Diễn văn: “Đế chế tà ác” – Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan

Diễn văn: “Đế chế tà ác” – Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan

Diễn văn: “Đế chế tà ác” – Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan

Diễn văn: “Đế chế tà ác” – Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan

Diễn văn: “Đế chế tà ác” – Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan
Diễn văn: “Đế chế tà ác” – Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan
Thứ bảy, 28-12-2024 14:44, (GMT+07:00)
Diễn văn: “Đế chế tà ác” – Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan
04-11-2020 10:38

“Đế chế tà ác” là bài diễn văn của Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đọc trước Hiệp hội Phúc âm Quốc gia Hoa Kỳ năm 1983, giữa cuộc Chiến tranh Lạnh. Trong bài diễn văn này, Tổng thống Reagan gọi Liên Xô là “đế chế tà ác”, là “sự tập trung của tà ác trong thế giới hiện đại”. Ông cũng cho rằng Hoa Kỳ không phải chịu trách nhiệm chính trong cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới lúc đó, và nhân loại cần phải hiểu rằng cuộc chạy đua vũ trang này là một cuộc chiến giữa thiện và ác.

Tổng thống Ronald Reagan khi đọc diễn văn “Đế chế tà ác”. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Sức mạnh của diễn văn “Đế chế tà ác” không phải là để cảnh báo cho mọi người rằng Liên bang Cộng sản Xô Viết là tà ác về bản chất, và là một thế lực tà ác trên trường quốc tế. Thế giới biết điều đó, kể cả những người phủ nhận điều đó vì lợi ích của họ. Tuy nhiên, điều khác biệt là Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Ronald Reagan đã sẵn lòng lên tiếng về điều này, giữa lúc toàn thể thế giới phương Tây tự do im lặng.

Thảm họa Chernobyl của Liên bang Xô Viết xảy ra 3 năm sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đọc diễn văn “Đế chế tà ác”. Bấy giờ, khi đọc diễn văn này, ngài Tổng thống đã phải chịu nhận sự chế giễu của các cơ quan ngoại giao quốc tế. Thế nhưng 6 năm sau đó, Châu Âu đã giành độc lập, tách rời khỏi đế chế Xô Viết, và 2 năm tiếp theo nữa thì Liên bang Xô Viết sụp đổ. Những người bất đồng chính kiến dũng cảm phía sau Bức màn Sắt tại Liên Xô đã tiết lộ rằng việc Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan thẳng thắn lên án Liên bang Xô Viết là một “đế chế tà ác” đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng.

Cũng trong bài diễn văn này, Tổng thống Ronald Reagan đã chỉ ra sự lệch lạc của Hoa Kỳ ở thời điểm đó đối với các giá trị lập quốc, những giá trị đáng lẽ cần phải được lưu giữ, những giá trị làm nên sức mạnh cốt lõi của Hoa Kỳ. Sau này, các nhà bình luận gọi đây là sự tả hóa của Hoa Kỳ. Tổng thống Ronald Reagan đã chỉ ra sự bất hợp lý trong các vụ xét xử, các điều luật liên quan đến việc cấm cầu nguyện trong trường học, việc giải phóng tình dục, việc nạo phá thai, việc thỏa hiệp với Liên Xô, và sự suy sụp ngay trong chính tôn giáo… Đáng tiếc rằng sau thời kỳ khôi phục truyền thống do Tổng thống Reagan dẫn dắt, Hoa Kỳ tiếp tục xu hướng tả hóa trên danh nghĩa “tự do”, làm cho nền tảng lập quốc của quốc gia này đứng trên bờ vực sụp đổ.

Trong bối cảnh thế giới đang dần dần nhận ra và đối mặt với một “đế chế tà ác” không kém ngày hôm nay, bài diễn văn này của Tổng thống Ronald Reagan vẫn còn nguyên tính thời sự.

Dưới đây xin được giới thiệu tới độc giả diễn văn “Đế chế tà ác”. Bản gốc xem tại đây.

*

Cảm ơn các bạn… Cảm ơn các bạn rất nhiều… Cảm ơn nhiều… Xin chân thành cảm ơn. Kính thưa tất cả các Giám mục tôn kính, kính thưa Thượng nghị sĩ Hawkins, quý đoàn nghị sĩ Florida và tất cả quý vị có mặt tại đây hôm nay:

Sự chào đón của quý vị thật ấm áp. Tôi rất vui khi được có mặt tại đây hôm nay.

Quý vị trong Hiệp hội Phúc âm Quốc gia vốn được mọi người biết đến qua những công tác tâm linh và nhân đạo. Và tôi sẽ rất hối tiếc nếu hôm nay tôi không trả được món nợ ân tình cá nhân mà tôi đã nợ quý vị. Cảm ơn sự cầu nguyện của quý vị. Nhiều lần ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, Nancy và tôi đã cảm nhận được sự hiện hữu của những lời nguyện cầu. Và xin hãy tin lời tôi, chúng đã tạo ra tất cả sự khác biệt.

Ngày nọ khi tôi đang dự một cuộc họp tại Phòng Phía Đông của Nhà Trắng, một người đã hỏi liệu tôi có cảm nhận được những người ngoài kia đang cầu nguyện cho Tổng Thống không. Và tôi phải nói rằng: “Có, tôi có cảm nhận được điều đó. Tôi tin vào năng lượng của cầu nguyện.” Sau đó, tôi đã không thể ngăn mình nói đùa với anh ta rằng, có khi nào thi thoảng khi đang cầu nguyện, anh ấy nhận được thông báo khẩn cấp và khi đó trong đầu anh ấy hiện lên hình ảnh của tôi hay không. Tôi nghĩ rằng tôi hiểu được cựu Tổng thống Abraham Lincoln cảm thấy thế nào khi ông nói câu: “Tôi đã nhiều lần khuỵu gối [cầu nguyện] bởi tôi tin chắc rằng mình không còn nơi nào khác [để xin được ban ân].”

Trong bầu không khí vui vẻ và phấn chấn hôm nay, tôi sẽ nói một chút về chính trị. Không hiểu tại sao không khí này lại gợi cho tôi một câu chuyện, sau đây tôi xin chia sẻ với quý vị:

Một ngày nọ, có một vị mục sư Phúc Âm và một chính trị gia cùng nhau đến trước cổng Thiên đường. Và sau khi làm đủ các thủ tục cần thiết, Thánh Peter đưa họ đến nơi mà sau này họ sẽ cư ngụ trên đó. Đầu tiên, Ngài đưa họ đến một căn phòng đơn nhỏ bé, trong đó có một chiếc giường, một cái ghế và một chiếc bàn, và Ngài nói rằng đây là nơi ở của vị mục sư. Và rồi vị chính trị gia có chút lo lắng, không biết liệu nơi cư ngụ của ông sẽ thế nào đây. Và ông đã không thể tin vào mắt mình khi Thánh Peter đưa ông đến một tòa nhà đẹp đẽ với không gian xinh đẹp bao quanh… có nhiều người hầu, và bảo với ông ấy rằng đây là nơi cư ngụ của ông.

Ông đã không thể ngăn được bản thân và thắc mắc với Thánh Peter rằng: “Nhưng, hượm đã, làm thế nào mà – có điều gì đó không đúng – làm thế nào mà tôi lại ở trong tòa nhà này trong khi vị mục sự thần thánh và tốt bụng kia chỉ có một căn phòng đơn bé nhỏ thôi?” Và Thánh Peter trả lời ông rằng: “Ông phải hiểu luật lệ ở trên này. Chúng tôi có hàng nghìn hàng nghìn mục sư ở đây. Còn ông là chính trị gia đầu tiên lên được tới đây đấy.” [Khán giả cười to và vỗ tay]

Tuy nhiên ý tôi không phải muốn phân biệt đối xử gì [giữa chính trị gia và mục sư]. Vì vậy tôi nói với quý vị rằng ngoài xã hội, cũng như trong trong thính phòng đây, có rất nhiều quý ông, quý bà tận tụy và kính sợ Chúa. Và vâng, thưa quý vị, chúng tôi cần sự trợ giúp của quý vị để khỏa đầy tâm trí chúng tôi những ý tưởng và các tiêu chuẩn vốn dĩ ngay từ đầu đã mang chúng tôi tới nơi chính trường này. Nền tảng của những ý tưởng và tiêu chuẩn đó chính là… một sự cam kết với tự do và giải phóng cá nhân, mà bản thân điều đó được xây dựng dựa trên việc nhận thức sâu sắc rằng tự do chỉ lan tỏa ở những nơi khát khao ơn Chúa và khiêm nhường phụng tín Chúa.

Nền dân chủ của Hoa Kỳ đặt nền tảng trên việc thấu hiểu những điều này. Phát hiện được điều đó chính là thành công vĩ đại của những vị Cha Lập Quốc của chúng ta, như William Penn đã từng nói: “Nếu Chúa không dẫn lối chúng ta, thì bạo chúa sẽ cai trị chúng ta.” Và để giải thích về quyền không thể chối bỏ của con người, ngài Jefferson đã từng nói, “Chúa cho chúng ta sự sống, đồng thời cho chúng ta tự do.” Và chính ngài George Washington đã từng nói rằng “trong tất cả các khuynh hướng và tập quán mang lại sự phồn vinh chính trị, thì tôn giáo và đạo đức là những nguồn động viên không thể thiếu.”

Và cuối cùng, người sắc sảo nhất trong những người quan sát nền dân của chủ Hoa Kỳ, Alexis de Tocqueville, sau khi tìm kiếm bí mật về sự vĩ đại và thiên tài của Hoa Kỳ, đã hùng hồn tuyên bố rằng: “Chỉ đến khi tôi đi đến các nhà thờ ở Hoa Kỳ và chứng kiến những lời giảng đạo rực đầy chính nghĩa, tôi mới hiểu ra sự vĩ đại và thiên tài của nước Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là cái thiện [(good) – đối lập với cái ác (evil)]. Và nếu Hoa Kỳ không còn thiện nữa, thì Hoa Kỳ cũng không còn vĩ đại nữa.”

Chà… tôi … tôi rất vui được có mặt tại đây hôm nay với quý vị, những người đang gìn giữ cho sự vĩ đại của Hoa Kỳ bằng việc giữ cho đất nước này thiện lương. Hàng triệu con người cùng nhau làm việc và cầu nguyện là cách duy nhất cho chúng ta hy vọng sống sót qua thế kỷ đầy nguy nan này và tiếp tục giữ cho nền tảng tự do này – điều vốn là hy vọng cuối cùng và tốt nhất của nhân loại – tồn tại.

Tôi muốn quý vị biết chính quyền này hoạt động dựa trên triết lý chính trị thấu tỏ được rằng sự vĩ đại của Hoa Kỳ nằm trong bản thân quý vị, trong người dân, trong gia đình quý vị, trong các nhà thờ, trong các khu phố, trong các cộng động và trong các tổ chức cổ vũ và nuôi dưỡng những giá trị như quan tâm đến người khác và thượng tôn pháp luật dưới sự bảo hộ của Chúa.

Một sự thật hiển nhiên là điều này đặt chúng ta vào vị trí đối lập – hay ít nhất là ở vị trí không song hành cùng nhau – với một xu thế thịnh hành, trong đó nhiều người chuyển sang chủ nghĩa thế tục hiện đại, bỏ qua những nỗ lực và những giá trị kinh qua thử thách thời gian vốn dĩ là nền tảng của nền văn minh của chúng ta. Cho dù là xuất phát điểm tốt như thế nào đi chăng nữa, hệ thống giá trị của họ [những chính trị gia cánh tả] hoàn toàn khác xa với giá trị của hầu hết người dân Hoa Kỳ. Và trong khi tuyên bố rằng họ đã giải phóng chúng ta khỏi những chấp mê vào quá khứ, họ lại tự mình đảm nhận công việc giám sát chúng ta bằng quy định và luật lệ của chính phủ. Thỉnh thoảng, tiếng nói của họ át cả tiếng của chúng ta, nhưng họ chưa phải là số đông.

Một ví dụ về việc lấn lướt này được minh chứng tại một cuộc tranh luận đang diễn ra tại Washington. Và vì tôi có liên quan đến việc này, tôi đang chờ đợi để lắng nghe các bậc phụ huynh của thanh niên Hoa Kỳ. Là những bậc sinh thành, họ sẵn sàng đi bao xa khi trao cho chính phủ đặc quyền của họ?

Cho phép tôi được nêu một trường hợp đơn giản và ngắn gọn nhất có thể. Có một tổ chức của người dân, chân thành hỗ trợ, quan tâm sâu sắc đến thực trạng sinh con ngoài giá thú và phá thai liên quan tới các bé gái chưa tới tuổi vị thành niên đang gia tăng. Thời gian trước đây họ đã thành lập một mạng lưới phòng khám toàn quốc để giúp đỡ những bé gái này và hy vọng sẽ làm giảm thiểu tình trạng này. Một lần nữa, xin được nói rằng, không phải là ý định ban đầu của họ sai trái. Tuy nhiên, một cách có chủ ý, những phòng khám này đã quyết định sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn bán thuốc và các thiết bị ngừa thai cho những cô bé chưa thành niên, mà cha mẹ các em không hề biết.

Trong vài năm trở lại đây, chính phủ liên bang đã hỗ trợ tài chính cho các phòng khám này. Quốc hội cũng có kèm theo điều kiện, đó chính là mọi việc thực thi đều phải có sự giám sát tối đa của phụ huynh. Tuy nhiên, thuốc và thiết bị đã được đưa vào sử dụng mà không cho phụ huynh biết hay không thông báo cho phụ huynh sau khi đã sử dụng. Những cô bé, những người đã được gọi là “tình dục tích cực” – thay vì được gọi là “lang chạ” – đang được hỗ trợ bằng những loại thuốc và thiết bị để tránh việc sinh con ngoài ý muốn hoặc phá thai.

Chúng tôi đã ra lệnh cho các phòng khám đã nhận tiền của chính phủ liên bang thông báo cho các phụ huynh về việc họ đang làm cho những đứa trẻ này. Một trong những tờ báo hàng đầu của quốc gia đã tạo ra một thuật ngữ mới gọi là “điều luật chỉ điểm” trong khâu biên tập để phản đối việc làm này của chúng tôi. Và chúng tôi bị chỉ trích vì đã vi phạm quyền riêng tư của những người trẻ tuổi. Gần đây, một thẩm phán còn ban hành lệnh chống lại việc thực thi luật của chúng tôi. Tôi đã xem một chương trình truyền hình bàn luận về vấn đề này, xem các chuyên mục bình luận về lỗi lầm của chúng tôi, nhưng có vẻ như không có ai đề cập đến vấn đề đạo đức trong tình dục.

Chẳng lẽ mọi giáo lý truyền thống của Thiên Chúa Giáo là sai sao? Chẳng lẽ chúng ta tin rằng điều thiêng liêng [là việc quan hệ giữa hai người nam nữ mà đáng lẽ theo giáo lý truyền thống cả hai phải đi đến hôn nhân dưới sự chứng giám của Chúa trước khi có tiếp xúc thể xác] có thể được coi là thuần túy vật dục, mà không gây ra những tổn thương về tâm lý và cảm xúc sao? Và chẳng phải các bậc phụ huynh có quyền khuyên bảo con cái và giữ cho các em không phạm phải những sai lầm có thể gây ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này hay sao?

Nhiều người trong chính phủ muốn biết các bậc phụ huynh nghĩ gì về sự can thiệp này của chính phủ vào gia đình họ. Chúng ta sẽ chiến đấu tại tòa. Quyền của cha mẹ và quyền của gia đình được đặt lên hàng đầu, trên cả những quan chức và kỹ sư xã hội tại Washington.

Nhưng cuộc chiến chống lại quyền bảo hộ của cha mẹ với con cái thật sự chỉ là một trong nhiều việc làm nhằm hạ thấp giá trị truyền thống và thậm chí phá bỏ những điều khoản ban đầu của nền dân chủ Hoa Kỳ. Tự do thịnh vượng lên theo sự thịnh vượng của tôn giáo và khi con người ta nhận thức được luật của Chúa Trời. Khi các vị Cha Lập Quốc thông qua Tu Chính Án Thứ Nhất, họ đã tìm cách bảo vệ các nhà thờ khỏi sự can thiệp của chính phủ. Họ không hề có ý định xây dựng một bức tường thù địch giữa chính phủ và bản thân khái niệm tín ngưỡng tôn giáo.

Bằng chứng về việc này đã thấm vào lịch sử và vào chính phủ của chúng ta. Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ có nhắc đến Đấng Tối Cao không dưới bốn lần. “Chúng con tín thác vào Chúa” được khắc lên trên tiền tệ của Hoa Kỳ. Tòa Án Tối Cao mở đầu các thủ tục tố tụng bằng nghi thức viện dẫn đức tin. Và các thành viên của Quốc hội luôn bắt đầu phiên họp bằng việc cầu nguyện. Tôi tin rằng các em học sinh trên toàn quốc cần phải được trao cho quyền thực hiện các việc tương tự như các thẩm phán và nghị sĩ đang làm.

Năm ngoái, tôi đã gửi cho Quốc hội một bản bổ sung hiến pháp để khôi phục lại việc cầu nguyện tại các trường công lập. Và lưỡng đảng ngày càng gia tăng ủng hộ việc sửa đổi này, và tôi đang kêu gọi Quốc hội hành động nhanh chóng sớm thông qua bản sửa đổi này để con em chúng ta sớm được cầu nguyện.

Có lẽ có vài quý vị gần đây đã đọc về trường hợp ở trường Lubbock, khi một thẩm phán đã đưa ra phán quyết rằng việc một trường cấp quận đối xử bình đẳng với các nhóm học sinh có tôn giáo và không có tôn giáo, ngay cả khi các học sinh tụ họp với nhau trong giờ riêng tư của các em, là vi hiến(*). Thực chất Tu Chính Án Thứ Nhất chưa từng có ý định yêu cầu chính phủ đối xử bất bình đẳng đối với các phát ngôn tôn giáo.

(*) Thẩm phán cho rằng việc học sinh cầu nguyện hay tổ chức hoạt động tôn giáo ngoài giờ trong trường là vi phạm hiến pháp. Kể từ sự việc này, dần dần Hoa Kỳ đã đi ngược lại truyền thống trước đó, đến nay các trường công lập không còn cho phép việc cầu nguyện bên trong trường học, thậm chí phát ngôn tôn giáo cũng bị cấm.

Thượng nghị sĩ Denton và thượng nghị sĩ Hatfield đã đề xuất tại Quốc hội về việc ban hành luật cấm phân biệt đối xử đối với các bài phát biểu mang tính chất tôn giáo của các học sinh. Luật như vậy có thể đi xa hơn trong việc khôi phục lại quyền tự do phát biểu về tôn giáo cho các em học sinh ở trường công lập. Và tôi hy vọng rằng Quốc hội xem xét nhanh chóng các đạo luật này. Và với sự giúp đỡ của quý vị, tôi nghĩ việc bổ sung hiến pháp sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội năm nay.

Hơn một thập kỷ trước, Tòa Án Tối Cao đã đưa ra quyết định xóa bỏ tại 50 tiểu bang toàn bộ các đạo luật bảo về quyền [được sống] của những đứa trẻ chưa ra đời [trên danh nghĩa bảo vệ quyền phá thai của các bà mẹ]. Tình trạng phá thai theo ý muốn đã cướp đi sinh mạng của nửa triệu trẻ em chưa kịp ra đời mỗi năm. Luật sự sống của con người để chấm dứt thảm kịch này một ngày nào đó sẽ được Quốc hội thông qua, và quý vị và tôi không được ngơi nghỉ cho tới khi điều đó trở thành hiện thực. Trừ phi và cho tới khi nào người ta chứng minh được một đứa trẻ chưa ra đời không phải là một sinh mệnh sống, thì quyền được sinh ra, được tự do và theo đuổi hạnh phúc của những đứa trẻ đó cần được bảo vệ.

Quý vị… Quý vị có thể nhớ rằng khi việc phá thai theo ý muốn được khởi phát, thật sự, tôi chắc rằng thật sự có nhiều quý vị đã cảnh báo rằng hành động này sẽ dẫn đến việc sinh mệnh ngày càng bị xem nhẹ, và rằng cơ sở triết học dùng để hợp thức hóa việc phá thai theo ý muốn cuối cùng sẽ bị dùng để hợp thức hóa các hành động chống lại sự thiêng liêng của sinh mệnh – giết trẻ sơ sinh hay cái chết nhân đạo. Bi kịch thay, tất cả những lời cảnh báo đó đã thành sự thật. Chỉ trong năm ngoái, một phiên tòa đã đồng ý cái chết nhân đạo cho một em bé sơ sinh tàn tật bằng cách bỏ đói cháu cho tới chết.

Tôi đã chỉ đạo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh nói rõ với mọi cơ sở chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ rằng Đạo luật Phục hồi năm 1973 bảo vệ tất cả những người khuyết tật, kể cả trẻ sơ sinh, không bị phân biệt đối xử. Và chúng tôi đã thực hiện thêm một bước xa hơn nữa, đó là yêu cầu những cá nhân và tổ chức chăm sóc sức khỏe đã nhận tiền của chính phủ liên bang… đối với dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh, phải công khai thông báo và thông báo liên tục ở những nơi dễ nhìn thấy nhất dòng chữ “Luật liên bang cấm các hành vi phân biệt đối xử trong chăm sóc trẻ sơ sinh bị tàn tật”. Và phải có một số điện thoại tổng đài gọi miễn phí 24/24 để cho các y tá hay bất cứ ai có thể báo cáo kịp các hành vi vi phạm, để bảo đảm tính mạng của các em bé sơ sinh.

Thêm vào đó, Dân biểu bang Illinois Henry Hyde đã giới thiệu đến Quốc hội một đạo luật mới gần đây, trong đó không chỉ hạn chế hơn nữa những ca phá thai được quỹ công bảo trợ, mà còn giải quyết toàn bộ vấn đề về giết trẻ sơ sinh. Tôi kêu gọi Quốc hội bắt đầu các phiên điều trần và thông qua điều luật này để bảo vệ quyền được sống cho mọi trẻ em, bao gồm cả những em bé khiếm khuyết hay khuyết tật.

Tôi chắc rằng quý vị đây đôi khi đã phải nản lòng, nhưng có lẽ quý vị không biết được rằng bản thân quý vị đã làm tốt hơn quý vị nghĩ. Đang có một sự thức tỉnh tâm linh lớn lao ở Hoa Kỳ, và… sự phục sinh các giá trị truyền thống vốn đã từng là căn bản của sự tốt đẹp và vĩ đại của Hoa Kỳ.

Một trong những cuộc khảo sát gần đây của hội đồng nghiên cứu có trụ sở tại Washington đã cho thấy một kết quả rằng người Hoa Kỳ có đức tin hơn bất cứ người dân nào trên thế giới; 95% người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ có niềm tin vào Chúa và tin rằng Mười Điều Răn có ý nghĩa thực sự trong cuộc sống của họ, và một nghiên cứu khác đã phát hiện rằng phần lớn người Hoa Kỳ không chấp nhận ngoại tình, quan hệ tình dục vị thành niên, khiêu dâm, phá thai, và ma túy, và nghiên cứu này cũng cho thấy một sự trân quý sâu sắc đối với tầm quan trọng của quan hệ gia đình và niềm tin tôn giáo.

Tôi… Tôi nghĩ các đề mục mà chúng ta đề cập đến hôm nay tại đây phải là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự chính trị của quốc gia. Lần đầu tiên Quốc hội tranh luận một cách cởi mở và nghiêm túc và giải quyết các vấn đề về cầu nguyện và phá thai – đối với Quốc hội mà nói thì đây là một bước tiến to lớn. Tôi nhắc lại: Hoa Kỳ đang ở trong một sự thức tỉnh tâm linh và canh tân đạo đức. Và tôi xin trích dẫn đây một đoạn trong Kinh Thánh rằng “hãy làm cho sự chính trực chảy xuống như nước, và sự công bình như sông lớn cuồn cuộn.”

Giờ đây… rõ ràng là, phần lớn sự đồng thuận về chính trị và xã hội mới mẻ mà tôi đã nhắc tới, có nền tảng từ một góc nhìn tích cực về lịch sử Hoa Kỳ, một niềm tự hào về thành tựu và dấu ấn của đất nước chúng ta. Nhưng chúng ta không bao giờ được quên rằng không có hoạch định chính phủ nào sẽ đi hoàn thiện một con người. Chúng ta biết rằng sống trong thế giới này có nghĩa là phải đối mặt với những gì mà các triết gia gọi là hiện tượng của cái ác, hoặc các nhà thần học gọi là học thuyết về tội lỗi.

Trên thế giới này có tội lỗi và có cái ác, và chúng ta được khải thị qua Kinh Thánh và qua Chúa Jesus để chống lại điều đó với tất cả sức mạnh của chúng ta. Đất nước chúng ta cũng vậy, cũng phải vật lộn với di sản về cái ác. Vinh quang của miền đất này được xây dựng nên từ khả năng vượt qua những cái ác về mặt đạo đức trong quá khứ. Đơn cử như cuộc đấu tranh lâu dài cho quyền bình đẳng của những người công dân thiểu số, vốn là nguồn gốc của việc mất đoàn kết và cuộc nội chiến, giờ đây đã trở thành niềm tự hào của mọi công dân Hoa Kỳ. Chúng ta không bao giờ được quay lại [thời kỳ đó]. Đất nước này không có chỗ cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái, hay bất cứ hình thức thù hận sắc tộc và chủng tộc nào khác.

Tôi biết rằng quý vị đã sợ hãi, như tôi đã từng, vì sự trỗi dậy của một nhóm thù hận rao giảng về đức tin mù quáng và thành kiến. Các vị mục sư hãy sử dụng lời nói mạnh mẽ của mình và dựa vào vị thế mạnh mẽ của các nhà thờ để phơi bày và cô lập những nhóm người thù hận quanh chúng ta. Bởi điều răn rất rõ ràng và đơn giản [trong Kinh Thánh] rằng: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.

Nhưng cho dù có những câu chuyện [phản diện] từng tồn tại trong quá khứ của chúng ta, bất cứ nhà quan sát khách quan nào cũng có một cái nhìn tích cực về lịch sử Hoa Kỳ, một lịch sử của những câu chuyện đầy ắp hy vọng và của những giấc mơ đã trở thành hiện thực. Đặc biệt trong thế kỷ này, Hoa Kỳ đã thắp sáng ngọn đuốc tự do, nhưng không phải chỉ cho chúng ta, mà cho hàng triệu người dân trên toàn thế giới.

Và điều này đưa tôi tới luận điểm cuối cùng ngày hôm nay. Trong cuộc họp báo đầu tiên của tôi với tư cách là một tổng thống, khi trả lời một câu hỏi trực tiếp, tôi đã chỉ ra rằng, với vai trò là những người theo đuổi Chủ nghĩa Mác-Lênin, những nhà lãnh đạo Xô Viết đã công khai tuyên bố rằng đạo đức duy nhất mà họ nhận thấy và đưa họ tiến xa chính là cách mạng thế giới. Tôi nghĩ tôi nên chỉ ra rằng ở đây, tôi chỉ trích lại lời nói của Lênin, lãnh tụ tinh thần của họ, người mà năm 1920 đã nói rằng họ chối bỏ tất cả các quan niệm đạo đức dựa trên các ý tưởng siêu nhiên – đây là cách họ gọi tôn giáo – hoặc các ý tưởng nằm ngoài khái niệm của họ về phân chia giai cấp. Và họ cũng cho rằng tất cả mọi hành động nhằm hủy diệt trật tự xã hội cũ và thống nhất giai cấp vô sản thuộc phạm trù đạo đức của họ.

Tôi nghĩ rằng, việc nhiều người có tầm ảnh hưởng từ chối chấp nhận thực tế cơ bản này của học thuyết Xô Viết, đã chứng minh họ không dám thật sự nhìn thẳng vào thế lực toàn trị độc tài này. Chúng ta đã thấy hiện tượng này vào năm 1930. Và hôm nay, hiện tượng đó xuất hiện thường xuyên hơn.

Điều này không có nghĩa là chúng ta cần cô lập bản thân và từ chối tìm hiểu Liên Xô. Tôi dự tính sẽ làm mọi cách có thể để thuyết phục họ về dự định ôn hòa của chúng ta, để nhắc nhở họ rằng chính phương Tây đã từ chối sử dụng độc quyền vũ khí hạt nhân trong những năm 40 và 50 trong việc giành lại lãnh thổ và hiện đang đề xuất cắt giảm 50% mục tiêu chiến lược tên lửa và loại bỏ tên lửa hạt nhân tầm trung trên đất liền.

Tuy nhiên đồng thời, Liên Xô cũng phải hiểu rằng chúng ta sẽ không bao giờ làm tổn hại tới tiêu chuẩn và nguyên tắc của chúng ta trong đàm phán. Chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ tự do của chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ đức tin vào Chúa. Và chúng ta sẽ không ngừng tìm kiếm hòa bình đích thực, nhưng Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không làm tổn hại tiêu chuẩn của mình thông qua cái gọi là giải pháp đóng băng hạt nhân được đề xuất bởi một số người.

Việc đóng băng hạt nhân bây giờ sẽ là một việc làm nguy hiểm vì đó chỉ là ảo ảnh hòa bình. Thực tế, chúng ta phải nhờ vào sức mạnh để tìm kiếm hòa bình.

Trừ phi chúng ta có thể đóng băng tham vọng bá chủ toàn cầu của Xô Viết, lúc đó… tôi sẽ đóng băng hạt nhân. Việc đóng băng vũ khí ở cấp độ đề xuất hiện nay sẽ khiến cho Liên Xô không nghiêm túc tại Geneva và gần như chấm dứt cơ hội giảm thiểu phần lớn vũ khí mà chúng ta đã đề xuất. Thay vào đó, họ sẽ đạt được mục tiêu của mình thông qua việc đóng băng vũ khí hạt nhân của chúng ta.

Việc đóng băng này không khác nào lắp thêm đôi cánh cho Liên Xô, vốn đã xây dựng lực lượng quân sự vô cùng lớn. Việc làm này cũng ngăn quá trình hiện đại hóa thiết yếu và lâu dài của hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ và đồng minh, và khiến cho lực lượng đang lạc hậu dần của chúng ta dễ bị tấn công. Và việc đóng băng hạt nhân một cách trung thực sẽ yêu cầu phải có các cuộc đàm phán rộng rãi trước đó về các hệ thống và số lượng giới hạn và về các biện pháp đảm bảo khả năng xác minh và tuân thủ hiệu quả. Và kiểu đóng băng hạt nhân được một số người nêu ra như quý vị biết thì hầu như không thể xác minh. Một nỗ lực lớn như vậy sẽ đưa chúng ta lệch khỏi hướng đàm phán hiện tại để đạt được mức giảm thiểu đáng kể về vũ khí.

Tôi, một số năm trước, tôi đã nghe một ông bố trẻ tuổi, một thanh niên rất nổi bật trong thế giới giải trí, phát biểu trong một cuộc tụ tập rất lớn ở California. Đó là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và vấn đề đối lập giữa chủ nghĩa cộng sản và cách sống của chúng ta đang ở trong tâm trí của tất cả mọi người. Và anh ta đang nói về chủ đề đó. Và thật bất ngờ, tôi nghe anh ấy nói, “Tôi yêu những cô con gái nhỏ của tôi hơn bất cứ điều gì”. Và tôi đã thầm nói, “Không, đừng. Anh không thể nói vậy”. Nhưng tôi đã đánh giá thấp anh ấy [khi nghĩ rằng anh ấy chuẩn bị ủng hộ việc giải phóng tình dục hay việc phá thai tự do(*)]. Anh ấy tiếp tục nói: “Tôi thà thấy những tình yêu ấy chết vào lúc này, khi vẫn tin vào Chúa, hơn là lớn lên dưới chế độ cộng sản để rồi một ngày kia chết đi mà không còn tin vào Chúa nữa.”

(*) Nhiều người không biết rằng giải phóng tình dục và phá thai tự do không bắt nguồn từ Hoa Kỳ, không phải là truyền thống của Hoa Kỳ, mà là điều được cổ vũ trong các phong trào cộng sản lúc bấy giờ. Đây là lý do Tổng thống Reagan dùng cụm từ “sự đối lập… cách sống”. (Xem bài: Nguồn gốc sự nở rộ phong trào giải phóng tình dục trên thế giới)

Đã có… đã có hàng nghìn người trẻ ngồi đó lắng nghe. Họ đã reo mừng. Họ đã ngay lập tức nhận ra sự thật sâu sắc trong lời nói của ông bố trẻ đó, rằng vật chất và tinh thần thì điều gì quan trọng hơn.

Vâng, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người sống trong bóng tối toàn trị được cứu rỗi, cầu nguyện rằng họ sẽ khám phá được niềm vui khi biết đến Chúa. Nhưng cho đến khi họ hiểu được điều đó, chúng ta cần hiểu rằng họ đang rao giảng về quyền lực tối cao của Nhà nước, tuyên bố sự toàn năng của Nhà nước đối với cá nhân con người, và ôm mộng thống trị tất cả các dân tộc trên trái đất, họ là tâm điểm của tà ác trong thế giới hiện đại.

[Nhà thần học] C.S. Lewis đã viết trong cuốn sách không thể quên có tựa đề “Screwtape Letters” (Tạm dịch: Những lá thư của một con quỷ) rằng:

“Tà ác lớn nhất không được thực hiện… trong các ‘hang ổ tội ác’ nhớp nhúa mà [Charles] Dickens viết ra [trong các tiểu thuyết của ông]. Tà ác lớn nhất… cũng không phải là thứ được thực hiện trong các trại tập trung và trại lao động. Ở đó chúng ta [chỉ đơn giản là] thấy kết quả của nó, nhưng nó đã được thành hình và được ban hành; nó đã được chuyển đi, biệt phái, thực hiện và ghi chép trong những văn phòng sạch sẽ, trải thảm, ấm áp và sáng sủa, bởi những người đàn ông cổ cồn trắng lặng lẽ, với móng tay được cắt gọn và cằm nhẵn nhụi ria, [tà ác lớn nhất được sinh ra từ] những người không cần nói lên tiếng nói của mình.”

Vâng, vì những người đàn ông “lặng lẽ” không thích “nói lên tiếng nói của mình”, bởi vì thi thoảng họ nói giọng dịu dàng về tình anh em và hòa bình, vì, giống như những nhà độc tài trước đây, họ lúc nào cũng nói rằng một yêu cầu nào đó là “yêu cầu cuối cùng về lãnh thổ”, một số trong chúng ta đã chấp nhận lời nói của họ và thích nghi dần bản thân mình với sự bành trướng hung hăng của họ. Nhưng nếu lịch sử có dạy chúng ta điều gì, thì đó chính là bài học rằng thật điên rồ khi thỏa hiệp một cách mù quáng hay mộng tưởng về kẻ thù của mình. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc phản bội lại quá khứ và phung phí tự do của chúng ta.

Vì vậy, tôi kêu gọi quý vị hãy lên tiếng để chống lại những kẻ rắp tâm đặt Hoa Kỳ vào vị thế thấp kém cả về quân sự lẫn đạo đức. Quý vị biết đấy, tôi đã luôn tin rằng ác quỷ thường đặc biệt để mắt tới những người đang phụng sự trong Nhà thờ. Vì vậy, trong các cuộc thảo luận của quý vị về những đề xuất đóng băng vũ khí hạt nhân, tôi kêu gọi quý vị hãy cẩn trọng với sự cám dỗ của lòng kiêu hãnh – sự cám dỗ của việc vô tình đưa bản thân quý vị lên trên tất cả – và dán nhãn cả hai bên [Hoa Kỳ và Liên Xô] là sai lầm, và lờ đi sự thật lịch sử và sự hung hăng bành trướng của một đế chế tà ác, để rồi đơn giản gọi tên cuộc chạy đua vũ trang này là một sự hiểu lầm lớn lao, từ đó đặt bản thân mình ra khỏi cuộc đấu tranh giữa đúng và sai, giữa thiện và ác.

Tôi yêu cầu quý vị chống lại những người đang nỗ lực muốn quý vị từ bỏ việc ủng hộ cho những nỗ lực của chúng tôi, những nỗ lực của chính quyền này, để giữ cho Hoa Kỳ mạnh mẽ và tự do, bằng việc đàm phán cắt giảm thật sự và có thể kiểm chứng được kho vũ khí hạt nhân của thế giới, và một ngày nào đó, với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta sẽ loại bỏ hoàn toàn kho vũ khí ấy.

Mặc dù sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ là quan trọng, nhưng tôi xin nói thêm ở đây rằng tôi luôn luôn khẳng định cuộc chiến đang diễn ra trên thế giới sẽ không bao giờ được giải quyết bằng bom đạn hay hỏa tiễn, bằng quân đội hay sức mạnh quân sự. Cuộc khủng hoảng thực sự mà chúng ta phải đối mặt ngày nay là một vấn đề tâm linh; xét tận gốc rễ, đó là một khảo nghiệm về ý chí đạo đức và đức tin.

Whittaker Chambers, một người đàn ông cải tà quy chính(*) là nhân chứng trong vụ chấn thương khủng khiếp của thời đại chúng ta, vụ Hiss-Chambers(**), đã viết rằng cuộc khủng hoảng của phương Tây thể hiện ở việc họ thờ ơ với Chúa, ở việc họ bắt tay với những nỗ lực của chủ nghĩa cộng sản để tách con người ra khỏi Chúa. Và ông nói, Chủ nghĩa Mác -Lênin thực chất là tín ngưỡng lâu đời thứ hai trên thế giới, và nó xuất hiện lần đầu trong Vườn Địa Đàng với những lời cám dỗ [từ quỷ Sa-tăng]: “Các ngươi sẽ trở thành giống như Chúa.”

(*) Whittaker Chambers từng là Đảng viên Cộng sản, là gián điệp, sau đó chạy sang phía Hoa Kỳ, bắt đầu tin vào Kitô giáo và trở thành một biên tập viên cho tờ Time và National Review.

(**) Vụ án này cho thấy sự thâm nhập của Liên Xô vào Hoa Kỳ. Whittaker Chambers làm chứng rằng nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhân viên Liên Hiệp Quốc Alger Hiss, đã bí mật trở thành Đảng viên Cộng sản, và trở thành tình báo cho Liên Xô. Dựa trên tài liệu cho Chambers cung cấp, tòa án xử Hiss có tội.

Thế giới Phương Tây có thể đáp trả thử thách này, Whittaker Chambers viết, “nhưng chỉ khi lòng tin [của phương Tây] vào Chúa và sự tự do [mà phương Tây] nhận được từ Ngài cũng lớn như niềm tin của cộng sản vào Con người(*).”

(*) Bấy giờ lý thuyết cộng sản cho rằng sẽ xây dựng thiên đường của con người trên mặt đất. Trong khi tín ngưỡng phương Tây thì tin rằng thiên đường chỉ dành cho linh hồn của những ai đã được Thiên Chúa thẩm phán sau khi họ qua đời. Và Whittaker Chambers lo ngại rằng niềm tin vào Chúa của phương Tây lúc bấy giờ đang tỏ ra yếu đuối trước sự sục sôi của chủ nghĩa cộng sản. Nhìn từ một khía cạnh khác, chủ nghĩa cộng sản chính là một tôn giáo, có tín đồ (đảng viên), có nhà thờ (các cấp ủy đảng), có sùng bái (các lãnh tụ), có thề nguyền (thể trung thành với Đảng), có thiên đường (được tô vẽ dưới mặt đất). Vì thế Whittaker Chambers đã nói ở đoạn trên rằng về bản chất chủ nghĩa cộng sản là tôn giáo, là tín ngưỡng lâu đời thứ hai trên thế giới, ở bề mặt là tin vào con người, nhưng sâu hơn là bắt nguồn từ câu nói và sự chỉ dẫn của ác quỷ.

Tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua thử thách. Đối với lịch sử loài người mà nói, tôi tin rằng chủ nghĩa cộng sản là một chương buồn, một chương quái đản, một chương đang trong quá trình viết những trang cuối cùng. Tôi tin điều này bởi vì nguồn sức mạnh của chúng ta trong cuộc tìm kiếm tự do của con người không phải là vật chất, mà là tinh thần. Và bởi vì sức mạnh đó không có giới hạn, nó sẽ làm những kẻ biến đồng loại của mình thành nô lệ phải kinh hoàng và đại bại. Vì theo lời của [Kinh] Isaiah: “Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức… Nhưng ai trông đợi Đức Chúa trời thì chắc chắn được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.”

Vâng, hãy thay đổi thế giới của quý vị. Một trong những vị Cha Lập Quốc của chúng ta, Thomas Paine, đã nói: “Việc canh tân lại thế giới nằm trong sức mạnh của chúng ta.” Chúng ta có thể làm được, hãy cùng nhau làm điều mà một nhà thờ riêng lẻ không thể tự mình làm được.

Chúa phù hộ cho quý vị, cảm ơn rất nhiều.

Minh Nhật biên tập

Các chú thích trong bài là của người dịch

Trong quá trình biên dịch, chúng tôi cố gắng khiến bản dịch sát nghĩa và thể hiện được tinh thần của bài diễn văn trong khả năng tốt nhất của mình, tuy nhiên để mang được cái hồn của những áng văn tới độc giả là một điều không dễ. Chúng tôi trân trọng mọi ý kiến giúp cho bản dịch hoàn chỉnh và hay hơn.

Mời xem video:

Đăng theo Tri Thức VN
Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP