Thế hệ Z tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bỏ việc với số lượng đáng báo động. Cùng với đó, họ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Người dân đi bộ trên con phố mua sắm ở Manhattan, New York, ngày 07/06/2021. (Ảnh: Angela Weiss / Getty Images
Chắc hẳn bạn không còn lạ gì với “mua trước trả sau” - một loại hình tín dụng ngắn hạn cho phép người tiêu dùng mua thứ gì đó ngay lập tức và thanh toán sau. Mô hình mua trước trả sau đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây.
Tại Mỹ, 39% người dân đã thử dịch vụ này ít nhất một lần. Đặc biệt, tại California, 91% các khoản vay tiêu dùng do tiểu bang phát hành vào năm 2020 là các khoản vay mua trước trả sau.
Dịch vụ ‘mua trước trả sau’ thúc đẩy thế hệ Z chi tiêu không giới hạn
Những linh hoạt tài chính mà người tiêu dùng có thể tiếp cận là thực sự hấp dẫn — có lẽ là ‘hơi quá’ hấp dẫn. Thế hệ Z, còn gọi là thế hệ TikTok, gồm những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012 (theo một định nghĩa được công nhận rộng rãi). Tại Mỹ, họ là những người sử dụng dịch vụ mua trước trả sau nhiều nhất.
Điều này chẳng ngạc nhiên chút nào. Dịch vụ mua trước trả sau đã xuất hiện khi mua sắm trực tuyến chỉ mới bắt đầu phát triển; và không có thế hệ nào hoạt động trực tuyến tích cực như thế hệ Z. Họ dành trung bình 2 giờ 43 phút mỗi ngày để lên mạng, tương đương hơn ba ngày liên tục mỗi tháng.
Trong tất cả các mạng truyền thông xã hội, TikTok là nền tảng phổ biến nhất trong thế hệ Z. Đối với thế hệ ‘nghiện’ Internet này, Instagram đang mất dần sức hấp dẫn; trong khi TikTok ngày càng phổ biến. Chỉ riêng tại Mỹ, TikTok tự hào có 80 triệu người dùng hàng tháng, 60% trong số đó là nữ.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những người có ảnh hưởng trên TikTok đang thúc đẩy người dùng sử dụng dịch vụ mua trước trả sau. Vì vậy mà hàng triệu người thuộc thế hệ Z đã và sẽ mua sắm những món đồ mà họ không thực sự cần đến; tệ hơn nữa, họ đang phải gánh một khoản nợ khổng lồ khi làm như vậy.
Trong một bài báo gần đây đăng trên SFGATE, cây viết Joshua Bote đã thảo luận về vô số cách mà thế hệ Z sa vào các khoản vay ngắn hạn. Ông lập luận rằng đây là vấn đề ở nhiều cấp độ, đặc biệt là khi người ta kết hợp các khoản cho vay gần như tức thời với truyền thông xã hội vốn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ để cổ vũ chi tiêu không giới hạn và bình thường hóa tình trạng nợ nần.
Thật vậy. Ngay lúc này, bạn chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể mua một mặt hàng hoặc dịch vụ mà bạn có thể không cần đến.
Gần đây, một trong những nhà cung cấp dịch vụ mua trước trả sau hàng đầu đã ký một hợp đồng béo bở với Amazon. Lý do để Amazon đạt bút ký thỏa thuận đó tương đối dễ lý giải: mua trước trả sau khuyến khích mọi người chi tiêu nhiều hơn. Tại Mỹ, 60% thế hệ Z có tài khoản Amazon Prime. Năm 2019, Amazon đã vượt qua Apple để trở thành thương hiệu yêu thích của thế hệ Z. Có lẽ điều này giúp giải thích tại sao thế hệ này chi tiêu nhiều hơn các thế hệ khác, đôi khi là nhiều hơn rất nhiều.
Theo ông Bote, thế hệ Z hiện nay đang “chi tiêu nhiều hơn 925%” so với năm 2020.
Mắc nợ thực sự là cơn ác mộng
Đã xuất hiện nhiều bài báo mô tả thói quen tốt của thế hệ Z - họ tiết kiệm tiền một cách thận trọng. Tuy nhiên trên thực tế, thế hệ Z đang chìm sâu trong nợ nần. Họ có tổng nợ trung bình cao nhất tính theo thế hệ.
Trong khi các thành viên thuộc thế hệ Z tiếp tục "mua sắm để phục thù" (còn gọi là mua sắm bù - một hiện tượng mà người tiêu dùng vội vàng bù đắp cho tất cả các khoản mua sắm mà họ không thể thực hiện trong thời gian phong tỏa bởi COVID-19), họ cần tự hỏi mình, chính xác thì họ đang phục thù ai? Câu trả lời là không ai khác ngoài chính bản thân họ.
Sự phát triển của dịch vụ mua trước trả sau và “mua sắm để phục thù” diễn ra đồng thời khi thế hệ Z đang ‘bận rộn’ rời bỏ nơi làm việc của họ. 56% số người thuộc thế hệ Z thà thất nghiệp còn hơn để một công việc cản trở cuộc sống cá nhân. Thế hệ này có nhiều ước mơ, những ước mơ lớn lao — chỉ là không có ước mơ được làm việc. Đây là thế hệ đã truyền cảm hứng cho phong trào “tạm nghỉ việc” hồi năm ngoái.
Làm thế nào để một người có thể trả tiền hàng hóa và dịch vụ mà không có thu nhập?
Mặc dù thế hệ millennials (những người sinh từ năm 1981 đến năm 1996) không hẳn là một tấm gương sáng; nhưng thế hệ Z dường như còn kém kiên cường hơn.
Thiếu ý chí có liên quan chặt chẽ với sức khỏe tâm thần; một người thiếu ý chí có nhiều khả năng phải đối mặt với chứng trầm cảm và lo lắng. Không có gì ngạc nhiên khi các thành viên của thế hệ Z đang phải đối mặt với cả hai chứng bệnh này.
Điều này đưa chúng ta trở lại hiện tượng mua trước trả sau đang càn quét khắp nước Mỹ. Đến năm 2025, thị trường mua trước trả sau có thể trị giá tới 760 tỷ USD. Khi ngày càng có nhiều người thuộc thế hệ Z tiếp tục sử dụng các dịch vụ mua trước trả sau, họ sẽ tăng hay giảm các vấn đề sức khỏe tâm thần?
Câu trả lời là: thế hệ Z sẽ gia tăng bệnh lý về tinh thần. Những người nợ nần chồng chất dễ bị căng thẳng và có ý định tự tử. Tự tử hiện là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai cho thế hệ Z.
Để kết luận, mắc nợ thực sự là cơn ác mộng; nó khiến người ta mất ngủ hàng đêm và lo lắng bất tận. Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ khoản vay tức thời nào, hãy tự hỏi bản thân 3 câu hỏi sau: Nó có đáng không? Tôi có cần nó không? Tôi có cách thức nào để trả lại những gì sẽ nợ không? Nếu câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào trong số này là không, thì trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cũng không nên sử dụng dịch vụ mua trước trả sau.
(Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.)
Tác giả John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Bài viết của ông được đăng trên nhiều tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo uy tín khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.
Chi Anh
Nguồn The Epoch Times
Đăng theo NTDVN