Gần đây, hình ảnh tấm bảng ghi câu đối đầu năm có in QR code để “quét mã cúng dường” xuất hiện tại một ngôi chùa khiến cư dân mạng xôn xao.

Do dịch Covid-19 bùng phát, nhiều ứng dụng đặc biệt đã được sáng tạo nhằm phục vụ nhu cầu của mọi người, trong đó có “viếng Phật online”, và cả “quét mã QR” để làm công đức.

Hòm công đức “quét mã QR”

Trong ảnh là tấm biển được thiết kế khá chỉn chu, cập nhật luôn cả phần mã code của một ứng dụng tài chính kèm dòng chữ: “Năm mới, lễ chùa thêm công đức, cúng dường Tam Bảo tất bình an“.

Tấm hình gây xôn xao dân mạng. Ảnh: PLO.

Tờ Yan News bình luận hài hước: “Với chiếc hòm đặc biệt này, các Phật tử có lẽ chỉ cần ‘quẹt trái, lướt phải’ là có thể cúng dường, lại có luôn giấy chứng nhận công đức điện tử”. 

Nhưng có lẽ Việt Nam không phải là nơi đầu tiên và duy nhất áp dụng “cách mạng 4.0” vào các hoạt động tâm linh. Trong một bài báo xuất bản từ tháng 5/2019, tờ Tuổi Trẻ cho hay du khách đến Trung Quốc không khỏi ngạc nhiên khi đi vãn cảnh chùa thấy cúng dường, tương tác với Phật bằng điện thoại qua QR Code, hay thậm chí ăn xin nhận tiền bằng ví điện tử.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Có ý kiến cho rằng, sự xuất hiện của dịch vụ “viếng Phật online” hay “hòm công đức QR code” chỉ là sự phù hợp với nhịp sống và công nghệ hiện đại của nhà chùa, giúp hoạt động tâm linh trở nên thuận tiện hơn mà thôi. Bên cạnh đó, có người thì e ngại những dịch vụ này khiến việc đi chùa, cúng dường… mất đi tính trang nghiêm và ý nghĩa.

Dân mạng bình luận về chiếc “hòm công đức online” (Ảnh dẫn qua Yan News)

Tạm không bàn tới những ưu – nhược, lợi – hại của các ứng dụng công nghệ điện tử trên, chỉ xét mục đích tối căn bản của việc đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, bố thí là gì. Trong kinh điển “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân có một trích đoạn nổi tiếng như sau:

Phật ở Linh Sơn lọ phải cầu,
Linh Sơn tại tâm có xa nào.
Ai ai cũng có Linh Sơn tháp.
Chân tháp tu hành tốt biết bao!

Tam Tạng nói:

– Đồ đệ ơi, ta há không biết? Nếu cứ y theo bốn câu thơ ấy thì muôn kinh nghìn điển cũng chẳng bằng tu tâm à?

Hành Giả nói:

– Đúng rồi. Tâm lắng có mình riêng chiếu, tâm còn vạn cảnh đều trong, sơ suất lỡ lầm thành biếng nhác, nghìn đời muôn kiếp chẳng thành công, chỉ cần một tấm lòng thành, Lôi Âm ở ngay trước mặt…”

Đoạn trích đã nêu rõ một vấn đề: việc đi chùa trực tiếp hay qua mạng, cúng dường bằng hiện vật hay quẹt mã QR… chỉ là hình thức mà thôi, những điều đó không phải là cốt yếu. Điểm quan trọng là cái tâm của người đi chùa lễ Phật có ở trong Đạo, có kính ngưỡng Phật Pháp, chân thành hướng thiện hay không? Và cái tâm của người khoác áo tu hành có phải là chân tu, là buông bỏ tham sân si, danh lợi tình thật hay không?

Theo DKN