Ông Lý Kỳ Hoa, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quân đội Trung Quốc (Bệnh viện 301) đã qua đời vào sáng ngày 13/3, hưởng thọ 102 tuổi. Tháng 7/1999, khi mà Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân bức hại toàn diện Pháp Luân Công, ông Lý Kỳ Hoa do tu luyện Pháp Luân Công, nên đã bị ông Giang Trạch Dân gây áp lực và gia tăng bức hại.
Những nhân sĩ tinh anh trong các giới bị ĐCSTQ bức hại vì tập Pháp Luân Công, (từ trái qua phải, từ trên xuống): – Giáo sư Vu Trường Tân, nguyên giáo sư Học viện Chỉ huy Không quân bị xử 17 năm tù; – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Giải phóng quân Lý Kỳ Hoa (thứ hai, bên trái, trên cùng) bị giám sát nghiêm ngặt; – Ông Lý Chí Cương nhân tài Học viện Khoa học máy tính Đại học Khoa học Công nghệ Quốc phòng bị xử 5 năm tù; – Ông Vương Vĩnh Hàng, người nhận được giải thưởng “10 Luật sư nhân quyền hàng đầu” của Mỹ, bị xử 7 năm tù; – Ông Vu Trụ (42 tuổi), tài tử Đại học Bắc Kinh, nhạc sĩ, bị bức hại đến chết; – Bà Phục Anh, nữ thi nhân tỉnh Liêu Ninh, bị xử 9 năm tù; – Bà Trịnh Ngải Hân, họa sĩ 45 tuổi nổi tiếng ở Chu Hải tỉnh Quảng Đông, bị bức hại đến chết; – Ông Triệu Bình, giảng viên luật học Học viện Quản lý cán bộ công an thành phố Quảng Châu, cảnh đốc bậc 2, bị bức hại đến chết.
Theo trang ThePaper tại Trung Quốc Đại Lục đưa tin ngày 16/3, nhiều bạn bè xác nhận thông tin nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quân đội Lý Kỳ Hoa qua đời.
Ông Lý Kỳ Hoa sinh năm 1918, quê quán huyện Hồng An tỉnh Hồ Bắc. Năm 1931 tham gia Hồng quân ĐCSTQ, tốt nghiệp Đại học Quân y ông vẫn luôn công tác trong hệ thống y tế, bệnh viện quân đội; từng giữ chức Hiệu trưởng Đại học Quân y số 2, Chính ủy Bộ Tổng hậu cần Y tế, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Giải phóng quân, từng lập công lớn, nhiều lần được khen thưởng, năm 1984 ông nghỉ hưu.
Theo trang mạng Minh Huệ (Minghui) của Pháp Luân Công đưa tin, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Giải phóng quân Lý Kỳ Hoa bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công từ năm 1993, và 2 lần tham gia khóa giảng dạy do người sáng lập Pháp Luân Công – ông Lý Hồng Chí mở tại Bắc Kinh.
Vài tháng trước ngày 20/7/1999, ngày mà ĐCSTQ tuyên bố đàn áp toàn diện nhóm người tín ngưỡng Pháp Luân Công, đương nhiệm Tổng bí thư ĐCSTQ khi đó là ông Giang Trạch Dân, đã bố trí trước các hành động trong quân đội. Theo truyền thông tiếng Trung ở hải ngoại đưa tin, quân đội là nơi đầu tiên ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công. Khi ông Giang Trạch Dân quyết ý muốn đàn áp Pháp Luân Công, đã muốn mở rộng cách làm trong quân đội ra toàn quốc.
Ngày 25/4/1999, sau khi xảy ra sự kiện người tập Pháp Luân Công đến Trung Nam Hải thỉnh nguyện, Quân ủy ĐCSTQ đã ra một loạt văn kiện chuẩn bị bức hại Pháp Luân Công. Vì để ngăn ĐCSTQ đưa ra quyết định sai lầm, ông Lý Kỳ Hoa (khi đó 81 tuổi) đã viết ra trải nghiệm về những lợi ích khi tu luyện Pháp Luân Công của mình và vợ, cùng sự thực việc Pháp Luân Công có lợi cho xây dựng văn minh tinh thần của quốc gia Trung Quốc, sau đó gửi lên cao tầng của ĐCSTQ. Đương nhiệm Phó Chủ tịch Quân ủy lúc đó là ông Trương Vạn Niên đã gửi thư công khai của ông Trương Kỳ Hoa kèm báo cáo do chính ông Trương Vạn Niên viết cho ông Giang Trạch Dân.
Sau đó ông Giang Trạch Dân gửi thư cho Quân ủy, hệ thống quân đội đi đầu trong đàn áp Pháp Luân Công trên quy mô lớn. Ông Giang Trạch Dân đặc biệt điểm tên 3 người, một trong số đó là ông Lý Kỳ Hoa. Nhưng do thân phận, lý lịch và sức ảnh hưởng của ông Lý Kỳ Hoa, nên đây là trường hợp “điển hình” được ông Giang Trạch Dân theo sát trong giai đoạn đầu bức hại, ông bị công khai chỉ tên phê bình và gây áp lực. Do đó, quân đội bắt đầu hàng ngày tìm đến ông nói chuyện, buộc ông kiểm điểm và từ bỏ tu luyện, đồng thời phía quân đội còn tự làm ra bản kiểm điểm không phải là ý nguyện của ông. Sau đó, tất cả các hành động của ông đều được 3 người giám sát nghiêm ngặt, không cho xuống dưới lầu, không cho nghe điện thoại, khi đó ông giống như bị cách ly với bên ngoài.
Ông Lý Kỳ Hoa là lão Hồng quân, lão Đảng viên, cán bộ cấp cao trong quân đội, là người công thành danh toại, tuyệt đối không dễ dàng tin bất cứ điều gì, vì sao ông tin và tu luyện Pháp Luân Công? Trong bài viết ông từng gửi cho Trung ương ĐCSTQ có tiêu đề “Nguyên tắc không phải là xuất phát điểm của nghiên cứu khoa học, khoa học càng cần phải tìm tòi và thực hành”, ông đã kể rằng vợ ông bị bệnh nặng mấy chục năm, bản thân là giám đốc bệnh viện nên đã cho bà được điều trị y học một cách thuận tiện, nhưng cũng không có tác dụng; học Pháp Luân Công không lâu thì bệnh nặng bấy lâu dần biến mất, do đó mà khiến ông bước vào con đường tu luyện, không những thân thể thụ ích, mà những đạo lý của Pháp Luân Công đã phá giải những quan niệm cứng nhắc được hình thành trong mấy chục năm trong ông, mở mang trí tuệ của sinh mệnh.
Trước khi vợ của ông Lý Kỳ Hoa – bà Triệu Lệ Bân tập luyện Pháp Luân Công, các bệnh như bệnh mạch vành tim, tăng nhãn áp, cao huyết áp, ngủ nhiều, viêm gan, khiến cho sắc mặt bà xanh xao, môi tím đen, bà phải dựa vào uống thuốc để duy trì mạng sống. Ông Lý Kỳ Hoa viết: “Sự thay đổi của vợ, đã gây chấn động quá lớn trong thâm tâm tôi. Tôi không thể không suy nghĩ: Bệnh viện Đa khoa Giải phóng quân mà tôi đang công tác, mặc dù không dám nói công nghệ, thiết bị đều là tiên tiến nhất thế giới, nhưng cũng là số ít trong các bệnh viện trong nước có được. Như thế mà không trị khỏi bệnh của vợ, nhưng trong thời gian ngắn bà ấy tập luyện Pháp Luân Công, bệnh đã hoàn toàn khỏi mà không tiêm thuốc, không uống thuốc, điều này là vì sao? Những dấu hỏi này không ngừng xuất hiện trong đầu tôi. Sự thật vẫn hơn lời hùng biện! Tôi từ hoài nghi, dõi theo, quan tâm rồi đến tự mình thử, cứ như thế tôi cũng đã bước vào con đường tu luyện Pháp Luân Công.”
Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1993, bệnh của ông Lý Kỳ Hoa cũng không cần thuốc mà tự khỏi, sức khỏe càng ngày càng tốt. Đích thân trải nghiệm hiệu quả kỳ diệu trừ bệnh khỏe thân của Pháp Luân Công, đã khiến cho ông Lý Kỳ Hoa tâm phục khẩu phục, ông viết: “Rất nhiều vấn đề to lớn và quan trọng mà tôi khổ tâm truy cầu, tìm tòi, suy nghĩ cả một đời, vấn đề nhân sinh quan, thế giới quan, vấn đề khoa học sự sống trong y học, vấn đề khoa học xã hội, đều được giải quyết dễ dàng trong cuốn Chuyển Pháp Luân. Hơn nữa, từ sau khi tôi tập Pháp Luân Công, tôi vẫn luôn kiên định không hề lay động. Bởi vì cảnh giới tư tưởng của tôi có thể nói là đã được thăng hoa và đề cao. Thực ra không chỉ là một cá nhân tôi như thế này, theo tôi được biết, ở nhóm học pháp của những người lớn tuổi ở Bắc Kinh mà tôi tham gia, độ tuổi trung bình đều là hơn 70 tuổi, có vài vị hơn 80 tuổi. Rất nhiều lãnh đạo cấp cao và giai tầng phần tử trí thức cao như ‘lão cách mạng’, ‘lão cán bộ’, ‘lão khoa học gia’, ‘lão giáo sư’; những người này cũng không phải là mù quáng, không phải là những người đầu óc đơn giản, mà là sau khi suy nghĩ cặn kẽ mới bước vào đội ngũ người tu luyện Pháp Luân Công.” Đây là những lời tiết lộ tự nhiên và suy nghĩ chân thật trong lòng khi không có bất cứ áp lực bên ngoài nào của ông Lý Kỳ Hoa.
Cuối cùng, ông viết: “Họ cũng giống như tôi, ở độ tuổi 70 mới đắc được pháp của thầy Lý Hồng Chí, đều cảm thấy quá may mắn, quá có duyên và quá trân quý. Đồng thời mọi người cũng đều có một tâm nguyện, mong những lão chiến hữu, lão đồng nghiệp, lão lãnh đạo của mình; mong thế hệ trung niên, thế hệ thanh niên, thế hệ thiếu niên của chúng ta cũng đều có thể buông bỏ những ‘quan niệm cứng nhắc’, ‘quan niệm cố hữu’ trong người thường, loại bỏ các chướng ngại, đọc cuốn Chuyển Pháp Luân một cách tỉ mỉ, bình tĩnh, luyện tập Pháp Luân Công, sau đó bản thân hãy nghĩ lại xem những người già chúng tôi nói có chút đạo lý hay không; hay nghĩ xem, Đại Pháp đối với xây dựng văn minh tinh thần của chúng ta rốt cuộc có lợi hay có hại.”
Tuyết Mai - Theo Tri Thức VN