Người với người giao tiếp với nhau không thể tránh khỏi bất đồng, khi không cùng lợi ích còn có thể nảy sinh tranh chấp. Làm thế nào để hóa giải mâu thuẫn đó?

Trong mâu thuẫn, có nhiều người sẽ tìm cách “hướng nội”, suy xét chỗ đúng sai của bản thân, thậm chí tự trách mình. Nhưng cũng có người không như vậy. Sự tự nhận thức của họ quá yếu. Họ hiếm khi tự xét lại mình, gặp mâu thuẫn thì đổ lỗi cho người khác. Thái độ phản ứng với mâu thuẫn của họ cũng rất nhanh, rất quyết liệt, cốt chỉ để hả cơn giận trong tâm. Dần dần, họ bị chính sự giận dữ của mình chi phối, điều khiển. 

Ngôn ngữ không phù hợp khiến các mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn

Người có tính khí thất thường dễ nổi cáu, đôi khi chẳng vì lý do gì. Khi đối mặt với họ, điều đầu tiên bạn phải làm là tránh sự bành trướng tranh chấp giữa hai bên.

Khi cảm thấy bị đe dọa, việc đầu tiên người ta làm là phản ứng lại để tự bảo vệ bản thân. Lúc này, hãy tránh nói những lời chỉ trích, thách thức, chê bai, khiêu khích hoặc những lời lẽ tiêu cực khác. Ví dụ như: “Rõ ràng là do bạn làm ra, vậy mà bạn còn đi trách người khác”, “Bạn là chúa đáng ghét, tính khí thất thường, việc gì cũng đổ lỗi cho người khác, thế nên mới không có bạn bè”, “Lần nào cũng vì bạn mà sự việc mới trở nên tồi tệ như thế này”.

Khi nói ra những lời này rồi, bạn chỉ khiến đối phương dựng một bức tường phòng thủ kiên cố hơn, kích hoạt phản ứng cảm xúc mạnh mẽ hơn, cuối cùng khiến cho cả hai lao vào một cuộc chiến tiêu cực không hồi kết.

Lấy lại bình tĩnh và nhảy ra khỏi cơn lốc tiêu cực

Khi xảy ra mâu thuẫn, thay vì tranh cãi với người khác, chi bằng trước tiên rời khỏi hiện trường, lấy lại bình tĩnh. Chỉ khi đã bình tĩnh thì mới không bị cảm xúc chi phối, mới điều khiển được lời nói và hành vi của mình.

Tính cách người ta như thế rồi, thôi thì nhịn một chút cho xong! Nhẫn nhịn có khó vậy không? Lựa chọn nhẫn nhịn là một khởi đầu tốt nhưng không phải là cách để giải quyết triệt để vấn đề. Bởi vì, khi sự nhẫn nhịn được kìm nén trong một thời gian dài thì rất dễ dàng bùng nổ. Khi bùng nổ, sức ảnh hưởng của nó còn ghê gớm hơn rất nhiều lần. Vì vậy bạn cần có một giải pháp tự vượt qua.

Bạn có thể tìm cho mình một cách để giải tỏa bản thân như: xem phim, nghe nhạc, tập thể dục, đi chơi cùng bạn bè để tránh những suy nghĩ tiêu cực làm vẩn đục tâm trí mình. Hãy giữ tâm trạng ổn định và đừng dễ dàng dao động với những thay đổi bên ngoài. 

Thể hiện sự quan tâm kịp thời để giải tỏa những bất bình trong lòng 

Ngoài việc tránh để tâm lý bị ảnh hưởng bởi thái độ, ngôn ngữ, hành vi của người khác, bạn cũng có thể chủ động thể hiện sự quan tâm kịp thời với ngay chính đối phương. Ví dụ, bạn có thể hỏi họ rằng: “Bạn đang tức giận như thế, liệu có thể nói cho tôi biết có chuyện gì đang xảy ra không? Tôi có thể giúp gì được bạn hay không?”.

Bằng cách lắng nghe và thông cảm cho cảm xúc của đối phương, bạn có thể giúp đối phương giải tỏa những nỗi tức giận trong lòng. Sau khi cảm xúc của họ được điều chỉnh lại, hãy hướng suy nghĩ của họ đến những thứ tích cực và đừng để người khác chọc giận họ bằng những cảm xúc tiêu cực.

Những người có cảm xúc thất thường hoặc hay cáu kỉnh thường khiến người xung quanh phải chịu ảnh hưởng rất nhiều. Dù ta không thể thay đổi góc nhìn và kiểm soát cảm xúc của họ nhưng ta vẫn có thể làm mọi thứ không trở nên tồi tệ hơn. Thay vì kiểm soát cơn nóng giận của họ, hãy kiểm soát bản thân mình, hãy nhẫn một chút, hãy nói ít hơn và lắng nghe thêm một chút. 

Người xưa dạy: “Nhẫn một chút sóng êm gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Nhẫn nhịn và tâm vàng kim, là vốn quý của đời người. Khi bị người khác đối xử bất công, trước những thiệt thòi về lợi ích cá nhân, ai có thể nhẫn nhịn, kiểm soát bản thân mình thì đó là người nhận được phúc báo. 

Theo NTDTV
Ngọc Linh biên dịch