Nghịch lý: Nguồn thừa, điện vẫn thiếu. Giá điện có giảm?

Nghịch lý: Nguồn thừa, điện vẫn thiếu. Giá điện có giảm?

Nghịch lý: Nguồn thừa, điện vẫn thiếu. Giá điện có giảm?

Nghịch lý: Nguồn thừa, điện vẫn thiếu. Giá điện có giảm?

Nghịch lý: Nguồn thừa, điện vẫn thiếu. Giá điện có giảm?
Nghịch lý: Nguồn thừa, điện vẫn thiếu. Giá điện có giảm?
Thứ tư, 01-01-2025 18:31, (GMT+07:00)
Nghịch lý: Nguồn thừa, điện vẫn thiếu. Giá điện có giảm?
15-06-2021 14:37

Phát triển năng lượng tái tạo được cho là giải pháp nhanh chóng và thích hợp nhất để giải quyết vấn đề thiếu điện. Tuy nhiên, tình trạng phát triển mất cân đối do tăng trưởng quá nhanh, quá nóng so với mạng lưới truyền tải điện quốc gia khiến khai thác không hiệu quả, cũng như ảnh hưởng sự phát triển các nguồn điện khác và hệ thống an ninh năng lượng quốc gia.

Nghịch lý của ngành điện hiện nay là nguy cơ thiếu điện đã nhãn tiền trong khi nguồn cung điện từ điện mặt trời, phong điện không thể sử dụng hết vì năng lực tiếp nhận của lưới điện quốc gia ở những địa phương (nơi các dự án này tập trung) không thể đáp ứng. Thế là, hàng loạt dự án đầu tư điện lãng phí trong khi nhiệt điện và thủy điện lại đang là nguồn phân phối chính trong lưới điện quốc gia. 

Mạng lưới truyền tải điện yếu là nút thắt

Theo số liệu của Viện Năng lượng, đến hết năm 2020, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn khoảng 69.000 MW. Trong đó, nhiệt điện than có khoảng 21.000 MW; thủy điện khoảng 21.000 MW; tuabin khí và nhiệt điện chạy dầu có khoảng 9.000 MW, các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.430 MW...

Tuy nhiên, có một khoảng cách lớn giữa công suất lắp đặt và công suất phát điện thực tế. Mặc dù công suất lắp đặt lên tới 69.000 MW, nhưng công suất phát điện khả dụng chỉ đạt cao nhất là 41.558MW. Điều đó có nghĩa là một lượng lớn công suất lắp đặt không thể phát được điện.

Vì sao vô lý như vậy? Nguyên nhân là do các dự án điện gió và điện mặt trời phát triển quá mạnh trong thời gian vừa qua đã quá tải so với công suất của hệ thống lưới điện. Tính đến hết tháng 12/2020, tổng công suất điện mặt trời (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà) là 16.500 MW (chiếm 24,1% tổng công suất), tổng công suất điện gió là 567 MW (chiếm khoảng 0,86% tổng công suất).

Tuy vậy, các nguồn điện này phân bổ không đều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có nhiều tiềm năng tại miền Trung và miền Nam như Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Long An…

Các loại hình năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng có thời gian đầu tư xây dựng ngắn (khoảng 6 tháng), trong khi việc đầu tư lưới điện truyền tải phải mất 2 – 3 năm (lưới điện 220kV) và 5 năm (lưới điện 500 kV).

Do đó, sự gia tăng đột biến của loại hình năng lượng tái tạo dẫn đến nhiều bất cập trong vận hành hệ thống điện. Một trong những hệ quả trực tiếp chính là việc giảm phát các nguồn năng lượng tái tạo. Năm 2020, sản lượng không khai thác được của điện mặt trời vào khoảng 364 triệu kWh.

Theo tính toán của EVN, trong giai đoạn 2021 – 2025, nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng khoảng 8,9%/năm, tương đương nhu cầu cung cấp điện phải tăng từ 23,6 - 30,5 tỷ kWh/năm mới đáp ứng được nhu cầu điện. Dẫu vậy, sản lượng các nguồn mới bổ sung chỉ đạt khoảng 6,1 – 16,7 tỷ kWh/năm, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu.

Nguyên nhân do nhiều nguồn điện chậm tiến độ như Nhiệt điện Quảng Trạch 1 bắt đầu xây dựng, còn Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn chưa thể triển khai. Trong 3 năm sắp tới, miền Bắc chỉ có thêm Nhiệt điện BOT Hải Dương đang hoàn tất đầu tư và Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Như vậy, vấn đề đảm bảo điện sẽ gặp nhiều thách thức.

Trong cơ cấu điện năng sản xuất toàn quốc năm 2020, nhiệt điện than đóng góp tỷ trọng lớn nhất 50% với 123 tỷ kWh. Đứng thứ hai thuộc về thủy điện với 73 tỷ kWh chiếm 29,5%. Thứ ba là nhiệt điện khí chiếm 14% với 35 tỷ kWh, điện mặt trời chiếm 4,4%, nhập khẩu chiếm 1,2%, phần còn lại 1% là từ dầu và năng lượng tái tạo khác.

Và nỗi lo … thừa điện

Theo báo Thanh niên, những ngày đầu 2021, rất nhiều thành viên của Diễn đàn Năng lượng tái tạo Việt Nam không khỏi “bàng hoàng” khi chứng kiến một bản danh sách dài với hàng chục nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Đắk Nông được lên kế hoạch luân phiên “sa thải hoàn toàn”.

Theo đó, trong các ngày từ 30/12/2020 đến 5/1/2021, mỗi ngày bình quân có khoảng 30 dự án điện mặt trời không được huy động dù chỉ là 1kWh để phát lên hệ thống điện quốc gia. Lý do là bởi “máy biến áp T1 của trạm 110 Cư Jút bị quá tải do phát ngược từ hệ thống điện mặt trời” của các dự án trong khu vực.

Sau 1 thập kỷ lúc nào cũng lo thiếu hụt thì năm 2021, lần đầu tiên EVN lại bỗng lo… thừa điện. Sẽ có khoảng 500 triệu kWh điện mặt trời, điện gió sẽ bị cắt giảm do thừa nguồn.

 trong các ngày từ 30/12/2020 đến 5/1/2021, mỗi ngày bình quân có khoảng 30 dự án điện mặt trời không được huy động dù chỉ là 1kWh để phát lên hệ thống điện quốc gia. (Ảnh: MOIT)
trong các ngày từ 30/12/2020 đến 5/1/2021, mỗi ngày bình quân có khoảng 30 dự án điện mặt trời không được huy động dù chỉ là 1kWh để phát lên hệ thống điện quốc gia. (Ảnh: MOIT)

Theo VnEconomy, phát triển năng lượng tái tạo được cho là giải pháp nhanh chóng và thích hợp nhất để giải quyết vấn đề thiếu điện. Vì thế, trong dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đặt mục tiêu phát triển nguồn năng lượng tái tạo biến đổi (gió và mặt trời) có tỷ trọng đạt 24% năm 2020; 24-27% năm 2030 và 38-42% năm 2045 tùy theo kịch bản phụ tải.

Thế nhưng, trong khi quy hoạch còn đang chờ phê duyệt thì đã nổi lên làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo. Tình trạng phát triển mất cân đối do tăng trưởng quá nhanh, quá nóng so với năng lực tiếp nhận của lưới điện quốc gia khiến khai thác không hiệu quả, cũng như ảnh hưởng sự phát triển các nguồn điện khác và hệ thống an ninh năng lượng quốc gia.

Theo thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, từ năm 2019 đến hết năm 2020 xuất hiện sự bùng nổ năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió kéo theo nhiều bất cập trong vận hành hệ thống điện. 

Cụ thể, công suất lắp đặt của hệ thống là gần 70.000 MW, trong đó có khoảng 17.000 MW điện mặt trời trang trại lớn và áp mái nhà. Như vậy, khi mặt trời tắt nắng sau  17h và không có pin lưu trữ, thì công suất nguồn điện cả nước giảm mạnh, chỉ còn 53.000 MW.

Đơn cử như tỉnh Ninh Thuận, địa phương có tỷ lệ năng lượng tái tạo lớn nhất nước với hàng nghìn MW, nhưng nhu cầu sử dụng ở địa phương lại rất thấp và bắt buộc phải truyền lên đường dây 500kV để chuyển sang các địa phương khác.

Theo ông Vũ Đức Quang, Trung tâm đào tạo và nghiên cứu phát triển thuộc Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2), không thể phủ nhận, năng lượng tái tạo là xu hướng tốt mang tính bền vững. Song, tình trạng phát triển mất cân đối do tăng trưởng quá nhanh, quá nóng so với cơ cấu nguồn điện quốc gia sẽ dẫn đến một số vấn đề bất cập, từ đó cũng ảnh hưởng đến việc khai thác không hiệu quả, cũng như sự phát triển các nguồn điện khác và hệ thống an ninh năng lượng quốc gia.

Thực tế đã chứng minh, đợt nắng nóng diễn ra cuối tháng 5 và đầu tháng 6 này đã bộc lộ rõ điểm yếu này. Đáng chú ý nhất trong lần lập đỉnh ngày 31/5/2021 ở mức công suất 41.549 MW xảy ra vào lúc 22h, tức là gần nửa đêm, nhờ sự đóng góp từ điện sinh hoạt.

Trong khi đó, hệ thống điện cần những nguồn điện ổn định. Vì vậy, cần tính toán cơ cấu nguồn điện trong hệ thống cho hợp lý, thay vì “ảo tưởng” rằng điện tái tạo có thể “gánh vác” được cả hệ thống điện. Thực tế, nhiệt điện và thủy điện vẫn đang đảm đương việc đảm bảo nhu cầu tiêu thụ điện.

Điện mặt trời với nguy cơ “vỡ” quy hoạch

Theo VOV, trong bối cảnh Việt Nam được dự báo sẽ thiếu điện từ 2021, nguy cơ thiếu điện chực chờ nhưng khoảng 1,3 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo sẽ bị cắt giảm trong năm 2021. Không những thế, loạt dự án điện gió đang thi công và sẽ nối lưới vào năm nay khiến điện tái tạo tiếp tục đối diện nguy cơ cắt giảm.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tỷ trọng thành phần điện mặt trời ngày càng cao đang khiến việc vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do điện mặt trời phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày, có nghĩa là nắng mạnh thì phát nhiều điện và tắt nắng thì không phát điện. Có thời điểm xảy ra hiện tượng thừa công suất vào giờ thấp điểm trưa khoảng từ 10h-14h (nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ) do lúc này phụ tải xuống thấp nhưng bức xạ mặt trời lại tốt nhất trong ngày.

Nhưng vào giờ cao điểm tối (khoảng từ 17h30-18h30) là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất trong ngày, hệ thống điện cần một lượng công suất phát điện khá lớn nhưng lúc này khả năng đáp ứng của hàng chục nghìn MW điện mặt trời hầu như không còn.

Bên cạnh hiện tượng chênh lệch về công suất phụ tải ở các thời điểm trong ngày, thì nhu cầu phụ tải giữa ngày làm việc và ngày nghỉ cũng có sự chênh lệch khá lớn. Trong đó giá trị chênh lệch giữa công suất đỉnh của ngày nghỉ và ngày thường trong tuần lên tới khoảng 5.000 MW.

Điều này dẫn đến những ngày nghỉ cuối tuần, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia phải ngừng dự phòng nhiều tổ máy nhiệt điện than và tuabin khí trên cơ sở đảm bảo đủ số tổ máy nối lưới tối thiểu theo điều kiện kỹ thuật của hệ thống.

Cùng đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến. EVN đang giải quyết bài toán thừa điện, nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo buộc phải cắt giảm công suất trong những thời điểm phụ tải thấp, mức tiêu thụ điện của hệ thống giảm.

“Đây là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện”, đại diện EVN cho hay.

Những doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng (chủ yếu là vốn vay) vào năng lượng tái tạo, nay nhà máy không thể chạy hết công suất, không bán được điện sẽ giải bài toán tài chính thế nào? Bao giờ thì cơn ác mộng giảm phát công suất mới chấm dứt? Ai phải chịu trách nhiệm cho việc để điện mặt trời “vỡ” quy hoạch?

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp điện mặt trời cho biết đang “ngồi trên đống lửa” khi mỗi ngày nhà máy đều bị cắt giảm công suất phát lên lưới, tùy theo các khung giờ, thậm chí có ngày tỷ lệ cắt giảm lên đến cả 100%.

Theo Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, từ ngày vận hành thương mại chính thức tới nay, dự án điện mặt trời 450 MW (tại Ninh Thuận) thường xuyên bị cắt giảm công suất phát, nhiều thời điểm nhà máy bị giảm tới hơn 80% công suất thiết kế. Việc cắt giảm công suất điện liên tục ảnh hưởng lớn đến doanh thu và tốc độ thu hồi vốn, khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả tiền gốc, lãi vay cho ngân hàng.

Đại diện một nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận cho hay doanh nghiệp cũng đang phải giảm phát, có ngày đến 50% công suất, thiệt hại từ 200 - 250 triệu đồng.

Không chỉ các dự án điện mặt trời công suất lớn, mà các dự án điện mặt trời mái nhà, các dự án thuê mái nhà bán điện lên lưới cũng buộc phải cắt giảm công suất. Theo công bố cắt giảm công suất của nguồn điện mặt trời mái nhà từ 15/3 - 21/3 do Tổng công ty Điện lực Miền Nam ban hành, tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Long An…, sản lượng điện bị cắt giảm từ nguồn điện mái nhà khá lớn.

Cụ thể, trong giờ cao điểm từ 10h30 - 13h các ngày từ 15 - 21/3, tại Ninh Thuận, mỗi ngày bị cắt khoảng 40.103 - 53.471 MW; tại Bình Dương bị cắt từ 57.964 - 77.285 MW; tại Bình Thuận bị cắt từ 35.771 - 47.695 MW; tại Long An từ 49.276 - 65.701 MW; tại An Giang bị cắt từ 16.686 - 22.248 MW…

Trong bối cảnh số lượng dự án điện mặt trời mái nhà gia tăng, nhu cầu tiêu thụ điện giảm do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19... đa số doanh nghiệp điện mặt trời lo các nhà máy sẽ tiếp tục bị cắt giảm nhiều hơn nữa, khi đó áp lực tài chính sẽ đè nặng doanh nghiệp.

Năng lượng tái tạo chiếm 25% tổng nguồn điện cả nước năm 2020.
Năng lượng tái tạo chiếm 25% tổng nguồn điện cả nước năm 2020.

Lỗi tại ai?

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), để "vỡ" quy hoạch điện mặt trời thời gian qua trách nhiệm rất lớn của Bộ Công Thương, nhất là trong công tác quy hoạch.

Cụ thể, quy hoạch điện VII đặt ra mục tiêu công suất nguồn điện mặt trời năm 2020 là 850 MW và 1.200 MW tới 2030. Tuy vậy, thực tế đến nay công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã gấp nhiều lần quy hoạch.

Các tuabin gió sau một công viên năng lượng mặt trời, ảnh chụp vào ngày 30 tháng 10 năm 2013 gần Werder, Đức (Ảnh của Sean Gallup / Getty Images)
Các tuabin gió sau một công viên năng lượng mặt trời. (Ảnh của Sean Gallup / Getty Images)

Không những thế, bộ này còn bổ sung nhiều nhà máy điện mặt trời công suất lớn khiến quy mô công suất điện mặt trời bổ sung quy hoạch rất lớn so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong khi đó nội dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện hệ thống điện quốc gia chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Bộ Công Thương cũng chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào phát triển điện mặt trời, nhất là việc đầu tư quá mức vào một khu vực gây khó khăn trong truyền tải điện, giải tỏa công suất các nhà máy điện, ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện quốc gia và gây ảnh hưởng đến quyền lợi các nhà đầu tư.

Giá điện có giảm?

Theo Tuổi trẻ, sau nhiều năm thiếu hụt, từ năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, ngành điện công bố chính thức trên báo đài là nguồn cung cấp điện đã dư thừa. Có lúc ngành điện đã phải sa thải bớt công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời vì lượng điện cung cấp ban ngày không tiêu thụ hết.

Thiếu điện là nỗi lo nhưng thừa điện cũng rất nguy hiểm bởi lượng điện dư thừa phát lên hệ thống sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Để khắc phục mối nguy do thừa điện, thời gian qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện nhiều giải pháp như: điều tiết cắt giảm công suất phát các nguồn điện theo quy định, dừng mua điện từ nước ngoài, đẩy mạnh cải tạo và nâng cấp hệ thống truyền tải…

Từ năm 2015, EVN áp dụng biểu tính giá điện sinh hoạt theo phương thức bậc thang 6 bậc. Với mức giá và cách tính giá điện như hiện nay rõ ràng chưa khuyến khích được khách hàng bởi càng dùng nhiều thì giá điện càng cao. Nhằm tiết giảm chi phí, thời gian qua người dân và doanh nghiệp phải hạn chế sử dụng các thiết bị điện, tự đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và có dư thì bán ngược cho ngành điện.

Khi dịch COVID-19 xảy ra, hàng loạt khách sạn, nhà hàng, nhà máy, công xưởng, trang trại… phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí đóng cửa, kéo theo nhu cầu sử dụng điện sụt giảm.

Theo các nhà quan sát, trong bối cảnh hiện nay khi mà nguồn cung điện đã thừa mứa, không phải "thắt lưng buộc bụng nữa", EVN cần phải tính tới phương án kích cầu tiêu thụ điện năng để vừa kích thích phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, nhà đầu tư đã dồn cho ngành điện.

Đặc biệt, EVN nên tính toán lại giá bán điện phù hợp và điều chỉnh phương thức tính giá điện theo khung giờ, chẳng hạn giá điện ban ngày (có nguồn cung từ điện mặt trời) thì thấp hơn so với giá điện tiêu thụ vào ban đêm.

Việc giảm giá điện vừa giúp chia sẻ khó khăn với khách hàng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vừa giảm thiệt hại cho các nhà đầu tư điện mặt trời và điện gió, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu giữ an toàn cho hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Ngọc Minh

Theo NTDVN

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP