Theo một báo cáo gần đây của tổ chức nhân quyền quốc tế – Safeguard Defenders, trung bình mỗi ngày có ít nhất 20 người “mất tích” vì chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Những người bị chính quyền bắt giữ đều không có lệnh từ tòa án, sau đó bị giam tại các địa điểm bí mật. Tại đây, họ không được giao tiếp với bất kỳ ai và bị cô lập trong vòng nửa năm.
Theo báo cáo công bố ngày 30/8, người bị giam giữ bên trong các cơ sở này sẽ không được gặp luật sư và người thân trong gia đình, hầu hết họ đều phải chịu sự tra tấn, đánh đập hàng ngày.
Hành vi bắt cóc có hệ thống được nhà nước “hậu thuẫn”
Peter Dahlin – Giám đốc của một Tổ chức phi lợi nhuận tại Madrid cho hay, hệ thống giam giữ như thế này được hợp pháp hóa vào năm 2013, với tên gọi chính thức là “Giám sát dân cư tại điểm chỉ định” (RSDL), nó cho phép cảnh sát Trung Quốc hành động mà không cần sự giám sát, đồng thời còn cho phép họ có được “quyền lực vô song đối với các nạn nhân của mình”.
Ông Dahlin chia sẻ với Epoch Times: “Nếu cảnh sát muốn, họ có thể đánh bạn đến nhừ tử ngay ngày đầu tiên, sau đó để bạn hồi phục trong 6 tháng tiếp theo rồi mới thả bạn, và sẽ không ai biết được điều này”.
Safeguard Defenders cho biết, giai đoạn 2013-2019, ước tính đã có khoảng 28.000 đến 29.000 người phải trải qua hình thức giám sát RSDL. Tuy nhiên, số liệu trên thực tế có thể còn lớn hơn nhiều, bởi con số trên không bao gồm những người được thả tự do trước ngày hầu tòa.
Tổ chức phi lợi nhuận tuyên bố: “Đây là hành vi bắt cóc hàng loạt được nhà nước cho phép”.
Báo cáo kết luận rằng, việc chính quyền nhà nước “tiến hành rộng rãi và có hệ thống” các vụ bắt giữ cưỡng chế, làm gợi nhớ đến những vụ bắt cóc do các chế độ độc tài Nam Mỹ tiến hành trong những năm 1960 -1970, và có thể cấu thành tội ác chống lại loài người theo luật pháp quốc tế.
Đối tượng nhắm đến của RSDL
Dahlin cho biết, hệ thống này thường được sử dụng để xử lý các đối tượng có tiếng nói như luật sư, nhân viên tổ chức phi chính phủ, nhà báo và người nước ngoài bị bắt giữ theo chủ trương “ngoại giao con tin” của chính quyền Trung Quốc.
Tổ chức cho biết, những nạn nhân này bị giam giữ trong một thời gian dài sau đó sẽ được thả tự do, vụ án của họ cũng không được tiếp tục truy tố hoặc xét xử.
Tuần trước, chính phủ Úc thông báo rằng Thành Lôi – một công dân Úc sinh ra tại Trung Quốc. Cô làm việc cho cơ quan báo chí tiếng Anh của nhà nước Trung Quốc.
Tháng 8/2020, Thành Lôi đã bị bắt giữ và giám sát theo hình thức RSDL. Hiện vẫn chưa rõ nguyên do bắt giữ là vì sao, và cũng không có cáo buộc nào được đưa ra.
Dựa vào các cuộc phỏng vấn những nạn nhân Trung Quốc bị bắt dưới hình thức RSDL, tổ chức nhận thấy có một số lượng đáng kể nạn nhân bị tra tấn về thể chất, trong đó có đánh đập, cấm ngủ, tra tấn và ngược đãi tâm lý.
Dahlin cho hay: “Một khi đã vào trong, chúng ta sẽ bị nhốt vào các phòng giam nhỏ, các nạn nhân bảo rằng họ không hề được thấy ánh sáng mặt trời trong nhiều tháng liên tục, thứ ánh sáng duy nhất trong phòng là ánh đèn huỳnh quang lúc nào cũng bật”.
“Trên thực tế, khoảng thời gian duy nhất mà người bị giam không phải nhìn chằm chằm vào tường là lúc họ bị thẩm vấn, nó thường diễn ra trong một căn phòng khác kế bên phòng giam, thời gian là ban đêm để khiến giấc ngủ của họ bị gián đoạn”.
Theo Công ước Chống tra tấn của Liên hợp quốc, một hiệp ước đã được Trung Quốc phê chuẩn thì: RSDL là một hình thức biệt giam, việc tiến hành hình thức trong hơn 15 ngày sẽ bị cấu thành hành vi tra tấn.
“Khoảng thời gian trung bình giam giữ theo hình thức RSDL chính là dấu hiệu của hành vi tra tấn hàng loạt và có hệ thống”, báo cáo cho biết.
Những người mất tích
Luật sư Cao Trí Thịnh
Trường hợp mất tích của luật sư nhân quyền nổi tiếng Trung Quốc – Cao Trí Thịnh.
Đột nhiên “mất tích” chính là biện pháp trừng phạt dành cho bất kỳ cá nhân nào lên tiếng chỉ trích, hoặc bất đồng chính kiến với chính quyền Trung Quốc.
Cao Trí Thịnh là một luật sư tự học. Ông đã dũng cảm lên tiếng bảo vệ những người dân Trung Quốc phải đối mặt với các cuộc đàn áp tôn giáo, tín ngưỡng. Ví như các học viên Pháp Luân Công, các tín đồ Cơ đốc giáo cũng như những người bị chính quyền chiếm giữ tài sản bất hợp pháp.
Kể từ năm 2006, luật sư Cao đã nhiều lần mất tích, bị tra tấn và bị bỏ tù. Năm 2009, Cảnh Hòa – vợ của luật sư Cao đã trốn sang Hoa Kỳ cùng các con.
Trước đó, bà đã chia sẻ với Epoch Times rằng, anh trai của luật sư Cao thường đến đồn cảnh sát địa phương tại thành phố Yilin, tỉnh Thiểm Tây phía Tây Bắc Trung Quốc để hỏi về tung tích của em trai của mình.
Bà cho hay: “Đầu tiên, họ bảo với anh ấy rằng Cao đang ở Bắc Kinh và cần nhận chỉ dẫn từ cấp trên. Sau đó, họ lại bảo anh ấy đang ở Yilin, rồi họ nói rằng họ cũng không biết anh ấy đang ở đâu”.
Hiện bà Cảnh Hòa đang nhờ cậy vào cộng đồng quốc tế để giúp tìm ra tung tích của chồng mình. Bà cho hay: “Ngày nào tôi cũng lo lắng. Khi vừa xong công việc là tôi lập tức nghĩ đến anh ấy. Mọi thứ tự nhiên hiện ra trong đầu tôi, rồi tôi nhanh chóng gọi hỏi anh trai của anh ấy, nhưng chẳng nhận được tin gì”.
Luật sư Dư Văn Sinh
Tháng 6/2020, luật sư nhân quyền người Trung Quốc – Dư Văn Sinh đã bị kết án 4 năm tù, sau khi tòa tuyên án ông phạm tội danh “kích động lật đổ chính quyền nhà nước”.
Tương tự như Cao Trí Thịnh, Dư Văn Sinh là một luật sư nhân quyền nổi tiếng, năm 2018 ông đã bị bắt khi đi đang trên đường cùng con trai đến trường. Hiện vợ của vị luật sư – Từ Ngạn đang lo lắng rằng chồng mình có thể sẽ tàn tật do bị tra tấn trong tù.
Luật sư Dư đã bị tạm giam 3 năm trước khi hầu tòa. Trong thời gian này, chính quyền Trung Quốc chưa một lần cho phép người nhà đến thăm ông. Từ Ngạn đã ít nhất 60 lần cố tìm cách gặp các quan chức chính phủ, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích.
Không từ bỏ, bà đã đệ trình khoảng 300 yêu cầu tại các cơ quan chính phủ khác nhau về việc giam giữ chồng mình, nhưng không nhận được một hồi âm nào. Thậm chí, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành theo dõi, quấy rầy Từ Ngạn khi cô có biểu hiện bênh vực, lên tiếng cho chồng mình.
Việt Anh (theo Tinh Hoa)