Là đoàn nghệ thuật đẳng cấp thế giới được thành lập ở Hoa Kỳ, Shen Yun (Thần Vận) đã trở thành ngôi nhà mới của nhiều nghệ sĩ Trung Quốc xuất sắc. Trong số ấy, có những người từng bị bức hại vì đức tin của mình. Hôm nay, chúng ta cùng lắng nghe câu chuyện của hai nhà nghệ thuật: biên đạo múa Cổ Duyên và nghệ sĩ đàn tỳ bà Lương Ngọc. 

Ngày 20/7 của 21 năm trước (năm 1999), hàng triệu người Trung Quốc lương thiện tu luyện môn tập ôn hòa Pháp Luân Công tự dưng trở thành kẻ thù bị chính phủ đàn áp mà không cần lý do. Từ đó trở đi, rất nhiều người vì kiên trì thực hành tín ngưỡng của mình mà bị bắt bỏ tù, hãm hại, thậm chí còn bị bức hại đến chết. 

Pháp Luân Đại Pháp còn được gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện Phật gia dựa trên các nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”. Trong những năm 90 của thế kỷ 20, Pháp Luân Công đã trở thành môn khí công phổ biến nhất ở Trung Quốc. Thông qua thực hành các nguyên lý của môn tập, thân thể rất nhiều người đã phục hồi sau nhiều năm bệnh tật, hơn nữa tâm tính cũng thăng hoa. 

Năm 1998, chính phủ Trung Quốc thực hiện một cuộc điều tra hướng đến 100 triệu học viên Pháp Luân Công, những người này thường đến công viên vào buổi sáng để luyện tập hoặc tập luyện tại nhà. Sau đó, vì ảo tưởng và sợ hãi, lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ bắt đầu coi Pháp Luân Công là đối tượng uy hiếp đến hình thái ý thức của đảng. Chính quyền đã bắt đầu thực hiện việc tiêu trừ triệt để cái gọi là uy hiếp này. 

Họ thành lập văn phòng “6.10” hoạt động nằm ngoài luật pháp giống như tổ chức mật vụ của Đông Đức trước đây. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dùng nó để vận hành bộ máy đàn áp tàn bạo này. Hàng triệu người làm ở các ngành nghề trên khắp cả nước bị bắt bỏ tù. Một lượng lớn sách của Pháp Luân Công bị tiêu hủy. Các kênh truyền thông nhà nước đồng loạt tiến hành tuyên truyền vu khống suốt ngày đêm để làm nền tảng dư luận cho cuộc đàn áp tàn bạo của chúng. 

Biên đạo múa xuất sắc

Biên đạo múa Cổ Duyên (Ảnh: Trang web chính thức của Đoàn nghệ thuật Shen Yun)

Cổ Duyên hiện tại là một trong những biên đạo múa xuất sắc của Shen Yun. Hàng năm, anh đều biên đạo một số vở múa có những cảnh ngoạn mục cuốn hút người xem trong các show diễn của Thần Vận. Những vở diễn do anh biên đạo đã trở thành một trong những nội dung chính. Nhìn dáng vẻ điềm tĩnh và bình thản của anh, bạn sẽ rất khó có thể tưởng tượng được những khó khăn mà anh đã trải qua. 

Cổ Duyên nhớ lại thời điểm vào cuối những năm 1990: “Trước khi bị bức hại, tôi đã trải qua ba năm đẹp nhất trong cuộc đời mình”. Anh nói thêm: “Lúc đó, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp rồi. Lần đầu tiên đọc sách của Pháp Luân Đại Pháp, tôi đột nhiên cảm thấy một sự giác ngộ và không còn thấy mơ hồ về ý nghĩa của sinh mệnh đời người nữa”. 

“Trong sự nghiệp cá nhân, với tư cách là một trong những biên đạo múa hàng đầu ở Trung Quốc vào thời điểm đó, tôi đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp nghệ thuật của mình. Với đủ loại vũ đạo khác nhau, tôi đều cảm thấy vô cùng quen thuộc”. Anh nói: “Có thể nói rằng, khi đó tôi đã đạt được công thành danh toại, có trong tay hết thảy những gì bản thân mong muốn”. 

Cho đến ngày 20 tháng 7 năm 1999…

“Những thứ đó, chỉ qua một đêm, tất cả đều biến mất”. Anh chia sẻ: “Các quan chức cấp cao của Bộ Văn hóa đã đến nói chuyện với tôi. Họ nói rằng tôi có thể lựa chọn, một là buông bỏ tín ngưỡng, hoặc là chịu mất đi tất cả. Tôi không do dự một chút nào”. 

Họ ngay lập tức khai trừ anh ra khỏi làng nghệ thuật, tịch thu công ty, tài sản và nhà cửa của anh.

Cổ Duyên nói: “Vợ chồng tôi biết rằng sự nghiệp làm nghệ thuật ở Trung Quốc như vậy là kết thúc. Chúng tôi biết rằng ở Trung Quốc đại lục, nghệ thuật luôn được sử dụng để phục vụ đảng Cộng sản”. 

Kể từ đó, trong nhiều năm, Cổ Duyên đã không thể theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật. Anh phải dựa vào các ngành nghề khác để kiếm sống, đồng thời trốn tránh cảnh sát truy bắt mình.

Năm 2007, nghe tin Đoàn Nghệ thuật Shen Yun được thành lập tại Hoa Kỳ, anh đã thấy được hy vọng dấn thân vào nghệ thuật một lần nữa, và tất nhiên sự nghiệp này càng lớn hơn và có ý nghĩa hơn nữa. Năm 2012, Cổ Duyên di cư đến Hoa Kỳ, cũng lại được tham gia vào đoàn nghệ thuật Thần Vận như anh mong muốn. 

Làm thế nào đưa những câu chuyện về sự từ bi và lòng khoan dung vĩ đại của các học viên Pháp Luân Công Trung Quốc lên diễn trên sân khấu của Shen Yun? Lúc Cổ Duyên biên đạo tiết mục này, những kinh nghiệm và cảm xúc chính bản thân trải qua thường nổi lên trong tâm trí và nó đã khơi nguồn cảm hứng cho anh. 

Biên đạo múa Cổ Duyên chia sẻ: “Ở Trung Quốc, chúng tôi đã đến chính phủ để thỉnh nguyện nhiều lần. Chúng tôi bị giam giữ trong các trung tâm tạm giam, nơi mà điều kiện thậm chí còn tồi tệ hơn các nhà tù bình thường ở Trung Quốc”. Anh nói thêm: “Những cảnh và câu chuyện diễn trên sân khấu, chúng tôi đều đã trải qua. Để bảo vệ cuốn sách Pháp Luân Đại Pháp, vợ tôi đã bị 7 cảnh sát đánh đập cho đến khi họ giật được cuốn sách trên tay cô ấy – giống hệt như cảnh mọi người xem trong một vở kịch múa”.

Anh chia sẻ: “Tôi nhớ rõ cảnh một bác sĩ nhà tù đe dọa chúng tôi bằng một ống tiêm khổng lồ. Anh ta nói, “Nếu ngươi tiếp tục luyện tập Pháp Luân Công, ta sẽ tiêm cho ngươi một mũi!”. Tôi đã lấy cảnh này đưa vào một tiết mục vũ đạo chuyện xưa”. 

Đến hiện tại, nhiều thành viên trong gia đình Cổ Duyên vẫn còn sống tại Trung Quốc, họ không ngừng phải chịu đựng sự đe dọa của đảng Cộng sản, cũng bởi tín ngưỡng chân chính của bản thân mà chịu đủ loại hãm hại. 

Nữ nghệ sĩ trẻ chơi đàn Tỳ bà

Lương Ngọc (Ảnh: Trang web chính thức của Đoàn nghệ thuật Shen Yun)

“Đó là lần đầu tiên mẹ tôi bị bắt vì đức tin của mình”. Nghệ sĩ chơi đàn Tỳ bà Lương Ngọc chia sẻ: “Sáng sớm một ngày tháng 8/1999, mẹ đánh thức tôi và hỏi tôi có muốn ra ngoài luyện công cùng bà như trước không”. 

Tôi nói: “Có ạ”. 

“Lúc nhỏ, tôi là một bé gái rất nghịch ngợm. Mỗi khi tập động tác ôm Pháp luân, tôi không ngừng di chuyển, nhích tới nhích lui. Nhưng mỗi khi mở mắt tôi liền nhìn thấy mẹ và các dì đứng luyện công xung quanh với nét mặt tường hòa thanh thản. Lúc đó tâm tôi bình tĩnh trở lại và nhắm mắt luyện công tiếp”. 

Nhưng chỉ vài phút sau, Lương Ngọc đột nhiên bị đánh động bởi tiếng ồn ào xung quanh. 

“Tôi mở mắt ra, cảnh sát cùng đội trật tự đang rú còi xe hướng về phía chúng tôi. Chỉ trong chớp mắt, điểm luyện công còn lại mỗi mình tôi. Mẹ và các dì đều bị công an cùng cảnh sát đẩy lên xe đưa đi mất…” 

Năm đó Lương Ngọc chưa đầy 4 tuổi. 

“Năm sau, mẹ được thả ra. Sau đó, mẹ vẫn kiên trì đi kêu oan, đến Bắc Kinh, đến văn phòng thỉnh nguyện, nơi có thể chứng minh sự trong sạch của Pháp Luân Công. Những lần ấy, có lúc mẹ đi vào ban ngày, cũng có lúc đi vào ban đêm, lúc mưa tuyết đầy trời, lúc nắng chói chang. Mỗi lần nhìn mẹ rời đi, tôi lại bắt đầu chờ đợi ngày mẹ trở về”. Lương Ngọc chia sẻ. 

Vào một đêm năm 2001, mẹ của cô bị bắt. Trong khoảng thời gian mẹ bị giam giữ, ở nhà chỉ có cha và Lương Ngọc. Vì tuổi còn nhỏ chưa biết cách chăm sóc cho mái tóc, cha cô liền nhận nhiệm vụ này. “Kết quả là mỗi ngày mái tóc của tôi trông giống như tổ chim”. Lương Ngọc nhớ lại, miệng lại hơi nở nụ cười. 

Nhưng mà, thời gian thấm thoát thoi đưa, Lương Ngọc học lên tiểu học, rồi lên cấp 2 và cấp 3, cuối cùng là học lên đại học. Mẹ của cô vì không chịu từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công mà trở thành đối tượng bị khinh rẻ ở nơi làm việc. Ở trường, Lương Ngọc vì không muốn gia nhập đảng Cộng sản mà bị sách nhiễu và thẩm vấn. 

“Từ khi còn nhỏ, những tin tức về việc các bác, các dì, cùng ông bà, anh chị bị bắt giam phi pháp vào trại lao động không ngừng truyền đến tai tôi”. 

“Mỗi ngày ở Trung Quốc, tôi đều cảm thấy vô cùng sợ hãi. Những ngày u ám đó đã ám ảnh chúng tôi. Tôi luôn tự hỏi liệu mình có phải là đối tượng tiếp theo bị bắt đi”. 

“Hàng năm, mỗi khi đến ngày 20/7, những chuyện cũ đã được cất giấu vào ký ức suốt 20 năm cứ tự nhiên nhảy ra để tôi nhìn thấy nó lần nữa. Cuộc bức hại tàn bạo xưa nay chưa từng có vẫn đang tiếp diễn ở Trung Quốc đại lục. Tôi không biết có bao nhiêu học viên Pháp Luân Công đang từng ngày từng giờ đối diện với sống chết, gia đình tan nát”. 

Những trải nghiệm đó cùng cảm thụ về những gì đã xảy ra khiến hiện tại Lương Ngọc tuổi còn trẻ đã lộ ra gương mặt thoát tục. Dưới ảnh hưởng của văn hóa đảng biến dị, Lương Ngọc vẫn kiên trì theo đuổi văn hóa truyền thống. Cô nói: “Nền giáo dục hiện đại và bầu không khí xã hội của Trung Quốc có tác động tiêu cực hơn là tích cực đến tư tưởng người dân. Hầu hết mọi người đều rời xa văn hóa truyền thống, âm thanh ồn ào và bốc đồng dần trở thành xu hướng chủ đạo. Những đứa trẻ lớn lên trong một xã hội như vậy khi đối diện với đau khổ và chính nghĩa đều ngoảnh mặt làm ngơ vô cùng nghiêm trọng”. 

May mắn chính là từ nhỏ Lương Ngọc đã có niềm tin vững chắc vào Pháp Luân Đại Pháp. Điều này giúp cô có cái nhìn thanh tỉnh trước một xã hội đầy cạm bẫy. Cô nói: “Người khác làm và nói đấy, tuy nhiên đó không nhất định là nhận thức đúng đắn. Thiện lương và truyền thống, đó mới là cái mà mọi người nên học theo”. 

Năm 2015, Lương Ngọc đã trở thành một nghệ sĩ đàn Tỳ bà cao cấp, cô ra khỏi Trung Quốc và tham gia vào dàn nhạc giao hưởng Shen Yun. Hơn nữa, cô còn tiếp tục hệ đào tạo chuyên sâu về âm nhạc tại đại học Phi Thiên. Hiện tại, lúc luyện tập cũng như diễn tấu, tư tưởng cô vẫn thường nghĩ về những trải nghiệm của bản thân khi còn ở Trung Quốc đại lục.

“Mỗi khi giai điệu diễn tấu Thần Phật bước ra, tôi không thể cảm thụ và hình dung hết được, chính nghĩa và tà ác, chờ đợi cùng đau khổ, mất mát và đạt được, lớn và nhỏ, sống hay chết… hòa lẫn vào nhau. Thời khắc đó tôi không thể diễn tả bằng lời, chỉ cảm thấy lựa chọn của bản thân đều đúng đắn và đáng giá”. Lương Ngọc nhớ lại: “Cuộc đàn áp tàn nhẫn đã kéo dài suốt 21 năm đáng lẽ đã phải kết thúc từ lâu. Giờ thì nó phải chấm dứt”.

Theo NTDTV
San San biên dịch

Đăng theo ĐKN