương không còn tôn trọng bạn. Nhiều người lấy vẻ mạnh mẽ bên ngoài để che đi những nỗi đau chẳng thể xóa được trong lòng. Nhưng có lẽ, vẻ đẹp tuyệt vời nhất chính là vẻ đẹp của “Hoa Mộc Lan”, vẫn dịu dàng mà vẫn có thể kiên cường, mạnh mẽ thẳm sâu từ bên trong.
Nó không chỉ là vẻ mạnh mẽ nhất thời trong đôi lúc, đó thật sự là cả một quá trình tu dưỡng và rèn giũa đức hạnh bền bỉ của một người phụ nữ; để trước những đớn đau và chuyện đời không như ý, có thể thanh thản, nhẹ nhàng, chấp nhận và hy sinh. Một câu nói, nói ra vốn rất dễ, nhưng làm được không lại ở nghị lực kiên trì của mỗi người.
Có lẽ chúng ta không nhất định phải trở thành một “Hoa Mộc Lan thời chiến”: giả trai, cưỡi ngựa, xông pha đánh giặc… Nhưng hãy học từ nàng những phẩm chất tốt đẹp để trở thành một “Hoa Mộc Lan thời nay”: Đối với cha mẹ cần hiếu thảo, đối với bạn bè hãy chân thành và đối với tình yêu nên lý trí, học cách hy sinh, trước chuyện tình cảm không thành đừng bi lụy, hãy bình thản đối diện, để biến mình thành bông hoa lan đẹp nhất trong cuộc đời này.
Bởi vốn hương thơm của hoa không nói thành lời, người ta chỉ có thể cảm nhận mà chẳng thể nhìn, bởi sự kiên cường không phải hành động mà âm thầm ẩn giấu. Hoa vốn đẹp, nhưng hoa có thể lưu lại hương thơm mới càng khiến người lưu luyến không thể rời bước.
Vậy mới nói, vẻ đẹp thật sự xuất phát từ trong tâm. Vậy nên, phụ nữ à, nếu có thể là hoa, xin hãy là “Hoa Mộc Lan’, để hương thơm muôn đời còn mãi…
Theo Đại Kỷ Nguyên