Theo một báo cáo đi kèm với thông báo của Tòa Bạch Ốc, lực lượng vừa thành lập có tên chính thức là “Lực lượng Đặc nhiệm Cảnh báo sớm Tội ác”. Đây là hành động cam kết mới nhất của chính phủ Mỹ nhằm buộc những thủ phạm tội ác diệt chủng và tội ác hàng loạt phải chịu trách nhiệm.
Các tội ác hàng loạt bao gồm những hành động như tội ác chiến tranh, tội ác chống lại nhân loại, tội diệt chủng, và thanh trừng sắc tộc, và có các dấu hiệu như bạo lực có sự cho phép của nhà nước hoặc bạo lực có sự dung dưỡng của nhà nước, xuất hiện xung đột vũ trang và bất ổn chính trị, theo bản báo cáo.
Bản báo cáo mà Tòa Bạch Ốc phát hành hôm 12/9 có tên ‘Báo cáo Phòng ngừa Diệt chủng và Tội ác Elie Wiesel’, được đặt theo tên của một người Do Thái Romani đã sống sót sau khi bị giam tại trại tập trung Auschwitz từ tuổi vị thành niên trong suốt Thế chiến II.
Bản báo cáo này tuyên bố: “Chính quyền Trump đã cam kết kiên trì ngăn chặn, giảm thiểu và phản ứng với các tội ác hàng loạt và đã thành lập cấu trúc liên ngành toàn Chính phủ để ủng hộ Cam kết này”. Báo cáo trích dẫn thêm một phát biểu của Tổng thống Trump đưa ra tại Bảo tàng Tưởng niệm Diệt chủng Do Thái tại Mỹ năm 2017: “Chúng tôi sẽ không bao giờ im lặng khi đối mặt với tà ác nữa… và chúng tôi cam kết: không bao giờ lặp lại”.
Báo cáo nêu trên được tiến hành chiếu theo Đạo luật Phòng chống Tội ác và Diệt chủng Elie W Diesel năm 2018, được Tổng thống Donald Trump ký thành luật vào ngày 14/1/2018. Đạo luật này yêu cầu cơ quan hành pháp Mỹ phải gửi báo cáo tổng thống cho Quốc hội trong vòng 180 ngày sau khi dự luật được thông qua và thực hiện báo cáo hàng năm trong vòng sáu năm tiếp theo.
Trong buổi họp báo công bố báo cáo, một quan chức cao cấp của chính quyền Trump không nêu tên cho hay: “Lực lượng đặc nhiệm sẽ cơ bản sử dụng chuyên môn kỹ thuật và bộ công cụ độc đáo dành cho liên ngành để hỗ trợ các quyết định chính sách khu vực của chúng ta và đảm bảo rằng chúng ta đang sử dụng các công cụ một cách hiệu quả và thích đáng nhất cho việc giảm thiểu tội ác hàng loạt.”
“Chính quyền Trump sẽ luôn tận tâm bảo vệ nhân quyền và truy cứu trách nhiệm những kẻ vi phạm,” vị quan chức nêu trên nói, lưu ý thêm rằng Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt chế tài lên 680 cá nhân và tổ chức liên quan tới lạm dụng nhân quyền.
Từ năm 2003, Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) đã trục xuất hơn 900 kẻ vi phạm nhân quyền hoặc bị tình nghi vi phạm nhân quyền khỏi nước Mỹ.
Vị quan chức chính quyền Trump nói rằng lực lượng đặc nhiệm sẽ tăng thêm nỗ lực này và “tiếp tục dấy lên các vi phạm nhân quyền thô bạo”. Theo vị quan chức này, một nước được coi là vi phạm nhân quyền thô bạo khi có hơn 1000 vụ tấn công hoặc hơn 500 người chết mỗi năm. Theo thông tin trong báo cáo, Chính phủ Mỹ sẽ tiến hành đánh giá hàng năm để xác định các nước có nguy cơ lạm dụng nhân quyền và cung cấp phân tích hàng quý về các nước nguy cơ cao nếu cần.
Báo cáo cũng đặc biệt lưu ý về cuộc điều tra các tội ác gần đây của lực lượng an ninh Myanmar.
Hơn 730.000 người Hồi giáo Rohingya tại Myanmar đã phải trốn chạy sang nước láng giềng Bangladesh từ khi bắt đầu cuộc thanh trừng hàng loạt vào tháng 8/2017, theo báo cáo của tổ chức Quan sát Nhân quyền. Vào ngày 16/7/2019, Chính phủ Mỹ đã liệt 4 lãnh đạo quân đội cấp cao của Myanmar vào danh sách những kẻ vi phạm nhân quyền và đã áp đặt chế tài di trú đối với những người này. Vị quan chức Mỹ giấu tên nêu trên cho biết các hạn chế thị thực sẽ là “một trong nhiều công cụ mà lực lượng đặc nhiệm sẽ sử dụng” để ngăn chặn lạm dụng nhân quyền.
Theo bản báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ thực hiện chương trình huấn luyện trực tuyến và trực tiếp về phòng ngừa tội ác trong năm tới. Chương trình huấn luyện này là bắt buộc đối với tất cả nhân viên ngoại giao Mỹ.
Xuân Thành (Theo The Epoch Times)