Thời nhà Minh, các Hoàng đế nói chung đều sùng Đạo, kính Thánh. Để tỏ lòng hướng đạo, Hoàng đế Minh Thành Tổ thậm chí đã thiết kế lại Tử Cấm Thành mang nhiều yếu tố Đạo giáo bên trong. Trong cung điện ở Tử Cấm Thành có nhiều báu vật trấn quốc bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Thần linh của các Hoàng đế.
Bắt đầu từ đời Minh Thành Tổ, sự sùng đạo của các Hoàng đế triều Minh lên đến đỉnh điểm vào thời Gia Tĩnh đế (Minh Thế Tông) và Vạn Lịch đế (Minh Thần Tông). Đương thời, Minh Thành Tổ Chu Lệ cũng dành cả đời tìm kiếm Trương Tam Phong, một chân nhân đắc Đạo nổi tiếng. Đối với Trương Tam Phong, Chu Lệ một lòng trọng đãi, không tiếc công chu du danh sơn trong thiên hạ nghe ngóng tung tích Trương Tam Phong. Nhưng Trương Tam Phong vẫn không lộ diện, nhiều năm chẳng có hồi âm.
Ngoài ra, Minh Thành Tổ vì muốn cảm tạ Chân Vũ Đế quân đã bảo vệ mình bình an trong chiến dịch Tĩnh Nan, ông đã cho sửa chữa lại hành cung trên núi Võ Đang nơi Chân Vũ đế quân thăng thiên, trên đó còn có một tấm biển ghi “Báo đáp thần huệ”, biểu đạt lòng thành ý của mình, “vì sinh linh trong thiên hạ mà cầu phúc”.
Lòng sùng đạo của Minh Thành Tổ cũng được thể hiện trong cách cải tạo kinh thành cổ của ông. Ngoài việc cải tạo hành cung của kinh thành cũ, ông còn cho xây dựng trong Tử Cấm Thành một điện thờ Ngọc Hoàng, quanh năm tế tự. Đặc biệt là trên nóc của khối kiến trúc khổng lồ Tử Cấm Thành đều có các rương báu đựng ngũ cốc, dây ngũ sắc, ngọc ngũ sắc, vàng nguyên bảo 5 lượng và những đồ vật mang vận may khác. Hơn nữa ở trên tường thành Thiên An Môn cũng có những vật dụng để làm bùa trấn yểm, những báu vật này đều có liên quan đến Đạo giáo.
Kho báu kinh tượng trấn lâu
Thiên An Môn là cổng chính của hoàng thành nhà Thanh và nhà Minh, được xây dựng vào năm Minh Thành Tổ thứ 15 (năm 1417), tên ban đầu của nó là “Thừa thiên môn”, có nghĩa là “Thừa thiên khải vận, nhận lệnh từ trời”. Vào năm thứ 8 của nhà Thanh (1651), nó được đổi tên thành “Thiên An Môn”, một mặt nó có ý nghĩa rằng Hoàng đế đang thay trời để thực hiện mọi quyền uy, vì thế nên vạn thế được tôn trọng. Một mặt khác, nó lại ý nghĩa là ngoài an trong hòa, ổn định và hòa bình lâu dài.
Theo kiến trúc ban đầu, Thừa thiên môn chỉ là một cổng vòm ba tầng, năm gian với các cấu trúc bằng gỗ. Năm 1457, cổng vòm đã bị sấm sét phá hủy, năm 1465, nó được xây dựng lại có 9 gian rộng và 5 gian sâu, được bao phủ bằng gạch tráng men màu vàng, có 5 cổng tò vò. Tòa tháp 2 tầng theo phong cách yết sơn cao 33,7 mét thể hiện đầy đủ sự uy nghi “cửu ngũ chí tôn” của Hoàng đế.
Vào cuối tháng 12 năm 1969, cổng Thiên An Môn bị biến dạng nặng nề và được xây dựng lại. Theo thông tin được tiết lộ trong những năm gần đây, người chịu trách nhiệm phục hồi lại Thiên An Môn thời điểm đó là Diêu Lai Tuyền. Ông mang theo 2 người công nhân khác trèo lên đỉnh cao nhất của mái nhà Thiên An Môn, cố gắng tìm ra sườn trung tâm của mái nhà. Ông yêu cầu hai người công nhân chia ra 2 hướng đông, tây, còn ông ở giữa, cả 3 người chia nhau đếm số ngói trên xương sống của mái nhà. Hai người hai bên đếm được 43 mảnh ngói, còn ông đếm được 5 mảnh ở giữa, có nghĩa là tổng cộng có 91 viên ngói. Diêu Lai Tuyền đánh dấu lại viên ngói trung tâm nhất trên sườn.
Ngay sau đó, các công nhân xây dựng đã phá vỡ ngói tráng men màu vàng ở giữa, và phát hiện một rương kho báu bằng gỗ lim rộng khoảng 30cm. Mặc dù rương kho báu này đã khá cũ kỹ, nhưng trên bề mặt có thể nhìn thấy rõ ràng hình rồng được chạm khắc tinh tế. Người ta mở rương ra thì phát hiện bên trong có một thỏi vàng nguyên bảo chính hiệu, một viên đá ruby to bằng khoảng 1 ngón tay, các loại hạt chu sa và các loại ngũ cốc nhiều màu sắc: đậu nành, cao lương đỏ, đậu đen, kê và ngô. Theo các chuyên gia đây là “Kho báu kinh tượng trấn lâu” của Thiên An Môn.
Theo các chuyên gia, những kho báu trấn lâu này là những vật dụng xua đuổi tà ma trong Đạo giáo. Trong Đạo giáo vì chu sa có màu đỏ tươi nên mang lại dương khí mạnh mẽ, có thể sử dụng ở rất nhiều nơi, mang lại cho ngôi nhà sự sạch sẽ, phong thủy tốt, giúp trừ tà.
Người xưa cũng rất thích ngọc thạch. Trong “Bản thảo cương mục” có chép, ngọc thạch có tác dụng loại bỏ nóng bức, làm giảm sự bức bối, khó chịu, giữ ẩm cho tim phổi, hỗ trợ cơ họng, nuôi dưỡng tóc, nuôi dưỡng ngũ tạng, làm yên hồn phách, khai thông mạch máu, sáng mắt và nhiều công dụng khác. Khổng Tử cũng nói: “Vẻ đẹp của ngọc giống như đạo đức của người quân tử”.
Hơn nữa ngọc đã được dùng làm vật trang trí trong nhà từ hàng trăm năm. Ngọc thạch được coi là dấu hiệu của sự tốt lành, mang đến nhiều điều may mắn, có thể tránh họa gần phúc, tránh tà trừ ma. Trong thời Tam Quốc, người Ngụy dùng dùng ngọc để xua đuổi ma quỷ, đặc biệt được ưa chuộng là những loại ngọc như: cương mão, nghiêm mão, ngọc bích, ngọc mã, ngọc hổ và những loại ngọc khác. Viên ngọc ruby trên nóc Thiên An Môn là một loại ngọc thuộc ngọc cương mão.
Đối với hạt ngũ cốc, trong “Hoàng đế nội kinh” có viết, ngũ cốc bao gồm gạo, đậu đỏ, lúa mạch, đậu nành, kê vàng. Trong “Mạnh Tử Đằng Văn Công”, các loại ngũ cốc bao gồm, lúa, kê, đậu, sau này còn có thêm đậu tương, cao lương, đậu đen, kê và hạt ngô, giống hệt với những thứ có trong mái nhà Thiên An Môn.
Người Trung Quốc cổ đại có phong tục hiến tế ngũ cốc tượng trưng cho xã tắc, gốc rễ của quốc gia. Các Hoàng đế thời cổ đại cúng tế Thần cai quản ngũ cốc, để đảm bảo rằng trong năm tiếp theo, đất nước toàn nam bắc, khắp mọi nơi đều có mùa màng bội thu. Bởi chỉ khi có đủ lương thực mới có thể đảm bảo cho bách tính một cuộc sống ấm no.
Ngũ cốc không chỉ có màu sắc khác nhau mà còn tượng trưng cho những đặc tính của Ngũ hành. Cụ thể mà nói, cao lương có màu đỏ, vì thế đặt ở phương nam, tượng trưng cho Hỏa; đậu tương có màu vàng, đặt ở giữa, tượng trưng cho Thổ; đậu đen có màu đen, tượng trưng cho phương Bắc là thủy; gạo có màu trắng, đặt ở hướng tây, tượng trưng cho Kim; lúa mì hoặc đậu xanh khi chưa chín có màu xanh, đặt ở phía đông, tương trưng cho Mộc. Ngũ cốc đặt ở 4 phương 8 hướng, có đầy đủ 5 màu sắc, ngũ hành.
Nghi thức hợp long
Người ta nói rằng trong quá trình xây dựng Tử Cấm Thành, trước khi việc xây dựng mái nhà được hoàn thành, nhân công đều xây dựng một cái lỗ ở giữa sườn mái, nó được gọi là “miệng rồng”, sau đó họ sẽ tổ chức một buổi lễ tương đối long trọng, và những nhân công chưa lập gia đình sẽ đặt những hộp có đồ trấn vào trong miệng rồng, rồi dùng một viên gạch đóng lại. Chiếc hộp này được gọi là rương kho báu và nghi lễ đặt hộp vào miệng rồng, đó gọi là nghi lễ hợp long.
Rồng là thần vật bảo vệ thiên tử, mà Tử Cấm Thành là nơi Hoàng đế sinh sống và làm việc, người xưa còn dùng hình dáng của con rồng để làm hình dáng cho sườn của mái nhà.
Rương báu có ở khắp nơi
Theo nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Tử Cấm Thành đương đại, người ta đã phát hiện ra rằng có rất nhiều rương báu trên nóc các tòa điện sau đây trong Tử Cấm Thành: Thái Hòa điện, Bảo Hòa điện, Vũ Anh điện, đông phối điện của Trữ Tú cung, Lệ Cảnh hiên, đông phối điện của Dữ Khôn cung, Phụng Tiên điện, hậu điện Phụng Tiên điện, Tây Hóa môn, tiền điện của Vĩnh Phú cung, hậu điện Vĩnh Phú cung, Thiên Hòa môn, Dung hợp môn, Từ Ninh cung, Vĩnh Thọ cung…
Đương nhiên rương báu cũng có các cấp khác nhau, kích thước và chất liệu không giống nhau. Chất liệu có 3 loại chính là đồng, thiếc và gỗ. Ví dụ như Thái Hòa điện là tòa điện cao cấp nhất trong kiến trúc hoàng gia, rương báu của tòa điện này cũng là rương báu được mạ vàng, bề mặt của chiếc rương được chạm khắc hình rồng. Vật trấn bên trong rương báu bao gồm: Ngũ kim, ngũ cốc, dây ngũ sắc, các vị thuốc và những đồ vật khác. Ngũ kim chủ yếu là vàng, bạc, đồng, sắt, thiếc, ngũ cốc bao gồm: gạo, lúa mì, kê, ngô, một vài hạt đậu. Các sợi dây ngũ sắc bao gồm: đỏ, vàng, xanh, trắng, đen. Các vị thuốc bao gồm: hùng hoàng, hoàng liên bắc, nhân sâm, nhung hươu nai, xuyên khung, bán hạ bắc, tri mẫu, hoàng bá và những loại thuốc khác. Những màu sắc này, giống với màu sắc của đàn tế thời cổ trong dân gian.
Một số đồ trấn tà bao gồm: Châu báu, đồ trang sức, đá sắc màu, kinh phật, hồ sơ xây dựng….
Một điều không còn nghi ngờ gì nữa, là trên mái nhà của những tòa kiến trúc ở Tử Cấm Thành và Thiên An Môn đều cất những hòm rương báu có chứa các vật thể trấn tà. Điều này không chỉ phản ánh sự hòa nhập giữa con người và thiên nhiên trong thời cổ đại, con người thuận theo đạo trời, thể hiện mong muốn được thần linh và ông trời che chở, phù hộ và ban phước lành, ngoài ra còn phản ánh bầu không khí “hướng đạo” của toàn xã hội thời Hoàng đế Minh Thành Tông. Cho đến nay, khi cải tạo và sửa chữa một vài toàn nhà kiến trúc cổ, người ta vẫn thực hiện nghi lễ hợp long.
Theo Đại Kỷ Nguyên