Theo truyền thuyết Bắc Âu, sẽ có một loạt các thảm họa xảy ra sau nhật thực, sau cuộc chiến Thiện – ác, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Vài ngày trước, vào hạ chí 21/6, hiện tượng “nhật thực hình khuyên” hiếm hoi đã xảy ra. Vùng ảnh hưởng của nhật thực lần là Châu Phi, Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan và Thái Bình Dương (gần đảo Guam, Hoa Kỳ). Vào thời Trung Quốc cổ đại, nhật thực còn được gọi là “ngày thiên cẩu ăn trời”. Nó thường được coi là một điềm báo không may mắn, sắp có thảm họa xảy ra và là lời nhắc nhở của Trời yêu cầu những nhà cầm quyền cần làm nhiều việc nhân nghĩa hơn để giảm thiểu tai họa xảy ra cho người dân.

Trung Quốc có nhiều truyền thuyết về “ngày thiên cẩu ăn trời” này, còn ở Việt Nam gọi là ngày “gấu ăn trời”. Đối với Thiên cẩu, một số người gọi nói nó là hóa thân Đức mẹ Bồ Tát, cũng có người nói là con chó săn của Hậu Nghệ (tương truyền là vua nước Hữu Cùng đời Hạ, Trung Quốc) nuôi dưỡng. Trong Sơn Hải Kinh cũng có ghi chép về truyền thuyết này. Dù truyền thuyết về con chó này đến từ đâu, thì các truyền thuyết này đều có một điểm chung là thiên cẩu có thể ăn được Mặt trời.

Người ta đồn rằng, thiên cẩu rất sợ âm thanh của chiêng, trống và pháo, vì vậy mỗi khi vào ngày nhật thực, người dân dưới hạ giới cũng như đội ngũ khánh nhạc trong triều đình đều đánh trống, thổi kèn để xua đuổi thiên cẩu đi. Thiên cẩu đang ăn Mặt trời, nghe tiếng trống chiêng ồn ào sẽ sợ mà nhả trời ra và chạy đi để bầu trời lại sáng trở lại. Vì thế, khi hiện tượng nhật thực xảy ra, ta có thể nghe thấy tiếng pháo nổ hoặc tiếng đánh chiêng, trống khắp nơi.

Tuy nhiên, không chỉ người Hoa có những truyền thuyết về hiện tượng “thiên cẩu ăn trời” này, mà rất nhiều nơi khác trên thế giới cũng có những câu chuyện truyền thuyết về hiện tượng này.

Trong thần thoại Ấn Độ, hiện tượng mặt trời đột nhiên bị biến mất được xem là một phép thuật của con quỷ Lahu, người ta tin rằng con quỷ này đã cắn Mặt trời và gây ra hiện tượng nhật thực.

Người Scandinavi cổ đại tin rằng nhật thực là do một con sói đã đuổi theo và nuốt chửng Mặt trời, còn được gọi là “Sói trời ăn mặt trời”.

Người Aztec ở Mexico tin rằng, nhật thực là dấu hiệu cho thấy ma quỷ sắp xuất hiện để ăn thịt loài người.

Các người Ai Cập cổ đại tin rằng có con trăn Apep chuyên ăn mặt trời (ám chỉ thần mặt trời Ra). Ngoài ra, một số truyền thuyết Ai Cập ghi lại rằng, nhật thực xảy ra do một con kền kền muốn thống trị thiên đàng đã cố gắng lấy ánh sáng của thần mặt trời.

Trong thần thoại Nhật Bản, Mặt trời được coi là hóa thân của vị thần cao nhất “Thiên Triệu đại thần”, vì vậy khi nhật thực xảy ra, phù thủy phục vụ thần mặt trời Himiko sẽ mất đi sức mạnh thần thánh của mình và người dân dưới quyền cai trị của mụ sẽ lợi dụng cơ hội này để giết chết mụ.

Trong thần thoại Bắc Âu, Sol cưỡi cỗ xe mặt trời trên bầu trời và con sói có tên Skoll liên tục đuổi theo phía sau xe, và nhật thực xảy ra chính là khi Skoll đuổi kịp được Sol. Mọi người khi đó nên đánh cồng chiêng và trống trên mặt đất để xua đuổi Skoll. Nhưng nếu Skoll nuốt Mặt trời vào một ngày nào đó, thì đó là sự xuất hiện của “Thần hoàng hôn”.

“Thần hoàng hôn” trong truyền thuyết Bắc Âu là chỉ ngày tận thế. Là một loạt các thảm họa lớn trong dự đoán của thần thoại Bắc Âu.

Trong truyền thuyết, khi ngày tàn khốc này đến, trái đất sẽ tách ra, những hồn ma chết chóc sẽ chui ra từ lòng đất. Con sói khổng lồ đáng sợ Fenrir – con trai của Loki, “ác thần”, sẽ thoát khỏi xiềng xích do các vị thần tạo ra và nuốt chửng Odin – người cha của các vị thần. Hai con sói con của Fenrir sẽ nuốt chửng Mặt trời và Mặt trăng đang bay trên bầu trời.

Cuộc chiến giữa các vị Thần thiện và ác đã khiến một số lượng lớn các vị thần bị chết, và cũng gây ra vô số thảm họa tự nhiên, dẫn đến sự hủy diệt của cả trời và đất. Cuối cùng, thế giới cũ bị hủy diệt trong thảm họa này, và các vị thần cùng hai con người sống sót sau thảm họa sẽ xây dựng lại thế giới mới. Vùng đất tinh khiết sẽ phát triển xanh hơn, thịnh vượng hơn và nhân loại cũng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới.

Theo Secretchina
Quỳnh Chi biên dịch

Đăng theo DKN