Halloween: Từ lễ tránh tà ma trở thành ‘ngày hội ma quỷ’

Halloween: Từ lễ tránh tà ma trở thành ‘ngày hội ma quỷ’

Halloween: Từ lễ tránh tà ma trở thành ‘ngày hội ma quỷ’

Halloween: Từ lễ tránh tà ma trở thành ‘ngày hội ma quỷ’

Halloween: Từ lễ tránh tà ma trở thành ‘ngày hội ma quỷ’
Halloween: Từ lễ tránh tà ma trở thành ‘ngày hội ma quỷ’
Thứ sáu, 27-12-2024 08:08, (GMT+07:00)
Halloween: Từ lễ tránh tà ma trở thành ‘ngày hội ma quỷ’
02-11-2022 14:54

Ảnh: Freepik.

 

Halloween vốn là lễ hội ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, lễ hội này biến tướng thành thành “ngày đập phá, ăn mặc kinh dị” cùng những trò giải trí vô bổ, tốn kém đối với giới trẻ khi du nhập vào Việt Nam.

Những ngày vừa qua, hàng loạt các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán bar, siêu thị đến các công viên văn hóa, nhà thiếu nhi, một số trường học… đều tất bật tổ chức hóa trang ‘ăn mừng’ lễ hội Halloween. Tại nhiều tụ điểm treo nhiều băng-rôn với những khẩu hiệu rùng rợn, mang đầy sự chết chóc, máu me; Nhiều trường mẫu giáo còn tổ chức cho các cháu học sinh thi hóa trang ma quỷ để tham gia lễ hội này. Nhiều học sinh đua nhau mua các loại mặt nạ kinh dị bằng chất dẻo, được nhuộm màu đỏ như máu tươi, đeo mặt nạ để dọa mọi người, tổ chức đi chơi phố, phóng nhanh vượt ẩu trong trang phục kinh dị, một số địa điểm vui chơi giải trí đang lạm dụng biến lễ hội này thành những chương trình ma quái, kích động bạo lực.

Ngày nay Halloween được người Việt yêu thích như một ‘lễ hội ma quỷ’. Nhưng ý nghĩa nguyên bản của ngày lễ này là gì, vì sao nó bị biến tướng như vậy, và hiểm họa nào tiềm ẩn đằng sau sự nhận thức sai lệch?

Halloween có nguồn gốc từ đâu? 

Halloween có tên gốc là All Hallows’ Evening là một lễ hội truyền thống diễn ra ngày 31 tháng 10 trong Kitô giáo Tây phương. “Hallow” là từ tiếng Anh cổ có nghĩa là “Thánh”. Halloween nghĩa là buổi tối Vọng Lễ Chư Thánh. Halloween được tổ chức đầu tiên vào đêm trước ngày Lễ Các Thánh và kết thúc là ngày Lễ Linh Hồn (All Souls Day).

Ban đầu ý nghĩa của ngày lễ này là tôn vinh và tưởng nhớ các vị Thánh tử vì đạo và tất cả các tín hữu trung kiên đã qua đời.  Trong đêm Vọng Lễ Chư Thánh tại một số nơi trên thế giới, các Kitô hữu tới viếng thăm nghĩa trang đặt hoa và nến trên mộ phần người thân yêu, cầu nguyện cho các linh hồn đang thanh tẩy trong luyện ngục, làm bánh linh hồn (“soul cakes”) và chia sẻ cho trẻ em và người nghèo. 

Vào ngày áp lễ Các Thánh, tại Ireland có tục lệ gõ đập nồi niêu để các linh hồn chịu phạt trong hỏa ngục biết rằng họ không bị quên đi. Công giáo La Mã cho rằng, những lời cầu nguyện trên trần thế sẽ giúp những linh hồn tẩy rửa được tội lỗi và sớm được về với Chúa. Tại Pháp, người ta vẽ các bức họa vũ điệu của cái chết (danse macabre) để nhắc nhở về sự phù vân của cuộc đời trần thế. Chủ đề này còn được tái hiện trong các đám rước ở làng và các vở vũ kịch dành cho quý tộc.

Ngày lễ Halloween và Rằm tháng Bảy Âm lịch của nước ta được xem như ngày hai cõi Âm – Dương hội ngộ. Theo ý nghĩa này, Halloween là ngày để nhắc nhở người sống có đức tin và xin lòng thương xót của Chúa đối với các linh hồn.

Ảnh: Freepik.

Ngày lễ của đức tin

Halloween có nguồn gốc từ lễ hội cổ xưa của người Celtic ở thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Hơn 2000 năm trước, người Celtic ăn mừng năm mới của họ bằng cách tưởng nhớ những người đã khuất. Họ tin rằng mỗi năm một lần sẽ có cánh cửa mở ra giao thoa giữa hai thế giới của người sống và người chết. Các linh hồn với những sinh vật khác có thể bằng cánh cửa đó, mà đi lại giữa những người sống một lần nữa.

Tuy nhiên, theo quan niệm cổ xưa, những linh hồn tà ác cũng có thể đi qua cánh cổng này để ăn thịt con người. Người ta tin rằng cách để tránh khỏi những linh hồn độc ác là nên mặc trang phục và đeo mặt nạ. Mục đích của họ là để ngụy trang mình thành một linh hồn tà ác khác và do đó tránh bị làm hại. Theo ý nghĩa này, Halloween có ý nghĩa là lễ hội tránh tà ma, và việc hóa trang hoàn toàn không phải để chơi đùa.

Ở những nền văn hóa rất khác nhau, từ những vùng đất cách xa nhau trên thế giới, đều có ngày lễ tương tự về những sinh mệnh vô hình. Nghĩa là nhân loại từ rất xa xưa, dù ở phương Đông hay phương Tây đều tin tưởng rằng sau cái chết, sinh mệnh tiếp tục một hành trình mới. 

Những ngày lễ hội như Halloween có ý nghĩa nhắc nhở con người về thế giới tồn tại sau khi chết, sinh mệnh tiếp tục trong luân hồi, lên Thiên Đàng hay Địa ngục, hay bơ vơ vất vưởng không nơi nương tựa đều là do nhân quả nghiệp báo trong kiếp này. Từ đó cảnh tỉnh con người hướng thiện, tích phúc để không phải chịu thống khổ sau khi kết thúc kiếp sống này ở trần thế.

Bí ngô là một biểu tượng của Halloween gắn với một câu chuyện truyền thuyết rất ý nghĩa kể về một chàng thiếu niên có tên là Jack. Jack đã chết nhưng linh hồn không được lên Thiên Đàng vì lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì. Thế nhưng anh ta lại cũng không thể xuống Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không bắt anh.

Thấy Jack khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa Ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm trên đường đi. Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của mình. Đây cũng là lý do vì sao bí ngô trở thành biểu tượng chính cho ngày Halloween.

Rõ ràng, Halloween là ngày lễ phủ nhận thuyết vô Thần khi cho rằng chết là hết và không hề có kiếp sau. Ngày lễ này mang ý nghĩa răn dạy con người phải tránh xa ma quỷ – chính là hiện thân cho những thói xấu ở đời như độc ác, ích kỷ, tham lam… Trong câu chuyện của Jack ta có thể thấy bởi Jack phát triển ma tính, làm nhiều điều xấu cho nên không thể lên Thiên Đàng. Khi chết, cậu đã trở thành cô hồn, không có một chỗ nương thân bởi Thiên Đàng và Địa Ngục đều từ chối. 

Ý nghĩa của lễ hội Halloween ban đầu, dù theo nguồn gốc nào, đều là hướng tới đức tin, khuyên con người tránh xa ma quỷ, không làm những điều xấu xa tội lỗi, tuyệt nhiên không phải là một ngày hội để giải trí, vui đùa và biến mình thành ma quỷ như ngày nay.

Rất nhiều người không hiểu ý nghĩa của ma quỷ là gì. Trong tôn giáo giảng rằng ma quỷ đại diện cho cái Ác. Trong mỗi người đều có phần Thiện và phần Ác, cho nên Phật gia giảng Phật tính là khi con người làm điều thiện, từ bi, còn ma tính là khi phóng túng phần ác trong bản thân, như dục vọng, tham lam, lười biếng, độc ác, đố kỵ… 

Câu chuyện Jack trong truyền thuyết về ngày Halloween để lại bài học cho thế nhân đừng bao giờ chơi đùa hay liên minh với ma quỷ. Vậy mà đó chính là điều mà được cổ xúy trong ngày này hiện nay. Thật lạ là ngày lễ nhắc nhở về đức tin lại được tổ chức rộn ràng ở những nơi mà người ta thừa nhận bản thân mình vô Thần. Có lẽ bởi thế, ngày nay Halloween trở thành một lễ hội ‘kiểu vô Thần’, đã biến tướng đi quá xa so với nguồn gốc ban đầu. 

Ảnh: Freepik.

Một lễ hội bị biến tướng

Giới trẻ coi ngày Halloween như một dịp được nghịch ngợm, dọa ma, chọc phá mọi người trong trang phục dị hợm. Lễ hội Halloween khi du nhập vào nước ta đã bị biến tướng, gây phản cảm. Nhiều em học sinh diện trang phục rách rưới, bôi phẩm xanh đỏ, đeo mặt nạ kinh dị, máu me chết chóc để tham dự lễ hội Halloween. Người ta hóa trang không phải để tránh tà ma mà là hóa trang sao cho càng giống ma càng tốt. 

Những cái tên gợi sự liên tưởng chết chóc như Quỷ dữ đội mồ; Oan hồn sống lại; Xác sống báo thù, thậm chí cả Hôn lễ ma quỷ… được quảng cáo ở khắp mọi nơi. Những món đồ phục vụ cho việc hóa trang thành những xác chết, linh hồn bày la liệt trên phố. Tràn ngập mạng xã hội là hình ảnh người trẻ, các ông bố bà mẹ hóa trang cho con thành những nhân vật rùng rợn, ma quái. Cảm giác vào những ngày này, không còn gặp con người thực, tồn tại thực, đâu đâu cũng là địa ngục.

Từ diện mạo, hành động, lời nói, thậm chí cả ý nghĩ cũng nương theo ma quỷ khi cố tình dọa nạt người khác, đó đều là những thứ giải trí phóng đại ma tính, vốn là điều trái ngược với lời răn trong nguyên bản ý nghĩa ban đầu của ngày lễ này chính là khuyên con người tránh xa ma quỷ.

Rõ ràng, việc du nhập lễ hội và biến tướng ý nghĩa thực, đã biến Halloween thành một thứ văn hóa lai căng, cố xúy những điều kinh dị bạo lực, không khơi dậy tính thiện, nhồi nhét vào đầu óc những ám ảnh kinh hoàng về cái chết, quỷ quái… Vậy mà lại trở thành ‘ngày lễ’ được chào đón và chính thức hóa ở trong trường học, phổ biến tới mức nhiều trường mầm non, cấp 1 đã đưa vào như một “hoạt động ngoại khóa” vui chơi được duy trì hàng năm. 

Việc giả quỷ, giả ma với những bộ đồ biến dị, hành động buông tuồng nhảy nhót quay cuồng, gào thét hú khóc với những biểu tượng kinh dị mà ngày nay giới trẻ phóng túng thể hiện như một cơ hội để biến mình thành ma quỷ, đã làm lệch lạc ý nghĩa của ngày Halloween. 

Vì sao ngày lễ của đức tin trở thành ngày hội ma quỷ?

Làm thế nào mà Halloween bị biến thành một lễ hội đen tối với nhiều thứ hỗn tạp, với những trò tiêu khiển kỳ lạ, ma quái, đáng sợ trở thành “ngày hội của ma quỷ”? 

Halloween không còn là ngày lễ với mục đích tôn vinh thần thánh, cầu nguyện cho những người trong luyện ngục để nhắc nhở chúng ta phải sống như thế nào và lòng thương xót của Chúa với các linh hồn, tuy nhiên Halloween lại là một lễ hội để kiếm được số tiền khổng lồ, chỉ đứng sau ngày lễ Giáng sinh. Đây là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la, đó là lý do tại sao các công ty quảng bá nó rầm rộ, từ ngành công nghiệp bánh kẹo đến trang phục, đồ trang trí, thẻ bài, những phù thủy, yêu ma, đèn lồng, ma cà rồng, người sói, lừa, v.v., tất cả đều trở thành nhân vật trong lễ hội này.

Cận kề Halloween, thị trường hóa trang càng trở nên sôi động. Cùng với đó, rất nhiều vật dụng hóa trang ghê rợn, bạo lực được nhiều người săn lùng. Những món đồ chơi phục vụ cho mùa lễ hội này đã khiến không ít người hãi hùng.

Ảnh: Freepik.

Một chủ cửa hàng chuyên bán đồ hóa trang tiết lộ: “Trong mấy năm gần đây nhờ trào lưu lễ hội Halloween mà cửa hàng làm ăn khá tốt, cứ đến dịp này tôi lại đặt một số lượng các loại đồ chơi kinh dị như bịch máu giả, hộp tử thần, mặt nạ da …bán rất chạy thậm chí “cháy” hàng”.

Không chỉ các cửa hàng mới có lợi nhờ Halloween mà rất nhiều quán cà phê cũng chọn Halloween để làm “mồi” câu khách hàng, với rất nhiều lời mời hấp dẫn như tham gia ngay lễ hội ma quỷ để có cảm giác mạnh, cùng dắt nhau đến âm tào địa phủ… khiến cho trào lưu này trở thành “thú vui” mới mẻ được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Nhiều bạn thậm chí sẵn sàng chi ra hàng triệu, chục triệu đồng để có một buổi ăn chơi hoành tráng, sắm sửa những bộ đồ hóa trang đắt tiền. 

‘Phục yêu’ chiêu mời họa

Ngày nay Halloween được chào đón nồng nhiệt ở các xứ xở vô thần. Trong một xã hội mà con người không có đức tin chân chính, không có niềm tin thuần khiết vào Thần thánh, thì đó là mảnh đất vàng cho ma quỷ lộng hành.

Trong xã hội cổ đại, những người mặc trang phục kỳ dị, hay đeo trang sức quái dị, trang điểm theo phong cách quái gở được gọi chung là “phục yêu” (người mặc trang phục quái dị). Sách Hán Thư viết rằng: “Phong tục cuồng loạn, làm thay đổi phép tắc, là vì xem nhẹ y phục kỳ quái, có mang tính ma mị là điềm không may.” Từ trong những câu chuyện lịch sử, người xưa tin rằng: Dùng đồ trang sức tạp loạn, trang điểm như khóc chiêu mời hoạ.

Phật gia giảng rằng: “Nhân tâm câu đích quỷ thượng môn”, ý tứ là nhân tâm bất chính kích thích quỷ đến cửa. Lại nói: “Tâm động quỷ thần tri”, nghĩa là: Trong lòng nghĩ gì quỷ thần đều biết. Bởi vậy, khi mục đích mặc trang phục sao cho giống ma quỷ, trong cách đi đứng, nói năng, hù dọa… càng giống ma quỷ càng thích thú, cố tình đồng hóa bản thân với ma quỷ, truy cầu chúng thì chúng sẽ khống chế hoàn toàn lý trí, nhận thức của con người. 

Tất cả các tôn giáo, tín ngưỡng trên thế giới đều giảng rằng, con người là do Thần tạo ra chiểu theo hình tượng của Thần, là anh linh của vạn vật. Khi thích thú hóa trang đồng hóa bản thân với ma quỷ, một mặt con người hạ thấp bản thân xuống ngang tầm với tà ma, đến bản thân cũng không trân quý, thì làm sao nhận được sự bảo hộ của Thần. Mặt khác vô tình đã phạm phải tội lỗi đáng sợ là bất kính với Thần. Lựa chọn biến mình thành ma quỷ cũng là biểu hiện đức tin của một người đối với Thần.

Hơn nữa khi người ta quen thuộc thích thú với những thứ xấu ác thì sẽ không phân biệt được đúng – sai, thiện – ác, sẽ dễ dãi phóng túng những ma tính của bản thân. Càng rời xa Thần, con người càng gần hơn với ma quỷ. Sự biến tướng của một ngày lễ văn hóa và trào lưu cổ xúy cho những thứ biến dị, đáng báo động về nhận thức của con người trong xã hội hiện đại. 

Trẻ em vốn rất nhạy cảm và có ấn tượng sâu sắc với các hình ảnh, câu chuyện. Có những cô bé, cậu bé đã khóc thét khi nhìn thấy bạn bè được bố mẹ hóa trang cho thành những nhân vật kinh dị, thậm chí có những bé nhạy cảm, còn sốc tâm lý tới trầm cảm, khi nghĩ những người xung quanh chính là hồn ma, mấy ngày sau vẫn giật mình trong giấc ngủ và không dám tới trường. Lễ hội này nuôi dưỡng điều gì trong tâm hồn con trẻ?

Luồng tư tưởng chủ đạo của nhân loại ngàn đời vẫn luôn là hướng Thiện, đó là cách duy nhất để nhân loại tồn tại mà tránh được sự tự hủy diệt. Thế nên ở nền văn minh nào, đời nào, người ta cũng ca ngợi Thần, ca ngợi cái đẹp, cái thiện lương, khuyên nhủ nhau tránh xa cái xấu xí, tăm tối. 

Tốt xấu khác nhau từ một niệm. Thiên đường Địa ngục cách nhau cũng chỉ bằng một ý nghĩ. Chỉ khi có chính niệm (suy nghĩ đúng đắn) thì mới có thể chính hành (hành vi đúng), mới có thể phân biệt được thật sự thiện ác, tốt xấu, lựa chọn và đồng hóa bản thân với những điều tốt đẹp, lành mạnh. Lựa chọn Thần hay quỷ, thực sự không phải là một trò đùa.

Video: Halloween- Cánh cửa địa ngục Cái bẫy hoán đổi linh hồn| TCT Khám Phá

Lam Thư

Theo ĐKN

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP