Helen Raleigh: ‘Viêm phổi Vũ Hán’ kéo theo ba tác động lớn với TQ

Helen Raleigh: ‘Viêm phổi Vũ Hán’ kéo theo ba tác động lớn với TQ

Helen Raleigh: ‘Viêm phổi Vũ Hán’ kéo theo ba tác động lớn với TQ

Helen Raleigh: ‘Viêm phổi Vũ Hán’ kéo theo ba tác động lớn với TQ

Helen Raleigh: ‘Viêm phổi Vũ Hán’ kéo theo ba tác động lớn với TQ
Helen Raleigh: ‘Viêm phổi Vũ Hán’ kéo theo ba tác động lớn với TQ
Thứ sáu, 10-01-2025 19:42, (GMT+07:00)
Helen Raleigh: ‘Viêm phổi Vũ Hán’ kéo theo ba tác động lớn với TQ
21-02-2020 15:20

Nhà nghiên cứu chính sách di dân Trung Quốc Helen Raleigh trong bài viết trên Fox News hôm 17/3 đã nhận định, dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ xuất hiện từ cuối năm 2019 sẽ đưa đến ba tác động lâu dài cho Trung Quốc Đại Lục, một trong số đó là nhiều người Đại Lục có thể di cư ra nước ngoài sau khi dịch bệnh kết thúc. 

Nhà nghiên cứu chính sách di dân Trung Quốc Helen Raleigh đã viết trên Fox News rằng ‘viêm phổi Vũ Hán’ sẽ kéo theo ba tác động lâu dài đối với Đại Lục, một trong số đó là nhiều người Đại Lục có thể di cư ra nước ngoài sau khi dịch bệnh kết thúc. (Ảnh: CNA)

Bà Helen Raleigh, một người phụ nữ gốc Hoa, hiện là nhà nghiên cứu chính sách nhập cư tại Viện Centennial Institute ở Colorado, Mỹ. Bà đã viết trên Fox News: “Một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cao cấp ở Trung Quốc dự đoán rằng virus corona mới có thể lên đến đỉnh điểm trong tháng này. Tôi rất mong các nhà khoa học và chuyên gia y tế có thể tìm ra biện pháp chữa trị loại virus chết người này càng sớm càng tốt. Nhưng sau khi dịch bệnh được ngăn chặn, nó vẫn sẽ để lại nhiều ảnh hưởng lâu dài với Trung Quốc và khu vực khác trên thế giới.”

Sau đây là một vài điểm chính trong 3 tác động của dịch bệnh đối với Trung Quốc Đại Lục mà bà Helen Raleigh đã nêu ra trong bài viết của mình.

Tác động thứ nhất: Virus ‘viêm phổi Vũ Hán’ sẽ làm sâu sắc và khuếch đại hiệu ứng “tách rời”

Raleigh cho rằng, thương chiến Mỹ – Trung đã kích hoạt “sự tách rời” của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong cuộc chiến thương mại, các công ty sản xuất của Mỹ đã bắt đầu dịch chuyển các nhà máy và chuỗi cung ứng ra khỏi Đại Lục để tránh phải chịu mức thuế quan cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện tại, do dịch bệnh bùng phát, nhiều nhà máy và doanh nghiệp ở Trung Quốc rơi vào tình trạng tạm ngừng hoạt động và chưa biết khi nào mới có thể phục hồi. Đồng thời, nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ đều áp đặt lệnh hạn chế di chuyển đến Trung Quốc và ngược lại. Do đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc xem có nên “tách rời” khỏi Trung Quốc hay không.

Ví dụ, Trung Quốc là một trong những thị trường cung cấp linh kiện phụ tùng ô tô lớn của thế giới. Gần đây, nhà sản xuất ô tô Hyundai đã phải đóng cửa nhà máy lắp ráp tại Hàn Quốc vì không thể nhập được phụ tùng ô tô cần thiết từ Trung Quốc. Một số nhà sản xuất ô tô khác cũng đang phải lên Kế hoạch B nhằm đảm bảo nguồn cung đầy đủ linh kiện phụ tùng cho lắp ráp.

Từ các hãng xe hơi đến các nhà sản xuất gậy khúc côn cầu, hầu hết công ty trên khắp thế giới đều đã nhận ra sự bất lợi khi họ phải dựa vào một quốc gia duy nhất cung cấp các mặt hàng cần thiết. Không chỉ có “sự tách rời” của kinh tế Mỹ-Trung là không thể đảo ngược, mà xu thế tách rời này đang có khả năng khuếch đại đến nhiều quốc gia khác. Raleigh nói rằng, trong thời gian tới chúng ta có thể chứng kiến nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Tác động hai: Trung Quốc sẽ không thể trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình cao

Raleigh tin rằng việc “tách rời” sẽ thúc đẩy tác động dài hạn thứ hai: Trung Quốc có thể bị kẹt vĩnh viễn trong “Bẫy thu nhập trung bình” (Middle-income Trap). “Bẫy thu nhập trung bình” là một hiện tượng kinh tế phản ánh nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng bị đình trệ ở mức thu nhập trung bình thấp và không thể trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao. Ngân hàng Thế giới định nghĩa một nền kinh tế “thu nhập trung bình thấp” là một nền kinh tế có tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người trong khoảng từ 1.000 – 12.000 USD. Theo định nghĩa này, Trung Quốc đã dừng ở một nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp trong suốt hơn 20 năm qua.

Raleigh còn nói, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh rất muốn kinh tế Trung Quốc không bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Tuy nhiên, do nợ gia tăng, sự già hóa dân số và tốc độ cải cách kinh tế chậm lại, kể từ năm 2012, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm thấp từ hai con số xuống tăng trưởng một con số. Năm 2019, thương chiến Mỹ – Trung tiếp tục tác động xấu đến kinh tế quốc gia hơn 1 tỷ dân này.

Theo số liệu chính thức phía chính quyền Bắc Kinh công bố, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 đạt mức 6,1%, mức tăng trưởng chậm nhất trong ba năm qua. Giới chức Bắc Kinh vốn hy vọng mức chi tiêu của người tiêu dùng trong nước có thể đảm bảo duy trì kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, giá thịt lợn tăng vọt do tác động của dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng lớn đến tiêu dùng của người Trung Quốc trong năm qua. Các chuyên gia cho rằng, hiện tại đã không còn thời gian cho Trung Quốc đi từ nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp đến mức thu nhập trung bình cao nữa.

Dễ thấy, dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ đã giáng thêm một đòn mạnh nữa vào kinh tế Trung Quốc vốn đang ở trạng thái không mấy lạc quan. Do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như lệnh phong tỏa tại hơn 80 thành phố trên toàn quốc, hàng loạt ngành nghề tại Trung Quốc đã suy giảm nghiêm trọng như du lịch (cả trong nước và quốc tế), ngành bán lẻ, ngành dịch vụ (nhà hàng, khách sạn)… Nhiều nhà máy đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần, nhân công nhiều nơi cũng không thể đi làm trở lại sau dịp Tết do bị phong tỏa ở địa phương… Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là động lực tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện đang vô cùng lao đao, ít nhất một phần ba trong số đó đã cạn tiền mặt.

Hàng trăm triệu cư dân Trung Quốc đang chịu lệnh phong tỏa vẫn chưa nhìn thấy ánh bình minh. Họ chưa biết khi nào mới có thể trở lại với cuộc sống bình thường và có thể đi làm. Nếu tình trạng này tiếp diễn, một số doanh nghiệp phải đối diện với tình trạng đóng cửa và số người thất nghiệp cũng sẽ gia tăng.

Chính quyền Bắc Kinh có thể lại sử dụng các biện pháp tương tự như trước đây để kích thích nền kinh tế, như hạ lãi suất, bắt buộc các ngân hàng quốc doanh cho các doanh nghiệp nhỏ vay, giảm thuế cá nhân và giảm tiền thuê nhà… Mặc dù các biện pháp này có thể ngăn kinh tế Trung Quốc bước vào suy thoái, nhưng chắc chắn không đủ để tránh rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Tác động thứ ba: Trung Quốc có thể xuất hiện làn sóng di dân quy mô lớn

Raleigh nói rằng, trong suốt vài chục năm trở lại đây, hầu hết người Trung Quốc đều phải chấp nhận chịu sự hạn chế về quyền lợi và tự do để đánh đổi lấy thịnh vượng và ổn định mà Bắc Kinh cam kết sẽ mang đến. Không giống như phong trào biểu tình dân chủ ở Hồng Kông và chiến dịch giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, dịch bệnh do virus corona mới ảnh hưởng đến toàn bộ người dân Trung Quốc theo các cách khác nhau, rất nhiều người đã bị nhiễm bệnh, thậm chí tử vong.

Đối mặt với nỗi sợ hãi dịch bệnh và lo lắng cuộc sống thường nhật của mình bị phá vỡ, người dân Trung Quốc ngày càng ý thức được rằng, nếu chính quyền sớm đưa ra thông báo về dịch bệnh, giống như “người thổi còi” đã lên tiếng hồi tháng 12 năm ngoái, thì tất cả những khổ nạn mà họ đang phải đối mặt hiện nay có thể đã không diễn ra.

Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng do nhiễm ‘viêm phổi Vũ Hán’ cuối cùng đã kích phát sự phẫn nộ và tức giận của công chúng đối với chính quyền Bắc Kinh trong việc che giấu tình hình dịch bệnh, đối với những quan chức bất tài và dối trá. Họ ngày càng thất vọng vào chính quyền, khi mà các nhà lãnh đạo đặt sự ổn định chính trị và ổn định xã hội cao hơn sinh mệnh của người dân. Làn sóng yêu cầu tự do ngôn luận được dấy lên như thác lũ, nhưng nhanh chóng bị chính quyền tìm cách dẹp yên, thậm chí còn đe dọa những ai dám lên tiếng sẽ phải “trả giá đắt”.

Raleigh cho biết, gần đây có hai phóng viên Trung Quốc đã “biến mất” sau khi đăng một số video thương tâm từ Vũ Hán lên mạng. Mặc dù viễn cảnh hàng triệu người xuống đường phản đối chính quyền sẽ không diễn ra như ở Hồng Kông, nhưng nhiều người do tức giận và thất vọng, sẽ tìm nơi di trú an toàn cho bản thân và gia đình sau khi đại dịch kết thúc. Do đó trong tương lai gần, làn sóng người Trung Quốc di dân quy mô lớn dẫn đến dòng vốn lưu động theo là điều khó tránh khỏi.

Cuối cùng Raleigh kết luận, chỉ trong vài ngày tới, chúng ta có thể sẽ hiểu thêm hoặc thấy rõ ràng hơn sự tác động của dịch bệnh đối với Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.

Minh Ngọc

Đăng theo Tri Thức VN

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP