Nữ tướng Bùi Thị Xuân không bị voi giày

Nữ tướng Bùi Thị Xuân không bị voi giày

Nữ tướng Bùi Thị Xuân không bị voi giày

Nữ tướng Bùi Thị Xuân không bị voi giày

Nữ tướng Bùi Thị Xuân không bị voi giày
Nữ tướng Bùi Thị Xuân không bị voi giày
Thứ hai, 30-12-2024 00:26, (GMT+07:00)
Nữ tướng Bùi Thị Xuân không bị voi giày
14-07-2019 08:03

Lời tòa soạn: Nhiều người cho rằng nữ tướng Bùi Thị Xuân đã bị vua Gia Long cho voi giày chết như một sự trả thù đối với nhà Tây Sơn. Tuy nhiên, chi tiết này lại không thuộc về chính sử, mà chỉ được trích lại từ một tập Ký sự do một giáo sĩ người nước ngoài tên là Bissachère chép lại. Bản thân ông Bissachère cũng không trực tiếp chứng kiến vụ hành hình, mà lại được nghe kể từ người khác. Trong bài viết “Về trường hợp hy sinh của nữ tướng Bùi Thị Xuân”, tác giả Tôn Thất Thọ phân tích về những chi tiết bất thường liên quan tới tập Ký sự của giáo sĩ Bissachère.

*******

Nữ tướng Bùi Thị Xuân là một Đô đốc của nhà Tây Sơn. Trong tập sách Danh tướng Việt Nam T3, tác giả Nguyễn Khắc Thuần đã viết về bà như sau:

Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và trong lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn các nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cả một cuộc trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân đã trở thành một danh tướng được đời đời kính trọng…

Tượng nữ tướng Bùi Thị Xuân (Ảnh qua hobuivietnam.vn).

Đề cập đến trường hợp hy sinh của Bùi Thị Xuân, đầu tiên phải kể đến nội dung trong tập Ký sự của giáo sĩ Bissachère (đến Bắc Hà truyền đạo năm 1790) ghi chép; những nội dung này được sử gia người Pháp Charles B. Maybon trình bày, viết lời giới thiệu và chú thích để in trong cuốn sách có tựa là La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr de la Bissachère (Ký sự về Bắc Hà và Nam Hà của de La Bissachère – gọi tắt là Ký sự). Sách do nhà xuất bản Champion, Paris ấn hành lần thứ 3 năm 1920. Trong tập sách này này có đoạn ghi lại chi tiết cảnh hành hình vua tướng nhà Tây Sơn và nữ tướng Bùi Thị Xuân; mặc dù không tận mắt chứng kiến mà chỉ nghe kể để viết lại theo lời kể của một “con chiên” của ông. Người đó đã nói với Bissachère rằng chính mình đã được chứng kiến tận mắt cuộc hành hình đó!

Sau khi sách của Charles B. Maybon phát hành lần thứ nhất (1810), và nhất là sau năm 1920, rất nhiều nhà nghiên cứu sử học đã căn cứ vào đó khi thuật lại cảnh nữ tướng bị hành hình. Dưới đây là trích đoạn tả lại sự việc đó ở trang 117-118;

Le Roy Gia Long étant arrivé à la Capitale de la Cochinchine s’y reposa pendant deux mois ou environ. Ensuite il s’occupa du supplice de ses prisonniers; un de mes gens que j’avais envoyé à la cour, pour m’obtenir une permission du roy et qui fut porté sur la liste de ceux qui pouvoient entrer au palais et se tenir devant Sa Majesté pendant un mois, se trouva de service le jour de l’éxécution, et il la vit tout entière depuis le commencement jusqu’à la fin. A son retour il m’en a fait le récit, je ne puis m’en rappeler aujourd’hui toutes les circonstances qui d’ailleurs sont extrêmement dégoutantes, je ne rapporterai dont ce que je me souviens, ou ce qui m’a frappé le plus du récit qui m’en a été fait et qui depuis a été publique dans tous les états du roy de Cochinchine…

(sđd, t. 117-118).

Đoạn này được tác giả Lê Đình Chân lược dịch trong cuốn Cuộc đời oanh liệt của Tả Quân Lê Văn Duyệt như sau :

Vua Gia Long về kinh đô Phú Xuân nghỉ ngơi 2 tháng, rồi mới nghĩ đến việc hành hình vua tôi nhà Tây Sơn. Sở dĩ tôi (La Bissachère) biết rõ việc này là vì một con chiên (chỉ người theo đạo) được mục kích sự hành hình, kể lại rõ ràng cho tôi nghe, hôm nay tôi không nhớ hết tất cả quang cảnh rất kinh khiếp này, tôi chỉ kể lại những điều khủng khiếp nhất mà sau này mọi người trong nước Nam đều biết…

(Cuộc đời…, sđd, tr. 44)

Nữ tướng Bùi Thị Xuân có bị voi giày?
Ký sự của La Bisachère (1920). (Ảnh qua chimviet.free.fr)
Nữ tướng Bùi Thị Xuân có bị voi giày?
Trang sách nói về hành hình nữ tướng Bùi Thị Xuân. (Ảnh qua chimviet.free.fr)

Sau đó, Bissachère “mô tả” chi tiết buổi hành hình như sau :

Đối với vua Tây Sơn là Quang Toản, thoạt tiên người ta cho y xem thi thể của bố mẹ mới khai quật lên. Người ta xếp lại cẩn thận bộ xương vua Quang Trung và Hoàng hậu. Người ta bỏ xương cốt đó vào một cái thúng mây lớn rồi cho quân lính lần lượt đi tiểu vào.

Đoạn đem giã thành bột. Rồi cho vào một cái thúng, đưa cho Quang Toản nhìn, để cho mà đau khổ.

Đoạn người ta dọn cho vua Tây Sơn một bữa cơm thịnh soạn, bày trên một cái kỹ sơn son thếp vàng, có chạm ấn triện của nhà vua (Gia Long). Đó là một thông lệ của xứ này đối với những kẻ sắp phải xử tử. Em vua Tây Sơn thấy anh ngồi ăn, trách rằng: “Nhà ta thiếu gì kỹ, tại sao lại ăn trên kỹ của người ngoài?”

Ăn xong người ta cho bịt mồm vua Tây Sơn lại, sợ rằng trong lúc phẫn nộ, có thể chửi rủa vua mới (Gia Long).

Đoạn buộc chân và tay vua Tây Sơn vào 4 con voi, để cho voi xé. Bị một con voi đã giựt gần đứt cái đùi mà vua Tây Sơn vẫn còn ngước mắt nhìn vào cá thùng đựng hài cốt của cha mẹ. Đoạn bọn đao phủ cầm dao cắt xác vua Tây Sơn ra làm 4 phần. Với cái đùi đã đứt, thế là có 5 phần tất cả, đem phân chia bêu tại 5 chợ đông người qua lại nhất. Mỗi phần xác đặt trên một cột gỗ, có lính gác đêm ngày và ra hình rất nặng đối với kẻ nào trộm xác. Ý triều đình mới là để cho thịt thối tha và làm mồi cho quạ và diều hâu!

Gia hình vua Tây Sơn xong, đến lượt Thiếu phó Trần Quang Diệu, một danh tướng Tây Sơn, ai ai cũng mến phục, cả các tướng sĩ của Gia Long (Diệu tha hết quân Nguyễn khi lấy lại được Bình Định). Trước ngày hành hình, Diệu làm sớ xin Gia Long tha chết cho mẹ già đã 80 tuổi, lấy cớ rằng một bà cụ già yếu như vậy thì không thể là một nỗi lo cho triều mới. Gia Long chuẩn. Diệu chỉ bị lột da (thời đó cho là nhẹ hơn tội phanh thây).

Con gái Diệu, một thiếu nữ mới chừng 15 tuổi, rất nhan sắc, khi thấy con voi lừ đừ tiến đến để quật mình, bèn quay lại mẹ kêu lên thất thanh lớn :

– Mẹ ơi cứu con với !

Bùi Thị Xuân (vợ Diệu, một nữ tướng can đảm, đã cầm quân chống lại quân Nguyễn tại lũy Trấn Ninh) trả lời con :

– Ta cứu con lúc này sao được, chân tay ta cũng bị trói buộc cả. Thôi con ạ, thà chết cùng cha mẹ còn hơn là sống với bọn này.

Nhiều người đứng xem, động lòng ý muốn cứu nhưng đành phải nhắm mắt quay mặt đi. Con voi giơ vòi, quặp lên người con gái, tung lên trên không, và giơ đôi ngà ghê gớm lên đón, khi cái xác vô hồn đó rơi xuống. Như thế 2 lần.

Bùi Thị Xuân mặt không đổi sắc, tiến lên trước một con voi, như để chọc tức nó. Đao phủ thét bảo Thị Xuân phải quỳ xuống để cho con voi dễ quật. Thị Xuân không quỳ vẫn xăm xăm tiến lại con voi. Voi lùi, đao phủ phải cầm giáo chọc con voi cho nó tức. Bấy giờ nó mới quặp lấy Thị Xuân và tung lên trời. Trước ngày chịu hình, người đàn bà can đảm này đã cho đem vào nhà giam mấy tấm lụa, dùng để quấn chặt chung quanh thân, đùi và bụng, dưới quần áo ngoài. Ý muốn tránh cho thi thể sau này khỏi bị lõa lồ.

Bọn đao phủ muốn được can trường như Thị Xuân, bèn lấy dao cắt tim, gan, thịt ở cánh tay mà ăn sống (!).

Viên trấn thủ Nghệ An bị chặt vụn như cám. Chính viên quan này đã lùng bắt tôi (thầy tu La Bisachère) trong suốt 7 năm, vì y biết tôi giảng đạo ở trong tỉnh y cai trị.

(Cuộc đời oanh liêt…sđd, tr.45)

Nữ tướng Bùi Thị Xuân có bị voi giày?
Đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân ở Tây Sơn, Bình Định. (Ảnh qua chimviet.free.fr)

Ghê rợn hơn, tác giả Quách Giao khi viết cuốn Nhà Tây Sơn (hoàn thành 1984) trong đó, một phần dựa vào ký sự này, phần khác thì viết là Bùi Thị Xuân đã bị đích danh Gia Long ra lệnh cho thiêu sống trước mặt ông(!) sau một hồi đối đáp tay đôi, và con cái bà bị bỏ vào bao bố đánh nát thây! Đoạn văn đó như sau :

Nguyễn Ánh tức giận, truyền bắt mấy người con của Nữ kiệt đem ra giết trước mặt Nữ kiệt. Mấy người con nhỏ thì sai lực sĩ bỏ vào bao vải, đánh nát thây. Còn người con gái lớn thì cho voi xé xác. Thấy voi đến, người con gái hoảng sợ kêu lên: “Mẹ ơi cứu con”. Nữ kiệt hét lớn “Con nhà tướng không được khiếp nhược”.

Người con gái liền nhắm mắt thọ hình, không một tiếng rên rĩ…

Đến lượt Nữ kiệt, Nguyễn Phúc Ánh sai dùng hình phạt “điểm thiên đăng”. Chúng lấy vải nhúng sáp nóng đem quấn khắp mình nữ kiệt, rồi đem cột nữ kiệt nơi trụ sắt dựng giữa trời. Đoạn châm lửa đốt. Nữ kiệt bình tĩnh, nét mặt không chút thay đổi. Lửa cháy phừng phực từ dưới len trên. Sáng chói thấu mây. Ai nấy đều xúc động. Riêng Nguyễn Ánh tỏ vẽ hân hoan…

(Nhà Tây Sơn, sđd, tr. 193-194)

Ngoài ra tác giả còn cho biết là để nhổ cỏ cho sạch gốc, Gia Long đã sức mọi nơi truy tầm những bà con gần xa của họ Nguyễn Tây Sơn, và những tướng tá của Tây Sơn còn trốn tránh nơi sơn dã để tận diệt…

*******

Khi tìm hiểu sự thật khách quan về những chi tiết mà ông giáo sĩ thuật trong sách Ký sự nói trên, cũng như những điều ông Quách Giao ghi chép, chúng tôi thấy có những điều không thật sáng rõ:

1- Về trường hợp nữ tướng Bùi Thị Xuân, trong sách Đại Nam thực lục (Thực lục) do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn, ta thấy tên vị nữ tướng này được ghi chép lần cuối cùng là trong cuộc giao chiến ở cửa biển Nhật Lệ vào tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1802) với quân của Nguyễn Ánh, đoạn đó như sau :

Giặc Tây Sơn Nguyễn Quang Toản sai Nguyễn Quang Thùy và tổng quản Siêu phạm lũy Trấn Ninh, tư lệ Đinh Công Tuyết, đô đốc Nguyễn Văn Đằng, đô đốc Lực (không rõ họ) kết với hơn trăm thuyền của bọn giặc biển Tề Ngôi bày thủy trận ở ngoài cửa biển Nhật Lệ.

Vua Sai Nguyễn Văn Trương điều bát thủy binh ra biển ngăn ngừa, Pham Văn Nhân và Đặng Trần Thường đem bộ binh chia đường chống đánh.

Giặc đến sát lũy Trấn Ninh. Vua sai quân Túc trực ra ụ bắn ở cửa, bắn giết được hơn một nghìn quân giặc. Giặc đem hết quân đến sát núi Đâu Mâu, bám vào như kiến mà bò lên. Quân ta từ trên núi thả đá xuống, quân giặc bị đè chết rất nhiều.

Vợ Trần Quang Diệu là Bùi Thị Xuân cưỡi voi thúc quân liều chết đánh từ sáng đến trưa chưa chịu lui. Vừa gặp thủy binh của Nguyễn Văn Trương, nhân được gió đông bắc đánh phá quân giặc ở ngoài biển, cướp được 20 chiếc thuyền. Bộ binh giặc nghe tin thủy binh thua, sợ mà tan vỡ. Quang Toản chạy về Đông Cao. Nguyễn Văn Kiên đem quân ra hàng…

(ĐNTL, sđd, tr. 479).

Như thế là sau khi giao chiến với quân của Nguyễn Ánh ở lũy Trấn Ninh, quân Tây Sơn do Bùi Thị Xuân chỉ huy đã bị thất trận và tháo chạy. Từ trận đó về sau, không thấy sử nhà Nguyễn nhắc tới tên của bà nữa .

Nữ tướng Bùi Thị Xuân có bị voi giày?
(Ảnh qua danviet.vn).

Về việc Nguyễn Ánh xét xử vua quan nhà Tây Sơn. Sách Thực lục chép :

Nhâm tuất (1802 tháng 11 ): Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực, Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì, cho 5 voi xé xác.

… Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài.

… Ngày mồng 6 tháng này, tế cáo Trời Đất, ngày mồng 7 yết tế Thái miếu, làm lễ hiến phù, bọn Quang Toản và ngụy Thái tể Quang Duy, Nguyên súy Quang Thiệu, Đốc trấn Quang Bàn, Thiếu phó Trần Quang Diệu, Tư đồ Võ Văn Dúng, Tư mã Nguyễn Văn Tứ; Đổng lý Nguyễn Văn Thận, Đô ngu Nguyễn Văn Giáp, Thống tướng Lê Văn Hưng, cùng với bè lũ đầu sỏ đều đã bắt giam, đều đem giết cả, bêu đầu bảo cho dân chúng…

(ĐNTL T1, sđd, tr. 531-532).

Qua đó ta thấy trong lễ Hiến phù, bốn người có tội nặng nhất là bốn con vua Quang Trung bị voi xé xác. Còn các tướng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng… cùng với một số võ quan khác đều bị chém. Riêng nữ tướng Bùi Thị Xuân, không thấy sách Thực lục ghi tên bà trong số những vị tướng bị bắt;cũng không thấy tên bà trong danh sách các tướng bị hành hình. Tại sao như vậy ?

Tìm hiểu thêm về vấn đề này, ta thấy trong Đại Nam liệt truyện có đoạn ;

Quang Diệu từ Quy Hợp xuống Hương Sơn (Nghệ An), nghe thấy Nghệ An đã phá, bèn qua Thanh Chương sang sông Thanh Long, những người đi theo dần dần tản đi cả. Diệu và vợ là Thị Xuân đều bị quan quân bắt sống

(Liệt truyện T2, t. 570).

Ở đây ta có thể suy luận rằng, sách Đại Nam liệt truyện vì muốn thuật lại sự kiện bằng một câu chuyện nhưng do dữ liệu không rõ ràng nên người viết đã “suy diễn ra” việc Bùi Thị Xuân bị bắt cùng với Trần Quang Diệu. Nếu đọc kỹ Thực Lục  Liệt truyện về giai đoạn cuối cùng của Trần Quang Diệu, ta thấy ông đã cầm quân từ Qui Nhơn về, lội đèo vượt suối, luôn luôn phải phòng bị quân Nguyễn truy kích mọi ngả; khi bị bắt, cả quân tướng đều hoàn toàn kiệt sức không còn chống nổi nữa. Như vậy thì khó có thể ông gặp được vợ, cũng như Bùi Thị Xuân có muốn đi tìm chồng trong hoàn cảnh thất trận đó cũng khó xảy ra

Nữ tướng Bùi Thị Xuân có bị voi giày?
Tượng Bùi Thị Xuân tại điện thờ ở Bảo tàng Quang Trung, Bình Định. (Ảnh qua wikipedia.org).

Đại Nam thực lục là sách sử biên niên do Quốc Sử Quán biên soạn, chuyên chép những sự kiện diễn ra từng ngày. Sách đã không ghi chép gì về việc Bùi Thị Xuân bị bắt, trong khi họ ghi rất rõ về các tướng khác. Hơn nữa, trong danh sách công khai việc xét xử vua tướng Tây Sơn cũng không thấy ghi tên bà; do đó các tài liệu cho rằng bà bị bắt, cũng như kể lại chuyện bà bị hành hình sau khi Tây Sơn thất trận vẫn phải được coi như là một nghi vấn lịch sử.

Một điểm cần lưu ý là trong đoạn trích trong Thực lục nói trên, ta thấy sách chép là Bùi Thị Xuân đã liều chết để chiến đấu trong trận chiến ở lũy Trấn Ninh (Quảng Bình) mà kết quả sau trận đó, quân Tây Sơn thua phải tháo chạy, như thế phải chăng Bùi Thị Xuân đã hy sinh trong trận này?

 

2- Về việc khai quật hài cốt của vua Quang Trung mà sách Ký sự đã viết. Ở đây ta thấy có sự mâu thuẩn, sách Hoàng Việt Long hưng chí của Ngô Giáp Đậu viết vào những năm cuối thế kỷ IXX đã ghi như sau:

Thế Tổ (tức Gia Long) vẫn tức giận vì việc Nguyễn Huệ làm tổn phạm lăng mộ các Tiên vương; sau khi thu phục kinh đô Phú Xuân bèn ra lệnh đào mộ Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, vứt hài cốt ra ngoài đồng, còn đầu lâu thì giam vào trong ngục tối

(HVLHC, sđd, tr. 291).

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP