Người xưa nói “Vạn ác dâm vi thủ” – trong vạn điều ác thì tà dâm là tội lớn nhất. Đây chính là lời cảnh tỉnh để thế nhân trân trọng giữ mình, không thể tùy tiện phóng túng đối với những hành vi dâm đãng. Nếu như phạm phải tội tà dâm thì quả báo là gì? Một số câu chuyện ghi chép trong cuốn “Thọ Khang Bảo Giám” dưới đây hy vọng sẽ đem đến cho bạn nhiều điều thú vị…
In sách khiêu dâm gây hại cho bản thân và gia đình
Có một người bán sách tên là Chu Tường có sở thích in tiểu thuyết và sách tà dâm để cho thuê hoặc bán, tiệm sách của họ Tường đã thu hút rất nhiều người lui tới. Bạn bè khuyên anh ta không nên in những tác phẩm tục tĩu như vậy, nhưng anh ta chỉ châm biếm, cho rằng họ quá bảo thủ. Sau đó chỉ trong vài năm, mắt của Chu Tường đã bị mù.
Một ngày nọ có trận hỏa hoạn xảy ra, Chu Tường bởi mù hai mắt, chạy ra ngoài không kịp khiến cho nửa người bị lửa thiêu cháy. Anh ta kêu la thảm thiết cả ngày vì quá đau đớn, ba ngày sau thì qua đời.
Có câu: Người sắp chết đều nói những lời chân thật. Trước khi chết, Chu Tường tự trách: “Tôi đã in sách khiêu dâm, kiếm được chút lợi nhỏ nhưng hại người không ít. Kết quả phải chịu cảnh như vậy. Mong rằng những người cùng nghề như tôi nhanh chóng tiêu hủy sách tà dâm, đừng giống như Chu Tường tôi, cuối cùng đau khổ hối hận khôn nguôi”.
Nhưng bởi Chu Tường hối hận muộn màng, tội nghiệp đã tạo chất cao như núi, còn gây họa cho người nhà. Anh không những không có con cháu mà vợ mình cũng sa vào con đường kỹ nữ.
Soạn sách tà dâm, cả gia đình chết đuối
Chuyện cũ kể rằng Họ Trương nọ là một người có tài đặc biệt, nhưng đáng tiếc anh ta lại đem tài năng của mình để biên soạn những cuốn tiểu thuyết đầy lời lẽ tà dâm, hơn nữa còn in ra để bán. Anh cho rằng những từ ngữ dâm loạn, ủy mị trong sách đều chỉ như gió thoảng mây bay, không làm tổn hại âm đức của mình.
Một đêm, Trương mơ thấy người cha đã khuất của mình. Ông nghiêm nghị trách cứ: “Những cuốn tiểu thuyết dâm uế của con làm người ta hoa cả mắt, hồn xiêu phách lạc. Sách của con khiến bao nhiêu người sa đọa, không biết giữ chừng mực. Từ trước tới giờ, âm tào địa phủ đối với loại tội này là trừng phạt tàn khốc nhất. Vốn dĩ con có tiền đồ cao xa, dương thọ kéo dài, nhưng bởi những thứ dâm sách này mà hủy hết phúc phận một đời rồi. Thật đáng tiếc mấy đời tổ tiên tích đức lại bị hủy trong tay con. Con còn nói không tổn hao âm đức là sao?”
Trương chợt tỉnh giấc, trong lòng vô cùng hối hận. Tuy nhiên tội nghiệp đã gây ra, anh ta phải gánh chịu. Kết quả cả gia đình anh sau đó đã chết đuối.
Biên soạn sách khiêu dâm bị nghiêm trị không ngừng nghỉ
Có một người đàn ông tên Toàn Như Ngọc ở vùng Bột Hải, mặc dù gia cảnh nghèo khó nhưng rất lương thiện, thường giúp đỡ người khác. Thấy người khác làm điều tốt, trong lòng anh ta cũng cao hứng. Anh thường dốc sức sao chép sách dạy người hướng thiện, khuyến thiện được cho nhiều người.
Một năm nọ, trên đường ra biển, Như Ngọc gặp phải cơn lốc, con thuyền bị lốc thổi bay tới một ngọn núi lớn. Anh lên bờ, khi leo tới đỉnh núi thì bỗng xuất hiện một vị đạo sĩ phong thái phi phàm thoát tục.
Đạo sĩ nói với Như Ngọc: “Thế nhân sùng bái những điều giả dối, mà Thiên đế coi trọng sự chân thành. Ngươi cả đời khuyên người hành thiện, soạn sách dạy điều Thiện. Đó đều xuất phát từ chân tâm, hơn nữa lại không cầu người khác biết. Công đức thật to lớn nhất!”.
Như Ngọc liên tục khiêm tốn không dám nhận. Đạo sĩ lại tiếp tục đàm luận về các tật xấu của một số Nho sĩ, dùng tài trí thông minh mà biên tạo những ca khúc khiêu dâm, gây họa loạn thiên hạ. Những người này chết rồi sẽ bị đọa địa ngục, gặp thống khổ vô biên vĩnh viễn không có ngày ra. Nói rồi, ông liền đưa Như Ngọc xuống địa phủ.
Khi tới Sâm La điện, Như Ngọc thấy trên hai cột trụ có câu đối, đại ý viết: Người ở dương gian, dù gian trá, dù làm ác, chết rồi phải đến đại điện Sâm La chịu xét xử. Ta là chủ quản địa phủ, chức trách ở đây nhất định làm hết bổn phận, căn cứ theo pháp lý, phụng sự việc công mà làm. Ngươi hà tất phải khốn khổ cầu khẩn làm chi?
Lúc này, một vị Vương giả đi ra đại điện, cung kính nghênh đón đạo sĩ. Đạo sĩ nói “Những bài hát khiêu dâm khiến tâm người ta dơ bẩn nhất. Người ở âm phủ chịu phạt, mà dương thế cũng không hay biết. Cho nên những kẻ phạm lỗi tà dâm lại càng thêm phạm tội, việc mình mình làm, không biết quay đầu hối cải. Anh hãy vào trong nhìn xem cho rõ sự tình, rồi truyền lại lời cho thế nhân. Nếu như lòng người có thể hướng về với Đạo, đó cũng là đại từ bi vậy”.
Đạo sĩ dứt lời thì xuất hiện hai tên sai dịch, đưa Như Ngọc đến nơi chịu hình của các tội hồn. Có người bị tra tấn, có người bị đao chém, bị cày hoặc bị dùng chầy mà giã mà nghiền nát thân thể, hoặc bị ném vào chảo dầu. Mỗi lần chịu hình xong, các tội hồn lập tức được khôi phục hình dạng thân thể, sau đó lại tiếp tục bị tra tấn.
Các viên sai dịch kể: những người này khi còn sống đã biên soạn những cuốn tiểu thuyết tục tĩu, đầu độc nhiều người. Sau khi chết, họ bị đọa vào địa ngục vạn kiếp, chịu hình vĩnh viễn, dù cầu chuyển kiếp làm sâu bọ cũng không được.
Như Ngọc vô cùng sợ hãi và muốn quay trở lại. Sai dịch dẫn anh về đại điện, sau đó vị đạo sĩ kéo Như Ngọc trở lại trên núi. Anh ta bái biệt đạo sĩ rồi giong buồm xuôi gió quay trở về.
Khi Như Ngọc quay trở về quê nhà, anh đã kể những điều đã thấy, đã nghe và khuyên thế nhân hãy hướng thiện, hành động cẩn trọng, tránh xa tà dâm…
Dù bạn tin hay không, những câu chuyện này đều có đạo lý và trí huệ ở trong đó. Ở nơi mê lạc hồng trần, có thể giữ vững sự thiện lương và chân thành, tránh xa những dục vọng và cám dỗ vô độ, đó chính là phúc phận to lớn của đời người.
Theo Epochtimes
Ngọc Mai (biên dịch)
Đăng theo ĐKN