Hôm thứ Tư (26/8), Hoa Kỳ đã đưa 24 công ty Trung Quốc và nhiều quan chức Bắc Kinh vào danh sách trừng phạt vì những thực thể này đã thúc đẩy các hoạt động xây dựng, quân sự hóa và làm phức tạp tình hình Biển Đông, theo Reuters. Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên nhắm vào Bắc Kinh đối với vùng biển tranh chấp.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết những công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen đã “đóng vai trò trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông”.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ sẽ áp đặt các hạn chế thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc “chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa” với các hành động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh. Những người có liên quan đến việc chính quyền Trung Quốc “sử dụng hành vi cưỡng bức các bên tranh chấp [chủ quyền ở] Đông Nam Á không cho họ tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi” cũng sẽ chịu sự trừng phạt tương tự.

Thông qua yêu sách đường 9 đoạn, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết khu vực Biển Đông – khu vực có trữ lượng tài nguyên khổng lồ. Các bên có tuyên bố chủ quyền khác gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Đây là khu vực có khoảng 3 nghìn tỷ USD hàng hóa thương mại giao thương hàng năm.

Các công ty bị liệt vào danh sách đen bao gồm Tập đoàn Truyền thông Haige Quảng Châu, một số có liên hệ với Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc và Công ty Viễn thông Bắc Kinh Huanjia, Công ty Thông tin dữ liệu Quốc Quang Thường Châu, Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc và Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc.

Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm trừng phạt các doanh nghiệp bán hàng hóa hỗ trợ các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Động thái này diễn ra trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trong đó Trung Quốc là đối tượng bị chỉ trích mạnh mẽ bởi cả Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và cố gắng đe dọa các nước láng giềng châu Á, những người có thể muốn khai thác trữ lượng dầu khí dồi dào tại khu vực.

Các tàu chiến của Mỹ đã đi qua khu vực này để khẳng định quyền tự do hàng hải tại các tuyến đường thủy quốc tế, làm dấy lên lo ngại về các cuộc đụng độ.

Phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã lên án các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ là “hoàn toàn phi lý”, đồng thời thúc giục Mỹ rút lại quyết định này.

“Các quần đảo ở Biển Đông là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, và hoàn toàn có lý do để chúng tôi xây dựng các cơ sở và triển khai các thiết bị quốc phòng cần thiết ở đó”.

“Chính phủ Trung Quốc sẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.

Hồi tháng 7, Washington cho biết họ có thể trừng phạt các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến các hoạt động phi pháp ở Biển Đông sau khi chính thức bác bỏ hầu hết các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển chiến lược. Không lâu sau đó, Australia cũng theo chân Mỹ đưa ra quyết định tương tự. 

Greg Poling, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, cho biết: “Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các thực thể Trung Quốc vì hành vi bành trướng ở Biển Đông”.

“Nó có thể không tác động nhiều đến các thực thể đó – lấy ví dụ, tôi nghĩ rằng không có nhiều mặt hàng Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc phải mua từ Hoa Kỳ bởi nó không thể có được từ các nhà cung cấp khác. Và đây không phải là các biện pháp trừng phạt tài chính mà một số người  mong đợi … Nhưng nó có thể là bước khởi đầu trong nỗ lực thuyết phục các đối tác Đông Nam Á rằng chính sách mới của Mỹ không chỉ là lời nói suông”.

Theo Reuters,
Quý Khải dịch & biên tập

Đăng theo ĐKN