Đội quân lừng danh sử Việt từ vua đến tướng đều là phụ nữ

Đội quân lừng danh sử Việt từ vua đến tướng đều là phụ nữ

Đội quân lừng danh sử Việt từ vua đến tướng đều là phụ nữ

Đội quân lừng danh sử Việt từ vua đến tướng đều là phụ nữ

Đội quân lừng danh sử Việt từ vua đến tướng đều là phụ nữ
Đội quân lừng danh sử Việt từ vua đến tướng đều là phụ nữ
Thứ bảy, 04-01-2025 15:15, (GMT+07:00)
Đội quân lừng danh sử Việt từ vua đến tướng đều là phụ nữ
21-10-2020 18:18

Trong thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc, người Bách Việt chỉ giành được độc lập ngắn khi có các cuộc khởi nghĩa nổ ra. Điều kỳ lạ là cuộc khởi nghĩa đầu tiên nhằm thoát khỏi ách đô hộ của nhà Hán lại là một đội quân được lãnh đạo bởi những người phụ nữ. Đây là điều mà người Hán có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng ra được.

Hình ảnh các nữ nhi người Việt tiên phong xông pha trận mạc đã trở thành nỗi kinh hoàng ám ảnh quân Hán lúc đó:

  • Vùng Mê Linh có chị em Trưng Trắc, Trưng nhị.
  • Vùng Yên Dũng, Bắc Giang có nữ tướng Thánh Thiên.
  • An Biên, Hải Phòng có căn cứ của Lê Chân.
  • Tiên La (Thái Bình) có Bát Nạn tướng quân.
  • Bạch hạc (Vĩnh Phú) có nàng Hội.
  • Nga Sơn, Thanh Hóa có Lê Thị Hoa.
  • Động Lão Mai ở Thái Nguyên có Hồ Đề.
  • Tam Nông, Vĩnh Phú có Xuân Nương.
  • Châu Đại Man (Tuyên Quang) có Nàng Quỳnh, Nàng Quế.
  • Thanh Sơn, Vĩnh Phú có Đàm Ngọc Nga.
  • Tam Thanh (Vĩnh Phú) có Thiều Hoa.
  • Bạch Hạc (Vĩnh Phú) có Quách A.
  • Tiên Nga (Vĩnh Phú) có Vĩnh Hoa.
  • Vĩnh Tường, Vĩnh Phú có Lê Ngọc Trinh.
  • Đường Lâm – Sơn Tây có Lê Thị Lan.
  • Thanh Ba (Vĩnh Phú) có Phật Nguyệt.
  • Lang Tài (Bắc Ninh) có Phương Dung.
  • Thương Hồng (Hải Dương) có Trần Nang.
  • Gia Lâm, Hà Nội có Đường Quốc.
  • Bình Xuyên (Vĩnh Phú) có ba chị em Đạm Nương, Hồng Nương, Thanh Nương.
  • Chí Linh, Hải Dương có Quý Lan.

Các nhà sử học xem đây là một chuyện kỳ lạ có một không hai trên thế giới, một dân tộc sau 2 thế kỷ bị đô hộ đã có một cuộc khởi nghĩa ở khắp nơi, mà thủ lĩnh lại toàn là phụ nữ. Trong các thủ lĩnh này, ngoài hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị rất quen thuộc với người Việt, nổi lên hai vị nữ tướng là Thánh Thiên và Lê Chân.

Nữ nhi làm thủ lĩnh

Theo dân gian lưu truyền, thời ấy tại làng Bích Uyển thuộc phủ Kinh Môn, quận Hải Dương một vị quan là Nguyễn Huyến cùng vợ về quê ở ẩn, trước ngày sinh phu nhân nằm mộng thấy một người con gái tự xưng là “Tự nơi dương đình khâm thụ mệnh Trời, xuống đầu nhập thai sinh”. Phu nhân thụ thai đúng 13 tháng, giữa ngày 12 tháng 2 năm Ngọ sinh một gái mày ngài, mắt phượng, tướng mạo oai nghiêm, vợ chồng rất yêu quý con mà đặt mệnh danh cho là Thánh Thiên công chúa.

Thánh Thiên thông minh đĩnh ngộ, học một biết mười, năm lên 9 tuổi tam phần, ngũ điển, lục thao, tam lược đều quán thông. Năm 12 tuổi đã có tài văn chương, thông thạo võ thuật

Ông Nguyễn Huyến thường ngày vẫn đem tâm sự gửi gắm trong mấy câu thơ ngâm nga:

Từ khi thất quốc, vong gia
Vợ chồng, con cái đến nhờ thuyền môn
Lòng riêng báo quốc không chồn
Bình lương chứa chất luôn luôn đã nhiều
Ai tài chửa thấy ai theo
Một mình công việc trăm chiều khó đương

Sau khi cha mẹ qua đời, Thánh Thiên chiêu mộ quân sĩ, luyện chiến thuật, nổi danh một phương. Nghe tin cậu mình từ quan chiêu mộ trai làng, Thánh Thiên đưa quân đến phối hợp cùng cậu mình, giành được nhiều thắng lợi ở vùng Yên Dũng, Bắc Giang. Người Hán liên tục đưa quân tiến đánh nhưng lần nào cũng bị bại trận phải rút về.

Một nữ tướng khác là Lê Chân sinh ra ở làng An Biên (tên cổ là làng Vẻn, nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), con ông Lê Đạo và bà Trần Thị Châu. Gia đình họ Lê chuyên dạy học, làm thuốc, làm nhiều việc thiện cho dân quanh vùng.

Theo dân gian truyền lại thì ông bà Lê Đạo tuổi cao, muộn con nên rất lo lắng. Một hôm, hai vợ chồng lên chùa Yên Tử làm lễ cầu tự. Đêm ấy, ông Lê Đạo nằm mơ thấy hai vị thiên sứ một vị mặc áo xanh tay cầm kim mâu, một vị mặc áo tía tay cầm bảo kiếm dẫn ông lên thiên cung. Ông bàng hoàng kinh sợ vội sụp lạy trước một vị đại quan ngồi trong điện, đầu đội mũ bách tinh, mình mặc áo bào vàng; bên trái bên phải mỗi bên có một vị quan tay cầm giấy bút. Ông Lê Đạo văng vẳng nghe thấy lời truyền bảo:

“Nhà ngươi có phúc lớn, tiếng đến thiên đình. Nay nhân có một tiên nữ phạm lỗi, đày xuống trần 40 năm, cho đầu thai làm con nhà ngươi, sau sẽ làm rạng rỡ gia đình, con trai cũng không sánh kịp”.

Bỗng chuông trống chói tai làm ông chợt tỉnh, biết là nằm mơ. Vợ chồng ra về, một buổi sáng sớm, bà đi ra ngoài ấp thấy một vết chân lớn, đưa chân ướm thử, thấy người xúc động rồi có thai. Sau 12 tháng, sinh được một gái (hôm ấy là ngày 08 tháng 02) mày ngài mắt phượng, sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Nhân cớ ướm chân nên đặt tên là Chân.

Năm Lê Chân 18 tuổi, sắc đẹp và đức hạnh nổi tiếng khắp vùng. Không chỉ có tài thơ ca mà giỏi cả võ nghệ.

Thái thú Tô Định muốn ép Lê Chân về làm tì thiếp, nhưng Lê Chân đã dứt khoát từ chối vì thế mà Tô Định đã sát hại cả bố mẹ nàng. Lê Chân trốn thoát được liền tìm thầy học binh thư, võ nghệ, kết giao với những người cùng chí hướng.

Khi đã tinh thông võ nghệ, Lê Chân cùng các bạn bè tâm phúc theo đường sông xuôi về phía nam. Đến đất An Dương, của sông Cấm (Hải Phòng ngày nay), thì thấy nơi đây đất đai màu mỡ liền dừng chân lập trại khai phá, chiêu thêm dân đến, lập xóm ấp, trồng dâu, nuôi tằm, khai thác thủy hải sản, đồng thời chiêu lập binh mã.

Nhớ cội nguồn, Lê Chân đặt tên cho nơi đây là An Biên trang. Binh sĩ chiêu mộ được tập luyện rất chu đáo và có sở trường thủy trận.

Cuộc khởi nghĩa của các nữ tướng

Mặc dù thời bấy giờ, các cuộc khỏi nghĩa có rất nhiều, nhưng lại không có sự liên kết giữa các nơi. Chính vì vậy, cuối năm 39 sau Công Nguyên, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, hiệu triệu tất cả các thủ lĩnh cùng quy tụ về. Thánh Thiên, Lê Chân cùng hàng chục các nữ thủ lĩnh khác cùng về theo Hai Bà Trưng.

Năm 40 sau Công Nguyên, Hai Bà Trưng xuất quân. Đại hội quân sĩ được tổ chức tại Hát Môn, Trưng Trắc lập đàn tráng, cáo lễ với trời đất, tự xưng là Trưng Nữ Vương, rồi chia quân tiến đánh các nơi.

Thánh Thiên Công Chúa cưỡi ngựa xông trận, quân Hán chặn lại. Ngày xưa mỗi khi ra trận các tướng thường khiêu chiến và đánh trước. Tướng quân Hán thấy tướng quân Nam chỉ là một nữ tướng thì cả cười, không ngờ chỉ mấy đường kiếm Thánh Thiên đã chém bay đầu tướng Hán, thêm một tướng Hán nữa xông trận lại bị Thánh Thiên chém chết. Không chịu nổi nỗi nhục khi quân Bách Việt chỉ có nữ tướng mà hạ liền hai tướng của mình, quân Hán đưa thêm tướng vào trận, thế nhưng chỉ thấy vài đường kiếm đã bị Thánh Thiên chém bay đầu. Mới chỉ thoáng chốc quân Hán mất liền 3 tướng, cả quân tướng Hán đều thất kinh.

Quân Nam hò reo dậy đất, sĩ khí ngùn ngụt xông lên, quân Hán hoảng sợ tháo chạy. Quân Hai Bà Trưng tiến thẳng đến Luy Lâu. Thái thú Tô Định, phải cạo râu, cạo tóc, vứt bỏ cả ấn tín, trà trộn vào đám loạn quân của mình rồi chạy trối chết về nước.

Đường tiến quân của Hai Bà Trưng năm 40 SCN.

Tất cả các châu quận đều được quân Hai Bà Trưng chiếm lại, gồm các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải v.v… tức bao gồm cả tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông Trung Quốc ngày nay.

Bản đồ Lĩnh Nam thời Trưng Vương.

Sách sử nhà Hán có ghi chép lại rằng: “Năm Kiến Vũ thứ 16 (tức năm 40 sau Công Nguyên), người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh phá quận. Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, là vợ Thi Sách người Chu Diên, rất hùng dũng. Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Trưng Trắc phẫn nộ, vì thế mà làm phản. Do vậy, những người Man, người Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Gồm chiếm được 65 thành tự lập làm vua. Thứ sử Giao Chỉ và các thái thú chỉ giữ được thân mình mà thôi.”

Năm 40 sau Công Nguyên, dân tộc Bách Việt làm chủ chính mình, quét sạch quân Hán ra khởi bờ cõi.

Đây cũng là lần duy nhất trong lịch sử thế giới, một đội quân mà người cầm quân hầu hết là phụ nữ trẻ tuổi, nhưng không chỉ giành chiến thắng mà còn lập ra một vương triều mới, lịch sử ghi nhận chỉ diễn ra duy nhất một lần ở Việt Nam.

Các lễ hội mừng thắng trận diễn ra, người dân đều suy tôn Trưng Trắc lên làm vua. Sau khi lên ngôi vua, Trưng Trắc cho đóng đô ở Mê Linh, củng cố thành lũy sẵn sàng chống giặc.

Lê Chân năm ấy mới 24 tuổi được phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức chưởng quản binh quyền nội bộ, đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ. Lê Chân huấn luyện quân sĩ liên kết nhằm tạo sức mạnh tập thể.

Cuộc chiến bảo vệ giang sơn

Thái thú Tô Định khi chạy trốn về nước, Mã Viện dâng sớ lên Hán Quang Vũ Đế hạch tội: “thấy tiền thì giương mắt lên, thấy giặc thì cụp mắt xuống”.

Năm 42 sau Công Nguyên, Hán Quang Vũ Đế phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm phó tướng cùng với Đoàn Chí đem ba vạn quân sang đánh chiếm Bách Việt.

Thế nhưng quân của Mã Viện khi từ Hợp Phố tiến sang gặp ngay phải đội quân của Thánh Thiên. Hai bên giao chiến ba, bốn trận, quân Hán bị bại trận, thây chết ngổn ngang, không tiến được phải lùi về vùng Mã Giang. Uy danh của dũng tướng Thánh Thiên khiến quân tướng nhà Hán đều kinh hoàng.

Mã Viện phải dâng biểu về triều đình xin thêm tướng giỏi và quân tinh nhuệ giúp sức: “Nam bang có nữ tướng Thánh Thiên dụng binh như thần, trí dũng thiên phương, không sao phục được. Xin bệ hạ phái thêm các tướng giỏi và tiếp thêm quân sĩ sang giúp sức”.

Vua Hán lập tức cho thêm quân tướng tinh nhuệ sang giúp Mã Viện cùng mật truyền: “Nên dùng mưu mà đánh”.

Mã Viện là một viên tướng giàu kinh nghiệm, qua quan sát lối đánh của quân Bách Việt, viên tướng này nhận thấy sức mạnh của quân Việt chính là sự đoàn kết. Một người lính Việt có thể đánh thua một người lính Hán, nhưng nhiều quân Việt thì lại đánh thắng nhiều quân Hán. Từ đó Mã Viện đã tìm được cách phá vỡ thế trận quân Nam, nhất là khi đã có thêm viện binh đến.

Bị quân của Thánh Thiên chặn đường bộ, Mã Viện cho quân đến Hợp Phố rồi đi theo đường biển tiến đánh xuống phía nam. Đội quân phòng thủ vùng biển Đông Bắc do Lê Chân chỉ huy, quân Nam chặn chiến thuyền quân Hán ngay tại cửa sông Bạch Đằng. Tướng quân Bát Nạn cũng đưa quân đến chặn quân trên bộ của Mã Viện ở cửa biển, phối hợp cùng cánh quân của Lê Chân.

Lê Chân cho dựng các chướng ngại trên sông, dùng thuyền nhỏ nhẹ nhưng cơ động của mình đánh vào mạn thuyền to lớn của quân Hán khiến quân Hán thiệt hại nặng nề.

Suốt dọc cửa sông Bạch Đằng, trên bờ và dưới nước, quân Việt do Bát Nạn cùng Lê Chân chỉ huy giao chiến ác liệt cùng quân Hán. Song quân Hán lực lượng đông hơn, được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau đã đánh lui quân Nam, hai nữ tướng đành phải lui quân.

Các thuyền của Lê Chân nhỏ nhẹ nên di chuyển rất nhanh, chẳng mấy chốc đã bỏ xa quân Hán. Về kinh đô Mê Linh hội với quân Hai Bà Trưng tại đây.

Mã Viện chọn vùng Lãng Bạc (Tiên Du ngày nay) để hội quân, nơi đây địa thế thuận lợi để quân Hán có thể phòng thủ, quân thủy bộ dễ dàng hỗ trợ cho nhau.

Bản đồ Lĩnh Nam thời Trưng Vương.

Trưng Trắc chờ mãi không thấy quân Hán có động tĩnh gì liền chủ động đưa quân đến đánh thẳng vào Lãng Bạc. Quân tiên phong do Lê Chân chỉ huy giao tranh với quân Hán nhiều ngày, quân Hán cố thủ nhưng bị quân của Lê Chân đánh mạnh khiến thiệt hại rất nhiều, cộng thêm cái nắng mùa hè khiến quân Hán mệt mỏi vì bệnh tật. Tướng Hán là Hàn Vũ cũng bị thiệt mạng do bệnh.

Nhiều nhà nghiên cứu xác định trận đánh diễn ra rất ác liệt nhiều ngày ở trên đồi, chân đồi và cả khúc sông thuộc vùng Tiên Du. Quân Hán còn rất mạnh, quân số đông, có lực lượng thuỷ, bộ phối hợp, quen trận mạc, thành thạo đánh tập trung theo cách đánh trận địa. Mã Viện là một lão tướng già dặn kinh nghiệm chiến trường, từng lập nhiều chiến công trong các cuộc đàn áp các phong trào nổi dậy chống nhà Hán.

Để phá thế mạnh liên kết quân Việt, Mã Viện có quân số đông đã cho quân chia cắt quân Nam ra để đánh, khiến quân Việt khó tạo ra sức mạnh liên kết. Sau thời gian dài không thắng được, Hai Bà Trưng phải rút quân về thành Cổ Loa. Quân Việt thiệt hại rất nặng.

Mã Viện cho quân tiến đánh Cổ Loa, quân Nam lui về kinh đô Mê Linh, rồi đến Cấm Khê. Những nghiên cứu mới đây cho thấy Cấm Khê có thể ở thung lũng Suối Vàng, ở chân ngọn núi Vua Bà cao 525m, trong dãy Ba Vì thuộc Hà Tây.

Cấm Khê là nơi thuận lợi để lập trận phòng ngự. Quân Hán cho quân đến đánh Cấm Khê, chiến trận diễn ra ác liệt từ mùa hè năm 42 đến mùa xuân năm 43 thì Cấm Khê thất thủ, Hai Bà Trưng cùng Lê Chân chia hai ngả rút ra khỏi căn cứ. Hai Bà Trưng chạy đến sông Hát thì không thể thoát được đành nhảy xuống sông tự vẫn để không sa vào tay giặc.

Thánh Thiên lúc này đang ở mạn Bắc, nghe tin Cấm Khê thất thủ thì vội đưa quân đến ứng cứu nhưng không kịp, liền đưa quân đóng ở sông Nhật Đức (tức sông Thương ngày nay). Quân Hán tiến đánh với chiến thuật chia cắt đội hình, quân của Thánh Thiên không thích nghi được nên thất trận phải rút về Ngọc Lâm.

Quân Hán tiến đánh Ngọc Lâm, trong trận giao tranh ác liệt, bị bao vây tứ phía, Thánh Thiên đánh đến kiệt sức rồi hy sinh tại bến Ngọc (tên chữ là Ngọc Chử, là một bến của con sông nhỏ Đa Mai) thuộc địa phận làng Ngọc Lâm ngày nay.

Nữ tướng Lê Chân rút theo đường thủy đến vùng Lạt Sơn, nhận thấy nơi đây núi rừng hiểm trở có thể chặn quân Hán. Lưng có thể dựa vào dãy núi hình cánh cung; trước mặt, phía Đông là sông Đáy, sông Ngân như hai hào nước. Địa hình căn cứ tiến có thể đánh, lui có thể giữ, đầu cuối hô ứng lẫn nhau.

Lê Chân vừa xây dựng căn cứ, vừa chiêu mộ thêm quân sĩ. Căn cứ chưa xây xong thì Mã Viện đưa quân tiến đánh, nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra. Biết rõ không thể giữ căn cứ lâu dài, Lê Chân để một nữ tướng khác là nàng Tía cùng một lượng lớn quân rút về phía Nam, còn Lê Chân cùng một số ít quân tâm phúc tiếp tục ở lại tử thủ với quân Hán.

Quân còn lại của Lê Chân rất ít không đủ sức đánh với quân Hán. Trận chiến ác liệt cuối cùng diễn ra ở Đồng Loạn, nữ tướng Lê Chân cùng mấy tướng tâm phúc rút lên núi Giát Dâu. Vào chiều ngày 13 tháng 7 năm Quí Mão (tức năm 43 sau Công Nguyên) nữ tướng Lê Chân 27 tuổi, từ trên đỉnh núi nước mắt chảy dài, nhìn lại giang sơn một lần cuối cùng rồi gieo mình xuống dưới núi.

Sau 3 năm ngắn ngủi giành được quyền tự chủ, dân tộc Bách Việt lại chìm vào thời kỳ Bắc thuộc.

Sức mạnh của quân Việt thời đấy là sức mạnh đoàn kết, binh lính kết nối với nhau tạo ra sức mạnh đương đầu với quân Hán. Mã Viện đã nhìn ra đặc điểm này, nhờ quân đông lại thiện chiến hơn, Mã Viện đã cho quân thực hiện chiến thuật chia cắt quân Việt ra để đánh và đã thành công.

Sử gia Nguyễn Nghiễm thời Lê trung hưng bình rằng:

Trưng Vương là dòng dõi bậc thần minh, nhân lòng dân oán hận, nổi giận, khích lệ người cùng chung mối thù. Nghĩa binh đi đến đâu gần xa đều hưởng ứng, 65 thành ngoài miền Ngũ Lĩnh một buổi sớm đều thu phục được, người dân chịu khổ từ lâu, không khác gì đã ra khỏi vực thẳm được thấy mặt trời. Bà quả là bậc anh hùng khí khái hơn người. Tuy rằng quân mới tập hợp, bị tan rã khi đã thành công, cũng làm hả được lòng căm phẫn của thần dân một chút… Khi đất nước bị chìm đắm, thì hầu như lại được khôi phục do một nữ chúa ở Mê Linh. Lúc đó bậc con trai mày râu phải cúi đầu ngoan ngoãn tuân theo không dám làm gì, chẳng đáng thẹn lắm sao?

Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, Ngày Phụ nữ Việt Nam cũng là ngày tưởng niệm Hai bà Trưng vào ngày 6 tháng 2 âm lịch.

Trần Hưng - Theo Tri Thức VN

 
 
Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP