Kinh tế Việt Nam bắt đầu “ngấm đòn” từ kinh tế toàn cầu

Kinh tế Việt Nam bắt đầu “ngấm đòn” từ kinh tế toàn cầu

Kinh tế Việt Nam bắt đầu “ngấm đòn” từ kinh tế toàn cầu

Kinh tế Việt Nam bắt đầu “ngấm đòn” từ kinh tế toàn cầu

Kinh tế Việt Nam bắt đầu “ngấm đòn” từ kinh tế toàn cầu
Kinh tế Việt Nam bắt đầu “ngấm đòn” từ kinh tế toàn cầu
Thứ hai, 30-12-2024 00:10, (GMT+07:00)
Kinh tế Việt Nam bắt đầu “ngấm đòn” từ kinh tế toàn cầu
22-06-2022 12:34

Người tiêu dùng trong nước đã ngấm đòn sâu sắc từ lạm phát giá năng lượng toàn cầu, giá xăng liên tục thiết lập kỷ lục mới, giá dịch vụ ăn uống, đi lại tăng 30- 50% trong khi đồng lương không tăng và chỉ số lạm phát của nền kinh tế Việt vẫn được báo cáo ở mức thấp, được ca ngợi là "có thể kiểm soát". Giờ đây, không chỉ từ phía người tiêu dùng, các số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng bắt đầu bộc lộ những sắc mầu xám, đồng bộ và thậm chí 'xám hơn' sắc mầu của nền kinh tế toàn cầu u ám…

 

Kinh tế Việt bắt đầu 'ngấm đòn' từ suy thoái toàn cầu

Việt Nam hiện có hơn 2 triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Số người lao động rút bảo hiểm một lần tăng vọt (Ảnh: baohiemxahoi.gov.v)

 

Trong những ngày này, hầu như không có thông tin gì tốt với nền kinh tế toàn cầu đang chìm trong khủng hoảng năng lượng, lạm phát, đình trệ và nguy cơ thiếu lương thực… Đi sau tất cả những khủng hoảng tồi tệ này có thể là một đại khủng hoảng tài chính đang rình rập nhân loại.

 

Mỗi ngày trôi qua, thông tin hôm nay xấu hơn thông tin hôm qua. Trong bối cảnh như thế, nền kinh tế Việt, được xem là ổn định và tăng trưởng tốt nhất khu vực nói chung, châu Á nói riêng, nền kinh tế ‘duy nhất đón ánh mặt trời khi cả toàn cầu chìm vào bóng tối”, đã bắt đầu “ngấm đòn” trên mọi mặt trận. 

 

Các thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam đang suy trầm 

 

Các tổ chức tài chính toàn cầu liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng thế giới, dự báo sau thấp hơn dự báo trước đó. Gần đây nhất, Ngân hàng Thế giới trong tháng 6/2022 đã hạ dự báo tăng trưởng tới 1,2 điểm phần trăm, giảm từ mức dự báo 4,4% xuống còn 2,9%. Đây cũng là mức dự báo tăng trưởng của IHS Markit. Tương tự, Viện Tài chính Quốc tế (IIF), ngày 26/5, giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu xuống một nửa, còn 2,3% từ mức 4,6% trước đó.

 

Suy trầm (regression) đã xuất hiện tại các nền kinh tế lớn. Đáng tiếc, đây lại là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo định nghĩa của NBER (National Bureau of Economic Research), nền kinh tế được xem như suy trầm nếu đà tăng trưởng suy giảm liền trong hai quý. 

 

Suy thoái kinh tế và thậm chí là một cuộc khủng hoảng tài chính có thể sớm xảy ra ở Mỹ bởi lạm phát buộc Fed phải thay đổi chính sách tiền tệ mạnh tay hơn (Ảnh: NTDVN tổng hợp)
 

Tại Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thặng dư xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam năm 2021 là 90 tỷ USD, 4 tháng đầu năm 2022 là 30,6 tỷ USD (số liệu từ Cục thống kê dân số Hoa Kỳ). Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ hàng lớn nhất của thế giới và Việt Nam đã bước vào suy trầm từ quý trước. 

 

Tăng trưởng GDP theo quý (so cùng kỳ) đã giảm quý thứ 3 liên tiếp từ mức 12,2% quý 2/2021 xuống còn 3,5% quý 2/2022. Lạm phát kỷ lục đã khiến tiêu dùng của Mỹ suy yếu. Tăng trưởng bán lẻ của Mỹ suy giảm lần đầu tiên trong năm 2022 vào tháng 5, giảm 0,3% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều mức kỳ vọng của thị trường là tăng 0,2%.

 

Tại Trung Quốc, thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường tiêu thụ lớn nông sản Việt cũng hết sức u ám. Tăng trưởng GDP suy giảm rõ nét, chính quyền Trung Quốc liên tục giảm mục tiêu tăng trưởng năm 2022 từ 6% xuống còn 5,5% và hiện là 5% năm 2022. Khu vực sản xuất, tháng thứ 3 liên tiếp các nhà máy của Trung Quốc bị thu hẹp đơn hàng (chỉ số PMI tháng 3, 4, 5 lần lượt là 48, 46 và 49,1 điểm). Các rủi ro này đến từ chính sách “không covid", phong toả ở các thành phố công nghiệp, thương mại lớn. Doanh số bán lẻ của nền kinh tế này (so cùng kỳ) suy giảm mạnh 3 tháng liên tiếp, ở mức -3,5%, -11,1% và -6,7% trong tháng 3, 4 và 5/2022.

 

Khu vực kinh tế Châu Âu, thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam cũng đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang bởi cuộc chiến Nga- Ukraine ngày một khốc liệt. Sản xuất công nghiệp (so cùng kỳ) ở Khu vực đồng Euro giảm hai tháng liên tiếp; -0,5% (tháng 3) và - 2% (tháng 4). Mức giảm -2% là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 10 năm 2020, do những hạn chế trong chuỗi cung ứng trở nên tồi tệ hơn bởi chiến tranh Nga - Ukraine và tình trạng phong tỏa ở Trung Quốc.

 

Xuất khẩu Việt Nam bắt đầu suy giảm

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 5/2022 ước đạt 63,53 tỷ USD, giảm 3,4%, tương ứng giảm 2,25 tỷ USD so với tháng trước đó. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 30,92 tỷ USD, giảm 7,2% (tương ứng giảm gần 2,4 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu là 32,61 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% (tương ứng tăng 148 triệu USD). 

 

Trong tháng 5, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu gần 1,7 tỷ USD; lũy kế 5 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 434 triệu USD (cùng kỳ năm 2021 nhập siêu 1,24 tỷ USD). 

 

Một dấu hiệu đáng mừng là xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước 5 tháng qua tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 21,3% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 15,1%) cho thấy sự phục hồi trở lại của khu vực các doanh nghiệp trong nước. Một số nhóm hàng do các doanh nghiệp FDI sản xuất (Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Electronics) giảm sản lượng sản xuất và xuất khẩu do nhu cầu thị trường toàn cầu suy giảm, ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 5 của cả nước.

 

Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo vì lạm phát 

 

Giá hàng hóa cơ bản thế giới tăng cao do chiến tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng bởi “không covid” của Trung Quốc và chống biến đổi khí hậu … đã khiến lạm phát tại nhiều quốc gia tăng cao kỷ lục. 

 

Tại Mỹ, mức lạm phát tháng 5 của nước này đã ở mức cao kỷ lục 41 năm, ở mức 8,6% do giá xăng tăng cao. Lạm phát tại khu vực Châu Âu đã phá kỷ lục của tháng trước (7,4%), tăng lên 8,1% trong tháng 5. Lạm phát của Anh cũng cao nhất 40 năm, ở mức 9% vào tháng 4,…và dự báo sẽ còn tiếp tục ở mức cao trong các tháng tiếp theo. Do đó, lạm phát và giá hàng hóa thiết yếu sẽ tiếp tục là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách trong thời gian tới.

 

Chuyên gia: Fed sẽ có thể duy trì tăng lãi suất tới hết năm

Người tiêu dùng mua thịt tại một cửa hàng tạp hóa Safeway ở Annapolis, Maryland, vào ngày 16/05/2022. Người Mỹ đang chuẩn bị đối mặt với cú sốc giá cả vào mùa hè khi lạm phát tiếp tục gia tăng. (Ảnh: JIM WATSON / AFP qua Getty Images)
 

Lạm phát khiến các ngân hàng trung ương khắp toàn cầu đảo chiều chính sách tiền tệ, tăng lãi suất điều hành. Gần đây nhất, ngày 16/6/2022, Fed đã tăng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng cao hơn nhiều so với dự kiến trước đó của Fed là 50 điểm cơ bản. Theo dữ liệu lịch sử, đây mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng dự kiến tăng lãi suất điều hành trước áp lực ngày một lớn của lạm phát. Đảo chiều chính sách tiền tệ đã trở thành xu hướng chính, là động thái chính sách chính của hầu hết NHTW các nước.

 

Tại Trung Quốc, dòng vốn rời khỏi Bắc Kinh trong quý 1/2022 khá đáng báo động (theo Viện tài chính quốc tế IIF). Trong tháng 3/2022, 17,5 tỷ USD rời khỏi nền kinh tế này. Tình trạng này có thể gia tăng do chính sách phong tỏa chống Covid, trừng phạt kinh tế, suy giảm tăng trưởng, rủi ro nợ xấu, thị trường bất động sản lao dốc, tiêu dùng ảm đạm của nền kinh tế này.

 

Xu hướng này khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, rủi ro tài chính toàn cầu ngày một gia tăng. 

 

Thị trường cổ phiếu toàn cầu suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm. Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones của Mỹ mất 16,44% so với đầu năm, chỉ số S&P 500 thậm chí tổn thất nhiều hơn, giảm 21% so với đầu năm. Tại EU, chỉ số DE40 (của Đức) giảm 17,1% so với cùng kỳ, FR40 của Pháp mất 11,7. Tại Châu Á, chỉ số chứng khoán Nhật JP225 đã mất 10,88% giá trị so với đầu năm. Giá cổ phiếu của 300 doanh nghiệp lớn nhất của Bắc Kinh mất 16,11%.

 

Các thị trường tài sản tài chính rủi ro cao, có bản chất đầu cơ, như phái sinh, hoạt động M&A vào các công ty séc khốngtiền ảo đã nhận một dòng vốn đầu tư khổng lồ trong những năm gần đây nhờ lãi suất thấp và khả năng hấp thụ vốn của khu vực kinh tế thực thấp. Các thị trường tài sản này có nguy cơ đổ vỡ khi NHTW thay đổi chính sách lãi suất, giá hàng hoá cơ sở biến động mạnh tiêu cực do xung đột địa chính trị toàn cầu...Điều này có thể tạo ra tác động tiêu cực tới ổn định và lành mạnh của thị trường tài chính nói chung, các định chế tài chính nói riêng.

 

Thị trường cổ phiếu Việt Nam lao dốc nhanh hơn cả thế giới

 

Tính tới ngày 15/6/2022, chỉ số VN Index giảm khoảng 21% so với mức đỉnh thiết lập trong tháng 4/2022. Tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán từ đầu năm 2022 giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phát hành trái phiếu chính phủ giảm tới 55% so cùng kỳ do lãi suất phát hành chưa cao như kỳ vọng của thị trường; tổng trái phiếu chính phủ phát hành khoảng 63 nghìn tỷ đồng. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 192,5 nghìn tỷ đồng, cũng giảm tới giảm 44% so cùng kỳ

 

Nguyên nhân do chịu ảnh hưởng của thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh  khi các NHTW lớn tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ do áp lực lạm phát tăng mạnh, dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2022 giảm so với năm 2021. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VnDirect, tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2022 của doanh nghiệp niêm yết đạt 33,2%,  thấp hơn quý 1/2021 (92,2%). Công ty quản lý quỹ Dragon Capital dự báo lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2022 tăng 25,1%, thấp hơn năm 2021 (42%).

 

Giá xăng thế giới chưa đạt kỷ lục -  Giá xăng Việt Nam đã lập kỷ lục

 

Giá dầu thế giới leo thang chóng mặt từ năm 2021 tới nay, bởi rất nhiều lý do: 

 

(i) Chiến tranh Nga - Ukraine leo thang khi cả hai chưa muốn đàm phán, nguy cơ bùng phát thế chiến III đã được cảnh báo. Các đòn trừng phạt kinh tế, chủ yếu là nhắm vào cấm mua dầu từ Nga khiến giá dầu tăng cao; 

 

(ii) Thỏa thuận hạt nhân Iran do Mỹ đứng đầu chưa đạt kết quả, các xung đột địa chính trị trong khu vực gia tăng; 

 

(iii) Trung Quốc liên tiếp leo thang căng thẳng ở eo biển Đài Loan và trên Biển đông, nước này tăng cường mua dầu thô kỷ chiết khấu cao từ Nga để tăng cường dự trữ; 

 

(iv) Mỹ đánh mất vị thế an ninh năng lượng quốc gia vì đàn áp ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch trong nước để chống biến đổi khí hậu, trong khi bên ngoài thì áp dụng chính sách ngoại giao phỉ báng Arab Saudi, gây hấn với Nga, loay hoay với Iraq. Tất cả những chính sách như vậy khiến cho Mỹ không thể thương lượng với OPEC+ trong việc tăng sản lượng. Nền kinh tế lớn nhất thế giới buộc phải dùng dầu dự trữ chiến lược quốc gia để giảm nhiệt khủng hoảng năng lượng. Nhưng kết quả không đáng kể. Dự trữ dầu chiến lược của Mỹ, chỉ gần hai năm dưới thời Tổng thống Joe Biden đã giảm xuống mức thấp nhất trong 35 năm qua. 

 

Dù với tất cả lý trên, giá dầu thế giới hiện chưa cao hơn giai đoạn khủng hoảng 2008, giai đoạn xung đột “Mùa xuân Arab” năm 2011, chiến tranh chiếm Crimea năm 2014 của Nga và Ukraine. Tóm lại, giá dầu thô quốc tế chưa hề lặp lại kỷ lục cũ, dù đã cao đến mức khiến mọi nền kinh tế trở nên mệt mỏi. 

 

Trong bối cảnh đó, giá xăng dầu Việt Nam đã lập kỷ lục cao chưa từng có! 

 

Trong năm 2022, giá xăng dầu đã tăng lần thứ 7 liên tiếp, đắt chưa từng có kể từ 15h ngày 21/6/2022. 

 

    • Xăng E5RON92: 31.302 đồng/lít
    • Xăng RON 95: 32.873 đồng/lít.
    • Dầu diesel: 30.019 đồng/lít.
    • Dầu hỏa: 28.785 đồng/lít
    • Dầu mazut: 20.735 đồng/kg.

 

Giá xăng dầu lập tức ngấm vào lạm phát giá giao thông, giá hàng hóa dịch vụ khắp cả nước. Dù tất cả các loại giá cả này chưa phản ánh rõ nét trong chỉ số giá CPI mà Tổng cục thống kê mà Bộ kế hoạch tính toán hàng tháng. Nhưng người tiêu dùng Việt, những người phải đổ xăng hàng ngày, mua thức ăn hàng ngày, chi trả tiền dịch vụ ăn uống, chi phí đi lại đã thấy một khoản chi phí tăng từ 30 -100% ở nhiều mặt hàng thiết yếu. 

 

Trường Phi

Theo NTDVN

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP