Phật gia cho rằng: Con cái đến với cha mẹ ở kiếp này là có 4 loại, một là đến để báo ơn, hai là đến để đòi nợ, ba là đến để trả nợ, bốn là đến để báo oán. Nếu không có duyên nợ thì không có gặp gỡ.
Chuyện kể rằng có một đôi vợ chồng sống bình yên bên nhau trong một ngôi nhà nhỏ. Đời sống của họ khá giản tiện, chỉ có một mảnh đất để trồng trọt và chăn nuôi một số gia cầm. Nhưng đổi lại, họ có một cậu con trai rất khôi ngô và thông minh.
Đối với họ, con trai là tài sản quý giá nhất và họ dành tất cả tình thương cho con. Nhưng cậu bé lại có một thói quen kỳ lạ, đó là cậu cần ăn thịt vào tất cả các bữa ăn. Nếu bữa ăn nào không có thịt, toàn thân cậu sẽ bị đau đến nỗi tưởng như có thể chết được.
Vì đôi vợ chồng này cần mua thịt cho con trai, họ phải tiết kiệm tất cả các khoản chi tiêu khác. Cậu con trai lớn dần theo thời gian và giờ đây, cậu đã ở độ tuổi hai mươi, khỏe mạnh và hoạt bát. Đôi vợ chồng già hàng ngày vẫn phải mua thịt cho con, thậm chí còn mua nhiều hơn trước.
Cho dù đã dành rất nhiều thời gian và công sức để tìm cách chữa căn bệnh này cho cậu con trai, nhưng đôi vợ chồng già đã tốn công vô ích vì không ai chữa trị được căn bệnh này cả.
Cuối cùng, họ đã phải bán mảnh đất và tất cả các vật dụng chỉ để đáp ứng nhu cầu ăn rất nhiều thịt của cậu con trai. Họ chỉ còn lại một tài sản duy nhất, đó là một con lừa. Đến một ngày, cậu con trai nói với cha mẹ:
“Con bị nghiện ăn thịt trong rất nhiều năm rồi. Nếu bố mẹ để con ăn thịt con lừa, con hứa sẽ khỏi bệnh này ngay lập tức. Nếu bố mẹ không cho con ăn thịt con lừa, sợ rằng con sẽ chết mất”.
Cặp vợ chồng già nghe vậy rất lo sợ, họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đồng ý với lời đề nghị của cậu con trai. Đối với họ, cuộc sống của con trai là quan trọng hơn tất cả, và tất nhiên quan trọng hơn nhiều so với mạng sống của con lừa. Nếu thịt lừa không thể chữa khỏi căn bệnh cho cậu ấy, thì cũng là đáng giá khi họ hy sinh tài sản cuối cùng cho con trai yêu dấu của họ.
Đôi vợ chồng già gật đầu đồng ý, cậu con trai nói thêm:
“Tuy vậy con còn có thêm một yêu cầu nữa. Hai bố mẹ không được ăn bất cứ chút thịt nào của con lừa này; con phải ăn tất cả con lừa. Nếu như bố mẹ cố tình ăn dù chỉ một miếng nhỏ thôi, bệnh của con sẽ không chữa được”.
Vậy là như đã hứa, đôi vợ chồng già bước ra ngoài và làm thịt con lừa. Sau khi món thịt lừa đã được làm xong, đôi vợ chồng già nghĩ rằng số thịt này dành cho một người ăn là quá nhiều. Họ nghĩ rằng con trai họ sẽ ngán món thịt lừa nên quyết định ăn một cái chân của con lừa, và dành tất cả phần còn lại cho con trai.
Khi cậu con trai ăn đến những miếng thịt lừa cuối cùng, cậu cảm thấy rất mệt và ngay sau đó đã qua đời. Đôi vợ chồng già nghĩ rằng lý do là vì họ đã không giữ lời hứa sẽ không ăn một miếng thịt lừa nào.
Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má họ. Cái chết của cậu con trai khiến họ đau khổ đến tột cùng. Những ngày tháng sau đó, họ cứ khóc mãi, day dứt, tiếc nuối vì họ đã không giữ lời hứa với cậu con trai. Họ cảm giác như cuộc sống đối với họ đã hoàn toàn kết thúc.
Ngày nọ, có một nhà sư đi khất thực ngang qua nhà họ. Nhìn khuôn mặt buồn rầu của đôi vợ chồng già, nhà sư hỏi chuyện gì đã xảy ra. Đôi vợ chồng kể lại cho nhà sư nghe toàn bộ câu chuyện buồn của họ.
Nhà sư nghe xong mỉm cười và nói: “Hai thí chủ sai rồi! Thí chủ có biết được người đã ra đi ấy là con trai của thí chủ, hay là chủ nợ của thí chủ ở kiếp trước không?”
Cặp vợ chồng già nghe vậy cảm thấy rất bất ngờ và bị xúc phạm.
Nhà sư nói tiếp: “Hai thí chủ nên cảm thấy hạnh phúc khi cuối cùng đã trả xong được món nợ từ kiếp trước, và đã có thể thoát khỏi chủ nợ của mình. Nhưng có vẻ như thí chủ vẫn chưa trả hết nợ, thí chủ vẫn còn nợ họ, thể nào họ cũng quay lại đòi nốt số nợ còn lại”.
Khi nghe thấy rằng người con trai có thể sẽ quay về, đôi vợ chồng cảm thấy được an ủi và háo hức. Họ nghĩ rằng sẽ được nhìn thấy người con yêu dấu của họ thêm một lần nữa. Vì vậy họ hỏi nhà sư: “Chúng tôi nên làm gì bây giờ?”
Nhà sư đáp: “Cậu ấy sẽ quay lại vào đêm nay, vì vậy hãy soạn giường của thí chủ như là thí chủ đang ngủ. Hai thí chủ hãy nấp ở đằng sau nhà, lắng nghe xem cậu ấy nói gì”.
Đôi vợ chồng già nghe theo lời của nhà sư và chuẩn bị giường ngủ với hình người mặc quần áo, như thể đó chính là họ đang ngủ. Họ mở cửa phòng ngủ rồi nấp sau lưng nhà sư.
Vào lúc nửa đêm, một bóng đen tiến vào căn phòng. Khi bóng đen đó tiến lại gần, cặp vợ chồng cố gắng hết sức kiềm chế nỗi sợ hãi của mình để không hét lên. Bóng đen đó chính là con trai họ nhưng diện mạo lại giống như một con quỷ với ánh mắt sắc nhọn.
Con quỷ dắt theo một con lừa 3 chân. Nó dừng lại và buộc con lừa vào cửa phòng ngủ với vẻ giận dữ. Sau đó con quỷ bước vào phòng mà nó nghĩ là đôi vợ chồng già đang ngủ và nó hét lên trong cơn thịnh nộ:
“Tôi đã nói với ông bà không được ăn thịt con lừa đó nhưng ông bà lại ăn. Nếu ông bà không ăn, ông bà đã trả xong món nợ, nhưng ông bà lại ăn mất một chân của con lừa. Vì vậy giờ đây tôi chỉ có một con lừa 3 chân, điều này có gì tốt cho tôi không? Tôi không thể cưỡi nó hay bắt nó làm việc được. Tất cả là lỗi của ông bà. Giờ hãy trả lại tôi món nợ này”.
Con quỷ nói một lúc lâu rồi tháo dây buộc lừa rời đi. Cặp vợ chồng già sau đó vô cùng sợ hãi. Họ đã xin nhà sư giúp đỡ và họ sẵn sàng bán ngôi nhà này của họ để có thể trả nốt món nợ cho con quỷ. Nhà sư đồng ý làm một khoá siêu độ cho người thanh niên đó, để hoá giải các ân oán của anh với đôi vợ chồng già.
Nhà sư cũng cho biết, không phải mọi khoá siêu độ đều thành công, tuy nhiên, nhà sư vẫn giúp họ với hy vọng lòng thành của đôi vợ chồng già có thể con quỷ buông tha họ và trở về với thế giới của nó.
Nhìn lại những gì đã xảy ra, đôi vợ chồng già cảm thấy thật may mắn khi hiểu ra được sự thật rằng người con trai mà họ vô cùng thương tiếc lại chính là chủ nợ đời trước. Đồng thời họ cũng nhận ra bản chất của sự việc không hoàn toàn giống như những gì mà cặp mắt của họ trông thấy.
***
Trong giáo lý nhà Phật có dạy về luật nhân quả báo ứng hay nhân quả luân hồi là để chỉ các mối duyên nợ từ kiếp trước. Mối nhân duyên giữa con cái và cha mẹ trong kiếp này là do 4 loại nghiệp duyên mang tới: 1 là đến báo ơn; 2 là để báo oán; 3 là đến trả nợ; 4 là đến đòi nợ. Ân oán nghiệp lực mạnh hay yếu còn phụ thuộc cả những việc làm tốt xấu của cha mẹ kiếp trước và kiếp này.
Vậy nên, đừng bao giờ hỏi tại sao cha mẹ hiền lành mà sinh con nghịch ngợm, phá phách; bố mẹ giàu sang sinh con phá gia chi tử… tất cả là do nhân quả báo ứng. Kiếp trước giàu có được là nhờ làm việc bất chính thì kiếp này tiền của ắt lụn bại, của thiên trả địa. Con cái chỉ là người dùng duyên nghiệp đó mà trả nghiệp cho bố mẹ mà thôi.
Sinh con ra khó nhọc, nuôi nấng con còn khó nhọc hơn. Làm bậc cha mẹ, hãy nên tích đức cho con cái, đừng vì tham lam mà làm điều ác để lấy nhà cao cửa rộng cho con; cũng đừng vì ích kỷ, thù hằn cá nhân mà gây ác nghiệp, có thể kiếp sau quả báo mới tới, nhưng cũng có thể kiếp này đã tới ngay trong đời con. Nếu sinh con ra không được như ý muốn thì cũng đừng buồn giận, chỉ là ta đang phải trả nghiệp cho kiếp trước hay cho những gì ta làm trong quá khứ mà thôi.
Cuối cùng, dù là duyên nghiệp như nào trong kiếp trước, thì trong đời này cha mẹ hãy là những tấm gương sáng cho con cái về tu dưỡng đạo đức, hơn nữa cần có trách nhiệm giáo huấn con cái về phương diện này. Tu nhân tích đức, chỉ có như vậy mới mong sớm trả hết mối nghiệp duyên này.
Theo Tinh Hoa