Máy bay chở hàng hóa sang hỗ trợ Vũ Hán (Trung Quốc) phòng chống dịch virus corona, sẽ được kết hợp để đưa những người Việt tại đây về nước.
Báo VnExpress đưa tin, tại cuộc họp Chính phủ chiều 4/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ khẩn trương chuyển hàng viện trợ của Việt Nam sang giúp người dân Vũ Hán chống dịch virus corona. Chuyến bay này sẽ kết hợp đón học sinh, sinh viên, phụ huynh người Việt Nam có nguyện vọng về nước.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế mua trang thiết bị, hàng hóa, khẩu trang, vật tư y tế cho việc viện trợ này.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly y tế với công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc và người Trung Quốc nhập cảnh để hạn chế lây lan. Các cơ quan phải chuẩn bị nơi ăn ở, sinh hoạt cho người dân tại nơi cách ly.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, trong số 302 sinh viên Việt Nam học ở Vũ Hán thì 281 người về ăn Tết; còn 21 người ở lại vùng dịch. Trong số sinh viên về nước, 7 người đã xét nghiệm; 3 người âm tính; 4 người chưa có kết quả.
Theo báo Tuổi trẻ, ngày 31/1, phía Việt Nam quyết định viện trợ bằng hàng hóa, vật dụng y tế trị giá khoảng 500.000 USD để đối mặt với dịch cúm virus corona lan rộng.
Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động viện trợ hàng hóa giá trị 100.000 USD. Bảy tỉnh biên giới phía Bắc cũng có các hình thức phù hợp hỗ trợ giúp đỡ cho nhân dân Trung Quốc, nhất là các tỉnh ven biên giới hai nước.
Người Việt ở Vũ Hán muốn về nước, nhưng sợ bị kỳ
Theo bản tin đăng ngày 1/2 trên báo Zing, giữa lúc nhiều nước sơ tán công dân khỏi Vũ Hán, một số lưu học sinh Việt ở đây cho biết cũng muốn được đưa về nước, trong khi số khác nói đó là những cân nhắc khó khăn.
“Theo dõi báo đài thấy số ca nhiễm ngày càng tăng lên, mình thấy hơi bất an”, Từ Phát Cường, 29 tuổi, từ Đại học Sư phạm Hoa Trung, nói với báo Zing từ Vũ Hán. “Nếu được về, mình cũng muốn về, được cách ly (tới khi) an toàn rồi ở lại bên đó (Việt Nam)”.
Trong khi một số khác cho rằng mong muốn về nước là dễ hiểu, nhưng đồng thời có những lo lắng riêng.
“Cũng có một số lưu học sinh nói là về thì người nhà sẽ yên tâm hơn”, Lê Thị Minh Đạo, lưu học sinh tại Học viện Thể thao Vũ Hán cho biết.
“Nhưng về cũng mang nỗi lo về cho xã hội. Một số lưu học sinh các nước, chính phủ kêu về mà họ không về… các bạn chọn phương án ở lại”, Đạo nói thêm, và cho biết muốn bảo vệ người thân. Chị mong mọi người cố gắng mạnh mẽ và bình tĩnh.
Một sinh viên khác ở Vũ Hán cũng đắn đo, nói nếu có sức khỏe tốt sẽ cân nhắc ở lại, tiếp tục việc học tập, vì về nước vẫn phải sang lại để học tiếp. Về nước có thể tạo thêm áp lực cho y tế trong nước và người thân xung quanh, dù không bị nhiễm bệnh.
“Cũng có một số người từ Vũ Hán về bị kỳ thị, mọi người nói ‘người này người kia ở Vũ Hán về kìa’. Nghe bảo về sẽ bị cách ly 14 ngày để theo dõi thì cái đó hoàn toàn đúng. Nều về mà lỡ may có bị sao thì lại tạo áp lực rất lớn cho y tế ở nhà và cho những người xung quanh”, người này nói thêm.