Trailer tuyên truyền phong trào chống rác thải nhựa - Videoclips
26-07-2019 09:21
Rác thải nhựa là vấn nạn toàn cầu hiện nay. Nhưng không chỉ con người, mà dường như động vật cũng biết “xắn tay áo” chung tay giúp chúng ta giải quyết vấn nạn này.
Trong nhịp sống xã hội hiện đại gấp gáp, chúng ta có thể nhìn thấy bóng dáng của các sản phẩm nhựa ở khắp mọi nơi. Cho dù đó là túi nhựa hay bao bì nhựa, nó đã trở thành một thứ không thể thiếu đối với cuộc sống thường ngày của chúng ta, theo zheng jian .
Chúng mang đến sự tiện lợi cho chúng ta, nhưng người ta lại bỏ quên tác hại của chúng đối với môi trường. Nó đã tạo nên gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng (ô nhiễm chất thải nhựa)”. Thực tế cho thấy, ô nhiễm trắng không chỉ thấy xuất hiện trong các đại dương và sông hồ, mà sự tích tụ như núi của các loại vật liệu nhựa đã có mặt ở khắp các hệ sinh thái khác nhau trên thế giới.
Ngoài ra mối nguy hiểm của nó đối với động vật hoang dã cũng đã được ghi nhận rộng rãi. Nhiều loài chim, rùa biển và thậm chí cá voi đã chết do ăn phải chất thải nhựa. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về sự hiện diện của các hạt nhựa ở đáy rãnh Mariana.
Mọi người đang dần nhận thức được sự nguy hiểm của ô nhiễm trắng và bắt đầu có những động thái tích cực để đối phó với nó từ mọi khía cạnh. Ví dụ, hạn chế sử dụng túi nilon, thực hiện chính sách không rác thải (Zero Waste – không tạo ra rác không có khả năng tái chế), sử dụng vật liệu có thể phân hủy và tăng cường tái chế các sản phẩm nhựa… Trong nhận thức của nhiều người, tái chế là điều chỉ con người mới có thể làm, nhưng thực tế không phải vậy. Một số động vật trong tự nhiên cũng đang bận rộn làm việc đó.
Việc tái chế bán thời gian của động vật hoang dã
Chúng ta đều biết rằng con người có thể làm việc bán thời gian, nhưng bạn đã từng nghe nói đến động vật làm việc bán thời gian chưa?
Trên thực tế, một số động vật đang thực sự làm việc bán thời gian để tái chế chất thải nhựa. Ví dụ, chim làm vườn và cua ẩn sĩ đang làm hết sức để tái chế nhựa. Theo một nghiên cứu năm 2014, những con ong hoang dã ở Canada đã gia nhập đội ngũ tái chế nhựa bán thời gian, khi sử dụng chất thải nhựa để xây tổ.
Tất nhiên, nhựa được tái chế bởi những con côn trùng nhỏ này không đủ để giúp chúng ta giải quyết vấn nạn ô nhiễm trắng. Tuy nhiên, việc chúng sử dụng rộng rãi polyurethane và polyethylene [trong quá trình làm tổ] đã gián tiếp cho thấy mức độ ô nhiễm nhựa đã lan rộng và trở nên phổ biến đến như thế nào cũng như cách thức một số loài động vật hoang dã đã thích nghi với môi trường bị ô nhiễm bởi nhựa đến đâu.
Các tác giả của nghiên cứu đã viết trên tạp chí Ecosphere như sau:
“Rác thải nhựa được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù chúng tôi đã phát hiện ra những nguy cơ ô nhiễm của nhựa đối với các loài sinh vật và hệ sinh thái, chúng tôi hiếm khi quan sát thấy khả năng thích nghi tốt đến như vậy với nhựa của các loài, đặc biệt là các loài côn trùng”.
Ong cắt lá làm tổ bằng nhựa
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hai loài ong cắt lá đã sử dụng vật liệu nhựa để xây dựng tổ của mình. Mỗi loại nhựa mang về có cấu trúc giống hệt với loại lá mà ong thường sử dụng để lót tổ của mình. Thay vì xây dựng môi trường sống rộng lớn hoặc lưu trữ mật ong như các loài ong khác, những con ong cắt lá này chọn làm tổ trong các hang động dưới lòng đất, hố cây hoặc vết nứt trong các tòa nhà.
Một trong những đối tượng họ nghiên cứu là con ong cắt cỏ linh lăng (cỏ Alfalfa). Loài này thường cắn hết lá và hoa để xây tổ. Những nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ba trong số tám con ong có chứa các mảnh túi nhựa polyetylene, và trung bình 23% số lá được thay thế bằng nhựa trong mỗi tổ. Các nhà nghiên cứu cho biết:
“Tất cả các mảnh cắt thu được có cùng độ bóng và tính nhất quán, vì vậy nó có thể đến từ cùng một nguồn”.
Argentina tìm thấy những chiếc tổ ong nhựa đầu tiên
Trong một nghiên cứu khác được thực hiện ở Argentina trong hai năm 2017 và 2018, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một tổ ong làm hoàn toàn bằng nhựa. Điều này hơi khó tin vì đây là tổ ong bằng nhựa được biết đến đầu tiên trên thế giới và các nhà nghiên cứu tin rằng những con ong làm tổ là những con Ong cắt lá được đề cập đến bên trên.
Điều đáng tiếc là, tổ ong này không được bền cho lắm. Theo tạp chí New Scientist, những mảnh nhựa được ong cắt xén hết sức cẩn thận thành hình giống móng tay, những mảnh nhựa mỏng màu xanh nhạt có cùng màu với túi mua sắm dùng một lần và bên cạnh là dải nhựa trắng dày hơn một chút. Trong các tổ ong này, ấu trùng trong một tổ đã chết, tổ kế tiếp thì rỗng không, còn một tổ thì chưa được hoàn thiện. Có lẽ một con ong đã rời đi sau khi trưởng thành, và để lại một cái tổ rỗng.
Ong cũng biết sử dụng chất keo bịt kín bảo vệ bên ngoài
Các nhà nghiên cứu Canada cũng đã nghiên cứu một loài ong khác, mang tên Megachilecampanulae, một loài ong cắt lá bản địa của Mỹ thường sử dụng nhựa cây để xây tổ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các mảnh vụn nhựa không phải là vật liệu duy nhất mà chúng dùng để làm tổ.
Ngoài các vật liệu làm tổ tự nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hai trong số 7 cái tổ của loài này được phủ bên ngoài một lớp keo bịt kín bảo vệ. Những lớp keo này khá phổ biến tại lớp rìa ngoài của các tòa nhà, nhưng chúng lại được bao phủ bởi loại nhựa tự nhiên trong tổ. Các nhà nghiên cứu tin rằng những con ong chỉ tình cờ sử dụng đến chúng, chứ không phải do thiếu nhựa tự nhiên.
Ưu và nhược điểm của việc sử dụng tổ bằng nhựa
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng nhựa trong làm tổ có những ưu điểm và nhược điểm. Ví dụ, những con ong sử dụng nhựa làm tổ không bị nhiễm bất kỳ ký sinh trùng nào, tương khớp với kết quả nghiên cứu vào năm 1970. Những con ong này chưa bao giờ bị ký sinh trùng tấn công vì chúng không thể xuyên thủng màng nhựa. Tuy nhiên, do tính chất không thấm nước của màng nhựa, nên các loài nấm mốc nguy hiểm đã phát triển trong tổ, giết chết đến 90% số ong.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng túi nhựa không dính vào nhau như lá cây và rất dễ rơi ra. Nhưng những con ong đã thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu sự khiếm khuyết cấu trúc này, chẳng hạn như chỉ sử dụng các mảnh vụn nhựa ở cuối tổ. Chúng thực sự có tài năng kiến trúc ở điểm này. Kỹ thuật làm tổ kết hợp giữa vật liệu nhân tạo và vật liệu tự nhiên cho thấy việc sử dụng nhựa để làm tổ không phải do những con ong này kém thông minh, khi tưởng nhầm vật liệu loại này là lá cây.
Không rõ lý do chính xác loài ong cắt lá này sử dụng nhựa là gì, nhưng hành động này có thể trở nên phổ biến hơn khi các vật liệu không phân hủy tích lũy nhiều trong tự nhiên. Các nhà nghiên cứu đã viết:
“Mặc dù chúng có thể được thu thập một cách tình cờ, nhưng việc sử dụng nhựa trong việc xây tổ có thể phản ánh khả năng thích ứng sinh thái học của loài ong để tồn tại trong một môi trường sống ngự trị bởi con người”.
Theo dkn.tv