Sống bó buộc trong các khu nhà trọ chật hẹp ở TP.HCM và Long An các lao động nghèo bị thất nghiệp muốn về quê cũng chẳng được, muốn tìm việc làm khác cũng chẳng có, muốn được hỗ trợ thì cũng không thấm vào đâu. Cuộc sống của họ sau hơn 4 tháng giãn cách xã hội dường như chưa có lối thoát, dù chính quyền từng bước cho phép người dân đi lại từ ngày 1/10.
Dân cư khu xóm trọ với hơn 30 phòng trên đường Tân Hòa Đông, quận Bình Tân, TP.HCM, thường xuyên xếp hàng chờ các nhóm thiện nguyện đến phát thức ăn. Bà Châu Thị Nương, 42 tuổi, quê ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, và chồng là ông Lê Văn Dành, 43 tuổi, là những người trong số đó.
Bà Nương nói với đài tiếng nói có trụ sở ở Hoa Kỳ: “Ông xã làm phụ hồ, lương thấp, tiền phòng trọ 1,7 triệu đồng/tháng. Còn tôi làm công nhân ép nhựa trong xưởng quạt, mỗi ngày làm 10 tiếng được 200 ngàn đồng.”
“Tôi nghỉ làm 4 tháng rồi. Cả khu trọ này ai cũng nợ tiền trọ, thiếu nợ 2-3 tháng rồi. Hôm trước nhà nước cho được 1,5 triệu đồng, tôi trả cho chủ nhà trọ liền, không dám xài. Nhà nước cũng có cho được 15kg gạo”.
Bà Nương cho biết, gia đình bà muốn về Bạc Liêu để tránh dịch nhưng chính quyền ở đó không tiếp nhận người ở ngoài tỉnh vào và chính quyền TP.HCM cũng không cho phép rời đi.
Vừa qua khi chính quyền làm xét nghiệm khu nhà trọ này đã cho kết quả 14 người dương tính COVID-19 và yêu cầu tự cách ly, bà Nương cho biết thêm.
Ông Võ Văn Đậm, 44 tuổi, vợ là Nguyễn Quỳnh Giao, 37 tuổi, cùng quê ở Mỏ Cày, Bến Tre, đang thuê phòng trọ tại ấp Rừng Sến, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nơi giáp ranh với TP.HCM, gặp hoàn cảnh tương tự.
Ông Đậm chia sẻ: “Tôi nghỉ làm đến nay đã 5 tháng rồi. Chủ nhà trọ giảm được phân nửa tiền trọ, nhưng vẫn phải đóng 700 ngàn đồng/tháng. Ăn uống, vật chất các thứ rất khó khăn.
“Tôi làm đóng gói khung sườn xe đạp, nhưng khi TP.HCM đóng cửa thì ở đây cũng đóng cửa luôn, vì hàng này tiêu thụ ở thành phố. Vợ tôi làm cho xưởng sản xuất ống hút cũng bị đóng cửa y vậy.
“Vợ tôi sắp sanh con như cũng không có bảo hiểm của công ty. Mới đây vợ tôi đi siêu âm, mà phải test COVID-19 mới cho siêu âm. Hai vợ chồng đi làm test mất hết 600 ngàn đồng, đã nghèo mà còn bị mất tiền. Vợ sắp sanh nhưng không ăn uống đầy đủ như người ta được”.
Ông Đậm cho biết chính quyền địa phương nơi ông ở trọ có phát gạo cho các gia đình có thu nhập thấp như vợ chồng ông, nhưng nói rằng hỗ trợ chỉ một lần và chẳng thấm vào đâu.
Theo ghi nhận báo VnExpress, từ 17h 30/9, hàng nghìn người dân lái xe máy chở vợ con nhỏ về miền Tây bị lực lượng chức năng ở chốt kiểm soát cửa ngõ giáp ranh Long An và TP.HCM chặn lại, yêu cầu quay về nơi ở.
Đứng lẫn trong dòng người, ông Văn Công Đệ, 47 tuổi, cho biết vì nghe TP.HCM nới lỏng giãn cách nên chiều nay chở vợ đi xét nghiệm để về quê ở huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng. Ông cùng vợ đều làm phụ hồ nhưng 4 tháng qua mất việc. “Tôi thiếu tiền trọ 3 tháng rồi, ở trên đây cùng không có tiền ăn, bữa giờ cứ phải trông vô thực phẩm được hỗ trợ, bữa đói bữa no”, ông Đệ nói.
Lái xe máy chở hai con 11-3 tuổi về quê An Giang nhưng cũng bị chặn lại, công nhân Nguyễn Thị Thu, 42 tuổi, nói dù biết không được về quê nhưng thấy hội đồng hương trên mạng xã hội kêu gọi nên đã “đánh liều” vì công ty đã phá sản. “Hai đứa con tôi mấy tháng nay thiếu ăn, sút kg. Phải chi tôi có chỗ làm sau ngày 1/10 hi vọng còn bám trụ được”, nữ công nhân nói.
Đăng theo ĐKN