Ông là vị quan thanh liêm chính trực, cả một đời không hổ thẹn với lòng. Vậy mà khi động đất xảy ra, các con ông đều tử nạn, bản thân ông cũng bị thương ở chân, khiến ông không khỏi than rằng: Phải chăng Thiên lý quá bất công?
Ngưu Thụ Mai (1791-1875), tự Tuyết Tiều, hiệu Tỉnh Trai, là người vùng Thông Vị, tỉnh Cam Túc. Ông đỗ tiến sĩ năm Đạo Quang thứ 21, đến năm Đạo Quang thứ 28, ông nhậm chức tri phủ tại vùng Tây Xương, phủ Ninh Viễn, tỉnh Tứ Xuyên.
Theo ghi chép, đêm ngày mùng 7 tháng 8 năm Đạo Quang thứ 30 (tức ngày 12/9/1850), vùng Tây Xương xảy ra trận động đất lớn. Khắp thành rung chuyển, nhà cửa sụp đổ, nơi nơi đầy tiếng khóc oán than. Đêm tối lại mưa to gió lớn nên nhiều nơi gặp khó khăn trong việc cứu viện. Khi trời sáng, khắp thành chỉ còn là một đống đổ nát hoang tàn, số người bị gỗ đá đè chết nhiều vô số kể. Tri phủ Ngưu Thụ Mai cũng bị đè trong đống đất và bị thương ở chân, ông may mắn sống sót trong khi các con ông đều tử nạn.
Chứng kiến toàn thành bị san thành bình địa, người mất nhà tan, dân chúng lầm than, Ngưu Thụ Mai đau đớn viết bài văn chất vấn Thần Thành Hoàng: Vì sao Ngài hưởng thụ nhang khói của dân nhưng lại không che chở cho dân, khiến chúng sinh một phương phải chết oan như vậy? Lẽ nào họ đều là người xấu ác cả hay sao? Huống hồ tôi một đời làm quan thanh liêm, chuyên cần thận trọng, không thẹn với lòng. Những đứa con vô tội của tôi sao phải chết? Vậy chẳng phải Thần linh giám sát bất minh, Thiên lý không công bằng hay sao?
Đến đêm, Ngưu Thụ Mai mộng thấy mình đi đến phủ Thành Hoàng. Thần Thành Hoàng hành lễ chủ khách với ông, nói rằng: “Tiên sinh lời lẽ hùng hồn viết bài trách mắng ta, ấy là bởi ông không rõ cái đạo giám sát của Thần linh. Vậy nên tôi đặc biệt mời tiên sinh đến đây để giải trừ mọi điều oán hận khúc mắc trong lòng ông đây!”.
“Phàm là họa lớn phát sinh đều không phải ngẫu nhiên, mà là do tích tụ ác nghiệp mà nên. Vì trận động đất này mà cõi U Minh đã phải điều tra và ghi chép suốt 50 năm. Phàm là những ai không nên gánh chịu tai họa, từ sớm đã được di dời đến nơi khác rồi. Còn những người gần đây lại thêm tội nghiệp mới, thì lại khiến họ quay trở về. Có lẽ đến lúc đó sẽ có chút biến đổi không được nhất quán, nhưng địa phủ đều đã có hồ sơ tra xét rõ ràng, tuyệt đối sẽ không khiến người vô tội phải chết oan”.
Ngưu Thụ Mai nói: “Nếu đã như vậy, lẽ nào khắp cả thành lại không có lấy một người tốt sao? Nguyên nhân vì sao mà tôi cùng các con mình cũng bị ông Trời trách phạt như vậy?”.
Thần Thành hoàng nói: “Trong thành có ba hộ gia đình, xác thực là khó dời đi trong thời gian ngắn như vậy, nhưng hiện giờ tất cả đều bình an vô sự. Thứ nhất là tiết phụ ở một con phố nọ, tiết phụ này ở góa cả ba thế hệ, hiện đang nuôi một đứa cháu nhỏ. Thứ hai là một vị lang trung, trước nay chưa từng bán thuốc giả, người dân mời ông đến khám bệnh, dẫu cho là đêm khuya mưa gió, đường sá lầy lội khó đi, ông cũng lập tức đi ngay, tận tâm trị liệu. Còn có một gia đình là bà cụ bán bánh rán, cũng không hề gặp nạn”.
“Nếu ông không tin thì hãy điều tra nghe ngóng, nhất định sẽ tìm được. Còn về con cái của ông, bởi đời trước chúng tội nghiệp sâu dày, nên đời này khó tránh khỏi kiếp nạn, đây cũng là mượn cơ hội này hoàn trả tội nghiệp của họ. Bản thân ông đời này cũng nằm trong kiếp số, nhưng vì ông làm quan thanh liêm nên mới được khoan hồng, chỉ là bị thương ở chân mà thôi. Tóm lại, thưởng phạt của Thiên thượng là vô cùng cẩn trọng, tuyệt đối không thiên vị cá nhân nào. Hiểu được luật nhân quả này, mong ông cố gắng làm tốt hơn nữa, sau này chức vị nhất định sẽ được thăng đến quan án sát”.
Ngưu Thụ Mai nghe xong bừng tỉnh, trong lòng cảm thấy áy náy, rồi từ tạ trở về. Sau khi tỉnh dậy, ông dò hỏi khắp nơi, quả nhiên đã tìm được người tiết phụ và lang trung mà Thần Thành Hoàng nói đến, và họ quả thực đều bình an vô sự. Còn bà cụ bán bánh rán, sau nhiều lần dò hỏi, ông cũng tìm thấy bà cụ ở một góc nhỏ được chèo chống bởi mấy thanh gỗ của ngôi nhà.
Bà cụ kể rằng ngày thường vẫn bán bánh rán ở đây, phàm là người tàn tật, người già trẻ, hoặc người nghèo khó không có tiền trả thì bà đều tiếp đón, nhiều lúc còn biếu không. Một hai ngày trước khi trận động đất xảy ra, người mua bánh rán bỗng nhiều hơn ngày thường, bà bèn dẫn theo đứa cháu làm bánh thâu đêm. Hôm đó bỗng xảy ra động đất, hai bà cháu bị đè dưới mái nhà đổ sập không sao thoát ra được, may mà có rất nhiều bánh rán ăn lót dạ nên hai bà cháu mới may mắn sống sót.
Ngưu Thụ Mai không khỏi kinh ngạc, ông tự trách mình đức mỏng, không thể che chở cho dân chúng. Ông tự nhủ phải lấy nỗi khổ của dân làm trọng trách, giúp họ gây dựng lại nhà cửa, đồng thời quyên góp 1.500 lượng bạc thu xếp ổn thoả cho người bị nạn. Từ đó trở đi Ngưu Thụ Mai càng tin vào nhân quả, không ngừng tu dưỡng bản thân, tuyên dương điều thiện, tuân theo lẽ phải, không để người dân chịu án oan sai. Dân chúng được sống yên ổn, cảm kích vô vàn, ai ai cũng gọi ông là Ngưu Thanh Thiên. Về sau, ông quả nhiên được thăng đến chức quan án sát Tứ Xuyên.
Ngưu Thụ Mai chính tích hiển hách, được triều đình khen ngợi là “tuân lương đệ nhất”, yêu dân như con. Năm Đồng Trị thứ 13, Ngưu Thụ Mai trở về quê nhà, tận sức đọc sách viết văn, tác phẩm của ông gồm “Tỉnh Trai Toàn Tập”, “Văn Thiện Lục”, “Ngưu Thị Gia Ngôn”, v.v.
Ở bãi Xuân Ngư, Nam Quan, huyện thành Đức Xương, tỉnh Tứ Xuyên, người dân trong thôn đã tự phát quyên tiền, dựng lên cổng tam quan có khắc chữ “Ngưu Thụ Mai Đức Chính Phường”. Trong cuộc vận động “Phá Tứ Cựu” thời Cách mạng Văn hóa, cổng tam quan đứng trước nguy cơ bị phá dỡ, khi đó người của cung văn hóa huyện đã trét một lớp xi măng lên cái cổng này rồi bôi thêm lớp bột trắng viết chữ “Ngữ lục của Mao chủ tịch”, nhờ vậy cổng tam quan mới may mắn thoát khỏi kiếp nạn và lưu lại cho đến ngày nay.
Vạn sự vạn vật nơi thế gian đều có nguyên do. Giảng từ góc độ khoa học hiện đại, động đất là hiện tượng biến đổi của địa chất, nhưng nguyên nhân căn bản lại là nghiệp lực của chúng sinh dẫn động mà thành. Thiên tai ở nhân gian, kỳ thực cũng đều là nhân họa do con người vô đức mà nên.
Hết thảy thảm họa tự nhiên đều có liên quan với nghiệp lực được tích lũy từ đời này qua đời khác. Nhân quả sâu xa huyền ảo, không phải là điều mà con người có thể dựa vào kinh nghiệm hay học thức rồi có thể ngông cuồng mà thêm thắt suy luận. Thế gian nhìn vào thì thấy rối loạn không có trật tự, kỳ thực hết thảy đều đã có an bài.
Vì một trận động đất ở nhân gian mà cõi U Minh lại đã dày công tính toán trong 50 năm. Trong tai nạn nếu muốn chuyển nguy thành an thì phải thuận theo lẽ trời, tự mình phản tỉnh, trọng đức hành thiện mới là phương pháp hữu hiệu giúp ta được bình an.
Theo Tôn Thư Hương, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch