Hoàn cảnh bi thảm của cựu quán quân Trung Quốc sau khi giải nghệ

Hoàn cảnh bi thảm của cựu quán quân Trung Quốc sau khi giải nghệ

Hoàn cảnh bi thảm của cựu quán quân Trung Quốc sau khi giải nghệ

Hoàn cảnh bi thảm của cựu quán quân Trung Quốc sau khi giải nghệ

Hoàn cảnh bi thảm của cựu quán quân Trung Quốc sau khi giải nghệ
Hoàn cảnh bi thảm của cựu quán quân Trung Quốc sau khi giải nghệ
Thứ sáu, 10-01-2025 10:15, (GMT+07:00)
Hoàn cảnh bi thảm của cựu quán quân Trung Quốc sau khi giải nghệ
16-02-2022 15:50

 

Thể thao Trung Quốc: Cuộc sống khốn khổ của các 'quán quân, á quân' thế giới sau khi giải nghệ

Tình cảnh của các vận động viên Trung Quốc sau khi giải nghệ. (Ảnh tổng hợp từ Internet)

Trong giới thể thao Trung Quốc, bên cạnh một số vận động viên danh lợi đều đủ cả, cũng có không ít người từng là quán quân, á quân tại các giải thi mang tầm cỡ quốc tế nhưng gần như biến mất sau khi giải nghệ. Có người túng quẫn tới mức phải bán cả huy chương, một số khác thì phải biểu diễn trên đường phố để kiếm sống. Điều này cũng làm nổi bật lên sự tàn ác của hệ thống thể thao Trung Quốc, nơi đặt huy chương và thành tích lên hàng đầu.

Dưới đây là tình cảnh khốn khổ sau khi giải nghệ của một số vận động viên Trung Quốc đạt giải cao tại đấu trường quốc tế:

Quách Bình (Guo Ping)

Quách Bình sinh năm 1977, là á quân Cuộc thi Marathon Quốc tế. Cô gần như bị tàn tật ở ngón chân do tập luyện quá sức. Quách bắt đầu tập chạy marathon năm 9 tuổi, và trở thành vận động viên chạy chuyên nghiệp năm 16 tuổi. Khi Quách Bình giải nghệ ở tuổi 26, cô không có gì ngoài trình độ văn hóa tiểu học và sức khỏe suy sụp vì chấn thương thể thao. Bốn năm sau, cựu á quân marathon nói rằng cô đã bị lừa. Quá trình luyện tập với cường độ siêu cao đã khiến ngón chân của cô biến dạng.

 

Quách Bình (Guo Ping)
Quách Bình (Guo Ping). (Ảnh từ Internet)

Năm 2002, Quách Bình rời đội vì chấn thương và chọn giải nghệ vào năm sau. Quách Bình cho biết vào tháng 3/2011, cô đã gọi cho huấn luyện viên để hỏi về công việc, nhưng huấn luyện viên nói rằng ông không có quyền sắp xếp công việc. Quách Bình tìm đến Đội Thể thao Đầu máy, một lãnh đạo trả lời rằng cô không phải là thành viên chính thức của đội, cũng không có hộ khẩu ở đây nên không thể phân công giao việc. Quách Bình không thể làm việc do bị thương ở chân, cô sống trong cảnh túng quẫn. Để kiếm sống, cha cô đã phải làm công nhân khai thác than với thu nhập 500 nhân dân tệ (theo tỷ giá hiện tại là khoảng 1,8 triệu VNĐ) một tháng.

 

Lưu Phi (Liu Fei)

 

Lưu Phi sinh năm 1979, là quán quân nội dung bộ ba nữ của Giải vô địch Thế giới Thể dục dụng cụ Nhào lộn (Acrobatic Gymnastics World Championships) tổ chức năm 1998 ở Nga. Cô cũng từng giành hạng tư tại Giải vô địch trẻ Thể dục dụng cụ Nhào lộn Thế giới và 7 giải vô địch quốc gia.

 

Lưu Phi (Liu Fei)
Lưu Phi (Liu Fei). (Ảnh từ Internet)

 

Cô giải nghệ năm 2000 và đến nay vẫn không có việc làm chính thức. Lưu Phi sống trong một căn phòng chật chội, còn cha cô ngủ trên chiếc giường gấp trải ngoài hành lang chật hẹp.

Lưu Phi cho biết: "Bây giờ, tôi thực sự hối hận vì bước vào con đường thể thao. Hoa tươi, những tràng pháo tay và lá cờ đỏ rực đã rời xa tôi. Khi đứng trên bục vô địch thế giới, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ngày giải nghệ cũng là lúc bắt đầu cuộc sống gian khổ của tôi. Tôi không có nhà để ở, không có việc làm, không có chi phí sinh hoạt cơ bản, và tôi thậm chí không biết phải đặt hộ khẩu của mình ở đâu.

Đạt giải tại giải vô địch thế giới, Ủy ban Thể thao Quốc gia thưởng cho tôi 10.000 nhân dân tệ, thành phố Bản Khê (thuộc tỉnh Liêu Ninh) thưởng 10.000 nhân dân tệ. Đối với nhà vô địch quốc gia, phần thưởng cấp tỉnh là 1.500 nhân dân tệ, 7 lần vô địch quốc gia tôi được tổng cộng 10.500 nhân dân tệ. Tổng cộng tôi được 30.500 nhân dân tệ sau những lần vô địch. Nhưng trong những năm qua, gia đình tôi đã phải chi trả hơn 100.000 nhân dân tệ cho việc tập luyện và thi đấu".

Sau nhiều năm kiên trì khổ luyện, Lưu Phi mệt mỏi và đổ bệnh. Năm 1998, cô bị u mỡ dưới da ở vùng vai. Nguyên nhân là do cô ở vị trí dưới cùng trong nội dung kỹ năng 3 người; trong lúc tập luyện, hai vận động viên phía trên thường giẫm lên vai cô trong nhiều giờ. Trong quá trình tập luyện, cô còn bị trật khớp cùng chậu. Hễ trời âm u đổ mưa là cô bắt đầu đau, bình thường cũng phải đi lại nhiều, nếu làm việc nặng thì càng đau.

 

Ngải Đông Mai (Ai Dongmei)

 

Ngải Đông Mai (Ai Dongmei)
Ngải Đông Mai (Ai Dongmei). (Ảnh từ Internet)
 

Ngải Đông Mai sinh năm 1981, là nhà vô địch Marathon Quốc tế. Năm 14 tuổi, cô tham gia Đội Thể thao Đầu máy và được tham gia huấn luyện điền kinh với huấn luyện viên nổi tiếng Vương Đức Hiển (Wang Dexian). Trong sự nghiệp 8 năm làm vận động viên, Ngải Đông Mai đã giành được 19 huy chương, bao gồm vô địch Giải Marathon Quốc tế Bắc Kinh, Marathon Quốc tế Đại Liên, v.v. Trong đó có 10 huy chương trong các cuộc thi quốc tế.

Việc luyện tập đã khiến hai chân của Ngải Đông Mai bị tàn tật. Truyền thông đưa tin, sau khi giải nghệ, thu nhập hàng tháng của gia đình Ngải Đông Mai chỉ là 1.300 nhân dân tệ (theo tỷ giá hiện tại là khoảng 4,6 triệu VNĐ). Vì cuộc sống, cô từng mở một blog trên mạng và công khai bán tất cả huy chương từng giành được. Ngoài ra, cô còn từng mở một quầy hàng rong. Vì danh hiệu quán quân nên nhiều người trong chợ có thể nhận ra cô, gian hàng của cô lúc nào cũng đông nghịt người đứng xem.

Sau khi tình cảnh khó khăn của Ngải Đông Mai được giới truyền thông tiết lộ, nó đã tạo ra phản ứng mạnh mẽ từ xã hội. Không lâu sau, cô mở một cửa hàng quần áo với sự hỗ trợ từ mọi tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, do công việc kinh doanh không tốt nên Ngải Đông Mai đã trở về quê. Nhà chức trách đã sắp xếp cho cô một công việc trong hệ thống đường sắt địa phương – công nhân lò hơi.

 

Tang Tuyết (Sang Xue)

 

Tang Tuyết (Sang Xue)
Tang Tuyết (Sang Xue). (Ảnh từ Internet)
 

Tang Tuyết sinh năm 1984, là nhà vô địch nhảy cầu đôi nữ 10 mét tại Thế vận hội Sydney. Cô là vận động viên đội tuyển nhảy cầu quốc gia Trung Quốc, kiện tướng thể thao cấp quốc gia và cấp quốc tế. Từ năm 1998 đến năm 2001, trong nội dung nhảy đơn hoặc phối hợp với đồng đội, cô đã giành được chiến thắng ở giải vô địch thế giới, huy chương vàng Olympic, và đạt giải tại các cuộc thi quốc tế khác như Goodwill Games của Hoa Kỳ, Giải Nhảy cầu quốc tế Cup Canada, Cup thế giới Sydney, Giải vô địch môn nhảy cầu do Liên đoàn Bơi lội Thế giới (FINA) tổ chức, v.v.

Ngoài việc là cựu vô địch Olympic, Tang Tuyết còn đạt được nhiều "vinh dự" do chính quyền Trung Quốc trao tặng, nhưng cuộc đời của cô không hề suôn sẻ. Sau khi giải nghệ, để có tiền chữa bệnh cho người mẹ bị ốm nặng, cô từng làm phục vụ bàn và làm bán thời gian trong nhà hàng. Lúc ngặt nghèo nhất, cô thậm chí còn định bán huy chương vàng Olympic để sống qua ngày. Cuối cùng cô đã gia nhập làng giải trí.

Ngoài những quán quân, á quân thế giới kể trên, làng thể thao Trung Quốc cũng còn không ít vận động viện khác rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tuy chỉ tham gia các giải đấu trong phạm vi quốc gia hay khu vực Châu Á, nhưng họ cũng từng trải qua quãng thời gian khổ luyện khắc nghiệt, cũng phải chịu đựng những chấn thương và bị bỏ rơi khi hết giá trị.

 

Trâu Xuân Lan (Zou Chunlan)

 

Trâu Xuân Lan (Zou Chunlan)
Trâu Xuân Lan (Zou Chunlan). (Ảnh từ Internet)
 

Trâu Xuân Lan sinh năm 1971, từng đạt giải vô địch cử tạ nữ toàn quốc Trung Quốc. Cô bắt đầu sự nghiệp vận động viên từ năm 14 tuổi, đến tháng 6/1987 cô trở thành vận động viên chính thức của Đội thể thao số 1 tỉnh Cát Lâm. Thành tích tốt nhất của cô là vô địch cử tạ nữ toàn quốc năm 1990 và phá kỷ lục quốc gia. Tổng cộng cô giành được 9 huy chương vàng.

Năm 1993, Trâu Xuân Lan, khi này 23 tuổi, đã làm tạp vụ trong nhà ăn của đội thể dục được 3 năm, nhưng vẫn không được sắp xếp một công việc ổn định. Sau khi rời bỏ sự nghiệp cử tạ 10 năm, Trâu Xuân Lan từng nuôi gà, bán cua, thậm chí đứng ngoài đường bán thịt cừu xiên. Tuy nhiên, những việc kinh doanh nhỏ này không thể giúp cô có được cuộc sống tốt. Vì cô bị thương quá nhiều nên khoản tiền bồi thường hơn 70.000 nhân dân tệ của đơn vị đều đã được dùng vào việc chữa bệnh.

Ba năm sau, cuộc sống khó khăn khiến Trâu Xuân Lan khó có thể tiến thêm bước nữa. May mắn thay, cô gặp được người bạn trai Chu Thiệu Thành (Zhou Shaocheng), Chu hơn Trâu 6 tuổi và đối xử với cô rất tốt. Anh sống giản dị, thật thà, làm nghề đốt lò hơi trong nhà tắm. Thấy bạn gái không tìm được việc thích hợp, anh đã thuyết phục cô đến nhà tắm làm việc và trở thành người cọ lưng nếu cô muốn. Trâu Xuân Lan đồng ý và thu nhập của cô là 1,45 nhân dân tệ / người (theo tỷ giá hiện tại là hơn 5.000 VNĐ). Ngày nhiều nhất, cô cọ cho hơn 50 khách hàng và kiếm được 75 nhân dân tệ. 

Dưới sức ảnh hưởng của các kênh truyền thông và các phóng viên đưa tin, vào tháng 4/2006, Trung tâm quản lý thể thao của Cục thể thao tỉnh Cát Lâm và Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc đã cung cấp cho Trâu Xuân Lan một căn nhà mặt tiền có diện tích 105 mét vuông và các thiết bị giặt là có tổng giá trị 200.000 nhân dân tệ, rồi đào tạo miễn phí kỹ thuật giặt là cho cô. Ngày 11/8 cùng năm, tiệm giặt là của Trâu Xuân Lan bắt đầu hoạt động thử nghiệm. Khi mới đi vào hoạt động, nhiều người nghe nói là do một nhà vô địch cử tạ mở tiệm nên họ đều tìm đến sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, khi không còn cảm giác mới mẻ, khách hàng cũng thưa dần. Nói đến thu nhập, Trâu Xuân Lan lại thở dài, cô cho biết tổng thu nhập hàng tháng có thể đạt khoảng 14.000 nhân dân tệ, trừ đi chi phí 12.000 nhân dân tệ, “mỗi tháng có thể kiếm được 2.000 đến 3.000 nhân dân tệ".

 

Không thể mang thai vì bị buộc dùng thuốc cấm khi làm vận động viên

 

Năm 2011, Trâu Xuân Lan tiết lộ rằng cô không thể mang thai sau gần 10 năm kết hôn, đó có thể là kết quả của việc dùng thuốc cấm trong thời gian dài khi còn là một vận động viên. Cô cho biết, từ khi cô vào đội thể thao đã bắt đầu dùng “Dianabol”, mỗi ngày 1 viên, uống trong 6 năm liên tục cho đến khi cô giải nghệ vào năm 1993. 

“Chỉ nửa tháng trước khi diễn ra cuộc thi thì tôi mới được ngừng uống thuốc và chuyển qua tiêm ‘thuốc che đậy’”, cô nói. Vào thời điểm đó, “Dianabol” đã bị cấm và gây ra phản ứng nam tính đối với nữ giới. Nhưng huấn luyện viên nói rằng đây đều là những loại thuốc dinh dưỡng để bổ sung cho cơ thể. Khi đó, lông tóc trên người Trâu Xuân Lan bắt đầu mọc dài ra, giọng nói của cô cũng dày hơn. Các đồng đội của cô cũng có phản ứng tương tự. Có người hỏi huấn luyện viên thì huấn luyện viên mới nói rằng họ đang uống "Dianabol", là một loại kích thích tố nam. Nhưng huấn luyện viên nói rằng không sao cả. Sự thật đã chứng minh rằng viên thuốc nhỏ có tên "Dianabol" đó đã trực tiếp phá hủy mong muốn làm mẹ của một người phụ nữ.

 

Tài Lực (Cai Li)

 

Tài Lực (Cai Li).
Tài Lực (Cai Li). (Ảnh từ Internet)
 

Tài Lực sinh năm 1970, là nhà vô địch cử tạ Á vận hội. Tháng 9/1985, trong cuộc thi cử tạ của Đại hội thể thao trẻ toàn quốc lần thứ nhất của Trung Quốc, anh giành chức vô địch hạng trên 110 kg; tại Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 11 năm 1990, Tài Lực đã giành chức vô địch và phá kỷ lục Châu Á. Trong toàn bộ sự nghiệp, anh giành được hơn 40 chức vô địch quốc gia, hơn 20 chức vô địch Châu Á và được mệnh danh là “Lực sĩ số 1 Châu Á”.

Tháng 6/2003, Tài Lực qua đời tại quê nhà. Nhà cử tạ từng lập vô số kỷ lục Châu Á cho thể thao Trung Quốc và thể thao Liêu Ninh, nhưng đến cuối đời phải sống trong nghèo khó và bệnh tật, cuối cùng qua đời ở tuổi 33. Khi anh ra đi, trên bàn còn một bát canh cải thảo đang ăn dở và nửa lọ mắm tôm.

Anh bị mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ và các chứng bệnh khó chữa khác. Bốn năm cuối đời, anh làm bảo vệ ở viện thể dục thể thao tỉnh Liêu Ninh. Ngày Tài Lực mất, gia đình anh chỉ có 300 nhân dân tệ (theo tỷ giá hiện tại là khoảng 1 triệu VNĐ).

 

Lý Triêu Huy (Li Chaohui)

 

Ông Lý Triêu Huy (Li Chaohui) trên giường bệnh
Lý Triêu Huy (Li Chaohui) trên giường bệnh. (Ảnh từ Internet)
 

Lý Triêu Huy sinh năm 1969, là nhà vô địch đấu vật tự do nam trong Đại hội Thể thao Liên Thành thị đầu tiên của Trung Quốc. Trong cuộc thi này, anh giành được huy chương vàng nhưng lại bị thương dẫn đến biến dạng hai tai. Năm 1996, Lý Triêu Huy giải nghệ, nhưng cuộc sống lại rơi vào túng quẫn vì ngoại trừ đấu vật, anh không biết làm gì khác. Vợ anh không thể chịu đựng được cuộc sống như vậy nên đã bỏ đi.

Tháng 9/2010, Lý Triêu Huy được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, anh vay mượn khắp nơi được hơn 100.000 nhân dân tệ để điều trị bệnh, cuối cùng không còn một xu dính túi. Để tiếp tục điều trị, trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, Lý Triêu Huy đã nảy sinh ý định bán huy chương.

 

Hoàng Thành Nghĩa (Huang Chengyi)

 

Hình ảnh Hoàng Thành Nghĩa (Huang Chengyi) đứng cạnh Diêu Minh (bên trái khoanh đỏ)
Hình ảnh Hoàng Thành Nghĩa (Huang Chengyi) đứng cạnh Diêu Minh (bên trái trong khoanh đỏ). (Ảnh từ Internet)
 

Hoàng Thành Nghĩa sinh năm 1978, là vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp từng tham gia đội huấn luyện bóng rổ quốc gia với Diêu Minh (Yao Ming) – cầu thủ Trung Quốc nổi tiếng từng chơi tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA. Anh phải rời xa sân đấu vì các đội hợp nhất và do cả chấn thương. Sau chấn thương, anh chỉ có thể nằm trên giường, và cuộc phẫu thuật thất bại đã chôn vùi ước mơ của anh. Giờ đây, anh sống trong một khu nhà ở của công nhân sắp bị phá bỏ bên cạnh ga xe lửa Nam Bắc Kinh.

Trương Thượng Võ (Zhang Shangwu)

 

Trương Thượng Võ (Zhang Shangwu). (Ảnh từ Internet)
 

Trương Thượng Võ sinh năm 1983, anh được chọn vào đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia Trung Quốc vào tháng 6/1995. Khi ấy anh mới 12 tuổi. Trương từng giành 2 huy chương vàng tại Đại hội thể thao sinh viên Bắc Kinh năm 2001. Sau đó do bị đứt gân Achilles bên trái khi tập luyện vào tháng 1/2002 nên anh phải quay trở lại đội thể dục dụng cụ tỉnh Hà Bắc.

Anh chính thức giải nghệ vào tháng 6/2005. Tháng 7/2007, Trương Thượng Võ bị kết án vì trộm cắp ở Trường thể thao Tiên Nông Đàn Bắc Kinh. Tháng 4/2011, sau khi được trả tự do, Trương đi ăn xin và biểu diễn kiếm tiền ở Thạch Gia Trang, Thiên Tân và Bắc Kinh.

Đông Phương

Theo Vision Times

Đăng theo NTDVN

 

 

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP