Một nghiên cứu cảnh báo Internet toàn cầu có thể rơi vào tình trạng ngoại tuyến trong nhiều tháng khi một cơn bão Mặt trời quét qua Trái đất.
Mặt trời luôn luôn phát các luồng hạt điện tích đến Trái đất thông qua một hiện tượng gọi là gió Mặt trời. Phần lớn các cơn gió này sẽ bị chặn lại bởi lá chắn từ trường của hành tinh chúng ta và không gây ra bất kỳ thiệt hại đáng kể nào đối với Trái đất. Khi đó, những hạt tích điện thường bay về phía địa cực và để lại cực quang.
Nhưng đôi khi, cứ sau mỗi thế kỷ, các cơn gió điện tích đó lại mạnh lên thành một cơn bão Mặt trời. Một nghiên cứu mới được trình bày tại hội nghị truyền thông dữ liệu SIGCOMM 2021 cảnh báo rằng, một hiện tượng thời tiết không gian khắc nghiệt như vậy có thể gây thảm họa cho cuộc sống hiện đại của chúng ta.
Theo Sangeetha Abdu Jyothi, một trợ lý giáo sư tại Đại học California, Irvine, một cơn bão Mặt trời nghiêm trọng có thể đẩy thế giới vào một "ngày tận thế Internet", khiến nhiều người rơi vào tình trạng ngoại tuyến trong vài tuần hoặc vài tháng.
Abdu Jyothi nói với WIRED rằng, với đại dịch, chúng ta thấy thế giới đã không được chuẩn bị như thế nào. Không có giao thức nào để giải quyết nó một cách hiệu quả, và khả năng phục hồi Internet cũng vậy. Cơ sở hạ tầng của chúng ta không được chuẩn bị cho một cơ bão Mặt trời quy mô lớn.
Tuy nhiên, tác động của các cơn bão Mặt trời cực đoan tương đối hiếm. Các nhà khoa học ước tính xác suất một thời tiết không gian cực đoan tác động trực tiếp đến Trái đất chỉ từ 1,6% đến 12% mỗi thập kỷ.
Trong lịch sử gần đây, chỉ có hai cơn bão như vậy được ghi nhận - một vào năm 1859 và một vào năm 1921. Cơn bão trước đó, được gọi là Sự kiện Carrington, đã gây ra một sự xáo trộn địa từ nghiêm trọng trên Trái đất đến mức các dây điện báo bị cháy và cực quang xuất hiện ở gần xích đạo. Ngoài ra, những cơn bão nhỏ hơn cũng có thể gây ra tác động khá lớn. Chẳng hạn, cơn bão Mặt trời xảy ra vào tháng 3/1989 đã khiến toàn bộ tỉnh Quebec của Canada mất điện trong chín giờ.
Lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng Internet toàn cầu
Abdu Jyothi cho biết, nền văn minh của loài người đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Internet toàn cầu và những tác động tiềm tàng của một cơn bão địa từ lớn đối với loại cơ sở hạ tầng mới này phần lớn vẫn chưa được nghiên cứu. Trong bài báo mới của mình, cô đã cố gắng chỉ ra những lỗ hổng lớn nhất trong cơ sở hạ tầng đó.
Theo bài báo, tin tốt là các kết nối Internet cục bộ và khu vực có nguy cơ bị hư hỏng thấp vì bản thân cáp quang không bị ảnh hưởng bởi dòng điện cảm ứng địa từ.
Tuy nhiên, những sợi cáp Internet dài dưới đáy biển kết nối các lục địa lại là một câu chuyện khác. Các loại cáp này thường được trang bị bộ lặp tín hiệu cách nhau khoảng 50 đến 150 km, để khuếch đại tín hiệu quang học. Các bộ lặp này rất dễ bị ảnh hưởng bởi dòng địa từ và toàn bộ tuyến dây cáp có thể trở nên vô dụng nếu chỉ có một bộ lặp bị ngoại tuyến, theo bài báo.
Abdu Jyothi viết: Nếu đủ số cáp ngầm dưới biển bị hỏng ở một khu vực cụ thể, thì toàn bộ các lục địa có thể bị mất kết nối với nhau. Hơn nữa, các quốc gia ở vĩ độ cao - chẳng hạn như Mỹ và Anh - dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết Mặt trời hơn các quốc gia ở vĩ độ thấp hơn. Trong trường hợp xảy ra một cơn bão địa từ thảm khốc, chính những quốc gia ở vĩ độ cao có nhiều khả năng bị ngắt khỏi mạng Internet toàn cầu trước tiên. Thật khó để dự đoán sẽ mất bao lâu để sửa chữa cơ sở hạ tầng Internet dưới nước, nhưng Abdu Jyothi gợi ý rằng tình trạng mất mạng trên diện rộng kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng là có thể xảy ra.
Khi đó, hàng triệu người có thể mất kế sinh nhai và tác động kinh tế không hề nhỏ.
Abdu Jyothi viết trong bài báo: “Tác động kinh tế của sự gián đoạn Internet trong một ngày ở Mỹ ước tính lên tới hơn 7 tỷ USD. Điều gì sẽ xảy ra nếu mạng không hoạt động trong nhiều ngày hoặc thậm chí vài tháng?"
Cô cho biết thêm, nếu chúng ta không muốn điều đó xảy ra, thì các nhà khai thác lưới điện cần phải bắt đầu nghiêm túc xem xét mối đe dọa của hiện tượng thời tiết không gian khắc nghiệt khi cơ sở hạ tầng Internet toàn cầu ngày càng mở rộng.
Văn Thiện
Theo NTDVN