Sự chuyển sinh của các vị Lạt Ma Tây Tạng luôn là câu chuyện truyền kỳ cho hậu thế, và lần chuyển sinh của Lạt Ma Thubten Yeshe là một trong số đó.
Mặc dù đã tái sinh sang kiếp sống mới, nhưng các vị Lạt Ma vẫn có thể nhận ra bạn bè và những vật dụng quen thuộc của tiền kiếp như mõ, chuông. Không những vậy, ngay từ nhỏ họ đã có tâm từ bi và trí huệ phi thường. Khi được các tăng nhân kiểm tra và xác nhận, họ lại có thể hồi phục lại chức thượng tọa đã làm từ kiếp trước. Điều này không chỉ giới hạn ở khu vực Tây Tạng. Những bậc cao nhân này sinh ra vì lợi ích của chúng sinh, nên họ không chỉ giới hạn chuyển sinh vào Tây Tạng.
Bộ phim “Little Living Buddha” (Tiểu Hoạt Phật) của đạo diễn nổi tiếng thế giới Berto Lucci kể về cậu bé được tin là tái sinh của vị Lạt Ma trong tiền kiếp. Mặc dù những tình tiết trong đó có đôi chút hư cấu, nhưng bộ phim được lấy cảm hứng từ một sự kiện có thật.
Những năm 1960, một lượng lớn dân Hippy di cư tới Ấn Độ và Nepal. Một cao tăng Tây Tạng tên là Thubten Yeshe đã khai thị Phật Pháp cho họ, tạo ra làn sóng Phật giáo Tây Tạng hồng truyền vào phương Tây. Làn sóng phát triển tới ngày nay vẫn chưa dừng lại, đệ tử của ông đã tạo ra gần 100 trung tâm Phật Pháp, trung tâm thiền định, chùa, nhà xuất bản kinh Phật… tại hơn 20 quốc gia. Ngoài ra còn có chi nhánh ở Hồng Kông là Phật Học Hội Đại Thừa, và chi nhánh ở Đài Loan là Kinh Tục Pháp Lâm. Có hàng trăm tăng ni người Tây phương trong các nhóm này.
Lạt Ma Thubten Yeshe viên tịch ngày 3 tháng 3 năm 1984. Đến năm 1985, tại một gia đình bình dân ở Tây Ban Nha có cậu bé được sinh ra trong cơn mưa giông sấm sét. Khi cậu bé chào đời, mẹ cậu không hề cảm thấy đau đớn, và cậu bé cũng chưa bao giờ khóc. Một lần, người mẹ cả ngày bận rộn quên cho con bú sữa, cậu bé vẫn không hề làm ồn hay khóc lóc mà chỉ nhẫn nại kiên trì chờ đợi. Cậu bé không ham chơi đùa như các anh chị, chỉ thích trầm tư suy nghĩ một mình.
Một ngày nọ, mẹ đưa cậu tới thăm một trung tâm Phật Pháp, lúc ấy hành vi của cậu bé trở nên kỳ lạ khác thường. Dù là lần đầu tiên gặp mặt nhưng cậu bé lại tỏ ra gần gũi với người Tây Tạng, sau đó còn tự mình lấy pháp khí của các tăng nhân ra để chơi đùa. Đó là những vật dụng cậu chưa bao giờ tiếp xúc nhưng lại có thể sử dụng một cách thành thục.
Đệ tử đầu tiên của Lạt Ma Thubten Yeshe tên là Souba Rinpoche bắt đầu chú ý tới cậu bé. Ngay sau khi sư phụ viên tịch không lâu, Souba Rinpoche đã từng nhiều lần thỉnh mời những người có thần thông kiểm tra xem sư phụ sẽ chuyển sinh nơi nào. Nhiều dự ngôn đều chỉ ra rằng ngài sẽ chuyển sinh vào gia đình có tên Osel Hita Torres, cha tên là Bago, mẹ tên Maria. Hai cái tên rõ ràng không có dấu ấn hay hơi hướng Tây Tạng. Trong giấc mơ của mình, Souba Rinpoche từng nhiều lần nhìn thấy sư phụ biến thành một đứa trẻ người phương Tây sáng sủa. Khi nhìn thấy cậu bé, ông nhận ra ngay đây chính là đứa trẻ từng xuất hiện trong giấc mơ của mình. Ông lập tức cho mời cha mẹ cậu bé tới và hỏi tên của họ, quả nhiên người cha tên Bago, mẹ tên Maria.
Để xác minh cậu bé có phải là sư phụ chuyển sinh hay không, Rinpoche hỏi thăm chi tiết hơn về những sự việc khi cậu bé chào đời. Mẹ cậu kể rằng trước khi lâm bồn, có lần bà từng mơ thấy Lạt Ma Thubten Yeshe bế một đứa trẻ khỏe mạnh đáng yêu trao vào vòng tay bà. Nhiều năm trước bà cũng từng có cơ hội bái kiến Lạt Ma Thubten Yeshe.
Khi xem lại một số băng video cũ về cuộc gặp gỡ với Lạt Ma Thubten Yeshe, họ lại phát hiện một số điều kỳ lạ. Ví dụ ngài từng nói: “Tây Ban Nha, mảnh đất này rất tốt, ta muốn đến đây sống một thời gian!”. Ngài cũng từng nói với Bago: “Ta với ông có duyên phận rất đặc biệt, ta sẽ mãi mãi không quên ông, cho dù có chết đi cũng không thể quên”. Lại một lần khác, khi bà Maria mời Lạt Ma Thubten Yeshe tới nhà, ông đã sờ vào bụng của bà và vui vẻ tự nói với bản thân: “Đến, sẽ lại đến!”. Càng chú ý cậu bé, Rinpoche càng nhận thấy hành động cử chỉ của cậu rất giống với Lạt Ma Thubten Yeshe trước đây.
Khi nhìn thấy chân dung Thubten Yeshe, không cần ai dạy cậu bé cũng tự động quỳ xuống hành lễ nhiều lần và đôi mắt ngân ngấn lệ. Sau đó, thông qua nhiều lần kiểm chứng bằng các pháp khí cũng như đồ dùng cá nhân của Lạt Ma Thubten Yeshe thời tiền kiếp, cậu bé được chính thức công nhận là Đức Lạt Ma chuyển sinh và lấy tên Lama Tenzin Osel Rinpoche.
Sau khi cậu bé được các cao tăng Tây Tạng chính thức công nhận, nhiều đồ đệ người phương Tây của Lạt Ma Thubten Yeshe liền tỏ ra nghi ngờ. Sau đó tất cả mọi người đều bày tỏ: “Để tin vào luân hồi chuyển sinh, đối với người phương Tây chúng tôi là một cuộc đấu tranh nội tâm mạnh mẽ. Tận mắt chứng kiến một trường hợp luân hồi chuyển sinh, nói vị thầy người Tây Tạng của chúng tôi trở thành một đứa trẻ người Tây phương, quả là điều rất khó làm chúng tôi thực sự tin tưởng”. Sau đó, họ tìm cơ hội để tự bản thân khảo nghiệm cậu bé, trong đó có một người nước ngoài từng lái xe cho Lạt Ma Thubten Yeshe. Lạt Ma đã từng nhiều lần yêu cầu anh ta sửa chiếc biển số xe đã bị hỏng, nhưng anh đều không làm. Một lần nọ cậu bé có cơ hội gặp người tài xế này và chiếc xe của anh ta. Bằng giọng nói đầy trầm tư và lặng lẽ, cậu bé nói: “Cậu vẫn chưa sửa biển số xe à?”. Người tài xế ngạc nhiên đến mức không thể thốt nên lời, chỉ còn biết cúi đầu chắp tay và rơi lệ.
Trong suốt cuộc đời mình, Lạt Ma Thubten Yeshe luôn quyết tâm vén mở bức màn bí ẩn về Phật giáo, dùng Phật giáo và Phật Pháp để khắc phục những thách thức khoa học của phương Tây. Khi lâm bệnh nặng, ông đã cố ý chọn lựa tới một bệnh viện tiên tiến hiện đại nhất ở California và viên tịch tại đó để các phóng viên người phương Tây có thể chứng kiến sự qua đời của ông. Sau khi qua đời, việc ông chuyển sinh vào nhà của một người phương Tây liên tiếp phải đối mặt với sự săn đuổi của giới truyền thông. Cậu bé được coi là Đức Lạt Ma chuyển sinh đã có cơ hội tới thăm Hồng Kông hai lần, lần nào cũng được giới truyền thông nước này đưa tin. Câu chuyện luân hồi kỳ diệu ấy cũng là ý tưởng cho bộ phim “Little Living Buddha” sau này.
Trước khi Lạt Ma Thubten Yeshe chuyển sinh tới Tây Ban Nha, ở phương Tây cũng từng có một vài người được công nhận là các vị Lạt Ma chuyển sinh. Một trong số họ sinh ra trong gia đình hoàn toàn không có hiểu biết về tôn giáo phương Đông, từ nhỏ anh đã không thích nói chuyện cũng không thể hiện điều gì bất thường. Tuy nhiên, trong bữa tiệc sinh nhật tuổi trưởng thành, anh đã để lại một lá thứ cảm ơn công dưỡng dục của cha mẹ, sau đó anh tự tìm tới Ấn Độ và trở thành một tăng nhân. Tại đây anh được xác nhận thân phận kiếp trước là Lạt Ma. Trong những trường hợp chuyển sinh này cũng có người đến từ Brazil, Mỹ và Hồng Kông.
Những trường hợp luân hồi cũng có người là nữ giới chuyển sinh, bao gồm nữ chuyển sinh thành nam, nam chuyển sinh thành nữ… Trong các đệ tử phương Tây của Lạt Ma Thubten Yeshe có một đệ tử là hậu duệ của dòng dõi quý tộc Nga tên là Dina. Sau khi qua đời cô chuyển sinh thành một cậu bé người Pháp. Hiện tại cậu bé đang theo học và tu trong chùa của Tây Tạng.
Một trường hợp khác cũng vô cùng nổi tiếng là Jetsunma Ahkon Lhamo. Đây là phụ nữ Tây phương đầu tiên được công nhận là “Đạo sư hoá thân” hay “Tulku” của Phật Giáo Tây Tạng.
Bà Jetsunma sinh tại Brooklyn, New York, được kế thừa truyền thống Ý và Do Thái, lòng bi mẫn và khát khao chấm dứt nỗi khổ của bà đã được biểu lộ thật rõ ràng từ thủa thiếu thời. Mặc dù không có hiểu biết về tôn giáo từ khi còn nhỏ, nhưng bà lại thành lập trung tâm truyền dạy về tình yêu thương và đối nhân xử thế. Cuối năm 1985, ngài His Holiness Pedma Norbu (Penor) Rinpoche – hiện là Lãnh đạo Tối cao của phái Nyingma, dòng truyền thừa cổ xưa nhất của Phật giáo Tây Tạng, cũng là vị trí giữ ngai tòa của hệ thống tu viện Palyul rộng lớn – đến viếng thăm trung tâm của bà. Pedma Norbu đã tỉ mỉ hỏi bà rất nhiều điều, cuối cùng ông kết luận rằng bà đang giảng dạy những giáo huấn Đại Thừa thuần túy. Năm 1987, bà Jetsunma du hành tới tu viện của ngài His Holiness Penor Rinpoche ở Bylakuppe, Ấn Độ, ở đó ngài His Holiness Penor và His Holiness Dilgo Khyentse chính thức công nhận bà là hóa thân của Genyenma Ahkon Lhamo – một vị thánh Tây Tạng vào thế kỷ 17.
Theo Đại Kỷ Nguyên