Người xưa có câu: “Người đang làm, Trời đang nhìn”, để nói rằng bất cứ việc làm thiện ác nào của con người cũng không thoát khỏi sự giám sát của Thần Phật và ma quỷ. Câu chuyện ngoại tình trong đêm tối dưới đây là một ghi chép chân thực về điều này.

Từ xưa đến nay, thế gian có rất nhiều người có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được sự tồn tại của Thần Phật và ma quỷ. Học giả Kỷ Hiểu Lam thời nhà Thanh là một ví dụ trong số đó. Thuở nhỏ, Kỷ Hiểu Lam được gọi là “thần đồng”, ngoài ra ông còn sở hữu công năng nhìn thấy đồ vật trong đêm tối. Không chỉ đảm nhiệm chức quan biên soạn “Tứ Khố Toàn Thư”, những năm về sau Kỷ Hiểu Lam còn biên soạn 25 cuốn “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” nhắc nhở người đời về quy luật thiện ác hữu báo. Trong “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký”, Kỷ Hiểu Lam có ghi chép một câu chuyện như sau.

***

Trong thôn có một người đàn bà chồng vừa mới qua đời. Một gã đàn ông không đứng đắn đã bỏ tiền mua chuộc bà lão hàng xóm của người phụ nữ này để mai mối cho gã gian díu với ả. Ban đêm, gã lẻn vào phòng quả phụ, khi đóng cửa chuẩn bị đi ngủ, ngọn nến trong nhà bỗng chuyển sang màu xanh lục rồi tối lại, thu nhỏ lại bằng hạt đậu, sau đó “phừng” một tiếng, ngọn lửa đỏ rực bắn ra bốn phía, tạo thành một quầng sáng có đường kính khoảng 2 thước (khoảng 66cm), to bằng một chiếc gương. Giữa quầng sáng xuất hiện khuôn mặt một người, hóa ra là người chồng mới qua đời của góa phụ. Đôi nam nữ hoảng sợ hét lên rồi ngã nhào xuống dưới giường. Nghe thấy động tĩnh lớn, người trong nhà đều kinh ngạc tỉnh dậy kiểm tra, vậy là gian tình của hai người cứ thế bại lộ.

Có người nói: “Quả phụ kia thất tiết không ít lần, tại sao chỉ có con ma đó là linh nghiệm?”.

Tôi (Kỷ Hiểu Lam) cho rằng, ma quỷ cũng có mạnh có yếu, cũng như con người có thịnh có suy. Đây là con ma mạnh, thêm vào đó tinh thần của hai người kia không ổn định, ở vào thế yếu cho nên con ma này mới có thể tác quái như vậy.

Không biết có bao nhiêu linh hồn ôm hận xuống dưới cửu tuyền, bị mắc kẹt trong ác duyên oan nghiệt suốt bao kiếp cũng không được giải thoát. Con người không như những gì thế gian vẫn nói: “Người chết đèn tắt”, thể xác chết đi, linh hồn cũng theo đó mà tan biến.

Cũng có người nghi ngờ: “Đây là yêu ma giả dạng thành người chồng đã chết để dọa ma”.

Điều này cũng có thể đúng. Tuy nhiên, tà ma không vô duyên vô cớ trỗi dậy, mà vì có người gây ra. Cũng có thể là sự oán hận của hồn ma bị kêu gọi trỗi dậy mà thành yêu quái, ác ma sẽ thừa dịp mượn cớ tác quái. Nếu không, sao lại không nghe nói trong phòng Đào Anh (trong nhà Đào Anh), có quỷ Lê Khâu đến tác quái?

“Quỷ Lê Khâu” là một loại yêu tinh rất giỏi bắt chước hình dáng của con người để mê hoặc người khác. Đào Anh là con gái trong một gia đình họ Đào ở nước Lỗ thời kỳ Xuân Thu. Nàng còn trẻ đã ở góa thủ tiết, một mình nuôi dưỡng đứa trẻ mồ côi, mưu sinh bằng nghề kéo sợi dệt vải. Người nước Lỗ nghe chuyện về nàng, ngưỡng mộ tiết hạnh của nàng, bèn nhờ người đến cầu hôn.

Đào Anh biết chuyện, tự làm một bài thơ “Hoàng hộc chi ca” để bày tỏ ý nguyện thủ tiết không gả của mình. Người nước Lỗ biết được câu trả lời của nàng, cũng không dám tìm người mai mối cầu hôn nữa (Theo “Liệt nữ truyện. Quả phụ nước Lỗ-Đào Anh” của Lưu Hướng thời nhà Hán). Người đời sau đã lấy “Đào Anh” làm hình tượng điển hình cho trinh tiết của người phụ nữ.

Ý của Kỷ Hiểu Lam ở đây chính là: vì hành động bất chính của bản thân mới gọi ma quỷ đến; nếu không, trung trinh thủ tiết như góa phụ Đào Anh nước Lỗ thời Xuân Thu sao trong nhà không bao giờ xuất hiện ma quỷ?!

Video: Câu chuyện nhà tâm linh phương Đông và cuộc hành trình tìm kiếm kì lạ

Quỳnh Chi – Thanh Ngọc
Tham khảo Sound Of Hope