Ảnh minh hoạ (Ảnh: Pixabay).
Vụ tai nạn thảm khốc của hãng hàng không China Eastern Airlines xảy ra khiến không ít người đặt câu hỏi về nguyên dẫn đến tai nạn. Nhà bình luận Nhạc Sơn đã có bài phân tích trên tờ The Epoch Times về sự kiên này, DKN News xin gửi tới quý độc giả bản chuyển ngữ của bài biết.
Vụ tai nạn của hãng hàng không China Eastern Airlines xảy ra tại Ngô Châu, Quảng Tây vào ngày 21/3 đã để lại nhiều bí ẩn. Theo các chuyên gia, nếu không phải là vật thể lạ va vào máy bay thì nhiều khả năng là sự cố do con người hoặc máy móc. Nhưng trong mọi trường hợp, các nhà chức trách chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn, vì vậy chúng ta không thể không đề cập đến sự tham nhũng đằng sau China Eastern Airlines, cũng như những kẻ chống lưng ở hậu trường.
Bài báo phân tích sự cố bất thường đã bị xóa
Theo dữ liệu từ ứng dụng hàng không Trung Quốc ‘VariFlight’, vụ tai nạn xảy ra khi chuyến bay MU5735 của hãng hàng không China Eastern Airlines đang bay ở độ cao khoảng 8.869 mét, sau đó máy bay bất ngờ lao xuống từ độ cao này trong thời gian ngắn, được nhiều nhà chuyên môn cho là hoàn toàn nằm ngoài tầm hiểu biết của họ.
Ngay cả phương tiện truyền thông chính thống Chinanews cũng đưa ra câu hỏi: “Từ lúc mất liên lạc đến lúc bị rơi, chuyện gì đã xảy ra?” “Tại sao nó lại lao xuống và cuối cùng rơi thẳng đứng?”
Báo cáo dẫn lời ông Thomas Jeffrey, một chuyên gia an toàn hàng không nổi tiếng thế giới cho biết: “Không có tín hiệu cầu cứu, không có mây mù trong không trung và việc rơi ở tư thế thẳng đứng là điều cực kỳ hiếm khi xảy ra”.
Ông Vương Á Nam (Wang Yanan), Tổng biên tập tạp chí ‘Kiến thức Hàng không’ của Hiệp hội Hàng không Trung Quốc, phân tích rằng khi máy bay gặp sự cố, dữ liệu rất lạ và rất bất thường, nó nhanh chóng rơi xuống từ độ cao hơn 8.000 mét, mà gần như có thể hiểu rằng máy bay đã mất hoàn toàn hiệu suất nâng và không có cách nào để duy trì chuyến bay bình thường.
Tuy nhiên, một số bài báo lấy ý kiến chuyên môn phân tích nguyên nhân cụ thể đã chính thức bị chặn.
Ví dụ, ông Lý Hãn Minh (Li Hanming), một người trong ngành hàng không dân dụng được phỏng vấn bởi ‘Travel One’, một công ty con của tạp chí ‘Tài chính và kinh tế’, đã phân tích rằng nhìn chung có 3 nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn như vậy: “Thứ nhất là phi công có ý định tự sát; thứ hai là máy bay đã bị một vật thể lạ như tên lửa bắn trúng; thứ ba, đó là vấn đề thiết kế hoặc bảo trì máy bay”.
Bài báo này sau đó đã bị xóa bởi Sina.com.
Một bài báo khác đã đặt câu hỏi về vấn đề bảo trì kém. Theo báo cáo của tờ ‘Tin tức Tài chính’, trong hai năm qua do những thiệt hại lớn sau đại dịch, để giảm áp lực kinh doanh, China Eastern đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm giảm chi phí, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ chi phí bảo trì. Bài báo sau đó cũng bị xóa.
Đồng thời, “người có thẩm quyền của China Eastern Airlines” được các phương tiện truyền thông Trung Quốc dẫn lời nói rằng tin tức trực tuyến về việc kiểm soát chặt chẽ chi phí bảo trì là sai sự thật.
Weibo đã bắt đầu nhắm vào các tài khoản và nội dung “vi phạm” để phản ứng với vụ tai nạn của hãng hàng không China Eastern Airlines, đồng thời áp dụng lệnh cấm 30 ngày thành lệnh cấm vĩnh viễn. Kết quả tiếp theo có thể giống với vụ bà mẹ 8 con bị xích, và kết quả chính thức dù khó thuyết phục dư luận thì cũng không được phép thắc mắc. Hộp đen dù đã được tìm thấy, nhưng tác giả bài viết tin rằng các quan chức cũng sẽ che đậy nó.
Phản ứng nhanh hiếm thấy ở Trung Nam Hải và mức độ tham nhũng sâu rộng trong ngành hàng không
Về nguyên nhân vụ tai nạn, điều kinh hoàng nhất là phi công tự tử, tất nhiên chúng ta không muốn như vậy, nhưng ở Trung Quốc ngày nay, có rất nhiều kiểu trả thù xã hội, và nhiều vụ đổ máu đã xảy ra. Điều này là do chịu áp lực cao từ chính phủ kết hợp với tẩy não, nhiều người không thể giải quyết bất bình của họ và sẽ thực hiện các biện pháp cực đoan. Đây đã trở thành một hình thức độc nhất dưới sự cai trị của ĐCSTQ để gây tổn hại lẫn nhau.
Nhưng nếu đó là vấn đề của con người, nó thường liên quan đến tham nhũng trong ngành hàng không.
Theo truyền thông nhà nước ĐCSTQ, vụ tai nạn đã làm chấn động Trung Nam Hải, vào ngày xảy ra vụ án ngày 21/3, ông Tập Cận Bình đã ngay lập tức yêu cầu điều tra toàn diện nguyên nhân vụ tai nạn.
Phản ứng nhanh chóng của Trung Nam Hải lần này cũng khác thường. Hãng thông tấn AFP đưa tin rằng, lần này những người đứng đầu ĐCSTQ đã đưa ra phản ứng nhanh hiếm thấy và bất thường.
So sánh điều này với vụ nổ vào lúc 14 giờ chiều ngày 21/3/2019, tại nhà máy hóa chất Thiên Gia Nghi ở Hưởng Thuỷ, tỉnh Giang Tô. Ngày hôm sau, ngày 22/3, ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường chỉ đưa ra chỉ thị, nhấn mạnh nỗ lực cứu hộ toàn lực. Vào ngày 20/7/2021, một trận lũ lụt hiếm gặp đã xảy ra ở Hà Nam, và ông Tập Cận Bình đã ban hành chỉ thị vào ngày hôm sau (21/7), lúc ấy những người khác đã đến Lhasa (Lạp Tát), khu tự trị Tây Tạng.
Lần này, phản ứng nhanh chóng của Trung Nam Hải hẳn có liên quan đến tình huống nhạy cảm trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ.
Tập đoàn China Eastern Airlines, công ty liên quan đến vụ tai nạn, có trụ sở chính tại Thượng Hải và là một trong ba tập đoàn hàng không quốc doanh lớn của Trung Quốc.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, tính đến cuối năm 2020, China Eastern Airlines có đội bay hơn 730 máy bay, tuyên bố là có các máy bay kích thước lớn nhất trên Internet ở Trung Quốc đại lục với các mô hình kinh doanh và công nghệ hàng đầu. Hiện tại, China Eastern Airlines đã xây dựng mạng lưới trung tâm gồm “hai thành phố và bốn sân bay”, chủ yếu ở Thượng Hải và Bắc Kinh.
China Eastern Airlines đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tham nhũng hơn một thập niên trước. Từ khi vụ án tham nhũng của China Cargo Airlines bùng phát năm 2006 đến năm 2013, 12 giám đốc điều hành cấp cao của China Eastern Airlines đã bị sa thải, trong đó có hai phó tổng giám đốc là bà Ngô Cửu Hồng (Wu Jiuhong) và ông Đồng Quốc Chiếu (Tong Guozhao). Vào tháng 6 năm 2013, ông Trần Hải Cúc (Chen Haiju), cựu phó tổng giám đốc của China Eastern Airlines, người đã nghỉ hưu hơn hai năm, bị điều tra.
Đến tháng 10/2015, China Eastern Airlines bị trang web chính thức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương chỉ trích vì đoàn kiểm tra trung ương cho rằng ban lãnh đạo công ty có vấn đề về bổ nhiệm nhân sự bất thường và chuyển nhượng quyền lợi. Đoàn thanh tra cũng được cho là đã nhận được manh mối từ phản ánh của một số lãnh đạo.
Tuy nhiên, không có giám đốc điều hành nào của China Eastern Airlines sau đó bị sa thải do tham nhũng và không rõ có ai đứng sau họ hay không.
Vào tháng 4 năm ngoái, China Eastern Airlines dính bê bối hối lộ tình dục, trong đó nữ chính là cô Nghê Cao Bình (Ni Gaoping), Bí thư Đảng ủy kiêm tiếp viên hàng không được mệnh danh là “tiếp viên hàng không kiểu mẫu”. Cô từng là quản lý cấp cao của bộ phận tiếp viên của China Eastern Airlines. Có thông tin cho rằng, cô đã bị sếp xúi giục hối lộ tình dục một quan chức cấp cao hơn, và bằng chứng là ảnh chụp màn hình WeChat. Tuy nhiên, vài ngày sau, cảnh sát Thượng Hải nhanh chóng thông báo rằng vụ việc là bịa đặt, và “kẻ tung tin đồn” đã bị tạm giữ. Không có gì sau khi vụ việc xảy ra, và sự thật cuối cùng là gì vẫn còn là một bí ẩn.
Đánh giá từ các bài báo đặt câu hỏi về nguyên nhân vụ tai nạn của China Eastern Airlines, vẫn có một thế lực hùng mạnh đứng sau cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng của hãng.
>> Giang Trạch Dân biến con trai thành “Trung Quốc đệ nhất tham” như thế nào?
Ông chủ của China Eastern và Giang Miên Hằng ở hậu trường
Ông Lưu Thiệu Dũng (Liu Shaoyong), Chủ tịch China Eastern Airlines, sinh tháng 11 năm 1958 tại Hà Nam, tháng 12 năm 2000, ông trở thành Tổng giám đốc của China Eastern Airlines. Tháng 10 năm 2002, ông giữ chức Phó Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc. Vào tháng 8 năm 2004, ông giữ chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn China Southern Airlines. Vào tháng 11 năm 2004, ông kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch của Tập đoàn China Southern Airlines. Tháng 12 năm 2008, ông giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn China Eastern Airlines, Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn China Eastern Airlines, kiêm Chủ tịch Tập đoàn China Eastern Airlines. Tháng 12 năm 2016, ông giữ chức Chủ tịch Tập đoàn China Eastern Airlines, Bí thư Đảng Tập đoàn China Eastern Airlines.
Ông Tư Hiến Dân (Si Xianmin), nguyên Phó bí thư Đảng uỷ kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn China Southern Airlines và là Chủ tịch Công ty TNHH China Southern Airlines, đã bị điều tra vào tháng 11/2015 . Vào tháng 11 năm 2004, sau khi ông Lưu Thiệu Dũng trở thành chủ tịch của China Southern Airlines, ông đã đề bạt ông Tư Hiến Dân lên làm tổng giám đốc.
Ông Tư Hiến Dân từng dùng các tiếp viên hàng không xinh đẹp để kết bạn với ông Vạn Khánh Lương (Wan ingliang), một quan chức cấp cao của phe Giang Trạch Dân và là phó tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông.
Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải Liên Hoà (Shanghai Lianhe) do con trai cả của ông Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng) kiểm soát, không chỉ là một trong những cổ đông của China Eastern Airlines, mà còn là cổ đông chính của Công ty TNHH Shanghai Airlines. Vào ngày 6/6/2009, China Eastern Airlines đã áp dụng phương thức hoán đổi cổ phiếu để tiếp nhận và sáp nhập Công ty TNHH Shanghai Airlines (Công ty TNHH Shanghai Airlines mới được thành lập vào ngày 16/3/2010) và Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải Liên Hoà (Shanghai Lianhe) trở thành một trong những cổ đông của China Eastern Airlines.
Ngoài ra, các sân bay trung tâm chính của China Eastern Airlines bao gồm hai sân bay quốc tế lớn của Thượng Hải là sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải và sân bay quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải. Trong nhiều chức danh được công khai của ông Giang Miên Hằng, con trai ông Giang Trạch Dân, một trong số đó là thành viên hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sân bay Thượng Hải và các đơn vị khác.
Theo dòng tweet của bà Hà Thanh Liên (He Qinglian), một nhà kinh tế sống tại Hoa Kỳ, theo thông tin đáng tin cậy, trung tâm của mạng lưới lợi ích kinh doanh của ông Giang Miên Hằng là Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải Liên Hoà. Với công ty này, ông Giang đã trở thành người tiên phong cho các công ty cổ phần mới trên thị trường vốn của Trung Quốc.
Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải Liên Hoà là công ty đầu tư vào công nghệ, hàng không, viễn thông, tài chính và nhiều lĩnh vực khác như China Netcom, Microsoft, Shanghai Automobile, Shanghai Airlines, Shanghai Airport, Shanghai Bank, v.v.
Gia đình ông Giang Trạch Dân ở Thượng Hải được người ngoài gọi là gia đình tham nhũng nhất Trung Quốc. Vào thời điểm này, đằng sau sự tham nhũng của China Eastern Airlines, người ta đã thấy bóng dáng của ông Giang Miên Hằng.
Xem thêm:
Video: Phim Ngắn: Giang Trạch Dân và Cuộc Diệt Chủng Đẫm Máu
Theo The Epoch Times
Đăng theo ĐKN