Những điều bất thường xảy ra với chuyến bay định mệnh MU5735 của hàng không Trung Quốc

Những điều bất thường xảy ra với chuyến bay định mệnh MU5735 của hàng không Trung Quốc

Những điều bất thường xảy ra với chuyến bay định mệnh MU5735 của hàng không Trung Quốc

Những điều bất thường xảy ra với chuyến bay định mệnh MU5735 của hàng không Trung Quốc

Những điều bất thường xảy ra với chuyến bay định mệnh MU5735 của hàng không Trung Quốc
Những điều bất thường xảy ra với chuyến bay định mệnh MU5735 của hàng không Trung Quốc
Thứ bảy, 28-12-2024 15:24, (GMT+07:00)
Những điều bất thường xảy ra với chuyến bay định mệnh MU5735 của hàng không Trung Quốc
23-03-2022 08:15

Chiếc máy bay chở khách Boeing 737 của Hãng hàng không China Eastern Airlines đã bị rơi tại Quảng Tây ở độ cao ​​9.000 mét chỉ trong vòng 1 phút 35 giây. Nó hiện được coi là một trong những vụ tai nạn "dị thường và bất thường" nhất trong lịch sử hàng không thế giới bởi hai hiện tượng hiếm gặp: Máy bay không phát tín hiệu cấp cứu và rơi theo phương thẳng đứng. Điều kỳ quái gì đã xảy ra với chiếc máy bay xấu số này?

 

Điều bất thường gì đã xảy ra với chuyến bay xấu số MU5735 của hàng không Trung Quốc?

Các chuyên gia hàng không thế giới đã bị sốc khi nhìn thấy video về những giây cuối của chuyến bay MU5735, về cơ bản nó đã lao thẳng xuống đất theo phương thẳng đứng với tốc độ kinh hoàng. (Ảnh minh họa: Pixabay)

 

Giây phút bi thảm

 

Theo dữ liệu của trang web theo dõi hàng không dân dụng "Flightradar24" cung cấp,  chiếc máy bay Boeing 737-89P mang số hiệu B-1791 đã bay từ Côn Minh (Vân Nam) đến Quảng Châu (Quảng Đông) vào 13h20 ngày 21/3. Nó duy trì ở độ cao khoảng 9.000 mét với tốc độ khoảng 800 km/h.

 

Vào khoảng 14h20 phút khi đang bay qua thành phố Ngô Châu, Quảng Tây, máy bay đột ngột giảm từ độ cao 9.000 mét xuống còn khoảng 900 mét, và tiếp tục lao xuống với tốc độ 560 km/h trong vài giây cuối cùng cho thấy máy bay đã hoàn toàn mất kiểm soát.

 

Các kênh truyền thông Trung Quốc dẫn lời dân làng địa phương cho biết, họ nghe thấy một tiếng nổ lớn và nhìn thấy tại hiện trường các mảnh vỡ, cùng một số lượng lớn các dải vải treo trên các ngọn cây.

 

Không ai trong số 132 người trên máy bay, gồm 123 hành khách và 9 thành viên tổ bay sống sót, và chuyến bay MU5735 trở thành thảm họa hàng không chết chóc nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.

 

 

Chiếc máy bay vỡ tan thành nhiều mảnh (Ảnh chụp màn hình Weibo)

 

Theo kênh Phượng Hoàng TV, MU5735 đã bị vỡ tan thành nhiều mảnh và điều kỳ lạ chưa tìm thấy xác các nạn nhân.

 

Có khá nhiều điều bất thường trong vụ tai nạn này mà các chuyên gia hàng không thế giới phán đoán là:

 

Không phát tín hiệu cấp cứu

 

Dữ liệu Flightradar24 cho thấy máy bay gặp sự cố bất thường vào khoảng 14h22 phút và mất tín hiệu vào lúc 14h25 phút. Tuy nhiên, dữ liệu không nhắc đến việc MU5735 phát tín hiệu mã cứu nạn khẩn cấp "MAYDAY". Cũng giống như tín hiệu SOS thường được sử dụng cho tàu thuyền gặp nạn trên biển, MAYDAY là một trong những tín hiệu báo nguy hiểm khẩn cấp được áp dụng riêng với phi công. 

 

Các chuyên gia nhận định, máy bay hàng không dân dụng có hai phi công, và nếu chuyến bay MU5735 không phát tín hiệu MAYDAY thì khả năng cao máy bay đã xảy ra sự cố tức thời, và dẫn đến khả năng cả hai phi công đều gặp nạn. Tuy nhiên hiện vẫn còn phải chờ báo cáo điều tra của Tổng cục Hàng không mới xác nhận được MU5735 có gọi MAYDAY hay không.

 

Rơi xuống theo phương thẳng đứng bất thường

 

Chuyến bay MU5735 đang ở độ cao khoảng 29.000 feet (8.839 mét) cách điểm đến khoảng 100 dặm (160,93 km). Đây là khoảng thời gian mà các phi công sẽ bắt đầu giảm dần độ cao để hạ cánh. Tuy nhiên MU5735 lại lao xuống với tốc độ lớn bất thường. 

 

Dữ liệu do Flightradar24 ghi lại cho thấy, thay vì giảm dần vài nghìn feet mỗi phút để tránh cảm giác “bị hẫng” cho hành khách, MU5735 đã rơi tự do với tốc độ hơn 9.000 mét/phút trong vòng vài giây. Nó đã lao xuống 8.000 mét trong khoảng 1 phút 35 giây. 

 

John Cox, một nhà tư vấn an toàn hàng không và là cựu phi công lái máy bay 737 cho biết: “Đây là một vụ kỳ lạ. Thật khó có thể một chiếc máy bay làm được điều này."

 

Các nhà điều tra hàng không cho biết cũng có những tiền lệ xảy ra khi máy bay đột ngột rơi ở độ cao tương tự, nhưng hầu hết đều có những điểm khác biệt so với chuyến bay MU5735. 

 

Ví dụ, chuyến bay 447 của hãng Air France rơi xuống Đại Tây Dương vào ngày 1/6/2009, với tốc độ chậm hơn nhiều sau khi cảm biến tốc độ bị đóng băng, khiến tất cả 228 người trên chiếc Airbus SE A330 đều thiệt mạng. 

 

Ngày 23/2/2019, chiếc máy bay của hãng Atlas Air Worldwide Holdings Inc. bất ngờ lao xuống đầm lầy gần Houston (Mỹ) trong hoàn cảnh phi công phụ mất phương hướng, và máy bay cũng lao thẳng xuống đất. Tuy nhiên nó không rơi nhanh như chiếc MU5735 của hãng China Eastern. 

 

Các chuyên gia hàng không thế giới đã bị sốc khi nhìn thấy video về những giây cuối của chuyến bay MU5735. Về cơ bản, nó đã lao thẳng xuống đất theo phương thẳng đứng với tốc độ kinh hoàng. 

 

Tuy nhiên dữ liệu Flightradar24 ghi lại được cũng cho thấy một tình huống cực kỳ bất thường: Khi trong quá trình chúc mũi lao thẳng xuống, MU5735 bỗng nhiên lấy lại phương ngang trong khoảng 10-20 giây trước khi lại tiếp tục lao xuống nổ tung. Jeff Guzzetti, cựu Giám đốc điều tra tai nạn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho biết: “Điều này thật kỳ lạ”.

 

Trục trặc ở bộ phận bánh lái độ cao

 

Các chuyên gia hàng không cũng phân tích rằng, MU5735 đã rơi ở độ cao gần 9.000 mét trong gần 2 phút cuối, và khoảng cách giữa mảnh vỡ của cánh và thân máy bay cho thấy máy bay đã vỡ tan trước khi chạm đất.  Họ cho biết, máy bay có cơ chế tự bảo vệ, khi gặp tai nạn thì hiếm khi lao thẳng xuống theo phương thẳng đứng như vậy.  

 

Một chuyên gia hàng không nói với Upstream News rằng, dữ liệu radar ADS-B cuối cùng của chuyến bay MU5735 cho thấy, nó đã nhanh chóng giảm độ cao trước khi mất liên lạc với mặt đất. Ông cho biết: “Cho dù cả hai động cơ của máy bay 737 hỏng cùng lúc thì nó cũng không thể rơi ngay được, máy bay vẫn có thể bay thêm được một quãng nhất định bằng cách trôi trên không”.

 

Cho tới nay vẫn không rõ chuyện gì đã xảy ra trong buồng lái của chiếc máy bay xấu số này, nhưng một số nhà chuyên môn đưa ra giả định có thể do bánh lái độ cao của máy bay bị kẹt.  

 

Juan Browne, một phi công Boeing 777 và là vlogger nổi tiếng chuyên phân tích các sự cố hàng không, cho biết: “Thực sự chỉ một thứ có thể khiến máy bay hạ độ cao theo chiều thẳng đứng, đó là bánh lái độ cao”. Ông cho biết, nếu không phải trục trặc ở các bộ phận này, máy bay sẽ phải liên tục lao lên lao xuống. Theo ông Browne, "cực kỳ hiếm" xảy ra trường hợp máy bay dân dụng rơi xuống gần như thẳng đứng như vậy.

 

Cũng có ý kiến cho rằng, không loại trừ yếu tố con người là nguyên nhân khiến MU5735 lao thẳng mũi xuống và nổ tung. Có thể phi công cố tình lái máy bay đâm thẳng xuống đất.

 

Phi công tự sát

 

Các nhân viên hàng không cho rằng, dù hỏng cả hai động cơ, máy bay vẫn có thể trôi trên không trong vòng chục phút, chứ không lao thẳng xuống đất bất thường chỉ trong khoảng thời gian 1 phút 35 giây ở độ cao 9.000 mét với vận tốc khoảng 560 km/h như chiếc MU5735.  

 

Li Hanming, một chuyên gia hàng không dân dụng phân tích rằng, việc giảm từ độ cao khủng khiếp trong nháy mắt này có khả năng xảy ra 3 tình huống:

 

  • Tác động bên ngoài: Máy bay bị vật thể lạ (như tên lửa) bắn trúng.
  • Tác động bên trong: Hỏng hóc máy móc 
  • Phi công tự sát.

Yao Cheng, nguyên Trung tá Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc cũng có nhận định như trên, rằng nếu bị hỏng động cơ, máy bay cũng không thể lao xuống nhanh như vậy, mà  có khả năng do con người thao túng. 

 

Lịch sử hàng không thế giới cũng từng ghi nhận vụ tai nạn tương tự xảy ra vào ngày 19/12/1997, khi chiếc máy bay 737-300 của hãng hàng không Silk Air (Indonesia) chở 104 người đã lao xuống một con sông một cách đầy bí ẩn. Khi đó hai máy ghi dữ liệu đều bị vô hiệu hoá. 

 

Theo các nhà điều tra, chiếc máy bay này đã lao xuống với tốc độ cực nhanh, khoảng hơn 10.000m/phút đến nỗi các bộ phận trên máy bay bắt đầu vỡ tung.

 

Ủy ban An toàn Giao thông Mỹ (NTSB) đã hỗ trợ Indonesia trong việc điều tra vụ tai nạn, đã đi đến kết luận: Cơ trưởng đã cố tình lao máy bay xuống đất. Trong khi đó, các nhà điều tra Indonesia cho biết họ không có đủ bằng chứng để xác định điều gì đã xảy ra.

 

Liệu đó có phải là những gì xảy ra với MU5735? 

 

Chuyên gia hàng không người Anh Sally Gethin lại cho rằng, MU5735 lao xuống với phương thẳng đứng trong khoảng 1 phút 35 giây,  đã tạo ra lực G quá lớn khiến máu dồn lên não phi công. Lực ép này đã làm phi công bất tỉnh, khiến máy bay mất kiểm soát hoàn toàn, dẫn đến việc MU5735 rơi tự do. 

 

Điều này cũng lý giải cho việc MU5735 bỗng nhiên lấy lại phương ngang trong khoảng 10-20 giây trước khi lao xuống đất. Bà Sally Gethin đưa ra giả thuyết, có thể một hoặc cả hai viên phi công đã tỉnh lại và nỗ lực đưa máy bay trở về trạng thái bình thường nhưng thất bại.

 

Cũng có giả thuyết khả năng phi công bị đau tim hoặc đột quỵ, đã gục xuống bảng điều khiển khiến máy bay cắm thẳng đầu xuống đất.

 

Tuy nhiên tất cả vẫn chỉ là giả thuyết và hiện chưa rõ các nhà điều tra đã thu được hộp đen máy bay hay chưa. 

 

Hassan Shahidi, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tổ chức An toàn bay phi lợi nhuận có trụ sở tại Virginia (Mỹ), cho biết còn quá sớm để có thể nói điều gì đã xảy ra. Ông nói: "Trong những ngày tới, China Eastern, cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc, các nhà điều tra Trung Quốc và hãng Boeing sẽ có thêm nhiều thông tin từ bộ lưu chuyến bay, máy ghi âm buồng lái, dữ liệu không lưu và các dữ liệu khác có sẵn".

 

Boeing choáng váng

 

Vụ tai nạn kinh hoàng của chiếc Boeing 737 MU5735 tại Trung Quốc ngày 21/3 vừa qua đã giáng thêm một đòn nặng nề lên Tập đoàn Boeing, khi hãng này vừa phải trải qua vụ bê bối lớn với hai tai nạn thảm khốc liên tiếp của hãng Lion Air và Ethiopia Airlines liên quan đến Boeing 737 MAX khiến 346 người thiệt mạng. 

 

Máy bay Boeing 737 MAX. (Ảnh: Boeing)

 

Ngày 10/3/2019, chiếc máy bay 737 MAX 8 của hãng hàng không Ethiopian Airlines khởi hành từ Addis Ababa (Ethiopia) tới Nairobi (Kenya) đã lao xuống đất với tốc độ khoảng 925 km/giờ chỉ 6 phút sau khi cất cánh, khiến tất cả 157 người trên máy bay thiệt mạng. Tốc độ 925 km/giờ được cho là vượt quá giới hạn thiết kế, và giới chuyên gia cho biết tốc độ này sẽ tạo ra lực G tiêu cực bên trong khoang máy bay.

 

Báo cáo điều tra chỉ ra rằng, các phi công đã tuân theo quy trình khẩn cấp của Tập đoàn Boeing. Nhưng họ vẫn không thể kiểm soát máy bay và ngăn mũi của nó chúi xuống đất.

 

Hãng Boeing sau đó thừa nhận cảm biến góc tấn (AOA) "bị sai lệch", đã kích hoạt Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển (MCAS). Đây là hệ thống tự động hạ thấp mũi máy bay khi nhận được thông tin từ cảm biến góc tấn do máy bay bay quá chậm, hoặc ngóc mũi lên quá cao, gây nguy cơ tròng trành máy bay.

 

Lỗi tương tự này cũng xảy ra trong vụ tai nạn máy bay 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) hồi tháng 10/2018 khiến 189 người thiệt mạng.

 

Hai vụ tai nạn thảm khốc liên tiếp này đã thúc đẩy các cuộc điều tra toàn cầu, và một cuộc điều tra mở rộng cho thấy Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) "về cơ bản đã sai sót" khi thoái thác trách nhiệm giám sát của mình. 

 

Bản báo cáo dày gần 250 trang của Ủy ban điều tra Quốc hội Mỹ đã phát hiện một loạt sai sót trong thiết kế máy bay, và cả mối quan hệ “thân thiết” quá mức giữa tập đoàn Boeing và FAA, đã khiến hãng hàng không này được cấp chứng chỉ an toàn một cách dễ dàng.

 

Báo cáo cho biết: "Các vụ tai nạn máy bay là điểm tột cùng khủng khiếp của một loạt những quan niệm mặc định kỹ thuật sai lầm của các kỹ sư Boeing, sự thiếu minh bạch với phần quản lý của Boeing và việc giám sát vô cùng tắc trách của FAA".  

 

Báo cáo cho biết Boeing đã không chia sẻ thông tin về Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển (MCAS) của 737 MAX. Theo đó, Boeing đã sai lầm vì "che giấu ngay cả sự tồn tại của MCAS với các phi công lái máy bay 737".

 

Kể từ sau hai thảm kịch liên quan tới dòng Boeing 737 MAX tại Indonesia và Ethiopia, các máy bay này đã bị đình chỉ khai thác. Các nhà quan sát dự đoán, vụ rơi máy bay 737 tại Trung Quốc vừa qua đã làm gia tăng khả năng dòng máy Boeing này có thể bị ngừng sử dụng tại thị trường lớn thứ hai thế giới về du lịch hàng không này.  

 

Được biết, chiếc máy bay Boeing 737-89P mang số hiệu B-1791 của chuyến bay MU5735 mới sử dụng 6 năm 8 tháng. Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn thảm khốc, China Eastern Airlines đã ban hành lệnh hạ cánh tất cả 737 chiếc máy bay của hãng này.

Xem thêm: MH370 mất tích 7 năm? Nghi án phía sau chuyến bay đầy bí ẩn

Đông Bắc

Theo NTDVN

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP