Ngày 13/9, đơn vị cung cấp phần mềm Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cho biết, còn khoảng 2 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật dữ liệu lên cổng.
Liên quan đến việc hàng trăm nghìn người dân phản ánh mất chứng nhận tiêm chủng hoặc sai lệch thông tin chứng nhận (tiêm 2 mũi nhưng chỉ có chứng nhận 1 mũi), đơn vị cung cấp phần mềm Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cho biết đã thu thập được khoảng 800.000 người gửi phản ánh trong 4 ngày qua.
Theo đó, rắc rối lớn nhất liên quan đến việc chưa được cập nhật thông tin, chủ yếu xảy ra tại Hà Nội và TP.HCM, như mất dữ liệu tiêm chủng, không tìm thấy dữ liệu đã tiêm hoặc không tìm thấy địa điểm tiêm chủng để gửi phản hồi.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện đơn vị cung cấp phần mềm Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cho biết, nguyên nhân do trước đó hệ thống được đồng bộ (update) nên bị tín hiệu trả về không đúng. Ngoài ra, một số người sử dụng một số điện thoại đăng ký cho nhiều người khác nhau (đăng ký cho bố mẹ, người thân hoặc đăng ký cho đoàn tiêm), dẫn tới khi cập nhật hệ thống chỉ nhận diện một số điện thoại cho một người.
Ngoài ra, nhiều người dân khi phản ánh thông tin tiêm chủng thì không tìm thấy địa điểm tiêm chủng, lý do nhiều điểm tiêm lưu động qua nhiều khu vực, nên việc đưa điểm tiêm lên có thể xảy ra lệch với điểm tiêm trên thực tế.
Để khắc phục tình trạng này, đơn vị cung cấp phần mềm đã tạo một tài khoản cho HCDC (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM) để trực tiếp cập nhật, giải quyết thông tin sai của người dân. Nếu việc triển khai hiệu quả, sẽ chuyển tài khoản cho 63 tỉnh, thành trong cả nước để cập nhật, sửa thông tin sai cho người dân.
Đáng chú ý, theo thông tin từ đơn vị cung cấp phần mềm, đến sáng nay, đã có trên 29,4 triệu mũi tiêm đã được thực hiện, nhưng dữ liệu cá nhân trên cổng này mới ghi nhận hơn 27 triệu, tức là còn khoảng 2 triệu mũi tiêm chưa nhập liệu hoặc nhầm lẫn dữ liệu.
Lý do, trước đó nhiều địa phương hoặc các bệnh viện TƯ khi tiêm chỉ lưu giữ hệ thống giấy tờ mà chưa cập nhật ngay lên hệ thống. Theo yêu cầu của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), tới 20/9, các dữ liệu này sẽ phải cập nhật lên hệ thống.
Theo VnExpress, trước đó, nhiều người ở TP.HCM gặp tình trạng tiêm đủ hai mũi vaccine nhưng cả ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử và Cổng thông tin Tiêm chủng Covid-19 đều chưa ghi nhận “chưa tiêm vắc-xin”, hoặc “đã tiêm một mũi vắc-xin”, hoặc sai sót các thông tin cá nhân.
Trường hợp khác, trong khi nhiều người đã tiêm xong chưa được cập nhật hệ thống điện tử, thì anh Hùng mới tiêm một mũi nhưng hệ thống ghi nhận “đã tiêm hai mũi vắc-xin”. Ngày 6/7, anh tiêm mũi một tại điểm tiêm ở sân bay Tân Sơn Nhất. Đến lịch tiêm mũi hai vào ngày 19/8, anh đang ở Lâm Đồng nên không đến TP.HCM tiêm được, song vẫn bị ghi nhận là đã tiêm mũi hai.
“Tôi đang nhờ chỉnh sửa dữ liệu để có thể được tiêm mũi hai”, anh Hùng nói.
Tại Hà Nội, tình trạng chậm cập nhật dữ liệu lên ứng dụng cũng được nhiều người ghi nhận. Anh Huy Hoàng, 40 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội, thuộc nhóm ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Hồi giữa tháng 5, anh tiêm mũi một tại điểm tiêm chủng ở Bệnh viện Bạch Mai. Đến cuối tháng 7, anh tiêm mũi hai vaccine COVID-19 và được cấp một tở giấy chứng nhận tiêm chủng.
Tuy nhiên, khi anh kiểm tra trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử cũng không thấy dữ liệu đã tiêm. Anh Hoàng cho biết đã nghiên cứu cách sử dụng ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử nhưng không thể tìm ra cách tự nhập thông tin tiêm chủng của mình.
Trong khi đó, Vũ Minh, 26 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội, mới hoàn thành hai mũi tiêm cách đây 3 ngày tại Bệnh viện Bạch Mai. Anh chưa nhận được cấp chứng nhận tiêm chủng vắc-xin mũi hai, chỉ có giấy của mũi một song cũng đã bị bệnh viện thu lại. Một nhân viên y tế cho biết giấy chứng nhận sẽ được gửi về cơ quan nên anh cần đợi thêm.
Theo ĐKN