Dịch COVID-19 và cái giá của việc đánh đổi tự do

Dịch COVID-19 và cái giá của việc đánh đổi tự do

Dịch COVID-19 và cái giá của việc đánh đổi tự do

Dịch COVID-19 và cái giá của việc đánh đổi tự do

Dịch COVID-19 và cái giá của việc đánh đổi tự do
Dịch COVID-19 và cái giá của việc đánh đổi tự do
Chủ nhật, 29-12-2024 21:21, (GMT+07:00)
Dịch COVID-19 và cái giá của việc đánh đổi tự do
21-02-2020 20:13

Hơn 200 năm trước, Benjamin Franklin đã viết: “Kẻ nào từ bỏ tự do để có được sự ổn định, cuối cùng đều mất đi cả tự do lẫn ổn định”. Trên nền tảng đó, một nước Mỹ trân trọng tối đa tự do và tiềm năng của mỗi cá nhân đã hình thành và nhanh chóng trở thành quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh nhất thế giới.

Trong suốt dòng lịch sử trong thế kỷ qua, lời cảnh báo của vị cha lập quốc Hoa Kỳ đã ứng nghiệm ở khắp mọi nơi, từ Đức Quốc Xã, tới khối Liên bang Xô Viết, Đông Âu, tới Cuba, cũng như Bắc Hàn và sự sụp đổ của Venezuela mà thế giới đang chứng kiến. Tại Trung Quốc, sự đánh đổi này đã giết chết khoảng 80 triệu sinh mạng trong các cuộc vận động và cách mạng văn hóa, nhân danh “duy trì ổn định trật tự xã hội”. Để tồn tại sau giai đoạn sụp đổ của Liên Xô, Trung Quốc đã vứt bỏ các chính sách kìm kẹp xã hội nghẹt thở, mang lại một số tự do cho người dân. Nhưng sau cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989, hy vọng về tự do thực sự của giới trí thức Trung Quốc bị đập nát dưới họng súng và xích xe tăng. Người Trung Quốc đã chấp nhận một khế ước xã hội bất thành văn với ĐCS, rằng họ sẽ tiếp tục sống dưới sự cai trị độc tôn, không thể bị thách thức của nó, đổi lấy sự đảm bảo cho họ an ninh về kinh tế và sự ổn định của xã hội.

tập cận bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Shutterstock)

Trong gần 30 năm sau đó, kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng chóng mặt. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng từ 310 USD lên 16.186 USD năm 2018. Rất nhiều thành phố Trung Quốc vươn mình trở thành những trung tâm thương mại, công nghiệp hàng đầu thế giới, với các tòa nhà chọc trời và ánh đèn neon hào nhoáng đọ sức với sự xa hoa của quảng trường thời đại New York. Các doanh nghiệp phương Tây đã bẻ cong các quy tắc đạo đức, sẵn sàng từ bỏ bí mật công nghệ, tự áp đặt chính sách kiểm duyệt, thậm chí hợp tác với chính quyền Trung Quốc để được chia phần miếng bánh béo bở là thị trường 1,4 tỷ dân. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thế giới và vết chân khách du lịch Trung Quốc cũng in dấu ở mọi ngóc ngách trên toàn cầu, kèm theo đó là rác thải, ô nhiễm môi trường và ô nhiễm tiếng ồn.

Người Trung Quốc không chỉ giàu hơn, họ còn ngày càng tự tin vào địa vị quốc gia, bị ru ngủ bởi “Trung Hoa Mộng”, tầm nhìn của lãnh đạo Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ vươn lên một cách không gì ngăn được và định mệnh của nó là trở thành một quốc gia hùng mạnh và rực rỡ nhất trên trái đất. Người Trung Quốc chấp nhận sống trong một nhà tù khổng lồ và bức bối, liên tục bị theo dõi bởi hệ thống camera giám sát dày đặc (skynet), bị đánh giá hành vi và đạo đức bởi một hệ thống “xếp hạng tín nhiệm xã hội” vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư và tự do cá nhân, ngày càng bị kiểm duyệt phát ngôn trên không gian mạng, bị cấm tham gia vào các diễn đàn tự do trên thế giới như Facebook, Youtube và Twitter và những người bất đồng chính kiến, những tín đồ tôn giáo luôn sống trong sự lo sợ bị chính quyền đàn áp bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, phần lớn người Trung Quốc không tỏ ra phản đối sự độc quyền lãnh đạo của ĐCSTQ và dường như đã chấp nhận “các bất tiện này” làm cái giá phải trả cho ổn định và thịnh vượng. Trung Quốc tự tin rằng họ đang mang lại cho thế giới một “con đường mới”, “một sự lựa chọn phát triển mới”, cạnh tranh trực tiếp với các mô hình và giá trị của Mỹ và phương Tây. Đây là một lời tuyên chiến rằng, “không cần sự tự do đầy rắc rối của phương Tây, Trung Quốc vẫn có thể giàu mạnh, thậm chí chiến thắng phương Tây”.

Trong cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung, nhiều người đã đánh giá rằng một lợi thế mà Bắc Kinh có trước Washington, đó là sự tập trung quyền lực. Bắc Kinh có thể vận dụng mọi nguồn lực quốc gia, dễ dàng thao túng tiền tệ để đối đầu với Mỹ mà không vấp phải bất cứ cản trở nào, còn chính quyền Trump thì bị vướng tay bởi sự ngăn cản của Quốc hội lẫn phản đối trong dân chúng. Nhưng một cỗ máy càng cồng kềnh thì càng dễ hỏng hóc, để duy trì trật tự quyền lực và dập tắt các tiếng nói phản đối, ĐCSTQ phải tạo ra một hệ thống càng ngày càng phình to. Và cỗ máy này là đến lúc gặp trục trặc.

Sự xuất hiện của dịch viêm phổi virus corona chủng mới (COVID-19) đang buộc người Trung Quốc phải đánh giá lại khế ước của họ, bởi cái giá mà họ phải trả cho việc từ bỏ tự do càng ngày càng lớn.

Khi dịch bệnh manh nha xuất hiện, chính phủ Trung Quốc ngay lập tức che giấu nó. Trung Quốc chờ một tháng mới thông báo cho WHO và tới tận cuối tháng Một mới công bố cho toàn dân về dịch bệnh. Trong thời gian đó, Bắc Kinh bắt giữ những người cảnh báo sớm, ép bác sĩ, y tá ngậm miệng, giả tạo con số người bị nhiễm bệnh thấp hơn thực tế và cho đội quân “ba xu” thanh tẩy mạng xã hội, lọc bỏ mọi hình ảnh, bài viết và phát ngôn liên quan đến dịch bệnh. Nhưng dịch bệnh này lại không phải là thứ mà ĐCS có thể kiềm chế ngay. Nó xảy ra giữa ngay tại trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, tại thời điểm mà 1,4 tỷ người Trung Quốc đang trong kỳ nghỉ lễ dài nhất và quan trọng nhất năm.

Tính đến nay, virus nCoV đã lấy đi sinh mạng của hơn 2.200 người, với gần 80.000 người mắc bệnh, đại đa số ở Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh đã thực hiện các bước đi khổng lồ như phong tỏa 60 triệu người tỉnh Hồ Bắc, trong đó có 11 triệu dân Vũ Hán là trung tâm của vùng dịch, virus corona đã lan ra mọi ngóc ngách của Trung Quốc. Không giống như việc giam cầm người Duy Ngô Nhĩ hoặc đàn áp Cơ Đốc giáo, dịch bệnh này ảnh hưởng tới mọi tầng lớn người Trung Quốc. Và họ đã chứng kiến lâu đài cát của Trung Quốc sụp đổ.

Trung Quốc được cho là công xưởng của thế giới, nhưng chật vật không sản xuất đủ lượng khẩu trang cần thiết. Ngành công nghệ sinh học của Trung Quốc tuyên bố tăng trưởng 2 con số trong vòng 2 thập kỷ qua, nhưng lại thiếu trầm trọng bộ xét nghiệm virus. Ngành y tế của chính phủ Trung Quốc đang quá tải bệnh nhân cần xét nghiệm, các bệnh viện từ chối nhận người ốm cần chữa trị và cách ly. Truyền thông xã hội tràn ngập các hình ảnh người Trung Quốc tuyệt vọng cần xin trợ giúp. Reuters mới đăng tải một câu chuyện đau lòng về một người mẹ cầu xin cảnh sát cho con gái bị bệnh máu trắng của bà đi ra khỏi thành phố để họ có thể tới một bệnh viện không quá tải ở nơi khác.

Ảo mộng của an toàn và trật tự xã hội vỡ vụn, khi chính phủ Trung Quốc chưa có cách kiểm soát virus hiệu quả, nhưng lại không chần chừ triển khai mọi biện pháp thô bạo nhất đối với thường dân nhân danh chống dịch. Báo chí phương Tây lần lượt đưa tin về các chiến dịch “gõ cửa từng nhà”, cưỡng chế quây bắt người mắc bệnh, còng tay họ tới các trung tâm cách ly khổng lồ. Trong bối cảnh thiếu bác sĩ, y tế, trang thiết bị y tế và vệ sinh tối thiểu, người ta sợ rằng họ sẽ bị để mặc cho sống chết ở các trung tâm này. Chính vì thế không ai muốn tới đây. Còn có cả các video và hình ảnh cho thấy chính quyền địa phương tới đóng đinh chặn cửa nhà dân hoặc cả một tòa nhà khi nghi ngờ người trong nhà mắc virus. Sự tàn nhẫn và thiếu lương tri trong xã hội Trung Quốc nằm ngoài sự tưởng tượng.

Trong các thành phố bị phong tỏa, cuộc sống của những người không mắc COVID-19 cũng không dễ dàng. Hàng hóa khan hiếm, giá cả cả đã leo thang chóng mặt. Toàn bộ hệ thống giao thông công cộng đã ngừng hoạt động. Rất nhiều người già và người tàn tật phải tự vật lộn lo cho bản thân. Một cậu bé bại liệt 17 tuổi tại Hồ Bắc đã chết sau một tuần vì cha của cậu bị người ta cưỡng chế cách ly. Cảm giác căng thẳng, tuyệt vọng đang lan ra khắp nơi. Trong giờ phút sinh tử, họ thẳng thắn đặt câu hỏi rằng Trung Quốc là cường quốc kiểu gì mà không thể chăm lo cho người dân của mình. Trong một video gần đây, một phụ nữ chẳng ngại che mặt mà chỉ trích ĐCSTQ dối trá, lừa phỉnh nhân dân. “Các người đã hứa với chúng tôi sẽ giàu mạnh vào năm 2020. Nhưng chúng tôi thì mất đi người thân, gia đình, các người thì sống trong sung sướng còn chúng tôi thì đang chết dần”.

Bên ngoài Trung Quốc, khách du lịch và các nhà đầu tư Trung Quốc đột nhiên cảm thấy họ chẳng còn được chào mời nữa. Trung Quốc chưa từng bị thế giới cô lập như hiện tại kể từ thế kỷ 18, khi nó tự tách mình khỏi thế giới. Sau đó, người Trung Quốc biết thêm được rằng tất cả bi kịch của họ đã có thể tránh được nếu chính phủ Trung Quốc lắng nghe cảnh báo sớm của các bác sĩ như Lý Văn Lượng, hoặc ít nhất để cho các chuyên gia này có quyền tự cất tiếng nói để cảnh báo nhân dân. Thay vào đó, vì “duy trì trật tự xã hội”, hay nói thẳng ra là trật tự để ĐCS đảm bảo quyền lãnh đạo không thể lay chuyển, các bác sĩ như Lý Văn Lượng đã bị phạt vì “phát tán tin đồn thất thiệt”, những người khác cũng bị ép phải ngậm miệng hoặc vào tù. Trong thời gian này, Trung Quốc khăng khăng rằng chưa có chuyên gia y tế nào bị nhiễm virus và chưa có bằng chứng cho thấy virus này truyền từ người sang người.

Bác sỹ Lý Văn Lượng, một trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo về bệnh viêm phổi do virus corona gây ra ở Vũ Hán, trong thời gian điều trị bệnh.

Bác sĩ Lượng đã chết, chỉ sau khi anh loan báo cho các bạn học của mình hơn một tháng chính vì virus corona. Cái chết của anh đã khiến người Trung Quốc giải phóng hàng chục năm bức bối và phẫn nộ đối với chính quyền. Trước đại dịch, họ chán nản với những phát ngôn lừa dối, che đậy và yếu kém của cỗ máy khổng lồ, cồng kềnh, không biết làm gì hơn ngoài trừng phạt những người không đồng ý với chính quyền. ĐCSTQ hiện ra với một bộ mặt trần trụi của một kẻ muốn duy trì trật tự và quyền lực bằng mọi giá, thậm chí đánh đổi cả mạng sống của họ.

Một sự thức tỉnh quốc gia đã bắt đầu. Trên những diễn đàn ẩn danh, người Trung Quốc đã dám đặt những câu hỏi về tính chính đáng của ĐCSTQ, điều gì khiến ĐCS được phép nắm quyền lãnh đạo? “Lịch sử nào, nhân dân nào” đã lựa chọn và cho phép ĐCSTQ lên vị trí độc tôn? Tại sao mỗi lời ĐCS nói, mọi chính sách của ĐCS đều là chân lý, là không thể bị lên án hoặc chỉ trích? Trong sự tuyệt vọng của dịch bệnh, ngày càng nhiều người Trung Quốc dám đăng các video lên mạng, vượt qua được tường lửa và kiểm duyệt, để nói lên sự thật.

Số lượng các bài viết mô tả thực trạng của Trung Quốc, những khổ đau, dằn vặt và tuyệt vọng của người dân trong dịch bệnh tăng lên đến mức chưa từng có. Hashtag #chúng tôi muốn tự do ngôn luận# xuất hiện nhan nhản trên Weibo, mạng xã hội nổi tiếng nhất Trung Quốc, mặc dù chỉ “sống” được 5 giờ sau khi bị cỗ máy kiểm duyệt càn quét. Ngày càng nhiều học giả, trí thức Trung Quốc đứng đầu làn sóng đòi quyền tự do ngôn luận, họ dùng chức danh thật, tên thật. Dường như lần đầu tiên trong cuộc đời, những người Trung Quốc này không còn sợ kiểm duyệt, dám nói lên rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại về tư duy thâm căn cố đế đặt ổn định lên trên tất cả, bởi nó đang làm tổn thương tất cả chúng ta”. Bình luận này cho thấy khế ước xã hội mà ĐCSTQ dùng bạo lực, súng ống, tiền bạc và công nghệ để dựng lên và duy trì đang lay chuyển.

Sự bùng phát của COVID-19 không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, nó chỉ là biến số của một hệ quả tất yếu phải xảy ra khi một xã hội chấp nhận đánh đổi tự do của mỗi cá nhân trong đó để lấy mộng ảo của an toàn, ổn định và thịnh vượng.

Chính phủ Trung Quốc tất nhiên đã vận dụng mọi khả năng để kiềm chế sự phẫn nộ của người dân. Chúng ta không thể biết được cơn thịnh nộ này có dẫn đến bất kỳ sự thay đổi lớn lao nào ở Trung Quốc hay không. Nhưng những gì đang xảy ra ít nhất đã cho người Trung Quốc, và mọi người dân trên thế giới một lần nữa chứng kiến chân lý rằng, khi bạn từ bỏ tự do để có được an toàn, bạn sẽ đánh mất cả tự do lẫn an toàn.

Trọng Đức

Đăng theo Trithucvn

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP