TS. BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cho biết, đột quỵ não ở Việt Nam đang ở mức báo động đỏ. Mỗi năm, Việt Nam có 200 nghìn người bị đột quỵ.
Đây là thông tin do TS. BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ (S.I.S) cung cấp cho Doanh nghiệp và Tiếp thị vào tối 29/12.
Cứ 45 giây có một ca đột quỵ và 4 phút có 1 người tử vong
Theo bác sĩ Cường thì thời gian gần đây vấn đề đột quỵ mới “nóng lên” trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm nhưng thực tế, từ trước tới nay các cơ sở y tế vẫn luôn quá tải và tỷ lệ người tử vong và tàn phế do đột quỵ vẫn luôn là cao nhất.
Trên thế giới hàng năm số người mắc đột quỵ là khoảng hơn 15 triệu người, tương đương với dân số của TP.HCM. Cứ 45 giây thì có một ca đột quỵ và 4 phút có 1 người tử vong vì đột quỵ. Đây là vấn đề nhức nhối của toàn thế giới chứ không chỉ Việt Nam.
Tại Việt Nam, chỉ riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm đã có khoảng 30 nghìn bệnh nhân đột quỵ cần cấp cứu.
Cảnh báo đột quỵ ở người trẻ do thời tiết giá lạnh
Thanh Niên dẫn nguồn tin ngày 24/12 từ Bệnh viện Đà Nẵng cho biết những ngày qua bệnh viện này đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp đột quỵ nặng ở mức xuất huyết não, trong đó có những người trẻ, do thời tiết giá lạnh…
Nữ bệnh nhân N.T.T.V (34 tuổi, ngụ Đà Nẵng) là một trong những ca đột quỵ bệnh viện tiếp nhận mới đây, đột ngột bị liệt nửa người bên trái và được đưa vào cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, xuất huyết não, hôn mê dần, suy hô hấp phải thở máy…
Nguyên nhân chẩn đoán ban đầu là do thời tiết lạnh làm biến đổi trong cơ thể, gây những cơn tăng huyết áp, những cơn co mạch đột ngột dẫn đến đột quỵ. Hiện bệnh nhân vẫn đang được theo dõi đặc biệt dù đã được phẫu thuật áp sọ não kịp thời…
Theo bác sĩ Dương Quang Hải, Phó trưởng Khoa Đột quỵ (Bệnh viện Đà Nẵng) thì thời tiết lạnh kéo dài, cơ thể chịu sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, vận động sai cách và thiếu khoa học… chính những yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ, đặc biệt ở những người trẻ.
Đột quỵ phần lớn liên quan đến lối sống, thói quen sinh hoạt
Theo bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ thì đột quỵ phần lớn do liên quan đến lối sống, thói quen sinh hoạt, một số do dị dạng mạch máu bẩm sinh.
Cụ thể, trong số các trường hợp đột quỵ trẻ dưới 40 tuổi tại Việt Nam thì có đến 80% là nam giới và 100% là có hút thuốc lá hơn 1 gói/ngày hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động), uống rượu bia 5,6 ngày/tuần.
Đây là thói quen sinh hoạt rất xấu ảnh hưởng tới sức khoẻ nhưng người trẻ chủ quan. Ngoài ra, một nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ khác theo bác sĩ Cường là việc người trẻ Việt hiện nay rất lười vận động, lười đi bộ.
Chuyên gia gửi 5 câu hỏi để người trẻ kiểm tra lối sống
1. Một ngày đi bộ bao nhiêu bước, vận động mất bao nhiêu thời gian?
2. Có ngủ đủ giấc, ăn đủ chất hay không?
3. Mỗi tuần uống bia rượu bao nhiêu lần, mỗi lần uống bao nhiêu rượu bia?
4. Có quan tâm tới huyết áp của mình không?
Có kiểm tra khi thấy bất thường không?…
Đây là 5 câu hỏi do bác sĩ Cường đưa ra cho người trẻ tự hỏi bản thân nếu lo lắng về nguy cơ đột quỵ và cho biết cách để phòng ngừa đột quỵ tốt nhất là có 1 lối sống sinh hoạt khoa học, lành mạnh.
Bệnh nhân cần đến viện trong giờ vàng, trước 6 giờ sau khi bị đột quỵ
Bác sĩ Cường nhận định, có một vấn đề làm gia tăng gánh nặng đột quỵ là đa số bệnh nhân bị đột quỵ đến bệnh viện muộn quá 6 giờ, thậm chí 2 ngày sau mới đến bệnh viện. Lúc này, tình trạng bệnh nhân đã rất nặng, nguy cơ tử vong cao, nếu qua khỏi phần lớn trông chờ việc điều trị phục hồi chức năng.
Do đó, để tránh tính trạng trên, bác sĩ Cường khuyến cáo những người bị các dấu hiệu như mất ý thức thoáng qua, té ngã, ngất xỉu, có cơn động kinh… cần đến bệnh viện sàng lọc nguy cơ đột quỵ, từ các kết quả lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận để người bệnh nắm rõ sức khỏe của bản thân và có những biện pháp phòng tránh đột quỵ…
Ngoài ra, nếu bạn thường xuyên nhức đầu kéo dài, không đỡ sau uống thuốc giảm đau, có dấu hiệu tê dại thoáng qua rồi lại phục hồi… thì nên sàng lọc dị dạng mạch máu não, bác sĩ Cường nhấn mạnh.
Có một lưu ý là đối với bệnh nhân từng bị đột quỵ thì tỷ lệ tái phát cực kỳ cao, chiếm gần 30%, trong vòng 5 năm đầu tiên, nếu không được phòng ngừa.
Vũ Tuấn - Theo Tinh Hoa