Hàng ngàn doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động ngay những ngày đầu thực hiện “3 tại chỗ”

Hàng ngàn doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động ngay những ngày đầu thực hiện “3 tại chỗ”

Hàng ngàn doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động ngay những ngày đầu thực hiện “3 tại chỗ”

Hàng ngàn doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động ngay những ngày đầu thực hiện “3 tại chỗ”

Hàng ngàn doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động ngay những ngày đầu thực hiện “3 tại chỗ”
Hàng ngàn doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động ngay những ngày đầu thực hiện “3 tại chỗ”
Thứ bảy, 04-01-2025 14:24, (GMT+07:00)
Hàng ngàn doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động ngay những ngày đầu thực hiện “3 tại chỗ”
17-07-2021 15:37

Không thể đáp ứng quy định lo chỗ ăn, chỗ ở cho toàn bộ công nhân chỉ trong 1 ngày, hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM buộc phải ngừng hoạt động từ ngày 15/7/2021, ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện “3 tại chỗ”.

Tối 13/7 vừa qua, UBND TP.HCM ban hành quy định về việc tổ chức hoạt động của doanh nghiệp sản xuất từ ngày 15/7. Theo đó, thành phố chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất với các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc phương án “một cung đường - 2 địa điểm” - vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện nêu trên và đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch thì mới được phép tiếp tục hoạt động sản xuất. Ngoài ra, phải xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 7 ngày/lần, tự chi trả chi phí. Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 15/7 cho đến khi có chỉ đạo mới.

Hàng vạn công nhân phải tạm nghỉ việc

Theo Thanh niên, tính đến trưa ngày 15/7,  khu chế xuất Linh Trung 1 đã có 13/32 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động, khu chế xuất Linh Trung 2 đã có 10/30 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động, khu công nghiệp Hiệp Phước đã có 25/159 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động với tổng số 2.595 công nhân, khu chế xuất Tân Thuận hiện còn 110/250 doanh nghiệp tiếp tục hoạt động với 8.000 công nhân/65.000 công nhân… Riêng Nhà máy Always (Đài Loan) tại khu chế xuất Tân Thuận giữ lại tại chỗ hơn 1.200 công nhân, nhưng sáng ngày 15/7 qua xét nghiệm nhanh đã phát hiện hàng chục công nhân bị dương tính với Covid-19.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA, hiện nay các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện “3 tại chỗ” và “một con đường 2 địa điểm”. Nhưng việc bố trí nơi ở tạm thời cho công nhân là khó khăn nhất. Về giao thông vận chuyển hàng hóa, hiện nay giao nhận tại sân bay và tại cảng đều theo lịch trình giờ giấc quy định chuyên ngành. Hải quan giám sát và thông quan theo giờ hành chính. Do vậy quy định chỉ được vận chuyển từ 22 giờ đến 5 giờ sáng là không phù hợp trong sản xuất kinh doanh và logistic.

Trong khi đó việc thực hiện phương châm “Một cung đường 2 địa điểm” trên thực tế là khó vì doanh nghiệp có “một điểm đến, nhưng nhiều điểm đón” do thuê nhiều khách sạn. Do vậy mỗi xe đưa rước có chung một điểm đến nhưng tỏa ra đi đón tại các điểm khác nhau.

Không kịp trở tay

Sáng ngày 14/7, ngay sau thông báo mới của UBND Thành phố, chủ một doanh nghiệp may có nhà máy tại H.Củ Chi đã nhắn tin chia sẻ với người quen khi được hỏi thăm: “Đợt này là đóng cửa nhà máy luôn mặc dù đã cố gắng không bị ngừng hoạt động ngày nào kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Cố gắng từng ngày để chạy đơn hàng, đảm bảo lương cho công nhân. Nhà máy đóng cửa thì dễ, đối tác có thể thương lượng được, nhưng hơn 4.000 CN bị nghỉ việc thì làm sao? Thế nhưng, để chuẩn bị cho số lượng CN này ở lại luôn trong nhà máy là bất khả thi, không còn cách nào khác, buộc phải ngừng hoạt động”.

Công nhân ở một công ty may mặc. (Ảnh minh họa: Getty Images)
Công nhân ở một công ty may mặc. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. HCM, nói rằng các nhà máy may hay da giày do đặc thù công việc nên rất đông công nhân, diện tích nhà xưởng không quá lớn nên không thể thực hiện theo quy định “3 tại chỗ” mà thành phố vừa ban hành. Do đó, từ ngày 15.7, đa số các doanh nghiệp may tại TP. HCM đều phải tạm nghỉ, đóng cửa nhà máy.

“Tổ chức ăn uống như trước nay trong giờ làm việc vẫn được, nhưng chỗ đâu cho cả ngàn công nhân ngủ? Rồi nhà vệ sinh, chỗ tắm rửa... bao nhiêu vấn đề kéo theo và doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện được. Hơn nữa, nếu chỉ đảm bảo chỗ ở cho khoảng 20 - 30% số công nhân thì hoạt động sản xuất cũng không hiệu quả. Ví dụ, một dây chuyền trước đây 50 người, nếu thiếu 10 người đã gặp khó khăn và nếu chỉ còn 20 người thì dây chuyền này không thể sản xuất được. Thế nên, phương án duy nhất hiện nay là cố gắng thương lượng với khách hàng để kéo giãn thời gian giao hàng và hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để có thể kinh doanh trở lại”, ông Hồng thở dài.

Những doanh nghiệp lớn, quy mô lớn, có tiềm lực còn than khó đáp ứng yêu cầu của thành phố, với các doanh nghiệp tầm trung trở xuống còn khốn khổ hơn, gần như bế tắc không thể làm gì được. 

Tương tự, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, đồng thời là Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - điện TP. HCM, cho biết: Trong tổng số gần 200 doanh nghiệp hội viên của hiệp hội, chỉ có chưa đến 10 DN trước đây đã tổ chức chỗ ăn ở tập trung cho một phần công nhân. Những công ty đó đã tổ chức được cho 30 - 40% lao động ở lại thì trong 2 ngày nay cố gắng mua sắm thêm mùng mền, trang thiết bị để tăng lên được khoảng 70 - 80% CN ở lại nhà máy. Còn các DN chưa áp dụng phương án này thì không kịp chuẩn bị. 

Ngoài ra theo ông Tống, quan trọng nhất là phải động viên công nhân ở lại làm việc luôn tại nhà máy. “Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Có người sau giờ làm ở nhà máy vẫn phải về nhà có việc gia đình, chăm con nhỏ, ông bà nên muốn ở lại làm việc vài tuần thì họ phải sắp xếp công việc ở nhà... Ngay cả công ty chúng tôi, dù chuẩn bị xong cơ sở lưu trú nhưng trước đây cũng phải động viên liên tục và cần thời gian nhiều CN mới chấp nhận. Theo tinh thần hiện nay việc chống dịch vẫn là ưu tiên nên những doanh nghiệp chưa thể thực hiện theo phương án 3 tại chỗ thì sẽ tạm nghỉ, sau đó từ từ sắp xếp, tổ chức để sản xuất lại theo đúng quy định”, ông Tống chia sẻ thêm.

Doanh nghiệp sản xuất ‘oằn lưng’ tuân thủ

Trưa qua, ông Lương Nguyên Tâm, Giám đốc Công ty TNHH thương mại quốc tế T-Farm, buồn rầu thông báo: “Không đáp ứng được quy định nên đã tạm ngưng hoạt động rồi”. Dù chỉ có khoảng 25 công nhân nhưng ông cũng không kịp xoay xở do thời gian thực hiện quá gấp. Thực tế, khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức ăn nghỉ tại chỗ là tổ chức ăn uống vì nhiều cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp đã ngưng hoạt động để chống dịch, muốn đặt đồ ăn cho công nhân, họ cũng không nhận. Công nhân về nhà còn có thể tự mua đồ nấu ăn, ở lại trong khu công nghiệp không đặt được cơm, lại không có chỗ để nấu thì bó tay. Chưa kể, rất nhiều công nhân không chịu ở lại tập trung, đặc biệt là công nhân nữ vì họ còn phải lo cho gia đình, con cái, mà ở thì không biết đến bao giờ mới được về.

Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty may mặc Dony, cũng buồn rầu cho tạm ngưng sản xuất. Suốt cả ngày trước đó (14.7), từ sếp đến nhân viên phải chạy quanh để tìm nơi cung cấp suất ăn cho công nhân nhưng thất bại. Công ty nhỏ với hơn 100 nhân công, trước giờ chỉ mua thức ăn ngoài vào. Nay quy định ra đột ngột lại trong bối cảnh giãn cách toàn xã hội, tìm chỗ cung ứng suất ăn an toàn 3 bữa mỗi ngày cho toàn bộ nhân viên “khó hơn lên trời”. Muốn tổ chức nhà bếp, tự nấu ăn thì cũng không thể làm ngay.

Đang đau đầu với các đơn hàng nông sản nguyên liệu từ các tỉnh miền Tây không thể đi được vì khâu vận chuyển gần như “đóng băng” hoàn toàn, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu (chủ thương hiệu cà phê trái cây Meet More) ngã ngửa với quyết định bất ngờ của UBND TP. HCM. “Không có thời gian nào cho các doanh nghiệp trở tay kịp” là điều đầu tiên ông Luận thốt lên khi chúng tôi hỏi có đáp ứng được yêu cầu mới này không. Dù chỉ có 40 công nhân làm ở xưởng nhưng Meet More cũng không thể lập tức trong 1 ngày sắp xếp được chỗ ăn, chỗ ở cho tất cả mọi người bởi ngoài chỗ ăn, chỗ ngủ, cần rất nhiều thiết bị để phục vụ đời sống thiết yếu hằng ngày. Từ nồi, niêu, xoong, chảo, thực phẩm cho tới chỗ tắm rửa, vệ sinh...; tổ chức sinh hoạt, duy trì cuộc sống cho 40 con người trong cả tháng trời là một vấn đề nan giải, chưa kể cần có thêm lực lượng quản lý họ.

“Dù có cho thêm thời gian thì chúng tôi cũng rất khó để đáp ứng bởi trụ sở công ty ở Hóc Môn, ngay trong thành phố, không biết “đào đâu” ra chỗ để triển khai lưu trú cho công nhân. Thành phố yêu cầu như vậy, chúng tôi bắt buộc phải ngưng sản xuất”, ông Luận cám cảnh.

Trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ phải tạm ngừng hoạt động do không đảm bảo theo quy định 3T thì một số doanh nghiệp kịp đáp ứng cũng chỉ thực hiện một phần nhỏ, còn lại thì thu hẹp đáng kể hoạt động vì tốn nhiều chi phí. 

Đại diện Công ty Saigon Foods cho hay đơn vị có 5 nhà máy tạo ra một chu trình sản xuất khép kín tại KCN Vĩnh Lộc (Bình Chánh, TP. HCM). Công ty đã tạm cho dừng 2 nhà máy để lấy chỗ sắp xếp cho công nhân ở lại. Khu lưu trú này có thể cung cấp cho khoảng 400 người nhưng công ty chỉ áp dụng cho 200 người ở lại, đạt 10% tổng số lao động bởi hàng loạt chi phí đều phát sinh thêm từ trang thiết bị ngủ nghỉ, chi phí xét nghiệm trước khi vào ở tập trung và sau 7 ngày thực hiện xét nghiệm lại, cung cấp các bữa ăn trong ngày... Thế nên công suất hoạt động của Saigon Foods đã giảm mạnh. 

Đại diện Saigon Foods chia sẻ: “Trước đây công ty cũng đã suy nghĩ đến phương án này rồi nhưng không thể thực hiện vì tốn quá nhiều chi phí, trong khi từ đầu mùa dịch đến nay đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, công ty cố gắng giữ ổn định giá bán ra nên càng phải tiết kiệm chi phí hoạt động. Nhưng đến giờ thì phải chấp nhận để duy trì phần nào sản xuất...”.

Các công trình xây dựng đồng loạt ‘treo cẩu’

Sở Xây dựng TP. HCM cũng đã có văn bản yêu cầu đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn thành phố thì chủ đầu tư và đơn vị thi công phải thực hiện “3 tại chỗ”.

Đại diện Công ty xây dựng An Phong cho biết công ty không đáp ứng nổi, nhất là khâu lo hậu cần ăn ở cho công nhân khi muốn ở lại làm việc tại công trường. Chưa kể “nhốt” công nhân trong một khu tập trung như vậy cũng không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ bởi nếu có một công nhân mắc bệnh sẽ lây nhiễm chéo cho các công nhân khác thì trách nhiệm, thiệt hại của doanh nghiệp càng nặng nề thêm. Chính vì vậy, công ty đã cho ngừng thi công, “treo cẩu” ở tất cả các dự án để phòng ngừa dịch bệnh và tránh các thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Ngay khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, Tập đoàn Hưng Thịnh đã giảm bớt số lượng công nhân tại các dự án. Nhưng khi Sở Xây dựng ra quy định “3T”, theo ông Trương Văn Việt, Phó tổng Tập đoàn Hưng Thịnh, phụ trách Công ty xây dựng Hưng Thịnh, công ty đã cho ngưng hết bởi để đáp ứng quy định của nhà nước sẽ rất khó. Công trường xây dựng không giống xưởng sản xuất, còn có nhà xưởng cho công nhân ở lại sạch sẽ. Còn ở công trường ngổn ngang vật tư, máy móc, dễ mất an ninh xã hội, tệ nạn, an toàn lao động, khói bụi và nhất là khâu hậu cần ăn, vệ sinh cho công nhân ở lại. Chính vì vậy, các nhà thầu đành phải cho công nhân nghỉ việc đến khi có quy định mới. “Nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều vì tiến độ giao nhà cho khách hàng, đến bài toán tài chính và chuỗi cung ứng vật tư, vật liệu cho công trình”, ông Việt cho hay.

Theo lãnh đạo Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, hiện nay có 60 công trình trên cả nước thì có đến 50 công trình xây dựng phải “treo cẩu”, số còn lại cũng chỉ bố trí được khoảng 20% ở lại do khó khăn khi áp dụng “3T”. Còn quy định “1 cung đường - 2 địa điểm” không thực hiện được vì không có chỗ thuê cho công nhân ở. Ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN, cho rằng quy định “3 tại chỗ” và 3 ngày công nhân phải test Covid-19 một lần của Sở Xây dựng cao hơn cả quy định của UBND TP. HCM là 7 ngày test 1 lần khiến chi phí đội lên, doanh nghiệp phải gánh quá nặng. 

Kiệt sức vì gánh nặng mang tên ‘chi phí xét nghiệm’

Không chỉ gồng mình lo chỗ ăn, chỗ ở cho công nhân để cố gắng duy trì hoạt động, các doanh nghiệp còn lo ngại quy định phải xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 7 ngày/lần sẽ đè thêm gánh nặng rất lớn.

Các nhân viên y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TP. HCM ngày 25/6. (Ảnh: Bạch Lâm)
Ảnh minh hoạ: Các nhân viên y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TP. HCM ngày 25/6. (Ảnh: Bạch Lâm)

Theo ông Phạm Văn Việt, trước đây Công ty TNHH Việt Thắng Jean tổ chức cho 530 công nhân xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR thì sau 2 ngày có kết quả, chậm nhất là 4 ngày. Trong bối cảnh lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế lấy mẫu đang thiếu hụt trầm trọng như hiện nay, yêu cầu CN có xét nghiệm đúng quy định 7 ngày/lần rất khó thực hiện. Chưa kể chi phí xét nghiệm là một khoản không hề nhỏ.

“Việc tập trung “3 tại chỗ” là cần thiết bởi giảm tính lây lan dịch bệnh, giảm áp lực cho nhà sản xuất khi vừa sản xuất vừa lo lắng cho sự an toàn của nhà máy. Tuy nhiên, khi công nhân đã “3 tại chỗ” rồi, “nội bất xuất ngoại bất nhập” thì có cần thiết xét nghiệm liên tục vậy không? Thành phố nên xem xét bỏ quy định này để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Việt đề xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Luận thẳng thắn nhận định thành phố đang bộc lộ nhiều sự lúng túng trong phương án chống dịch kết hợp duy trì sản xuất, kinh doanh. Liên tục các quyết sách từ lập chốt chặn, yêu cầu phương tiện qua TP phải có giấy chứng nhận... cho tới yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, xét nghiệm định kỳ với công nhân 7 ngày/lần, đều chưa hợp lý. “Thực tế, dịch bệnh diễn ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thời gian qua đã rất cầm chừng. Liên tục phải gánh chịu nhiều khó khăn từ những quyết sách không phù hợp khiến các doanh nghiệp càng kiệt quệ hơn. Nếu tiếp tục thế này, các doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục hoạt động, không thể tránh khỏi đứt gãy chuỗi sản xuất”, ông Luận cảnh báo.

Ông Chu Tiến Dũng, Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA), nhận xét quyết định để cho doanh nghiệp có 1,5 ngày chuẩn bị cho phương án “3 tại chỗ” là quá khó khăn. Chỉ trong vòng 1,5 ngày, các doanh nghiệp sẽ phải đánh giá để tự đưa ra quyết định. Nếu dừng cũng sẽ cần triển khai rất nhiều hoạt động như thông báo cho đối tác, xử lý nguyên phụ liệu, hoàn tất sản xuất sản phẩm còn dở dang... là quá gấp gáp. Bây giờ không chỉ đứt gãy chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp với các đối tác, mà còn đứt gãy ngay trong chính từng đơn vị”, ông Dũng nói.

Theo ông Lương Nguyên Tâm, những thay đổi này hiện là cản trở lớn nhất đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện còn rất nhiều đơn hàng tồn đọng công ty vẫn chưa làm được, doanh nghiệp này phải đàm phán lại với các đối tác, lấy lý do thiên tai dịch bệnh nên may mắn được đối tác thông cảm. Tuy vậy, họ cũng theo dõi và đề nghị cập nhật các quy định mới của TP. HCM để họ có thể dự trù ngày giao hàng nhưng giờ doanh nghiệp cũng “không biết đằng nào mà lần”. “Tiền hỗ trợ công nhân, tiền thuê nhà xưởng... khiến doanh nghiệp chịu áp lực khủng khiếp. Trong khu công nghiệp, hàng loạt công ty đã phải cho công nhân nghỉ việc. 

Thiết nghĩ, các doanh nghiệp đều rất muốn tuân thủ các quy định của nhà nước, chứ không phải họ muốn than thở để đòi được bất tuân thủ hay được quyền ưu tiên. “Tuy nhiên, trước khi ra quy định mới, thành phố cần có triển khai hướng dẫn chi tiết, cụ thể tới khu công nghiệp để có chỉ dẫn cho doanh nghiệp. Các quyết định nên có thời hạn ít nhất 3 - 4 ngày để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Đồng thời, thành phố cũng cần có sự chuẩn bị về mặt hậu cần để hỗ trợ doanh nghiệp có thể đáp ứng quy định như sắp xếp”, ông Tâm nói.

Ngọc Minh

Theo NTDVN

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP