Israel - Đến Trung Quốc ghép tạng là 1 tội hình sự
Năm 2005, cuộc trò chuyện giữa một bác sĩ phẫu thuật tim và bệnh nhân của ông đã trở thành tiền đề cho một thay đổi lịch sử trong luật của Israel, cấm công dân của nước này tới Trung Quốc du lịch ghép tạng, từ đó ngăn chặn họ không trở thành thủ phạm đồng lõa với tội ác thu hoạch nội tạng diễn ra tại Trung Quốc. Và người đã làm nên thay đổi lịch sử đó là ông Jacob Lavee, giáo sư, bác sĩ phẫu thuật tim, cựu chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép Israel, trưởng khoa cấy ghép tim tại Trung tâm Y tế Sheba – bệnh viện lớn nhất Israel.
Giáo sư, bác sĩ phẫu thuật tim Jacob Lavee.
Năm 2005, chán nản trong việc chờ đợi một quả tim phù hợp cho cấy ghép, một bệnh nhân của bác sĩ Jacob Lavee đã nói với ông rằng công ty bảo hiểm khuyên anh ta nên tới Trung Quốc để cấy ghép tim. Theo đó, công ty bảo hiểm đã đặt lịch hẹn cho việc cấy ghép tim của anh ta sau 2 tuần nữa.
“Tôi nhìn anh ta và hỏi: Anh có nghe nhầm không đấy? Làm sao người ta có thể đặt lịch hẹn trước 2 tuần cho một ca cấy ghép tim?”, bác sĩ Jacob Lavee hỏi lại.
Là một bác sĩ phẫu thuật tim, ông Jacob Lavee hiểu rất rõ rằng người ta có thể đặt lịch hẹn trước 2 tuần cho các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể như gan hay thận, nhưng cơ quan nội tạng duy nhất không thể hẹn trước là tim.
“Nếu một bệnh nhân được hứa hẹn là sẽ được ghép tim vào một ngày cố định nào đó, điều đó chỉ có thể nói lên rằng những người hứa hẹn với bệnh nhân biết trước khi nào thì người hiến tặng tim sẽ chết”, bác sĩ Jacob Lavee giải thích.
Không may thay, dù rất uy tín trong lĩnh vực phẫu thuật tim, ông Jacob Lavee đã không thể ngăn cản được bệnh nhân của mình. Anh ta tới Trung Quốc và được cấy ghép tim đúng theo lịch hẹn.
Từ trái qua phải, ông David Kilgour, ông Jacob Lavee, và ông David Matas trong một sự kiện nâng cao nhận thức về tội ác thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc.
“Sự việc đó khiến tôi phải nghiên cứu, và tôi đã tìm thấy câu chuyện ghê tởm về việc thu hoạch nội tạng”, bác sĩ Jacob Lavee chia sẻ. Theo đó, ông đã đọc được các báo cáo điều tra độc lập của cựu quốc vụ khanh Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas. Báo cáo được công bố vào năm 2005, lần đầu tiên đưa ra cáo buộc về việc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đang giết những tù nhân lương tâm để lấy nội tạng phục vụ cho cấy ghép.
“Đây là hành vi có tổ chức, do nhà nước thực hiện, do đảng chỉ đạo. Nó không phải là việc một vài kẻ phạm tội nào đó muốn kiếm tiền nhanh chóng”, ông David Matas chia sẻ, “Rõ ràng họ đang có trong tay một nhóm người chờ bị giết để phục vụ cho cấy ghép. Họ chỉ việc chọn đúng người để giết, tùy thuộc vào [nội tạng phù hợp cho] bệnh nhân.”
Trong báo cáo điều tra độc lập của mình, ông Matas và ông Kilgour đã phỏng vấn rất nhiều người tập Pháp Luân Công đã trốn thoát khỏi các nhà tù tại Trung Quốc. Lúc bấy giờ, bản thân họ còn chưa biết được mình đã may mắn thế nào khi không trở thành nạn nhân của tội ác thu hoạch tạng. Phần lớn các nhân chứng chỉ tập trung kể về câu chuyện của mình, tại sao mình đến với Pháp Luân Công, và kể về sự khổ sở trong trại giam sau khi cuộc đàn áp diễn ra. Tuy nhiên, ông Matas và Kilgour đã tập trung khai thác một chi tiết được lặp lại trong tất cả các trường hợp: những người này đã bị thử máu và kiểm tra chất lượng nội tạng theo trình tự giống như để phục vụ cho việc hiến nội tạng.
Kể từ khi công bố báo cáo năm 2005, ông Matas và ông Kilgour đã nhiều lần cập nhật các báo cáo điều tra, sử dụng nhiều phương pháp điều tra khác nhau trên nguyên tắc bất cứ ai cũng có thể kiểm chứng các dữ kiện thu được trong báo cáo. Báo cáo mới nhất (2016-2017) do hai ông hợp tác cùng nhà báo được đề cử Nobel Hòa Bình Ethan Gutmann viết, dựa trên số liệu công khai của 712 bệnh viện ở Trung Quốc đã tiến hành các ca phẫu thuật ghép tạng, đưa ra kết luận có khoảng 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép nội tạng mỗi năm ở các bệnh viện Trung Quốc. Con số này chênh lệch gấp 6 đến 10 lần con số do chính quyền Trung Quốc công bố, hé lộ số lượng người bị giết hại khổng lồ hàng năm. Nạn nhân là các tù nhân lương tâm, chủ yếu bao gồm nhóm Pháp Luân Công và nhóm Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, ngoài ra còn có những người theo Phật giáo Tây Tạng và Cơ đốc giáo không đăng ký tại nhà thờ nhà nước.
Sau khi biết được sự thật về ca ghép tim được lên lịch, hiểu rõ nguồn gốc nội tạng phục vụ cho cấy ghép tại Trung Quốc, bác sĩ Jacob Lavee quyết định thúc đẩy việc lập pháp tại Israel. Là bác sĩ phẫu thuật tim uy tín, cựu chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép Israel, ông đã vận động thành công Đạo luật về cấy ghép tạng tại Israel vào năm 2008, hình sự hóa việc mua, bán, môi giới nội tạng phục vụ cho cấy ghép trái phép bên trong và ngoài Israel. Đây là thay đổi lịch sử vì nó đã khiến Israel – một quốc gia của người Do Thái – trở thành quốc gia đầu tiên có hành động sớm nhất trước một tội ác nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại.
Giải thích cho những nỗ lực của mình, ông Jacob Lavee nói: “Cha của tôi là một người tị nạn thoát khỏi một trại tập trung của Đức Quốc Xã, và tôi đã tự nói với bản thân rằng chúng ta không thể để lịch sử lặp lại. Trong Thế chiến 2, trong cuộc diệt chủng Do Thái, cả thế giới biết về việc người Do Thái bị diệt chủng và không làm gì. Lần này chúng ta biết về việc diệt chủng tại Trung Quốc, về một tội ác chống lại loài người, và tôi cần phải làm điều gì đó.”
Hạ viện Mỹ
Sau nỗ lực của ông Jacob Lavee tại Israel, các nước khác bao gồm Tây Ban Nha, Ý, Đài Loan, Mỹ, v.v.. cũng đã lên tiếng hoặc thực hiện các động thái lập pháp.
11 năm sau, ngày 17/6/2019, Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đã công bố một Tuyên án dài 60 trang, kết luận về tội ác Chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc trong việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng nở rộ tại quốc gia này. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong những cố gắng đưa tội ác thu hoạch nội tạng của chính quyền Trung Quốc ra ánh sáng.
Các dấu mốc đáng chú ý:
2008: Israel thông qua luật ghép tạng, chặn đứng việc người Israel tới Trung Quốc du lịch ghép tạng.
2010: Tây Ban Nha chỉnh sửa Quy tắc xác định tội phạm để ứng biến với việc du lịch ghép tạng và buôn bán nội tạng.
9-2012: Điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ – “ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm và tử tù”.
11-2012: Làm chứng trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ – “ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm và tử tù”.
12-2012: Điều trần trước Ủy ban Chuyên trách về Trung Quốc CECC – “Pháp Luân Công tại Trung Quốc: Xem xét lại và cập nhật”.
1-2013: Điều trần trước Nghị viện châu Âu – “Trung Quốc đàn áp tôn giáo: Một câu chuyện đáng sợ”
2-2013: Điều trần trước Ủy ban Nhân quyền Quốc tế Canada.
12-2013: Nghị quyết của Nghị viện châu Âu về nạn thu hoạch tạng tại Trung Quốc, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm và các nhóm dân tộc thiểu số.
2-2014: Hạ viện bang Illinois, Mỹ, thông qua nghị quyết HR0730 lên án nạn thu hoạch tạng tại Trung Quốc, kêu gọi chính quyền Mỹ điều tra và chấm dứt nạn thu hoạch tạng từ người tập Pháp Luân Công.
3-2014: Ủy ban Nhân quyền Thượng viện Ý thông qua nghị quyết tuyên bố ĐCSTQ đã thu hoạch hàng chục ngàn nội tạng từ tù nhân lương tâm, và yêu cầu chỉnh phủ có biện pháp ứng biến.
10-2014: Đại hội đồng Pennsylvania, Mỹ, thông qua nghị quyết của Hạ viện số 1052, lên án việc thu hoạch tạng tại Trung Quốc.
2015: Đài Loan sửa đổi và công bố Đạo luật Cấy ghép tạng
6-2016: Điều trần trước Ủy ban Ngoại giao Mỹ – “Thu hoạch nội tạng: Nghiên cứu về một hành vi tàn bạo”
6-2016: Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết 343 yêu cầu chính quyền ĐCSTQ ngay lập tức chấm dứt việc mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm.
7-2016: Nghị viện châu Âu tuyên bố chính quyền Trung Quốc cần chấm dứt việc thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm.
Nghị viện châu Âu
12-2016: Nghị viện Ý thông qua luật trừng phạt bất cứ ai bán nội tạng từ người sống trái phép, với hình phạt và án tù nghiêm khắc.
2016: Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh kết luận về tội ác thu hoạch nội tạng, khuyến nghị Quốc hội và Nữ hoàng Anh khẩn cấp xem xét các biện pháp nhằm buộc chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm và chấm dứt hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
2017: Na Uy sửa đổi luật Ghép tạng, áp dụng hiệp định chống buôn bán nội tạng người.
2017: Trung tâm nhân quyền Raoul Wallenberg, Canada, lên tiếng về nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc
2017: Hiệp hội Luật sư Nhân quyền Úc thông cáo về nạn Thu hoạch nội tạng và Du lịch ghép tạng
3-2018: Công ước chống Buôn bán Nội tạng Người do Ủy hội châu Âu thông qua vào 3-2015 chính thức có hiệu lực. Công ước này yêu cầu các nhà nước trên thế giới phải hình sự hóa hành vi thu hoạch nội tạng và môi giới nội tạng.
2018: Tổ chức Luật Nhân Quyền, Mỹ, tuyên bố về tội ác mổ cướp tạng của chính quyền Trung Quốc
2018: Tổ chức nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, Mỹ, lên án nạn thu hoạch tạng tại Trung Quốc
2018: Hiệp hội nhân quyền quốc tế ISHR, cơ quan quan sát của Hội đồng Châu Âu và là ủy viên Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc, chính thức lên án nạn mổ cướp nội tạng do ĐCSTQ hậu thuẫn đối với các tù nhân lương tâm.
4-2019: Hạ viện Bỉ thông qua dự luật cấm du lịch ghép tạng
5-2019: Séc vận động thông qua dự luật sửa đổi về cấy ghép tạng