Câu chuyện giữa tượng đồng và tượng gỗ khai mở bí mật nghìn năm

Câu chuyện giữa tượng đồng và tượng gỗ khai mở bí mật nghìn năm

Câu chuyện giữa tượng đồng và tượng gỗ khai mở bí mật nghìn năm

Câu chuyện giữa tượng đồng và tượng gỗ khai mở bí mật nghìn năm

Câu chuyện giữa tượng đồng và tượng gỗ khai mở bí mật nghìn năm
Câu chuyện giữa tượng đồng và tượng gỗ khai mở bí mật nghìn năm
Thứ bảy, 28-12-2024 16:26, (GMT+07:00)
Câu chuyện giữa tượng đồng và tượng gỗ khai mở bí mật nghìn năm
09-04-2020 09:34

Câu chuyện giữa tượng gỗ và tượng đồng hé lộ bao điều bí ẩn của đời sống tín ngưỡng và bài học cho con người thời hiện đại... (Ảnh tổng hợp)

Câu chuyện giữa tượng gỗ và tượng đồng hé lộ bao điều bí ẩn của đời sống tín ngưỡng và bài học cho con người thời hiện đại...

Một sớm mùa hạ, trong một ngôi chùa cổ ở ngoại vi thành phố, không gian thật tĩnh lặng, những giờ phút tĩnh lặng hiếm hoi ở một nơi hương khói ngập tràn. Mới đầu hạ mà nắng sớm đã chói chang, làm nổi bật cái vẻ cổ kính của tường vách rêu phong, mái ngói nâu sồng của ngôi chùa cổ. Nắng xuyên qua tán lá bồ đề, đu đưa từng mảnh trên cái sân gạch đỏ nơi có mấy chú tiểu đang quét lá, tiến gần đến điện thờ Phật khi mặt trời dần lên cao. Trên mái ngói, một đàn chim sẻ đang bay sà ríu rít.

Mới đầu hạ mà nắng sớm đã chói chang, làm nổi bật cái vẻ cổ kính của tường vách rêu phong, mái ngói nâu sồng của ngôi chùa cổ.
Mới đầu hạ mà nắng sớm đã chói chang, làm nổi bật cái vẻ cổ kính của tường vách rêu phong, mái ngói nâu sồng của ngôi chùa cổ. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Có tiếng lao xao từ ngoài cổng Tam quan của chùa, rồi một đám người khuân theo một bức tượng gỗ - trông có vẻ như làm từ gỗ mít, vào thẳng thượng điện và đặt bên cạnh bức tượng đồng đen to lớn ở bên cánh trái điện thờ. Bức tượng gỗ mít có vẻ như tạc hình Thiện tài đồng tử. Còn bức tượng đồng đen là hình Quán Thế Âm Bồ Tát đang ngồi trên đài sen.

Tượng gỗ mít mở to đôi mắt ra nhìn xung quanh. Điện thờ rộng rãi và ngăn nắp, thâm u. Chính điện là Ban thờ Tam Bảo đồ sộ. Còn phía bên cánh phải điện thờ, đối diện với nơi tượng gỗ mít đứng là ban thờ Quán Âm Tống tử. Cuối cùng, tượng gỗ mít đưa mắt nhìn sang bên cạnh mình, thấy bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đồng đen to lớn, trầm mặc màu thời gian cũng đang nhìn xuống chỗ nó.

- Dạ cháu chào cụ ạ. Tượng gỗ lễ phép.

- Chào cháu. Tượng đồng trầm trầm cất tiếng.

- Cháu mới đến, còn nhiều điều chưa biết, cháu mong được cụ từ bi chỉ giáo ạ.

- Ta biết. Cháu đến để thay bức tượng Thiện tài đồng tử cũ đã bị mọt. Cháu chưa được khai quang phải không?

Cùng lúc đó, tượng gỗ lắng nghe thấy có tiếng mối mọt kẽo kẹt trên xà nhà, cột nhà.

- Vâng ạ. Chắc họ không khai quang cho cháu đâu ạ.

- Vậy à. Tượng đồng khẽ thở dài. Thời của ta, mọi bức tượng đặt vào đây đều phải khai quang đấy.

Tượng đồng khẽ thở dài. Thời của ta, mọi bức tượng đặt vào đây đều phải khai quang đấy.
Tượng đồng khẽ thở dài. Thời của ta, mọi bức tượng đặt vào đây đều phải khai quang đấy. (Ảnh: Shutterstock)

Tượng gỗ thầm ngạc nhiên, tượng đồng có tâm sự gì mà thở dài nhỉ?

- Vậy cụ đã đứng ở đây từ bao lâu rồi ạ?

- Bao lâu à? Tượng đồng trầm ngâm như đang nhớ về dĩ vãng xa xôi. Sắp một nghìn năm rồi, từ khi ngôi chùa này mới được xây dựng.

- Ôi! lâu vậy rồi ạ? Thế trên thân của cụ có Pháp thân không ạ?

- Có, vì ta đã được khai quang lâu lắm rồi. Nhưng hiện nay Pháp thân của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm không thường xuyên ở đây nữa.

- Vì sao lại vậy ạ?

Tượng đồng lại trầm ngâm không nói. Tượng gỗ đếm được tiếng thở dài thứ hai của tượng đồng.

Tượng gỗ háo hức hỏi tiếp:

- Vậy chắc là cụ đã chứng kiến nhiều chuyện lắm ạ?

- Cũng không ít. Mà thôi, để từ từ ta sẽ giải thích cho cháu sau. Đã đến giờ người dân vào làm lễ rồi đấy. Hôm nay là ngày rằm, sẽ đông đúc lắm. Cháu cứ quan sát nhé. Tượng đồng trả lời.

Đã đến giờ người dân vào làm lễ rồi đấy. Hôm nay là ngày rằm, sẽ đông đúc lắm. Cháu cứ quan sát nhé.
Đã đến giờ người dân vào làm lễ rồi đấy. Hôm nay là ngày rằm, sẽ đông đúc lắm. Cháu cứ quan sát nhé. (Ảnh: Wikipedia)

Đã bắt đầu lác đác xuất hiện người đi lễ. Đầu tiên là một đàn tràng gồm các lão bà mặc áo nâu, họ tiến đến trước ban thờ Phật và ngồi xuống khoanh chân với vẻ thành kính. Trong tiếng mõ lốc cốc và tiếng đọc kinh ngân nga từ băng đĩa của nhà chùa, những Phật tử này chắp tay vái lia lịa, miệng lẩm bẩm cầu nguyện và cúi rạp người xuống nhiều lần. Họ đã quen thuộc lắm với những sinh hoạt nơi đây. Sau đó thì những người khách vãng lai đủ mọi lứa tuổi cũng bắt đầu ùn ùn kéo đến. Sân chùa bắt đầu đông đúc nhộn nhạo. Người ta đứng chật trong thượng điện, tràn ra cả ngoài sân. Một người đàn ông chừng 50 tuổi đeo kính đen đang oang oang truyền lệnh qua điện thoại thông minh cho đàn em bên ngoài sắp lễ hậu để mang vào chùa. Một đôi “nam thanh nữ tú” mặc quần trễ cạp, áo hở rốn, tóc nhuộm nửa vàng nửa đen đang tay trong tay âu yếm nhau ở sân chùa, chàng trai tiện tay ngắt một bông hoa trong vườn để tặng cô gái. Một người đàn ông khác thì đang ngồi bệt lên bệ xi măng với hai lon bia bên cạnh, miệng phì phèo thuốc lá, có vẻ hoàn toàn thỏa mãn trong cảnh chờ đợi người thân vào làm lễ. Có một cặp thanh niên khác cố len vào bên trong chính điện để cắm hương vào ban thờ nhưng không được. Chàng trai trổ tài phi hương vào bát bình hương ở đằng xa rồi cả hai khấn vái như bổ củi.

Trong đỉnh đồng đặt trước thượng điện, hương được cắm dày nghi ngút khói. Ở góc sân chùa, trong chiếc đỉnh bằng đá, hàng xấp lớn vàng mã cháy rừng rực, khói bốc mù mịt. Vẫn còn vô khối người xếp hàng chờ đến lượt mình hóa vàng.

Trong đỉnh đồng đặt trước thượng điện, hương được cắm dày nghi ngút khói.
Trong đỉnh đồng đặt trước thượng điện, hương được cắm dày nghi ngút khói. (Ảnh: bvi4092 - Flickr/CC BY 2.0)

Có những người cắm cả bó hương đỏ rực vào bát hương trên ban thờ. Rồi khi được yêu cầu bỏ bớt hương theo quy định, họ tỏ vẻ hết sức khó chịu.

Và tất cả thi nhau nhét tiền lẻ vào hòm công đức, thảy lên ban thờ, nhét vào hốc cây… hay bất cứ chỗ nào có thể nhét được ở trong chùa. Tiền lẻ rải từ trong ban thờ cho đến ngoài sân chùa, xen lẫn với rác rưởi sinh hoạt của người đi lễ, che gần kín lối đi, mặc cho những vãi già vừa đi quét dọn vừa ca thán.

Tượng gỗ trợn tròn mắt khi người ta nhét cả tiền lẻ vào tay của tượng đồng. Nó chưa kịp định thần thì hai tay nó lại cũng đầy chặt những đồng bạc lẻ, đồng sau dúi vào, đồng trước rụng xuống, lả tả.

Tượng gỗ la lên: “Không, tôi không nhận đâu. Tôi chỉ là một bức tượng, nhận tiền làm gì. Nhận rồi lại phải làm việc cho các vị à? Khôngggg…”

Nhưng nó làm sao từ chối cho được? Việc của tượng là phải đứng im mà.

Tượng gỗ đau khổ ngước mắt lên và đếm tiếng thở dài thứ ba của tượng đồng.

“Không, tôi không nhận đâu. Tôi chỉ là một bức tượng, nhận tiền làm gì. Nhận rồi lại phải làm việc cho các vị à? Khôngggg…”
“Không, tôi không nhận đâu. Tôi chỉ là một bức tượng, nhận tiền làm gì. Nhận rồi lại phải làm việc cho các vị à? Khôngggg…” (Ảnh: Shutterstock)

Nhưng lúc này đủ mọi âm thanh hỗn tạp vang bên tai khiến tượng gỗ không còn nghe thấy những tiếng thở dài tiếp theo của tượng đồng nữa. Trong mớ âm thanh lùng bùng đó, nó nghe thấy cả tiếng niệm kinh đều đều của đàn tràng; tiếng trẻ con khóc choe chóe ngoài sân chùa; tiếng rao mời chèo kéo eo sèo của kẻ bán đồ lễ, đổi tiền lẻ hay thậm chí bán vật phóng sinh; tiếng thanh niên trai gái cợt nhả lả lơi; tiếng nói chuyện oang oang qua điện thoại về đủ thứ chuyện trên đời; tiếng than vãn nhấm nhẳn của sư sãi; hình như có cả tiếng kêu hốt hoảng của một người bị mất cắp hay lừa đảo… xen lẫn với những lời cầu xin vang lên khắp trong điện ngoài sân, đại loại như là:

- Kính lạy Hộ pháp thiên thần chư thiện Bồ Tát, kính xin chư vị rủ lòng từ bi, phù hộ độ trì cho con, nguyện được mua một bán mười, tài lộc như nước, phúc thọ vô biên, hoạn lộ đại phát, đầu năm trưởng phòng cuối năm giám đốc. Nguyện xin chư vị, chấp kỳ lễ bạc tâm thành chứng minh, chứng giám cho con được tai qua nạn khỏi, điều lành đem đến, điều dữ đem đi, phát lộc phát tài, gia chung mạnh khoẻ, trên dưới thuận hoà an khang thịnh vượng…

- Con đặt lễ thế này mong được chư vị chứng giám, nếu được phù hộ như ý con xin sửa lễ tạ bằng năm bằng mười.

- Con cầu mong các vị phù hộ cho cả gia đình con chống dịch bình an. Nếu được phù hộ độ trì cho qua đợt này, con xin cúng tiến nhà chùa hai bức tượng Phật.

Đủ mọi âm thanh hỗn tạp vang lên xen lẫn với xen lẫn với những lời cầu xin vang lên khắp trong điện ngoài sân.
Đủ mọi âm thanh hỗn tạp xen lẫn với những lời cầu xin vang lên khắp trong điện ngoài sân. (Ảnh: Osan Air Base)

............

Tượng gỗ dần dần cảm thấy mắt hoa mày váng, nó bắt đầu không còn phân biệt rõ âm thanh nữa, nó choáng lên rồi ngất đi.

…..........

Khi tượng gỗ tỉnh lại, ngoài trời đã tối mịt, chỉ còn lác đác một vài người khách đến lễ muộn, họ vội vã làm các thủ tục rồi nhanh chóng ra về. Các sư tăng trong chùa đang đi thu nhặt tiền lẻ và tiền công đức rồi kiểm đếm và cất đi, một số khác quét dọn rác và vun thành một đống to tướng. Còn tượng đồng đâu rồi nhỉ? Nó nhìn lên, thấy tượng đồng đang nhìn xuống nó đầy vẻ thương xót.

Tượng gỗ thì thào yếu ớt: Chao ôi! Khủng khiếp quá, từ ngày thành tượng đến nay, cháu chưa từng gặp cảnh nào như ngày hôm nay. Ngày mai cũng thế này phải không cụ?

- Không phải ngày nào cũng thế, nhưng cũng không yên ả đâu cháu. Tượng đồng trả lời.

- Vậy ngày xưa có như thế này không hả cụ?

Tượng đồng có chút trầm mặc rồi nói:

- Kể từ lúc được đặt vào đây, đã chín trăm năm có lẻ rồi ta đứng trong cảnh yên bình. Thế rồi… sau đó cũng có những năm khói lạnh hương tàn, chùa hoang sư mất, nhân tình ấm lạnh. Nhưng chừng hơn hai chục năm trước đây, cảnh tượng ngày càng bát nháo nhếch nhác. Những năm gần đây thì… tượng đồng lại thở dài.

Đã chín trăm năm có lẻ rồi ta đứng trong cảnh yên bình, cũng có những năm khói lạnh hương tàn. Nhưng chừng hơn hai chục năm trước đây, cảnh tượng ngày càng bát nháo nhếch nhác
Đã chín trăm năm có lẻ rồi ta đứng trong cảnh yên bình, cũng có những năm khói lạnh hương tàn. Nhưng hơn hai chục năm trước đây, cảnh tượng ngày càng bát nháo nhếch nhác. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Tượng gỗ đã không còn đếm những tiếng thở dài của tượng đồng nữa.

Tượng đồng tiếp lời:

- Ngày xưa, người ta đi chùa khác lắm cháu ạ. Trang phục của họ kín đáo, thần thái trang nghiêm, thành kính, không nói to, không chen lấn xô đẩy. Mọi người đều nhường nhịn nhau. Con cháu thì lễ phép đi theo các bậc niên trưởng. Lễ vật cũng không cầu kỳ đâu, chỉ có lòng thành là chính. Chỉ có chút hương hoa, xôi oản… thành kính dâng lên bàn thờ Phật, hay chút tiền “giọt dầu” bỏ vào hòm công đức, hoặc tự tay trao cho các tăng ni một cách đầy trân trọng. Và họ cũng không cầu tài lộc, danh lợi một cách trơ trẽn và mù quáng như hiện nay.

- Ôi vậy hả cụ? Nếu không cầu xin thì họ lên chùa để làm gì ạ?

- Họ cũng có chút ước mong, nhưng là mong ước những điều tốt đẹp cho cái chung, cho cộng đồng. Họ cầu mong quốc thái dân an, gia phong vững bền, con cháu trong nhà biết sống có đạo lý và duy trì truyền thống đạo lý tốt đẹp của ông cha. Họ mong được đặt mình trong không khí từ bi của Phật môn để tâm hồn bình an, tâm trí sáng suốt, tĩnh tại… để tìm về với bản lai diện mục, với con người thật của mình. Cháu đã nghe thơ “Trẩy hội” của Vũ Hoàng Chương hay chưa:

“…Suối biếc chuyển lời kinh vọng khắp
Bụi hồng theo ngọn gió tung hê
Bỗng dưng tìm thấy con người thật
Của chính mình xưa, trót lạc đề…”

Người xưa đi chùa thần thái trang nghiêm, thành kính, rất mực tế nhị. Lễ vật cúng bái khá giản đơn, chủ yếu là lòng thành. Họ cũng cầu, nhưng rất ít người cầu mong tư lợi cá nhân.
Người xưa đi chùa thần thái trang nghiêm, thành kính, rất mực tế nhị. Lễ vật cúng bái khá giản đơn, chủ yếu là lòng thành. Họ cũng cầu, nhưng rất ít người cầu mong tư lợi cá nhân. (Ảnh: Shutterstock)

Tượng gỗ lặng im như để thấm cái không gian yên bình xưa cũ trong lời kể của tượng đồng. Rồi nó hỏi tiếp:

- Vì sao họ không mong cầu những lợi ích vật chất hả cụ?

- Vì họ hiểu được Đức Phật chỉ dạy con người ta con đường thoát khổ. Muốn thoát khổ thì phải trừ bỏ tâm tham, sân, si, những tâm chấp trước nhiều như mạng nhện níu kéo con người, những ham muốn thế tục, những dục vọng về danh, lợi, tình... Ngài có nói đại ý rằng: “Ta không ban phúc cho ai, cũng không gieo tai giáng họa cho ai. Hết thảy những gì các vị nhận được đều là do các vị tự tạo lấy”. Mọi việc đã có nhân quả rồi, muốn có “quả lành" thì phải  gieo "nhân thiện" bằng cách nghĩ tốt, sống tốt, làm nhiều việc thiện. Vậy mà còn lên xin Chư Phật những thứ lợi ích vật chất thì chẳng phải mù quáng lắm sao?

- Vâng, vậy là người xưa họ mong có một tinh thần vững chãi, một tấm lòng thiện lương, một trí tuệ sáng suốt nên họ mới lên chùa cầu Phật phải không ạ?

- Đúng vậy cháu ạ. Vì tôn chỉ pháp môn tu của Đức Phật Thích Ca đó là: Giới, Định, Huệ. Ta lấy ví dụ sáng nay cho cháu thấy nhé.

- Vâng ạ, tượng gỗ nhanh nhảu trả lời. Nó đã trở nên tỉnh táo và háo hức như lúc mới được đưa vào chùa sáng nay.

Mọi việc đã có nhân quả rồi, muốn có “quả” tốt thì phải nghĩ tốt, sống tốt, làm nhiều việc thiện để gieo “nhân” tốt. Vậy mà còn lên xin Chư Phật những thứ lợi ích vật chất thì chẳng phải mù quáng lắm sao?
Mọi việc đã có nhân quả, muốn “quả” tốt thì phải nghĩ - sống tốt, làm nhiều việc thiện để gieo “nhân” tốt. Lên xin Chư Phật những lợi ích vật chất thì chẳng phải mù quáng lắm ư? (Ảnh: Wikimedia Commons)

- Người ta dù có xuất gia hay không, khi đến với Phật thì trước hết phải Giới. Giới trong chùa có những điều rất cụ thể, nhưng nói rộng ra, Giới tức là phải tự ước thúc mình đoan chính từ suy nghĩ đến hành động. Ví như khi vào chùa thì tư thế, trang phục phải trang nghiêm, tác phong phải lễ độ thành kính, khiêm nhường, hòa ái; suy nghĩ phải lương thiện, chân thành... Cháu thấy có ai sáng nay làm được điều ấy không?

Tượng gỗ điểm lại những hình ảnh trong trí nhớ và “lắc đầu” theo kiểu của tượng.

- Khi đã Giới được rồi, thì mới có Định. Tức là tâm trí trầm tĩnh, không suy nghĩ lung tung, không bị ngoại cảnh dẫn dắt. Có Định rồi mới có trí huệ, tức Huệ - trí tuệ sáng suốt của nhà Phật đấy.

Ví như khi đứng trước tượng Phật thì hai tay chắp lại, giữ yên trước ngực, đừng vái như bổ củi khiến tâm sẽ vọng động, không Định được. Thân hình đứng thẳng, trang nghiêm, mắt ngước lên thành kính, đừng cúi gằm mặt xuống hay quỳ sụp hết lần này đến lần khác, hãy trân trọng Phật bằng cách làm theo lời Phật dạy chứ không phải bằng tư thế lạy lục. Thân thẳng, tay nghiêm, nhất tâm hướng Phật thì dần dần mới Định được, tức là tâm mới tĩnh. Tâm có tĩnh thì Huệ mới sinh, tức là trí mới sáng suốt, mới làm chủ được mình trước mê hoặc cám dỗ, mới ít sai lầm.

Đứng trước tượng Phật thì hai tay chắp lại, giữ yên trước ngực, đừng vái như bổ củi khiến tâm vọng động, không Định được. Tâm tĩnh thì Huệ sinh, trí sẽ sáng suốt, ít bị mê hoặc hay phạm phải sai lầm.
Đứng trước tượng Phật thì hai tay chắp lại, giữ yên trước ngực, đừng vái như bổ củi khiến tâm vọng động, không Định được. Tâm tĩnh thì Huệ sinh, trí sẽ sáng suốt, ít bị mê hoặc hay phạm phải sai lầm. (Ảnh: Shutterstock)

Tượng gỗ thầm nhớ đến tư thế của những Phật tử trong đàn tràng và những khách thập phương khác sáng nay. Nó bật cười.

- Vâng, cháu cảm ơn cụ đã giúp cháu phá mê. Nhưng sao cụ biết nhiều thế ạ?

Tượng đồng mỉm cười hòa ái trước câu hỏi ngây thơ của tượng gỗ.

- Ta đã đứng đây hàng bao thế kỷ, đã từng nghe rất nhiều thế hệ sư tăng đọc kinh Phật, đã từng chứng kiến biết bao nhiêu cao nhân dật sĩ bốn phương đàm đạo. Ta lại đã từng có Pháp thân của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm ngự trên thân mình. Cháu quên rồi hả?

- Vậy còn việc khấn vái cầu xin thì sao hả cụ? Có linh nghiệm không ạ?

- Cái đó là sự bất kính và u mê của con người, linh nghiệm làm sao được?

- Dạ, mong cụ khai thị ạ.

- Người xưa có câu nói: “Trên đầu ba thước có Thần linh”, tức là có rất nhiều Thần Phật ở quanh ta. Lại có câu rằng: “một niệm thiện ác sinh, cả Đất Trời đều biết”. Hoặc là: “Người nói thì thầm, Trời nghe như sấm” hay “Tâm xuất, quỷ thần tri”… con người nghĩ gì Thần Phật đều biết hết, vì sao cứ phải gào tướng lên? sợ rằng Thần Phật còn chưa biết mình tham lam bất chính hay sao? Chẳng mê thì là gì?

Con người nghĩ gì Thần Phật đều biết hết, vì sao cứ phải gào tướng lên? sợ rằng Thần Phật còn chưa biết mình tham lam bất chính hay sao? Chẳng mê thì là gì?
Con người nghĩ gì Thần Phật đều biết hết, vì sao cứ phải gào tướng lên? sợ rằng Thần Phật còn chưa biết mình tham lam bất chính hay sao? Chẳng mê thì là gì? (Ảnh: Seika - Flickr/CC BY 2.0)

- Dạ, vậy còn bất kính ạ?

- Họ xả chút bạc lẻ lên bàn thờ Phật, dúi tiền lẻ vào tay Phật; đổi lại Phật phải ban cho họ cái này cái nọ, toàn những thứ lợi ích to lớn cả, làm như Phật phải làm thuê cho họ không bằng. Lại còn ra giá cho Phật nữa chứ. Có phải bất kính không?

- Nhưng còn có những người cúng hậu lễ đấy chứ ạ?

- Cũng là tâm lý xin – cho, đổi chác của thời mạt này mà thôi. Họ nhân tình hóa chư Phật mất rồi. Họ nghĩ ai cũng tham lam và dễ bị mua chuộc.

- Nếu họ cầu Phật mà không linh nghiệm thì sao vẫn còn nhiều người cầu Phật thế hả cụ? Cháu nghĩ rằng họ chẳng chịu “lỗ vốn” đâu.

Tượng đồng lại thở dài lần nữa.

- Đó là lý do mà ta chưa trả lời cháu sáng nay đấy, về chuyện Pháp thân của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm đã không còn xuất hiện ở đây thường xuyên như trước nữa rồi. Ta muốn để cháu chứng kiến sự việc trước đã. Khi người ta đã đánh mất thiện niệm và tâm hồn cao thượng mà đi lễ chùa hoàn toàn chỉ vì mục đích cầu danh-lợi-tình ích kỷ, thì chẳng có Chư Phật nào chứng giám cho điều ấy cả, Pháp thân của Phật sẽ rời đi thôi, vì Phật tính của người ta đã bị che lấp mất rồi. Chỉ còn những linh thể cấp thấp chiếm cứ thân xác bức tượng ấy. Ai cầu xin danh-lợi-tình mà linh nghiệm thì hãy cứ cẩn thận, chẳng phải Phật cho đâu, mà chính là lũ linh thể kia đấy. Nhưng trên đời này có một cái lý: “Ai muốn được thì phải mất”, để đổi lại, chúng sẽ lấy những thứ quý giá trên thân, trên mệnh của họ trong lúc họ đang hí hửng nghĩ rằng mình cầu được ước thấy. Hậu quả không diễn ra ngay lập tức nên con người ta không liên hệ được với cái “nhân” của sự việc là chuyện cầu cúng bất chính. “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả” mà.

Ai cầu xin mà linh nghiệm thì cẩn thận, chẳng phải Phật cho đâu, mà là lũ linh thể chiếm cứ pho tượng kia cho đấy. Chúng sẽ lấy những thứ quý giá trên thân, trên mệnh của người đó như một sự trao đổi.
Ai cầu xin mà linh nghiệm thì cẩn thận, chẳng phải Phật cho đâu, mà là lũ linh thể chiếm cứ pho tượng kia cho đấy. Chúng sẽ lấy những thứ quý giá trên thân, trên mệnh của người đó như một sự trao đổi. (Ảnh: Wikimedia Commons)

- Vậy làm sao để tránh được điều ấy ạ?

- Chỉ có cách quay về với thiện niệm, buông bỏ hết tâm truy cầu vật dục, phủ nhận vai trò của ma quỷ, không muốn chúng, không cầu chúng thông qua các hình thức cầu cúng xin-cho này thì Phật tính mới phát lộ, lúc ấy mới được sự bảo hộ của Thần Phật. “Phật tại tâm” mà cháu. Trong tâm của con người dù sao vẫn còn chút Phật tính, phải khởi được nó lên thì mới có được bình an thực sự. Còn không thì…

- Nhưng sao cụ lại biết được chuyện ấy ạ?

- Lũ chim sẻ bay đi khắp nơi đã kể cho ta chuyện ấy. Vả lại trước đây tại ngôi chùa này đã từng có những bức tượng như vậy rồi. May mà sau đấy, vì lý do nào đó nên người ta đã chuyển chúng đi. Nhưng sắp tới thì không biết được, vì con người vẫn liên tục chiêu mời chúng.

Tượng đồng lo âu thở dài. Còn tượng gỗ cũng suy nghĩ miên man.

Đêm đã khuya, chỉ có tiếng mối gặm xà nhà vẫn kẽo kẹt, kẽo kẹt… hình như trong âm thanh xô bồ huyên náo của cuộc lễ ban ngày, người ta không nghe thấy tiếng mối đục nhưng chúng vẫn làm công việc phá hủy của mình không hề ngơi nghỉ… Tượng đồng bỗng như vùng ra khỏi cơn trầm mặc nặng nề và nói lớn:

- Nhưng ta tin vĩnh viễn tà không thể thắng được chính, vào thời khắc nguy nan, có nhiều người sẽ kịp thời tu tỉnh, thoát khỏi bến mê, cải ác hành thiện và họ sẽ được cứu thoát.

Tượng gỗ cũng bất giác nở một nụ cười đầy hy vọng. Ngoài trời, đêm đang chuyển dần về sáng.

Nguyên Phong - Theo NTDVN

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP