Cao Trí Thịnh là một luật sư nhân quyền nổi tiếng, được mệnh danh là “lương tâm của Trung Quốc”. Vì hành động cương trực, chính nghĩa, dám lên tiếng bênh vực sự thật, nên ông đã bị ĐCSTQ bí mật giam giữ từ tháng 8/2017.
Trước khi mất tự do vào giữa tháng 6/2017, luật sư Cao đã trả lời phỏng vấn, bày tỏ suy nghĩ của mình về việc xuất bản quyển sách “Trường hợp đầu tiên về bảo vệ quyền của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc”. (Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)
Tháng 8/2017, luật sư nhân quyền Trung Quốc Cao Trí Thịnh biến mất một cách bí ẩn, tính đến nay đã hơn ba năm.
Ngày 21/9/2020, Cảnh Cách – con gái của luật sư Cao đã được mời phát ngôn tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc dưới hình thức nói chuyện qua video. Cảnh Cách khi nói rất bình tĩnh, trang nghiêm, giọng điệu trầm:
“Cha tôi – Cao Trí Trịnh, một luật sư nhân quyền, được biết đến vì bênh vực những người bảo vệ nhân quyền, các nhóm tín ngưỡng, và ghi chép lại tình trạng bức hại nhân quyền ở Trung Quốc. Vì thế mà ông đã bị giam giữ nhiều lần, bị tra tấn nghiêm trọng”, Cảnh Cách nói.
“Chúng ta có trách nhiệm kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, yêu cầu Trung Cộng trả tự do cho tất cả những nhà hoạt động nhân quyền đã biến mất, tôi sẽ không bao giờ quên rằng cha tôi là một trong số họ”.
Luật sư Cao được mệnh danh là “Lương tâm của Trung Quốc”. Ông ấy bảo vệ những nhóm người chịu thiệt thòi, những người theo đạo Thiên chúa, các học viên Pháp Luân Công và tất cả những người mà ông ấy nghĩ rằng nên ra tay giúp đỡ. Ông xem nghề nghiệp của mình là sứ mệnh mà bản thân cần hoàn thành ở đời này.
Vì nhiệm vụ ấy, ông đã hy sinh hạnh phúc, sức khỏe và tiền đồ đầy hứa hẹn của mình. Ông là một anh hùng trong tâm trí mọi người, một anh hùng hiếm có ở Trung Quốc đương đại. David Kilgour – Cựu Ngoại trưởng Canada khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói: Cao Trí Thịnh là “một trong những luật sư dũng cảm nhất trên Trái Đất”. Vì tấm lòng cao thượng, Cao Trí Thịnh đã ba lần được đề cử giải Nobel Hòa bình.
Cảnh Cách và em trai đã hơn mười năm chưa được gặp lại người cha thân yêu của họ. Khi họ rời Trung Quốc Đại lục cùng mẹ, em trai cô chỉ mới 5 tuổi. Ký ức về hơi ấm, tình yêu thương và hình ảnh người cha cao lớn vẫn còn mơ hồ trong tâm trí non nớt của cậu bé. Đứa trẻ đã phải sống trong sợ hãi, bất an trước khi rời Trung Quốc.
Đây là một bức ảnh hiếm hoi của Cao Trí Thịnh. Ông ấy trông điềm tĩnh và tự nhiên ở độ tuổi 40, với một chiếc áo khoác màu xanh đậm. Phía sau ông là một con đường núi tuyết đã được dọn sạch sẽ, phía xa là những ngọn đồi phủ đầy tuyết, những ngôi nhà trong hang động và một vài cây cối trơ trọi. Rõ đây là mùa Đông, và ở không xa có thể thấy bóng dáng của vài người. Đó có lẽ là đồng hương của ông ấy.
Cao Trí Thịnh là người Giai Huyện, thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Thiểm Tây. Ông từ bối cảnh trong bức ảnh này, từ một ngôi nhà trong hang động ở Thiểm Tây, từ một người nông dân nghèo mà thành danh.
Những câu chuyện về luật sư Cao đã bị kiểm duyệt gắt gao trên Internet. Bao gồm các bài báo và sách do ông ấy viết, và do người khác viết về ông ấy, các bản tin thời sự và phim tài liệu truyền hình có liên quan,… Tất nhiên, tất cả những điều vừa nói không thể tìm thấy ở Đại lục. Ba từ “Cao Trí Thịnh” được liệt vào những từ nhạy cảm ở Trung Quốc Đại lục.
Ông Cao đã làm luật sư trong gần mười năm kể từ năm 1996. Năm 2001, ông được Bộ Tư pháp Trung Quốc vinh danh là một trong “Mười luật sư hàng đầu của Trung Quốc”. Vụ kiện đầu tiên mà Cao Trí Thịnh đấu tranh với tư cách luật sư là một vụ kiện miễn phí. Mỗi năm sau đó, 1/3 thời gian và sức lực của ông đặt ở các vụ kiện miễn phí cho những người nghèo, và những người sống dưới đáy xã hội.
Trong khi thu nhập hàng năm của các luật sư nổi tiếng ở Bắc Kinh lên tới 10 triệu, thì thu nhập hàng năm của Công ty luật Cao Trí Thịnh chỉ bằng 1/10 số đó. Tuy nhiên, ông Cao vẫn sẵn sàng làm như vậy. Đạo lý của ông là, không thể tách khỏi việc tiếp xúc với người nghèo, đây là con đường trực tiếp nhất để ông hiểu được tầng đáy của xã hội. Một lý do rất quan trọng nữa là, Cao Trí Thịnh nói rằng bản thân ông xuất thân chính là một người nghèo, khi nhìn thấy những người nghèo khó đến với ông để cầu giúp đỡ, nghe họ giãi bày oan khuất và thống khổ, lúc họ rơi nước mắt, ông cũng rơi nước mắt.
Cảnh Hòa – vợ của Cao Trí Thịnh kể lại rằng, một năm trong lễ Giáng sinh, bà đã chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn và đợi Cao Trí Thịnh trở về. Nhưng khi về đến nhà, bà thấy ông ấy không vui.
Bà Cảnh hỏi: “Tại sao vậy?”
Luật sư Cao nói, “hôm nay đi trên đường phố, nhìn thấy những con đường rực rỡ ánh đèn, tôi cảm thấy mình bị tách khỏi xã hội này, không thể hòa nhập vào xã hội này được. Bởi vì tôi càng kiếm được nhiều tiền, thì khách hàng của tôi càng phải chịu nhiều đau khổ”.
Cảnh Hòa cho biết, trong mọi vụ án mà Cao Trí Thịnh đảm nhận, ông đều dành hết toàn bộ tình cảm và trách nhiệm của mình.
Thực tế là như vậy, Cao Trí Thịnh thực sự nhìn thấy sự tương phản này. Ngoài ánh sáng rực rỡ của ánh đèn thành phố, ông ấy còn tiếp xúc với những nhóm người nghèo đói, bơ vơ và tuyệt vọng – ông ấy sẵn sàng giúp đỡ bọn họ một tay.
Có phải luật sư Cao mang trạng thái như vậy là do ông ấy đã từng là người nghèo? Cái nghèo của tuổi thơ và tuổi trẻ là điều không thể nào quên đối với ông. Điều quan trọng hơn là ông có một người mẹ bình thường mà vĩ đại, những gì bà để lại cho ông là một khối tài sản tinh thần to lớn – đó là sự kiên trì, lòng nhân ái và tấm lòng bao dung.
Cao Trí Thịnh nói trong bài viết về mẹ: Khi mẹ của ông kết hôn, gia đình của bố ông rất nghèo. Cuộc hôn nhân bắt đầu từ nghèo khó này đã tồn tại 22 năm. Cái không thay đổi từ đầu đến cuối chính là nghèo khó. Mong ước ấp ủ từ lâu của bố ông là một ngày nào đó có thể “ăn no mặc ấm”. Sau khi bố ông mất, mong muốn của người bố ông đã trở thành mục tiêu sống của mẹ ông đối với cả gia đình. Lúc đó, mẹ ông và 7 đứa con đang phải đối mặt với tình cảnh tuyệt vọng.
Vì để những đứa con của mình có thể tiếp tục sống, mẹ ông bắt đầu làm việc ngày đêm. Bà không ngừng làm các việc vất vả, để đảm bảo các con mình đều có áo mặc. Chưa đầy nửa năm, bà đã gầy hẳn đi. Tuy nhiên, bà ấy vẫn không thể đảm bảo đầy đủ những gì các con mình cần để tồn tại. Vì thế, việc giảm bớt gánh nặng của bà càng nhiều càng tốt đã trở thành lựa chọn tự phát của tất cả những đứa trẻ.
Cao Trí Thịnh nhớ lại, năm đầu tiên sau khi bố ông mất, gia đình càng thêm túng quẫn. Trước đêm giao thừa, một người bác ở xa đã gửi cho họ nửa cân thịt lợn, hơn nửa cân thịt cừu và một cân mì trắng. Đến lúc giao thừa, những đứa trẻ ngồi quanh lò nướng, và mẹ ông đốt lò nướng cháy rực. Bà đem những miếng thịt thái mỏng, những đứa trẻ không cần phải cầm bát, đũa, do bà đã làm tất cả và gắp thịt đút cho từng đứa một ăn.
VIDEO - VƯỢT QUA SỢ HÃI: PHIM TÀI LIỆU VỀ CUỘC ĐỜI LUẬT SƯ CAO TRÍ THỊNH
Cao Trí Thịnh không thể nào quên được mùi vị miếng thịt ngày đó. CÙng thời điểm năm ấy, ông cùng các anh chị em của mình đã ăn miếng thịt ngon nhất thế giới, sống trong căn nhà trong hang động ấm áp nhất thế giới. Sáng mồng một Tết, cả nhà quây quần bên ngọn đèn dầu, trộn nửa cân thịt cừu và một cân mì trắng với củ cải bào, cả nhà lại được ăn thêm một bữa há cảo ngon lành!
Cao Trí Thịnh kể lại rằng, buổi sáng hôm đó các anh chị em của ông đã có món sủi cảo ngon nhất thế giới! Mặc dù số lượng có hạn, không thể ăn no. Nhưng mẹ ông đã dùng trái tim và tình yêu thương thay cho sự giàu có, để họ có những năm tháng hạnh phúc không thể nào quên.
Ở trường, Cao Trí Thịnh cơ bản là tự học, vì sau khi cha qua đời, ông và em trai 10 tuổi đã phải đi hái thuốc trên núi để đổi lấy gạo nuôi gia đình. Trong cuộc sống khó khăn ấy, mẹ ông vẫn cho tất cả những đứa con học hết cấp 2, trừ anh cả và chị cả. Cao Trí Thịnh viết trong sách của mình rằng: Mẹ ông bị viễn thị.
Trường trung học cơ sở Cổ Thành – nơi Cao Trí Thịnh theo học nằm trên một ngọn núi cao cách nhà 10km, vì chỉ phải trả 8 xu tiền ăn mỗi ngày nên mẹ ông đã khuyến khích ông đến trường. Trong 3 năm, mẹ ông không có được một giấc ngủ ngon, lúc đó cả làng không có đồng hồ, cách nắm bắt thời gian vào ban đêm chính là nhìn trời. Trong khi Cao Trí Thịnh ngủ, mẹ ông đã ra ngoài nhiều lần trong đêm để ngắm sao. Vào đêm nhiều mây, mẹ ông hoàn toàn không dám ngủ, và phán đoán thời gian bằng cảm tính. Mẹ ông đã hy sinh giấc ngủ của mình để đảm bảo rằng, Cao Trí Thịnh không đi học trễ trong suốt ba năm, càng không có chuyện nghỉ học – đó là cách duy nhất ông có thể trả ơn mẹ mình vào thời điểm đó.
Mặc dù được nhận vào một trường trung học trọng điểm của huyện, nhưng luật sư Cao không thể tiếp tục học vì nghèo. Nhưng sự nghiệp học tập suốt 3 năm cấp hai đã đặt nền móng quan trọng nhất cho các giá trị trong cuộc sống sau này của Cao Trí Thịnh. Toàn bộ những điều ấy, là mẹ và ông cùng vun đắp tạo ra.
Có rất nhiều kỷ niệm mà Cao Trí Thịnh không thể nào quên được. Cụ thể nếu bất kỳ hành vi nào các con như háu ăn, trộm trái cây của người khác,… đều sẽ bị mẹ của luật sư Cao trừng trị nghiêm khắc.
Mỗi khi có phiên chợ, bà luôn tranh thủ mua cho bà nội những món ăn ngon, sau đó cấm tất cả những đứa trẻ lại gần cửa nhà bà nội nửa bước, vì biết rằng người lớn tuổi rất thương con cháu, hễ thấy mặt là nhường tất phần ăn của mình.
Đáng nói hơn, bà nội của Cao Trí Thịnh thì mắng mẹ ông liên tục, thời gian mẹ ông không bị mắng là khi ăn, ngủ và khi không có ở nhà. Tuy nhiên, dù bị mắng đến nỗi “nước mắt chan cơm”, nhưng mẹ luật sư Cao không một lời than oán. Mỗi bữa ăn đều dành bát đầu tiên cho bà nội, hơn nữa còn là bát đầy nhất. Còn lại canh loãng, và thức ăn thừa có thể để lại bữa sau, bà cũng hạn chế chia cho những đứa đang lớn.
Mặc dù buồn rầu, oan ức, nhưng mẹ luật sư Cao luôn dạy các con rằng, “bà nội sớm đã mất chồng, về già lại mất con, rất là đáng thương. Thế giới của bà nội chỉ còn gia đình chúng ta, bà nội lại không thể mắng người khác, nếu mắng chúng ta mà có thể giải tỏa được nỗi phiền muộn của bà, thì nhẫn nại một chút không là gì cả”.
Mẹ ông đã trải qua cuộc sống nghèo khó như thế trong suốt 60 năm, nhưng sự nghèo khó của bà không ảnh hưởng đến việc bà giúp đỡ những người nghèo khác. Lòng bao dung của bà đối với những người nghèo đi ăn xin, người dân địa phương không ai không biết đến. Khi mùa đông tới, không cần biết họ đến từ đâu, số lượng như thế nào, mẹ ông đều không ngại phiền phức đưa những người nghèo khổ phải đi ăn xin về nhà, ngoài việc cho họ ăn, ban đêm còn cung cấp chỗ ngủ cho họ.
Hơn 20 năm sau, khi Cao Trí Thịnh đã trở thành một luật sư nổi tiếng, thường xuyên có những người phải chống nạng, ngồi xe lăn, không có khả năng trả phí được các luật sư nhiệt tình khác đưa đến văn phòng của Cao Trí Thịnh. Khi nghĩ đến việc mẹ mình giúp đỡ những người nghèo, ông luôn mỉm cười đầy thiện ý.
Một năm vào mùa hè, có một người mẹ ăn xin mang theo một đứa con đến nhà luật sư Cao, nhưng trong nhà lại không còn thóc, người ăn xin thất vọng dắt đứa trẻ bỏ đi, nhưng mẹ ông bảo họ đợi một lát, còn bản thân chạy ra ngoài. Một lúc sau, mẹ ông cầm trong tay hai bắp ngô chưa chín hết, đưa cho người ăn xin đó. Hai bắp ngô chưa chín tới là mẹ ông hái từ thửa ruộng của chính mình.
Mỗi khi Cao Trí Thịnh về quê đón năm mới, thường có một số người mà anh chị em của ông đều không quen biết, mang theo con cái đến nhà ông ăn cơm. Những người này đều ăn mặc rách rưới. Mỗi khi em gái ông hỏi mẹ, mẹ ông đều mỉm cười nói: “Đó là thân thích của chúng ta”. Trong suốt cuộc đời, bà luôn coi những người nghèo khổ này như chính người thân của mình.
Trong một bài viết về mẹ, Luật sư Cao nói rằng: “Mẹ tôi là một người có đạo đức, sự sâu sắc về mặt đạo đức mà bà đã tích lũy, cây bút trong tay tôi không cách nào nói đến cùng được. Phẩm chất vĩ đại của bà đã ảnh hưởng lâu dài đến chúng tôi, đã mang đến cho chúng tôi sự giàu có vô tận về mặt tinh thần”.
Cao Trí Thịnh hoàn toàn kế thừa những đức tính cao quý của mẹ, nhất là sau khi trở thành luật sư. Điểm khác là, mẹ ông giúp đỡ những người nghèo nhưng bà không gặp nguy hiểm gì cả, còn Cao Trí Thịnh phải trả một cái giá rất đắt để giúp đỡ những người này. Ông biết rằng con đường phía trước không hề bằng phẳng, nhưng ông vẫn kiên định tiến lên, bởi đó là con đường đúng đắn.
Trong sự nghiệp luật sư gần 10 năm của mình, ông đã bảo vệ quyền lợi của vô số nhóm người dễ bị tổn thương, ví như:
- Những người bị chính phủ cưỡng chế phá dỡ nhà mà không còn nơi nào để đi.
- Những người bị cưỡng bức cướp đoạt tài sản mà sạt nghiệp.
- Những người tan cửa nát nhà dưới chính sách kế hoạch hóa gia đình tàn bạo của chính phủ … quá nhiều bất công, quá nhiều oan khuất, và quá nhiều tăm tối đã khiến Cao Trí Thịnh nhìn ra chỗ tệ hại và tà ác của thể chế này.
Những điều này thường khiến Cao Trí Thịnh buồn bã và bất lực. Nhưng ông không thể phớt lờ những người đã nhờ ông giúp đỡ trong tuyệt vọng. Cao Trí Thịnh đã viết trong cuốn sách của mình như sau: “Trung Quốc không giống như các quốc gia có pháp quyền, trong mỗi vụ án nhỏ, cuối cùng đều có thể phản ánh ra những vấn đề rất sâu của thể chế này. Nhưng khi bạn có mong muốn thay đổi nó, bạn đã ở tình cảnh rất nguy hiểm”.
Điều thực sự thay đổi vận mệnh của luật sư Cao là khi ông tiếp quản trường hợp của các học viên Pháp Luân Công. Trong số hàng trăm ngàn luật sư trên cả nước lúc bấy giờ, số những luật sư dám bước vào cấm địa này là cực kì ít ỏi. Nhưng ý thức về công lý và lương tâm của Cao Trí Thịnh đã khiến ông không thể dừng lại.
Tháng 12/2004, khi Cao Trí Thịnh đệ lên tòa vụ án của học viên Pháp Luân Công đầu tiên, ông được tòa án thông báo rằng: “Sẽ không có vụ án nào về Pháp Luân Công được lập, ông không được phép thực hiện thêm bất kỳ cuộc điều tra tư pháp nào khác”.
Tòa án cũng đe dọa rằng, “điều ông đang làm là rất nguy hiểm, nếu ông tiếp tục, chúng tôi sẽ viết đề nghị lên Bộ Tư Pháp để xử lý”.
Cao Trí Thịnh hoàn toàn phớt lờ những lời đe dọa của họ. ông thừa biết, chính quyền đã chặn tất cả các con đường hợp pháp để các học viên Pháp Luân Công kháng cáo.
Ngày 31/12/2004, trong sự bất lực Cao Trí Thịnh đã đưa ra một “bức thư ngỏ gửi đến Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Ngô Bang Quốc”, hy vọng rằng sự can thiệp của chính quyền đương cục sẽ ngăn chặn được hành vi tước đoạt bất hợp pháp các quyền công dân, và quyền tự do cá nhân của Trung Cộng. Cao Trí Thịnh thừa nhận, với tư cách là một luật sư, thật sự rất đau lòng khi phải chọn con đường ngoài vòng pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ.
Ông đã viết trong cuốn sách của mình rằng, về vấn đề Pháp Luân Công, nếu tất cả người dân đều làm ngơ với nó, thì chúng ta sẽ phải mang gánh nặng về đạo đức và nỗi xấu hổ này trong bao nhiêu năm? Nếu tất cả các luật sư đều im lặng, thì đối với vấn đề này trong tương lai, các luật sư sẽ mang theo bộ mặt nào để đối diện với nó?
Tháng 10/2005, Cao Trí Thịnh đến Sơn Đông để điều tra sự thật về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Ngày 18/10/2005, ông đã công bố một bức thư ngỏ gửi cho Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Bức thư tiết lộ rằng, rất nhiều các học viên Pháp Luân Công đã bị bắt, bị tra tấn dã man về thể chất lẫn tinh thần, bị mất tích và bị bức hại cho đến chết. Ông kêu gọi họ ngừng cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công.
Ngày 19/10/2005, Cao Trí Thịnh nhận được một cuộc gọi đe dọa. Và bắt đầu từ ngày 20/10,rất nhiều xe cảnh sát cùng cảnh sát mặc thường phục đã theo sát ông và gia đình trên từng chặng đường.
15 ngày sau, Văn phòng Tư pháp Bắc Kinh cưỡng chế đóng cửa công ty luật của Cao Trí Thịnh. Nhưng bức thư ngỏ của Cao Trí Thịnh đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong xã hội. Các học viên Pháp Luân Công bị bức hại khắp nơi đã thỉnh cầu Cao Trí Thịnh đến địa phương của họ để tìm hiểu sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Ngày 29/11/2005, Cao Trí Thịnh và bạn của mình là Tiêu Quốc Phiêu – một Giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, đã cùng nhau đến ba tỉnh Sơn Đông, Liêu Ninh và Cát Lâm để điều tra hơn nửa tháng.
Ngày 12/12/2005, Cao Trí Thịnh đã viết một bức thư ngỏ thứ ba gửi cho Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, bức thư ngỏ dài hơn 20.000 từ này có tựa đề là “Những hành vi man rợ tiêu diệt lương tâm và đạo đức quốc gia của chúng ta phải bị ngăn chặn ngay lập tức”.
Ông viết trong thư: “Chúng tôi nghẹt thở khi nghe câu chuyện của từng người thoát khỏi cuộc bức hại. Một số là những người đã thoát khỏi cái chết nhiều lần. Cảnh tượng đẫm máu này, bản chất con người tàn bạo và các phương pháp tra tấn thảm khốc, thậm chí cả ma quỷ cũng sẽ bị nó chấn động”.
Cao Trí Thịnh nói, trong nửa tháng tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công, là nửa tháng nói chuyện với “các hiền triết” (ý chỉ học viên). Tinh thần bất khuất, nhân cách cao thượng và sự khoan dung của họ đối với hung thủ là niềm hy vọng của Trung Quốc ngày nay, và đó cũng là lý do tại sao chúng tôi kiên cường tiếp tục! Nhóm người đó mỉm cười, tường thuật lại với giọng bình tĩnh về quá trình bức hại kinh tâm động phách, thường khiến ông cảm động rơi nước mắt.
Một ngày sau khi Cao Trí Thịnh viết bức thư ngỏ thứ ba cho Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, tức là vào ngày 13/12/2005, ông trịnh trọng đưa ra tuyên bố thoái đảng, tuyên bố viết rằng: “Nó, Trung Quốc cộng sản đảng! Nó đã hành hạ mẹ chúng ta, hành hạ vợ con chúng ta, tra tấn anh chị em chúng ta bằng những cách man rợ nhất, vô đạo đức nhất và bất hợp pháp nhất. Nó không ngừng bức hại lương tâm, nhân cách và lòng lương thiện của người dân chúng ta! Cao Trí Thịnh, một đảng viên nhiều năm đã không đóng đảng phí nhưng “sống có tổ chức”, tuyên bố từ nay sẽ rút khỏi cái ác đảng bất nhân, bất nghĩa, vô nhân tính này”.
Câu cuối cùng trong tuyên bố của ông ấy là: “Đây là ngày đáng tự hào nhất trong cuộc đời của tôi”.
VIDEO - CUỘC CHIA LY ĐẦY NƯỚC MẮT CỦA GIA ĐÌNH LUẬT SƯ NỔI TIẾNG CAO TRÍ THỊNH
Việt Anh - Theo Tinh Hoa